Chủ nghĩa vị lai
Một khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa tiên phong trong văn học nghệ thuật châu Âu vào những năm 10 – 20 của thế kỷ XX ở Italia và Nga. Chủ nghĩa vị lai (futurisme) xuất phát từ khái niệm futurum có nghĩa là tương lai. Chủ nghĩa vị lai là những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật vì tương lai. Bắt đầu xuất hiện trong các sáng tác của các họa sĩ Italia như Borschoni, G. Severini…đã lấy động năng làm đối tượng của nghệ thuật, phủ định văn học truyền thống, sùng bái và tuyệt đối hóa các dấu hiệu bên ngoài của văn minh kỹ nghệ, coi đó là những giá trị thẩm mỹ. Đối lập với chủ nghĩa biểu hiện và chủ nghĩa hiện thực, các nhà vị lai sùng bái đô thị công nghiệp hóa.
Thủ lĩnh và lý thuyết gia của chủ nghĩa vị lai là nhà văn F. Marinetti (1876 – 1944), tác giả của bản Tuyên ngôn chủ nghĩa vị lai Italia (1909 – 1919) trong đó cho rằng đời sống của một động cơ máy móc còn gây cảm xúc nhiều hơn nụ cười hoặc nước mắt của đàn bà. Họ kêu gọi xây dựng một “nền nghệ thuật hiện đại, độc đáo của tương lai”, ca ngợi sức mạnh kỹ thuật, máy móc, cuộc sống đô thị và xuất phát từ cơ sở triết học của Nietzsche, họ ca ngợi chiến tranh, coi đó là “cuộc dọn vệ sinh tốt nhất thế giới”. Marinetti tuyên bố rằng: “Chúng tôi muốn phá hủy các viện bảo tàng (…) Nghệ thuật chỉ là bạo lực, tàn ác, bất công (…) Chúng tôi ca ngợi chiến tranh, chủ nghĩa quân phiệt, cử chỉ phá phách của những người vô chính phủ, những tư tưởng đẹp buộc người ta phải chết, sự khinh rẻ đàn bà. Chúng tôi ca ngợi con người ngồi giữ tay lái, với trục tư tưởng của nó chạy xuyên qua những lòng đất và bản thân trái đất cũng bị ném lên vòng tròn quỹ đạo của nó”. Với tư tưởng này, Marinetti và những nhà vị lai Italia đã liên kết với chế độ Musolini, thành lập Đảng vị lai, trở thành công cụ chính trị của chế độ độc tài. Đối với hội họa, các nhà vị lai đã sáng tạo nên tổ hợp hỗn độn các mảng và nét, phi hài hòa màu và hình, con người được vẽ giống như những cỗ máy. Điêu khắc vị lai phủ nhận nguyên tắc hài hòa, đòi hỏi “mở hình như mở cửa sổ”, muốn truyền đạt sự xâm nhập của ánh sáng và hình khối.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa vị lai
Thơ ca vị lai khó hiểu, vì nó phá vỡ sự sống động, là sự bạo hành đối với từ vựng và những qui luật cú pháp. Việc tuyệt đối hóa động năng và sức mạnh, sự tùy hứng trong sáng tạo, trong trào lưu không có sự thuần nhất, mà có nhiều xu hướng khác nhau ở nhiều bình diện xã hội. Chẳng hạn, phái vị lai ở Italia từ sự năng động và tùy hứng, đi đến ca ngợi chiến tranh. Coi chiến tranh là biện pháp làm “vệ sinh thế giới”, ca ngợi bạo lực và xâm lược, thi vị hóa chủ nghĩa đế quốc và cuối cùng trở thành công cụ cho chủ nghĩa độc tài Musolini. Còn với quan niệm của nhà thơ Pháp G. Apollinaire (1880 – 1918), người đã từng phát ngôn Phản truyền thống trong chủ nghĩa vị lai (1913) và đề ra chủ nghĩa vị lai lập thể, nhằm biểu hiện những cảm xúc, tình cảm chán ghét, bức xúc của tri thức đối với thế giới cũ đang trong tình trạng hỗn loạn, ca ngợi thành tựu khoa học kỹ thuật của nền văn minh hiện đại. Vì vậy, thơ Apollinaire có hình tượng trong sáng, nhịp điệu mãnh mẽ, lưu loát linh hoạt, làm phong phú khả năng biểu cảm, nhất là thể thơ bậc thang ảnh hưởng nhiều đến thơ Maiakovski sau này. Chủ nghĩa vị lai ở Nga chia thành bốn nhóm: vị lai lập thể với các tác giả Khlevnikov (1885 – 1922), Burliuk (1882-1967), Maiakovski; nhóm hiệp hội vị lai vị kỷ, nhóm Centrifigura trong đó có B. Paxtecnac (1890 – 1960); nhóm những người cấp tiến trong phái vị lai lập thể. Các nhà vị lai Nga cũng đã từng kêu gào, hãy từ trên “con thuyền của cuộc sống hiện tại vứt bỏ Puskin, Dostoievski, L. Tolstoi”, hãy “đem những hình thức cũ xé nát, đập vụn, tiêu diệt sạch sành sanh trên cõi đời này”… Tuy nó vẫn giống với chủ nghĩa vị lai Italia về thuật ngữ và hình thức, nhưng nó khác về cơ sở xã hội và nội dung thẩm mỹ. Chủ nghĩa vị lai Nga là sự phản ứng của tầng lớp tiểu tư sản, nổi loạn vô chính phủ, xu hướng cấp tiến tả phái đối với di sản văn hóa, xu hướng cực đoan trong những thể nghiệm về hình thức.
Xem thêm : Ngôi sao Giáng sinh – Ngôi sao Bethlehem
Sau cách mạng tháng Mười (1917), các nhà vị lai Nga muốn sáng tạo văn hóa xã hội chủ nghĩa, sáng tạo nghệ thuật tương lai trong bối cảnh cách mạng. Họ quần tụ quanh tờ tạp chí Lef do Maiakkovski phụ trách, nhiều người tham gia tích cực vào công tác tuyên tuyền, cổ động của chính quyền Xô viết. Họ khắc phục được tư tưởng hư vô về văn hóa, sáng tạo nên những tác phẩm lớn cho nền văn học mới. Vào cuối những năm hai mươi, có chủ trương hợp nhất các nhóm văn nghệ, chuẩn bị cho sự thành lập Hội Nhà văn Xô viết, chủ nghĩa vị lai chấm dứt sự tồn tại như một tư trào văn học hiện đại chủ nghĩa.
(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức