Phạm Tuấn Tài (Việt Nam Quốc Dân Đảng) – Từ chủ nghĩa Tam dân đến chủ nghĩa Mác

0

Phạm Tuấn Tài là ai?- Từ chủ nghĩa Tam dân đến chủ nghĩa Mác.

Vào cuối năm 1925 tại Hà Nội, trong căn nhà số 6 đường 96 khu Nam Đồng (nay là đường Trúc Bạch) có một nhóm trí thức trẻ thường lui tới bàn chuyện chính trị – gọi là nhóm Nam Đồng Thư Xã. Đó là Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống, Phạm Tuấn Lâm… Họ chuyên sáng tác, dịch thuật những tác phẩm như Cách mạng Trung Hoa, Lịch sử Tôn Dật Tiên, Chủ nghĩa Tam Dân v.v…in trên giấy xấu, bán giá bình dân để tuyên truyền trong công chúng. Việc làm này gây được tình cảm trong thanh niên. Lui tới Nam Đồng Thư Xã sau này còn có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch, Lưu Văn Phùng… và nhiều sinh viên khác.

Phạm Tuấn Tài (1902-1937)

Phạm Tuấn Tài (1902-1937)

Không khí chính trị bấy giờ đang sôi động trong cả nước. Năm 1925, cụ Phan Châu Trinh về nước hăng hái đi diễn thuyết, hô hào quốc dân khắp nơi. Cuộc vận động đòi thả cụ Phan Bội Châu lan rộng từ Bắc vào Nam cũng như các bài diễn thuyết của cụ Phan Châu Trinh tuyên truyền từ Nam ra Bắc. Trước đó, năm 1924, chàng thanh niên Phạm Hồng Thái ném bom giết hụt Toàn quyền Merlin ở Sa Diện (Quảng Châu) đã đánh thức cơn mê ngủ của đồng bào. Trong lúc này vua bù nhìn Khải Định ở Trung Kỳ lo tăng thuế để làm lễ “Tứ tuần đại khánh” và chuẩn bị đón con là Bảo Đại từ Pháp về. Báo chí tiến bộ ở Nam Kỳ rộ lên những bài viết vạch tội Khải Định và dịch đăng bức thư Bảy tội đáng chém của cụ Phan Châu Trinh gửi cho Khải Định, hồi y sang Pháp. Những tờ báo in bài này dù cấm lưu hành, nhưng vẫn dội ảnh hưởng ra Bắc. Trong không khí chính trị sôi động chung của cả nước, những trí thức trong nhóm Nam Đồng Thư Xã quyết định thành lập Đảng “Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng”. Nhìn chung là họ theo quan điểm của chủ nghĩa Tam dân mà Tôn Dật Tiên khởi xướng dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc, dân quyền, dân sinh; đường lối chính trị tuân theo “ngũ quyền hiến pháp” như tư pháp, lập pháp, hành pháp… Muốn làm được những điều này thì trước hết dùng vũ lực thống nhất lãnh thổ – đặt cơ sở cho chế độ mới; Quốc Dân Đảng là tổ chức huấn luyện chính trị và lãnh đạo nhân dân tiêu diệt các lực lượng phản động. Cuối cùng, nhân dân bầu cử và soạn thảo hiến pháp… Có thể ghi nhận đây là cuộc cách mạng tư sản không triệt để vì không thủ tiêu chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến, không chia ruộng đất cho dân cày v.v… Ngày 25/12/1925 tại làng Thể Giao (Hà Nội) những trí thức trẻ nồng nàn tinh thần yêu nước đã thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Có thể xem Nam Đồng Thư Xã -mà đứng đầu là Phạm Tuấn Tài- là hạt nhân đầu tiên của Đảng này.

Anh sinh năm 1902 tại Nam Định, là con trai thứ ba của nhà nho Phạm Tuấn Phú. Mồ côi cha từ năm lên ba, Phạm Tuấn Tài ở với mẹ và học giỏi nhất trong làng. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, anh được bổ đi dạy học ở Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội. Cũng như rất nhiều thanh niên thời bấy giờ, anh rất quan tâm đến tình hình chính trị và tìm đọc những sách báo tiến bộ. Những bài thơ đầu tiên của anh đều ít nhiều nói đến chí khí của mình. Chẳng hạn bài Phải tự cường, anh viết:

Trông người lại ngẫm đến ta
Nín đi dứt ruột nói ra nghẹn lời
Than ôi! Cũng một kiếp người
Tủi thân trâu ngựa thiệt đời thông minh
Trâu cày ngựa cỡi
Cũng thông minh tai mắt một phường
Người mắc ách, kẻ giong cương, kỳ quái chửa?
Thà rằng thể phách như trâu ngựa
Khổ nổi tâm hồn khác cỏ cây
Nhìn giang san khi quắc mắt, lúc cau mày
Tưởng nông nổi đắng cay lòng tráng sĩ
Nước đời cay đắng bao nhiêu vị
Giống ươn hèn càng nghĩ lại càng thương
Bảo nhau ta phải tự cường

Trong hồi ký của vợ Phạm Tuấn Tài là Đặng Thị Nhâm có kể lại những tháng ngày sau khi thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng: “Được một năm thì thực dân đánh hơi thấy. Nhiều anh chị em bị bắt. Chồng tôi phải đổi lên Tuyên Quang. Chúng tôi ở đó được ba năm. Chỗ chúng tôi ở, lại trở thành nơi hội họp của đảng. Anh chị em mỗi lần đến họp xong lại phân tán mỗi người một ngả. Nhưng rồi có kẻ phản bội, nó xưng ra hết với địch, nên chồng tôi và nhiều anh em bị bắt và bị đưa vể nhà pha Hỏa Lò. Chồng tôi bị tra trấn, chết đi sống lại mấy lần, vẫn không hề xưng ra một ai. Được sáu tháng, chính quyền thực dân lập Hội đồng Đề hình xét xử. Thằng Bê-rít làm chủ tịch hội đồng, nó kết án chồng tôi tội nặng nhất: 15 năm cấm cố. Mấy tháng sau, chồng tôi bị đày ra Côn Đảo” (Tạp chí Xưa-Nay số tháng1/1998). Trong thời gian ở hòn đảo “địa ngục trần gian”, Phạm Tuấn Tài nhiều lần cùng đồng chí của mình tổ chức đóng bè vượt ngục nhưng không thành công. Những lần bị bắt lại, là chủ mưu nên ông bị cai ngục tra tấn nặng nề nhất, nhưng ông vẫn giữ được phẩm chất kiên cường bất khuất của một người cách mạng chân chính.

Mặc dầu cùng bị đế quốc giam cầm, nhưng các đảng phái thường tổ chức tranh luận về mục tiêu của đảng của mình. Dữ dội nhất vẫn là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong hồi ký của một nhân chứng, Trần Huy Liệu có kể lại: “Cuộc xung đột chẳng những diễn ra ở dưới bóng dừa, trong vườn chuối của những buổi đi làm “cỏ-vê” ở dưới bãi cát, mỏm Bồ Đề, dưới rặng cây vọng cách của những buổi chiều dạo mát; mà còn cả ở các cuộc hội nghị, các kịch bản đem diễn, các bài hát phổ biến và sau hết là trên báo chí. Lúc ấy ngoài tờ Hòn Cau tuần báo viết bằng tay của cơ quan thông tin tức, nói vui ra, chúng tôi còn có hai tạp chí Tiếng sóng bể Bàn góp là những diễn đàn lý luận. Bài “Phản đối thuần túy quốc gia chủ nghĩa và phiếm luận thế giới chủ nghĩa” của tôi bấy giờ đã trở thành tiêu điểm tranh luận. Thực ra tôi không gặp những đối thủ trên giấy mực, nhưng bị uy hiếp rất nhiều bằng thái độ khiêu khích, bằng vũ lực. Tối hôm 9/2/1931 trong lễ kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, khi giải thích chủ trương và màu cờ nửa đỏ, nửa vàng, tôi đã “thắng trận” trên diễn đàn giữa tiếng vỗ tay vang dội; trong đó có cả mấy người thuộc phe đối lập. Nhưng mấy hôm sau một cuộc chất vấn có âm mưu từ trước đã xẩy ra. Tại trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng trên đảo Hòn Cau, tôi đương giải thích về quan niệm của mình trước và sau khi vào đảng thì chiếc đèn bỗng tắt phụt, rồi những khúc gỗ, thanh củi từ bốn phía lao vào như bão táp hòa lẫn tiếng hò hét om sòm. Diễn đàn tranh luận phút chốc trở nên một trường loạn đả. Đêm hôm ấy và những đêm sau tôi và anh Nguyễn Phương Thảo phải thay phiên nhau kẻ thức, người ngủ để bảo vệ lẫn nhau đề phòng một cuộc mưu sát bất ngờ” (Hồi ký Trần Huy Liệu – NXB Khoa học Xã hội 1991, trang 157). Nhưng sau đó, Nguyễn Phương Thảo (tức trung tướng Nguyễn Bình sau này) vẫn bị một “đồng chí” của mình đâm thủng mắt, và nhiều người khác bị giết trong tù vì tuyên bố ly khai Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trần Huy Liệu viết tiếp: “Tình thế mỗi lúc một thêm gay go, người ta hồi hộp chờ đợi một biến cố có thể xẩy ra. Anh Phạm Tuấn Tài – một sáng lập viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng – và là người lúc ấy được anh em tín nhiệm hơn cả buộc phải đứng ra giải quyết cuộc xung đột này, hay ít ra cũng phải tìm cách thỏa hiệp tạm thời. Do đó một trong những câu hỏi được viết ra truyền đi khắp mọi người có đảng tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng là: “có công nhận chủ trương của Đảng đã vạch ra trong bản điều lệ lần thứ nhất là trước làm cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng thế giới không?”. Cố nhiên ai cũng trả lời là có. Sau đó, một ban giải thích chủ nghĩa đảng, căn cứ vào câu trên được cử ra gồm 6 người: Phạm Tuấn Tài, Lê Văn Phúc, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Viễn, Trần Huy Liệu, Nhượng Tống. Không khí gay go trở nên hòa hoãn dần”(SĐD trang 158). Trong những ngày này, Phạm Tuấn Tài có sự chuyển biến quan trọng trong tư tưởng – theo hồi ký Trần Huy Liệu thì: “Sau này Phạm Tuấn Tài đã trao lại “một bức thư mà anh đã dồn hết sức lực cuối cùng để viết trên giường bệnh. Trong thư đại ý nói rõ quan điểm của mình và kêu gọi các đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, nếu ai còn thực tâm yêu nước, trung thành với cách mạng, hãy dẹp bỏ tư ý, tiểu khí và tư tưởng đảng phái hẹp hòi, đứng dưới cờ Mác-Lênin mà phấn đấu giải phóng dân tộc và tiến lên thế giới đại đồng. Cách mạng trên hết”.

Trong tù, bị tra tấn khủng khiếp nên Phạm Tuấn Tài bị bệnh lao. Biết mình khó sống nổi, ông viết lá thư tha thiết đề nghị vợ chấm dứt quan hệ với mình để đi lấy chồng khác. Mãi đến năm 1936, nhân phong trào Bình dân ở Pháp thắng lợi, chớp thời cơ này các đảng phái trong nước yêu cầu chính quyền phải thả tự do cho tù chính trị. Nhờ các cuộc vận động sôi nổi này mà Phạm Tuấn Tài được thả tự do. Về đất liền anh phải điều trị bệnh lao ở nhà thương René Ronin (nay là bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội). Một tài liệu quý mà chúng tôi tìm được là trên Hà Nội báo số 47, ra ngày 25/11/1936 có in bài của nhà báo Hải Khách viết về chuyến đi thăm Phạm Tuấn Tài mà trong lời giới thiệu tòa soạn có viết: “Những sự thay đổi chính kiến là điều rất thường thấy, ta không nên dựa vào đó để bảo rằng chủ nghĩa này hay, hợp thời hay không hợp thời. Ông Tài có phải là thánh đâu mà không lầm được? Nhưng sở dĩ chúng tôi đăng bài này, là đứng trước một người sắp chết – nhất là người ấy đã trọn đời hy sinh cho nòi giống, cho một sự nghiệp chung- chúng tôi chỉ biết nghiêng mình mà cảm ơn người ấy thôi”. Bài báo của Hải Khách viết:

“Trong một phòng chứa những người bệnh ho lao vào hạng nặng, trên chiếc giường bệnh một người nằm đét xuống: da trắng bệch, tay chân như cái que, chỉ còn trơ lại đầu gối và khuỷu tay là những bộ phận mà vi trùng ho lao không thể làm tan đi được. Ai có ngờ đâu cái con người chiến đấu ấy đã không chết ở đoạn đầu đài khi bôn tẩu việc đảng, lại không chôn mình vào trong bụng cá lúc lênh đênh ngoài bể khơi (khi bị đày ở Hòn Cau, anh cùng đồng chí đóng bè trốn đi, nhưng bị bắt lại) mà ngày nay chịu hiến thân cho vi trùng Kock đào hết thịt, khoét hết xương để chờ ngày chết.

Trông thấy chúng tôi, anh chào bằng mắt và bằng một nụ cười, có lẽ anh cũng có cái cảm tưởng như chúng tôi là không ngờ có ngày gặp nhau. Tuy vậy, trước sự dọa nạt của thần chết, anh vẫn tỏ ra ở trong con mắt một tinh thần vững vàng và một thái độ điềm tĩnh. Thứ nhất là bên cái vận mạng nguy ngập của anh, anh vẫn không hề quên cái vận mạng chung của cả một xã hội, một thế giới. Vì vậy mà nghe tin Madrid bị vây, anh lộ vẻ căm tức, nghe tin các anh Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo được thả ra, anh lộ vẻ vui mừng…

Muốn biết cái lịch trình tiến hóa về tư tưởng của một con người mà mấy năm trước, chúng ta có thể nhận là tiêu biểu cho chủ nghĩa quốc gia ở xứ này, tôi không quên hỏi: -Lúc này quan niệm của anh ra sao? Anh đáp lại bằng cái giọng quả quyết, vừa lấy hơi vừa cố nhịn ho mà nói:- Đã mấy năm nay tôi cũng như các anh, cũng như nhiều bạn trẻ khác, trong bước đường tiến hóa của tư tưởng trải bao lần mâu thuẫn và giác ngộ mãi, đến bây giờ tôi chỉ còn biết tín ngưỡng vào một chủ nghĩa Mác, nó hợp với bước đường tiến hóa của lịch sử, hợp với hoàn cảnh hiện tại mà hiện nay các anh em công, nông và quần chúng lao khổ ở toàn thế giới đang hết sức đấu tranh để mong thực hiện được nó.

Trước khi về, chúng tôi có chụp một tấm ảnh của anh làm kỷ niệm. Chụp xong anh nói với chúng tôi bằng đầy những vẻ cảm động:-Tôi ngày nay chỉ còn một rúm xương bọc lấy da, nó là sản vật của chế độ nhà tù, xin đem tặng anh em”.

Sau khi khách ra về, năm ngày sau, trước lúc mất anh cho gọi đồng chí tin cẩn của mình là Trần Huy Liệu – sau này trở thành đảng viên Đảng Cộng sản- để ghi chép bản Tuyên cáo đồng chí do anh đọc lúc hơi tàn sức kiệt, về sau bản này được công bố trên báo Nhánh lúa, số ra ngày 26/2/1937. Trong đó, Tuyên cáo đồng chí gồm có 5 phần, trong phần V, anh cho biết “Sự tín ngưỡng cuối cùng của tôi” như sau: “Nghiên cứu mãi, thảo luận mãi và kinh nghiệm mãi, nếu tôi là một người trung thành với cách mệnh thì lẽ tự nhiên là tôi phải đi tới một con đường nhất định, tìm được một sự tín ngưỡng cuối cùng. Ngày nay đây, tôi đã có thể tự tin tôi và mạnh bạo tuyên bố với anh chị em rằng đã đi tới một con đường nhất định đó, đã tìm được tín ngưỡng cuối cùng đó.

Do ở tấm lòng trung thành với cách mệnh, đối với cá nhân, tôi đã nhận thấy rằng: trong bước tiến hóa về tư tưởng, trải qua vô số những lần mâu thuẫn, cái tư tưởng của tôi hiện nay có thể sai khác với cái tư tưởng của tôi năm trước, tôi không được phép đem cái đầu óc cố chấp của mình mà nghịch với bước đường tiến hóa của lịch sử. Đối với tổ chức đảng tôi nhận thấy rằng: cách mệnh thành công mới là tổ chức cứu cánh, còn tổ chức đảng chỉ là một cái công cụ để thực hành cách mệnh, vậy tôi không được phép đem cái óc đảng phái không căn cứ mà làm trở ngại cho công cuộc tiến hành của cách mệnh.

Do ở những điều kinh nghiệm về cách mệnh, tôi nhận thấy rằng: muốn phá hoại một xã hội cũ và kiến thiết một xã hội mới, lực lượng cách mệnh chỉ có thể trông cậy vào cái giai cấp nào bị bóc lột hơn hết và bị áp bức hơn hết. Và muốn đánh đổ chế độ hiện thời, những phần tử cách mệnh ở các dân tộc bị áp bức phải liên kết với công nông và quần chúng lao khổ ở các nước tư bản mà lập thành một trận tuyến chung. Chủ nghĩa quốc gia hiện đã trái mùa, cả đến chủ nghĩa xã hội dân chủ hay chủ nghĩa Tam dân cũng chỉ là những cải cách cải lương dở dang không công hiệu. Nói rõ hơn, chỉ có chủ nghĩa Marx-Lénine mới có thể đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc mà giải phóng cho các dân tộc yếu hèn, chỉ có chủ nghĩa Marx-Lénine mới có thể phá tan được xã hội giai cấp mà dẫn nhân loại tới thế giới đại đồng.

Tôi lại tin rằng: Các bạn đồng chí trước đây của đảng nếu còn sống tới ngày nay cũng sẽ nhằm theo trào lưu thế giới cùng hoàn cảnh Việt Nam mà đi tới chỗ cách mạng triệt để.

Tôi cũng lại tin rằng: Các bạn đồng chí còn lại trung thành với cách mệnh sẽ là những người cùng chung một sự tín ngưỡng với tôi”.

Vài ngày sau Phạm Tuấn Tài qua đời. Lúc này, Trần Huy Liệu cùng đồng chí hoạt động với anh đến gia đình lo liệu chôn cất. Vợ Phạm Tuấn Tài có viết trong hồi ký: “Đúng 7 giờ sáng hôm sau bắt đầu cất đám. Ra đến cửa thì hai đội lính khố xanh đi trước, hai đội lính khố đỏ đi sau. Các anh em trong đảng đi rất đông, có đến hơn 50 người, đều hóa trang cả. Người thì giả nông dân, người thì giả như ông tham, ông phán đi lẫn vào đám đông những người trong gia đình, họ hàng, gia quyến. Khi quan tài được rước đến nơi và đặt xuống thì anh em xúm lại, thân hành khiêng quan tài xuống huyệt và đắp đất lên mộ. Liền sau đó, anh Trần Huy Liệu đứng ra đọc điếu văn, vừa đọc xong thì bọn lính của bốn đội khố xanh, khố đỏ ập vào vây bắt. Mọi người trong đám đều lo cho các anh. Nhưng cuối cùng, bọn lính không bắt được ai cả. Mọi người bảo nhau: các ông cách mạng lúc ẩn lúc hiện như thần, như thánh…”. Phạm Tuấn Tài qua đời lúc mới “tam thập nhi lập”. Giáo sư Vũ Khiêu – giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) hoàn toàn có lý khi nhận định anh là “lãnh tụ sáng suốt của Việt Nam Quốc dân Đảng” và “sự nghiệp cách mạng, phẩm chất đạo đức của anh vẫn sống mãi trong lòng những người biết anh và hiểu anh”.

(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.