Phong trào cách mạng tư sản đầu thế kỷ XIX
Sau khi cuộc chiến tranh Napôlêông kết thúc, tình hình chính trị nói chung ở châu Âu bước vào thời kỳ phản động. Thế lực phong kiến phục hồi và ra sức củng cố lại địa vị đã phần nào bị lung lay do ảnh hưởng của cách mạng tư sản. Triều đại Buốcbông ở Pháp trở về, âm mưu lập lại chế độ phong kiến quân chủ (Thời kỳ Trung Hưng) nhưng không thể thực hiện được hoàn toàn. Cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa và chế độ ruộng đất đã ban bố dưới thời Giacôbanh vẫn được duy trì, quyền hành của vua Luy XVIII (tiếp sau là Sáclơ X) bị hạn chế. Ở các nước khác, thế lực phong kiến cũng tìm cách gạt bỏ những cải cách có tính chất tư sản, lập lại chế độ thống trị độc đoán. Tuy nhiên trong đà đi lên của lịch sử, phong trào cách mạng tư sản vẫn liên tiếp diễn ra trong những năm 20, 30 và 40 của thế kỷ XIX ở châu Âu và châu Mỹ la-tinh.
Từ đầu thế kỷ XIX, nhân dân Xécbi không ngừng đấu tranh chống ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Kara Joocgia (1752-1817) người đại diện cho giới tư sản buôn bán nông phẩm và có uy tín trong nhân dân, Xécbi trở thành một quốc gia độc lập sau 400 năm chịu ách thống trị của Thổ. Tháng 9-1805, cơ quan chính quyền đầu tiên là Hội đồng chính phủ Xécbi được thành lập. Năm 1813, lợi dụng tình thế khó khăn do cuộc chiến tranh Napôlêông gây nên, Thổ liền trở lại Xécbi. Từ đó, nhân dân Xécbi lại tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và buộc Thổ phải thừa nhận quyền tự trị vào tháng 8-1830. Xécbi trở thành một vương quốc tự trị và phải đến sau cuộc chiến tranh Nga-Thổ 1877-1878 thì nền độc lập của Xécbi mới được công nhận. Trong số các dân tộc trên bán đảo Ban Căng, Xécbi là dân tộc đầu tiên thoát khỏi xiềng xích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bạn đang xem: Phong trào cách mạng tư sản đầu thế kỷ XIX
Trong thời gian 1820-1823, cách mạng diễn ra ở Tây Ban Nha, đòi thực hiện hiến pháp 1812 là bản hiến pháp mang tính chất tư sản ra đời trong cuộc cách mạng lần thứ nhất (1808-1814). Tầng lớp tư sản tiến bộ, nông dân và bình dân thành thị là động lực của cuộc cách mạng. Đóng vai trò quan trọng là lực lượng quân đội. Đại tá Saphaen Riêgô là lãnh tụ dũng cảm của phong trào. Trước cao trào cách mạng, vua Phecđinăng VII phải thừa nhận hiến pháp 1812 và do đó một số cải cách tư sản được tiến hành. Nhưng đến tháng 11-1823, quân Pháp theo lệnh của Đồng minh thần thánh tiến vào đàn áp, Riêgô bị xử tử. Lãnh đạo phong trào là những phần tử quý tộc sĩ quan cao cấp, họ không muốn thực sự tiến hành cải cách dân chủ tư sản, không dám đi theo con đường cách mạng, không liên hệ với nhân dân và không có khả năng lãnh đạo quần chúng. Đồng thời thế lực phản động trong nước và sự can thiệp của Pháp đã dập tắt cuộc cách mạng.
Xem thêm : CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
Những sự kiện Tây Ban Nha đã kích thích phong trào cách mạng ở Ý. Dẫn đầu phong trào là “Hội Cácbônari” – một tổ chức bao gồm tư sản, quý tộc tự do và trí thức tiến bộ có chi nhánh ở hầu khắp nước Ý. Tháng 7 năm 1820, một trung đoàn ở Napôli đứng dậy khởi nghĩa đòi thực hiện hiến pháp tư sản. Cuộc khởi nghĩa lan tràn nhanh chóng và đến tháng 11821 ngọn lửa cách mạng nổ ra ở Piêmông. Nhưng Đồng minh thần thánh đã phái quân Áo sang can thiệp và dập tắt phong trào. Sự thiếu liên hệ với quần chúng, tính chất cô độc hẹp hòi là nguyên nhân chủ quan làm cho cuộc cách mạng yếu ớt, không thể đứng vững được.
Năm 1821 một cao trào cách mạng diễn ra ở Hy Lạp nhằm chống ách thống trị hơn 400 năm của Thổ Nhĩ Kỳ và mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Nhân dân Hy Lạp đấu tranh hết sức anh dũng cho nền độc lập của Tổ quốc. Đồng thời lợi dụng mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kĩ với các nước châu Âu, Hy Lạp trở thành một quốc gia độc lập (1830).
Năm 1825, bộ phận quý tộc và sĩ quan tiến bộ ở Nga tập hợp trong “Đảng Tháng chạp” tiến hành khởi nghĩa ở Pêtecbua và miền Nam nước Nga nhằm lật đổ chính thể chuyên chế, đòi xóa bỏ chế độ nông nô và thiết lập nền quân chủ lập hiến. Nhưng vì thiếu tổ chức chặt chẽ và thiếu liên hệ với quần chúng, phong trào chỉ thu hẹp trong phạm vi hoạt động bạo lực của một nhóm quân nhân nên bị chính phủ đàn áp ngay.
Năm 1830, một cuộc cách mạng tư sản lại bùng nổ ở Pháp nhằm lật đổ nền thống trị của triều đại Buôcbông. Thay thế vào đó là chính quyền quân chủ tháng Bảy do Luy Philip làm vua, đại diện cho lợi ích của bộ phận đại tư sản ngân hàng thuộc dòng quý tộc Ooclêăng. Đó chưa phải là chính phủ chung của giai cấp tư sản mà mới ở trong tay một nhóm nhỏ những nhà quý tộc tài chính. Cho nên mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản nói chung với bộ phận tư sản cầm quyền là điều không thể tránh khỏi và sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng mới.
Xem thêm : Khái quát hóa là gì? Cấu trúc năng lực khái quát hóa
Cuộc cách mạng năm 1830 ở Pháp có tiếng vang lớn ở châu Âu. Phong trào đấu tranh đòi độc lập và dân chủ bùng lên rất sôi nổi. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa dân tộc ở Ba Lan nhằm chống ách thống trị của nước Nga Sa hoàng được dư luận rộng rãi trên thế giới ủng hộ nhưng cuối cùng cũng bị thất bại.
Cùng năm 1830, một cuộc cách mạng tư sản đã diễn ra ở Bỉ. Nền thống trị của Hà Lan đối với Bỉ vừa là ách áp bức dân tộc, vừa là trở lực cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở đó. Cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Bỉ liên tiếp giành được thắng lợi, buộc chính phủ Hà Lan phải thừa nhận nền độc lập của Bỉ. Năm sau, các nước lớn ở châu Âu cũng xác nhận quyền độc lập và tuyên bố bảo đảm nền trung lập của Bỉ. Bản hiến pháp năm 1831 thiết lập chế độ quân chủ tư sản gồm hai viện với điều kiện chọn cử tri hết sức khắt khe, gạt ra ngoài đông đảo quần chúng lao động là những người quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng.
Cùng trong những năm 10 – 20 đầu thế kỷ XIX, phong trào chiến tranh giành độc lập đã dâng lên ở các nước châu Mỹ la tinh. Nhân dân các dân tộc châu Mỹ la-tinh liên tiếp đấu tranh chống ách thống trị Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh, dẫn đến việc thành lập một số quốc gia độc lập như Achentina, Mêhicô, Braxin, Côlômbia, Chilê. Các nước châu Âu và Đồng minh thần thánh âm mưu can thiệp đàn áp phong trào cách mạng nhưng không thực hiện được. Sau khi được giải phóng, các nước châu Mỹ la-tinh còn duy trì nhiều tàn tích phong kiến lạc hậu làm cho chủ nghĩa tư bản phát triển rất chậm chạp và trở thành miếng mồi ngon cho bọn xâm lược nước ngoài. Tư bản Bắc Mỹ đặc biệt quan tâm đến khu vực này. Để ngăn cản các nước ở châu Âu đặt chân vào vùng này và giữ độc quyền trong việc xâm lược ở đây, năm 1823, tổng thống Mỹ Mơnrô đưa ra cái gọi là “Học thuyết Mơnrô”. Nội dung chủ yếu được tóm tắt trong khẩu hiệu “châu Mỹ của người châu Mỹ”. Nhưng thực ra, theo đuổi chính sách xâm lược và bành trướng, giai cấp tư sản Mỹ âm mưu biến “châu Mỹ thành của nước Mỹ”. Thực tế hoạt động của đế quốc Mỹ ở khu vực này càng bộc lộ dã tâm đó.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức