Hội nghị Viên (1815) và Đồng minh thần thánh
Ngay từ trước khi tiến vào Pari, các nước chủ yếu tham gia cuộc chiến tranh chống Napôlêông đã triệu tập một hội nghị ngoại giao tại Viên (Áo) vào tháng 9-1814. 216 đại biểu của hầu hết các nước châu Âu đã đến dự, nhưng quyền quyết định thực tế trong tay Nga, Anh và Áo. Hội nghị Viên nhằm ba mục đích chính sau đây:
1/ Trấn áp phong trào đấu tranh dân tộc ở các nước châu Âu và khôi phục trật tự phong kiến ở những nước vừa bị Napôlêông chiếm đóng, phục hồi các triều đại cũ.
Bạn đang xem: Hội nghị Viên (1815) và Đồng minh thần thánh
2/ Củng cố chiến thắng vừa giành được, ngăn cản sự phục hưng của nước Pháp bằng cách mở rộng và kiện toàn các quốc gia bên cạnh Pháp, lập thành một lũy phòng thủ ở châu Âu.
3/ Chia nhau đất đai ở châu Âu và ở các thuộc địa nhằm thỏa mãn tham vọng của các nước lớn, không đếm xỉa đến quyền lợi của các dân tộc.
Xem thêm : Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Cuộc hội nghị kéo dài tháng này qua tháng khác vì sự tranh chấp quyền lợi giữa các nước chiến thắng. Giữa lúc đó Napôlêông dẫn một đạo quân từ đảo Enbơ trở về Pháp. Các nước tham gia hội nghị vội vàng tạm hoãn để hợp sức chống lại Napôlêông. Cuối cùng, trận Oatéclô (13-61815) đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của viên tướng độc tài này.
Ngày 9-6-1815, hiệp ước Viên được ký kết với nội dung chủ yếu sau đây:
1/ Pháp phải thu lại biên giới như hồi trước cách mạng, phải bồi thường 700 triệu phrăng chiến phí và phải để cho 15 vạn quân đồng minh chiếm đóng trong ba năm.
2/ Thiết lập một lũy phòng thủ chống Pháp ở châu Âu: sáp nhập miền sông Ranh và Vétxphalen vào Đức; sáp nhập Bỉ và Hà Lan thành vương quốc Hà Lan; công quốc Lúcxămbua cũng thuộc về vua Hà Lan; phục hồi nền trung lập của Thụy Sĩ, khôi phục vương quốc Xácđênha. Những quốc gia trên đều trở thành căn cứ quân sự chống Pháp.
Xem thêm : Dư luận xã hội là gì? Bản chất, chức năng, sự hình thành
3/ Phân chia châu Âu và thuộc địa giữa các nước chiến thắng, chia lại bản đồ châu Âu trên cơ sở tham vọng của các nước lớn, thiết lập chính quyền quý tộc phong kiến phản động với những triều đại già cỗi. Nhiều quốc gia vẫn nằm trong tình trạng bị chia sẻ, nhiều dân tộc vẫn chịu ách thống trị của các đế quốc phong kiến lớn.[12] Trong hội nghị Viên, các dân tộc bị mua đi bán lại, chia ra rồi lập lại, chỉ xuất phát từ chỗ đáp ứng được nhiều hơn những quyền lợi và những tham vọng của các nhà cầm quyền.
Để củng cố hiệp ước Viên và duy trì chế độ quân chủ chuyên chế phản động châu Âu, Nga hoàng Alêchxăngđrơ I đề xướng việc thiết lập “Đồng minh thần thánh” bao gồm các nước theo đạo Thiên chúa: thực chất là một liên minh gồm hầu hết các nước quân chủ phản động ở châu Âu nhằm chống phong trào cách mạng của quần chúng. Nước Anh không trực tiếp tham gia nhưng tỏ thái độ đồng tình với Nga hoàng.
Tháng 11-1815, Anh đề xướng việc thành lập “Đồng minh tứ cường” gồm Nga, Anh, Áo, Phổ với mục đích ngăn chặn triều đại Bônapactơ phục hồi trên đất Pháp và đàn áp các phong trào cách mạng của quần chúng.
Hai tổ chức trên đều mang tính chất chống Pháp, dưới sự điều khiển trực tiếp của bộ trưởng ngoại giao Áo là Méttecnich, thực chất là một tổ chức cảnh sát phản động ở châu Âu.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức