Chủ nghĩa biểu hiện
Một khuynh hướng nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX đến những năm 30 ở một số nước Âu Mỹ, nhất là ở Đức sau Đại chiến I, ban đầu là hội hoạ sau lan rộng ra các loại hình khác như âm nhạc, văn học, sân khấu, điện ảnh. Thuật ngữ chủ nghĩa biểu hiện xuất hiện đầu tiên trong cuộc triển lãm tranh của Matise ở Pais năm 1901. Mười năm sau tạp chí Der Starm (Bão táp) của Ch. Walden dùng lại khái niệm này để gọi một nhóm nhà văn tiên phong ở Berlin và khái niệm này trở thành thông dụng từ đó.
Nhằm phản ứng lại những khủng hoảng xã hội đầu thế kỷ XX, những người theo trào lưu này phản đối chiến tranh chống lại tình trạng vô hồn hoá cuộc sống một cách lãnh cảm, chống lại sự áp chế của các cơ cấu xã hội đối với cá nhân, đôi khi còn hướng đến những hành động và sáng tạo có tính cách mạng. Tâm trạng nổi loạn, nỗi kinh hoàng trước thực tại hỗn độn, sự khủng hoảng của nền văn minh hiện đại đều xuất hiện trong tác phẩm của họ như nỗi hoang mang trước ngày tận thế. Trước hết là ở hội hoạ và âm nhạc. Năm 1905, ở Dresdel hình thành nhóm hoạ sĩ trẻ mang tên Cầu cống. Họ đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu, nhưng họ lại căm ghét văn minh đô thị tư bản, đòi hỏi tự do tư tưởng, giải thoát về mặt tinh thần. Họ mặc quần áo thợ thuyền, thâm nhập vào những khu công nghiệp, kết giao với phong trào công nhân tự phát. Tác phẩm của họ phẫn nộ, phản kháng xã hội tư sản, vạch trần sự nô dịch của đồng tiền đối với con người, làm con người tha hoá trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ca ngợi thiên nhiên, vui thú điền viên. Đến thời khủng hoảng, sáu năm sau ở Muynich xuất hiện nhóm Kỵ sĩ xanh, biểu hiện sự bất mãn một cách tiêu cực. Những khuynh hướng này có sự khác nhau về quan điểm nhưng có điểm chung là bất mãn với hiện trạng, đòi có sự đổi thay. Trong nghệ thuật, họ cho rằng miêu tả thực tế khách quan chỉ là miêu tả bên ngoài, cần phải biểu hiện bên trong mới là thực chất, không cần miêu tả hành vi và hoàn cảnh, mà phải đi sâu vào tâm hồn. Chịu ảnh hưởng bởi triết học của Kant, Bergson, Freud họ quan tâm đến hiện thực chủ quan, họ khoa trương và làm biến dạng bên ngoài, không phải hài hòa mà là chói gắt về màu sắc. Trong loại hình âm nhạc, ở Đức, Áo vào thời điểm này, đã bỏ qua hòa âm và giai điệu, chối bỏ thực tại, coi trọng cảm xúc tự thân, đi sâu vào thần bí tôn giáo, thoát ly hiện thực.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa biểu hiện
Trong văn học Đức, chủ nghĩa biểu hiện xâm chiếm cả trong thơ, tiểu thuyết và kịch bản văn học vào những năm 20. Cùng chối bỏ đô thị huyên náo, hổn loạn sa đọa, hướng về nội tâm, hình thức câu thơ ngắn gọn, tiết tấu rõ ràng, phi logic ngữ pháp, giàu liên tưởng. Tiêu biểu là các nhà thơ như J. Becher (1891-1958), S. Heim (1892-1955) ở Đức, G. Thrakl (1887-1944), F.Werfel (1890-1945) ở Áo… Chủ nghĩa biểu hiện trong tiểu thuyết gắn liền với tên tuổi của các nhà văn như J.Joyce (Ailen, 1882-1941), F. Kapka (Séc, 1883-1924), L.Andreev (Nga, 1871-1919), L.Frank (Pháp, 1882-1961)… Về kịch bản văn học, ở Đức đã xuất hiện các tên tuổi như C. Stechem, E. Tolle, G.Crise, ở Anh với C.Iseuode, ở Mỹ với E.Raise… Dưới nhãn quan triết học có sự pha tạp giữa thuyết trực giác của H. Bergson (1854-1941) và hiện tượng học của E.Husserl (1854-1938), xuất phát từ việc nhấn mạnh cái chủ quan trong hoạt động sáng tạo, chủ nghĩa biểu hiện tuyên chiến với chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa ấn tượng, tuyên bố mục tiêu của sáng tạo nghệ thuật không phải là phản ánh hiện thực hiện tồn mà là biểu hiện cái thực chất của nó. Họ chối bỏ thực tại tư sản, hướng đến một tương lai tốt đẹp nhưng mơ hồ, không tìm ra lối thoát, nên hô hào tái sinh về mặt tinh thần, biểu hiện một tình cảm lạc quan tự phấn khích để khỏi tuyệt vọng. Nguyên tắc chủ quan này tạo điều kiện cho cảm giác, xúc giác giữ vai trò ưu thế trong sáng tạo. Những đặc điểm thi pháp của chủ nghĩa biểu hiện là tinh thần “phản cổ điển”, chối bỏ tính trong sáng hài hoà của hình thức, ưa thích lối khái quát trừu tượng, ham thích lối biểu cảm chói gắt, những sắc điệu kích động, cố ý làm méo lệch bức tranh thực tại trong tác phẩm. Trung tâm thế giới nghệ thuật của họ là trái tim con người đang bị giày vò vì tình trạng vô cảm của thế giới hiện đại, sự tương phản giữa sống và chết, tinh thần và thể xác, văn minh và tự nhiên. Cải biến thực tại cần phải bắt đầu từ cải biến ý thức con người. Chủ nghĩa biểu hiện không chú trọng việc nghiên cứu quá trình đời sống phức tạp, nhân vật thường được loại hình hoá, không được cá thể hoá, thậm chí có khi không có cả họ tên, chỉ cốt tượng trưng cho quan niệm trừu tượng nào đó như tầng lớp xã hội, thế hệ, tính chất. Kết cấu tác phẩm lỏng lẻo, xuất hiện các tình tiết bất ngờ, biến hoá theo cảm quan chủ quan của sự hiệu triệu, không theo logic nội tại. Về ngôn từ, không có miêu tả tối thiểu cần thiết, phân tích mối quan hệ hoàn cảnh và tính cách, chỉ có lối phát ngôn của nhân vật thay cho tác giả một cách ồn ào, sáo rỗng.
Xem thêm : CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
Chủ nghĩa biểu hiện chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Từ những năm 20 trở đi, khi nền kinh tế xã hội của Đức và châu Âu có chiều hướng khôi phục, ổn định, chủ nghĩa biểu hiện bắt đầu suy thoái. Tuy có những biểu hiện suy đồi của một trào lưu nghệ thuật hiện đại, nhưng chủ nghĩa biểu hiện cũng đã vạch trần được những mâu thuẫn xã hội tư bản, tuy không tìm ra lối thoát nhưng vẫn cảnh tỉnh và giải trừ được những ảo vọng của con người đối với trật tự xã hội đương thời.
(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức