Sáng tạo là gì? Thành phần & Các cấp độ sáng tạo
Sáng tạo là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Không phải chỉ có những người làm nghệ thuật mới phải thường xuyên sáng tạo mà những người hoạt động trong các ngành nghề khác nhau cũng sử dụng nó trong công việc hằng ngày. Chúng ta có thể điều khiển suy nghĩ của bộ não bằng cách nắm bắt và luyện tập, đó là một cách giúp mình có những ý tưởng thật thú vị, giúp ích cho việc học tập, công việc và cuộc sống.
Nội Dung
1. Khái niệm về sáng tạo
Theo từ điển triết học, sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần, mới về chất. Các loại hình sáng tạo được xác định bởi đặc trưng nghề nghiệp như khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tổ chức, quân sự… Có thể nói sáng tạo có mặt trong mọi lĩnh vực của thế giới vật chất và tinh thần (Phan Dũng).
Cái chính yếu của sáng tạo là sự mới mẻ của nó, và bởi thế chúng ta không có tiêu chuẩn qua đó có thể xét đoán nó (Carl Roger).
Nhà tâm lý học Nga L.X. Vưgốtxki khẳng định: “Sự sáng tạo thật ra không phải chỉ có ở nơi nó tạo ra những tác phẩm lịch sử vĩ đại, mà ở khắp nơi nào con người tưởng tượng, phối hợp, biến đổi và tạo ra một cái gì mới, cho dù cái mới ấy nhỏ bé đến đâu đi nữa so với những sáng tạo của các thiên tài”. Trong đời sống hàng ngày, xoay quanh chúng ta, sáng tạo là một điều kiện cần thiết của sự tồn tại và tất cả cái gì vượt qua khuôn khổ cũ và chứa đựng dù chỉ một nét của cái mới, thì nguồn gốc của nó đều do quá trình sáng tạo của con người.
Sáng tạo còn có nghĩa là tạo ra giá trị mới, giá trị mới đó có ích hay có hại là tùy theo quan điểm người sử dụng và đối tượng nhận hiệu quả của việc sử dụng. Ở đây, ta luôn coi giá trị mới là có ích cho đối tượng nhận hiệu quả của việc sử dụng.
Theo GS.TS Phạm Thành Nghị, sáng tạo có thể được coi là quá trình tiến tới cái mới, là năng lực tạo ra cái mới, sáng tạo được đánh giá trên cơ sở sản phẩm mới, độc đáo và có giá trị.
Theo TS. Huỳnh Văn Sơn, sáng tạo gồm 3 thuộc tính cơ bản:
– Tính mới mẻ: Sáng tạo phải tạo ra cái gì đó mới mẻ, có thể là mới đối với cá nhân hoặc mới đối với xã hội.
– Tính độc lập – tự lập: Tính độc lập – tự lập tồn tại trong cả tư duy và hoạt động. Nó không phải là tính cá nhân hay sự đơn độc mà vẫn có thể có sự phối hợp của nhiều cá nhân dù rằng mỗi cá nhân vẫn giữ sự độc lập của chính mình trong sự phối hợp.
Ở đây, bất kì một cá nhân nào hay tổ chức nào – nhóm sáng tạo ra ý tưởng, khám phá ra ý tưởng cũng bắt đầu từ việc phải độc lập suy nghĩ và tác chiến. Nhờ vào tư duy độc lập thì sáng tạo lấy nó làm tiền đề để nảy sinh giải pháp mới.
– Tính có lợi: Sáng tạo phải tạo ra cái mới nhưng cái mới ấy phải đảm bảo tính hiện thực, phục vụ cho lợi ích của con người và xã hội.
Xem thêm : Cách thiết kế bảng câu hỏi khảo sát
Từ các quan điểm trên về sáng tạo, chúng tôi xin đưa ra cách hiểu về sáng tạo được sử dụng trong tài liệu này:
“Sáng tạo có thể được tiếp cận dưới góc độ quá trình hoạt động của con người, hoặc được tiếp cận dưới góc độ nhân cách. Sáng tạo được hiểu là tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, có giá trị. Cái mới, có giá trị được thể hiện trong ý tưởng, trong cách thức giải quyết vấn đề, trong sản phẩm ấy có thể diễn ra ở cấp độ cá nhân hoặc/và ở cấp độ xã hội, dựa trên sự độc lập trong tư duy và hoạt động của con người”.
Sáng tạo gắn liền với sự thay đổi, đưa ra cái mới (đổi mới), sáng chế, các ý tưởng mới, các phương án lựa chọn mới. Sự sáng tạo thuộc về năng lực ra quyết định, thuộc về sự kết hợp độc đáo hoặc liên tưởng, phát ra các ý tưởng đạt được kết quả mới và ích lợi. Mọi người có thể dùng tính sáng tạo của mình để đặt vấn đề một cách bao quát, phát triển các phương án lựa chọn, làm phong phú các khả năng và tưởng tượng các hậu quả có thể nảy sinh. Bạn làm được gì mới, khác và có ích lợi, đấy là sáng tạo. Sự sáng tạo nảy sinh ở mọi tầng lớp và mọi giai đoạn trong cuộc sống của chúng ta.
2. Các cấp độ sáng tạo
Sáng tạo có thể được biểu đạt ở các cấp độ khác nhau. Có thể chia sáng tạo thành 5 cấp độ sau:
– Sáng tạo biểu đạt: là sự thể hiện ra bên ngoài những mối quan hệ, liên tưởng trong cuộc sống thường ngày, trong những sản phẩm lao động. Sáng tạo ở cấp độ này thể hiện trong giao tiếp như sự biểu đạt ý tưởng một cách hóm hỉnh, trong cải biến các quan hệ lao động, trong cuộc sống, các chi tiết mới trong sản phẩm…
– Sáng chế: là việc tạo ra những vật dụng, dụng cụ mới chưa từng có trong tự nhiên và trong cuộc sống của con người dựa trên những kiến thức phát hiện được bằng con đường khoa học cũng như những kinh nghiệm thu nhận được trong cuộc sống.
– Phát minh: là sự phát hiện ra các quy luật của sự vật hiện tượng có sẵn trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Những quy luật này đang tác động, đang tồn tại nhưng con người, loài người chưa phát hiện ra trước đó.
– Sáng tạo ở mức cải biến: là những thay đổi mang lại do tạo ra được những chuyển hóa, những đột phá trong khoa học, công nghệ, những thay đổi trong xã hội nhờ những phát minh, sáng chế trong nhiều lĩnh vực hay những thay đổi trong cách nhìn nhận, cách xử lý tình huống một cách tổng thể có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công nghệ nhằm cải biến thực tiễn.
– Sáng tạo có thể tạo ra các lĩnh vực, ngành nghề mới.
3. Ba thành phần của sáng tạo
Nhà khoa học Teresa Amabile cho rằng sáng tạo bao gồm 3 thành phần: (1) Sự thông thạo kiến thức; (2) Những kỹ năng tư duy sáng tạo; (3) Động cơ.
Sự thông thạo kiến thức: Rõ ràng để tạo ra một phần mềm mới, các nhà lập trình phải am hiểu rất rõ về các kỹ thuật lập trình cũng như cách thức và quy trình để tạo ra phần mềm. Những nhà soạn nhạc thiên tài phải có kiến thức cực kì uyên bác về âm nhạc. Vì thế nếu chúng ta có càng nhiều kiến thức về một lĩnh vực nào đó thì khả năng sáng tạo của chúng ta ở lĩnh vực đó càng cao. Vì thế có một định nghĩa khác cho sự sáng tạo là “khả năng sắp xếp những thứ đã có sẵn theo một trật tự mới”. Những nguyên liệu cho sự sáng tạo là các kiến thức có sẵn và những kiến thức này là nền tảng cho lối tư duy của mỗi người. Kiến thức là nền tảng cho những ý tưởng mới. Tuy nhiên, kiến thức chỉ là điều kiện cần để sáng tạo chứ chưa phải là tất cả. Hầu hết chúng ta đã từng gặp những người có kiến thức sâu sắc nhưng vẫn chưa thể đưa ra một ý tưởng sáng tạo nào. Những kiến thức đó chỉ ở trong đầu họ bởi họ chưa bao giờ nghĩ về chúng theo một hướng mới. Như vậy, một điều quan trọng nữa để trở nên sáng tạo nằm ở những gì chúng ta làm với kiến thức của mình, nói cách khác, đó chính là những kỹ năng tư duy sáng tạo.
Xem thêm : Lịch sử Campuchia cận đại (Thế kỷ 19-20)
Những kỹ năng tư duy sáng tạo: được xem là cách con người tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt và giàu trí tưởng tượng như thế nào. Những giải pháp mà họ suy nghĩ có khả năng vượt ra những tư duy bình thường. Thuật ngữ này được mô tả là khả năng “suy nghĩ ra ngoài chiếc hộp (thinking out of box)”, tức là những suy nghĩ vượt ra những lề thói thông thường mà chúng ta gặp hàng ngày.
Động cơ được hiểu là các yếu tố thôi thúc cá nhân tìm ra những giải pháp sáng tạo. Nó quy định phương hướng, mục đích, cường độ của hoạt động, thể hiện ở tinh thần say mê, tính tích cực hoạt động được tạo ra chủ yếu nhờ hứng thú, sự thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh ý tưởng mới, phức tạp và thách thức bằng chính hoạt động sáng tạo.
Người Việt có câu “cái khó ló cái khôn”. Câu này mang ý nghĩa là khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta mới có động cơ tìm ra những ý tưởng để giải quyết những vấn đề của mình. Động cơ có thể mang tính hướng nội hay hướng ngoại. Các yếu tố bên ngoài cá nhân như sự thúc đẩy của môi trường, các phần thưởng hay các hình phạt chế tài là các yếu tố có thể thúc đẩy cá nhân phát huy khả năng sáng tạo của mình. Tuy nhiên, những nghiên cứu cũng chỉ ra những động cơ bên trong như niềm đam mê nội tại về lĩnh vực nào đó thì có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự sáng tạo. Điều này được chứng minh bởi Daniel Pink trong cuốn sách Động lực 3.0. Con người tiến hóa từ Động lực 1.0 là động cơ sinh tồn lên động lực 2.0 là “cây gậy và củ cà rốt” – tức là động lực bên ngoài, và nay là động lực 3.0 – động lực nội tại bên trong mỗi người. Ở thế kỷ 21, công việc ngày càng đòi hỏi sáng tạo nên các công ty phải tạo cho người lao động tinh thần đam mê công việc mình đang làm.
Những phân tích trên đây cho chúng ta thấy có thể học được sự sáng tạo từ việc phát triển ba yếu tố: kiến thức, các kỹ năng tư duy sáng tạo và động lực.
Thứ nhất, chúng ta hiểu được để sáng tạo trong lĩnh vực gì thì trước hết phải am hiểu những kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đó. Cuối cùng, cái mà sáng tạo hướng đến là có thể vận dụng kiến thức nhân loại để phục vụ cuộc sống một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hiểu được nền tảng khoa học hiện tại thì chúng ta mới có thể đưa ra sáng kiến được.
Thứ 2, chúng ta cần rèn luyện các kỹ năng tư duy sáng tạo để có cách tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt, mềm dẻo và giàu trí tưởng tượng.
Thứ 3, chúng ta cần tự tạo động cơ, nhất là động cơ bên trong, và được tạo động cơ để thúc đẩy sự sáng tạo trong môi trường học tập cũng như môi trường làm việc.
4. Đặc điểm của người sáng tạo
Được đúc kết từ những nghiên cứu về sự sáng tạo, những người sáng tạo có những đặc trưng giống nhau, thay vì giải quyết các vấn đề, họ đam mê và nhạy cảm, và trên hết họ sẵn sàng tiếp cận với những trải nghiệm mới, tự do thoải mái và tò mò… Những đặc điểm này có thể tìm thấy ngay từ những người nông dân không được đào tạo bài bản từ trường lớp nhưng có nhiều sáng chế thiết thực ứng dụng trong cuộc sống đến các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể. Những đặc điểm tính cách là yếu tố quyết định nhiều về tiềm năng sáng tạo hơn là chỉ số IQ, kết quả học tập.
Dưới đây là một số đặc điểm tiêu biểu của những người sáng tạo:
- Khát khao những trải nghiệm mới, phức tạp và tìm kiếm sự đa dạng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống.
- Kiến thức uyên bác là cần thiết để nhận thấy những cơ hội mới hoặc giải thích các sự kiện như những cơ hội đầy hứa hẹn. Trái ngược với niềm tin phổ biến, hầu hết những người sáng tạo thành công không phải là thiên tài bỏ học, mà là các chuyên gia được đào tạo trong lĩnh vực của họ. Hoặc dù không được đào tạo bài bản ở trường lớp thì sự tìm tòi, khám phá, tự học cũng giúp họ có những kiến thức vững chắc, phong phú trong lĩnh vực của mình.
- Chủ động và mức độ kiên trì cao, điều này cho phép họ khai thác các cơ hội mà họ xác định. Trên tất cả, họ – những nhà sáng tạo hiệu quả – có định hướng cao và tràn đầy năng lượng so với người khác.
- Nhạy cảm trong việc nhận thức khó khăn, những gì đã biết và chưa biết.
- Nhận ra những tiềm năng: Những người bình thường – những người không tin rằng mình có thể sáng tạo, những người hay e ngại hoặc kháng cự lại tính sáng tạo hay những suy nghĩ sáng tạo thường thích làm việc trong những giới hạn với những khả năng hạn chế hơn. Những người sáng tạo thường thích quan sát nhiều hay thậm chí là những khả năng vô hạn trong đa số các tình huống hay các thử thách.
5. Các công cụ sáng tạo
- Brainstorming (công não)
- SCAMPER
- Sơ đồ tư duy
- “6 chiếc mũ tư duy”
Xem thêm: Những cách thức giúp cá nhân sáng tạo hơn
“Tôi không thông minh hơn người thường nào. Tôi đơn giản chỉ tò mò hơn một người trung bình, và tôi không bỏ cuộc trước một vấn đề cho đến khi tôi tìm được giải đáp. Ông có thể xem tôi là kiên nhẫn hơn những người trung bình trong việc theo đuổi các bài toán. Không phải thông minh hơn là quan trọng mà là tò mò hơn và có lẽ kiên nhẫn hơn trong vấn đề tìm giải đáp cho một bài toán. Tôi không có một sức mạnh tư duy đặc biệt mạnh (“cơ bắp não”) nào, dù chỉ trong mức độ khiêm tốn. Nhiều người có thứ đó nhiều hơn nhiều mà không mang lại một cái gì đáng để ngạc nhiên”. Albert Einstein.
Tài liệu tham khảo: Kỹ năng tư duy sáng tạo, Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng, Trường Đại học Tài chính Marketing.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức