Sự ra đời và phát triển của thành thị (Phương Tây Trung đại)

0

Sự ra đời và phát triển của thành thị (Phương Tây Trung đại).

I. Sự ra đời của thành thị

1. Hoàn cảnh lịch sử

Thời cổ đại ở phương Tây đã từng có những thành thị rất tráng lệ và sầm uất. Nhưng đến cuối thời đế quốc La Mã, do sự suy thoái của nền kinh tế hàng hóa, các thành thị ở Tây Âu đã bị điêu tàn. Sự xâm nhập và phá hoại của Man tộc càng làm nghiêm trọng thêm tình hình ấy.

Tiếp đó, từ thế kỷ V-X, do toàn bộ nền kinh tế đều sản xuất tại nông thôn nên thành thị vẫn chưa được khôi phục. Lúc bấy giờ chỉ có một số thành lũy dùng làm kinh đô của vua hoặc các trung tâm hành chính của các quận mà thôi chứ không phải những thành thị.

2. Nguyên nhân của sự ra đời những thành thị

Đến!thế kỷ XI, thủ công nghiệp và nông nghiệp ở Tây Âu đều có những tiến bộ đáng kể. VÌ vậy, những người thợ thủ công ở nông thôn từ chỗ làm việc theo yêu cầu của những người tiêu dùng ở trong trang viên đã chuyển sang sản xuất hàng hóa để bán.

Để tiện việc tiêu thụ sản phẩm của mình và để thoát khỏi sự nô dịch của các lãnh chúa, những người thợ thủ công này đã trốn khỏi nông thôn đến những nơi thuận lợi cho việc sản xuất của họ như gần nơi cung cấp nguyên liệu, có nhiều khách hàng mua sản phẩm của họ, tương đối an toàn v..v.. Những nơi thợ thủ công đến cư trú thường là những trung tâm chính trị như kinh đô của vua, thành lũy của lãnh chúa phong kiến hoặc những trung tâm tôn giáo như Tòa Giám mục, tu viện, nhà thờ. Ngoài ra thợ thủ công còn hay tụ hội ở những nơi mới nhưng có nhiều người thường xuyên qua lại như các ngã tư đường, đầu cầu, bến đò, cửa sông…

Lúc bấy giờ, thợ thủ công cũng là những người bán sản phẩm của họ nên những nơi họ đến cư trú và sản xuất đã nhanh chóng trở thành những trung tâm công thương nghiệp.

Tiếp đó, nông dân từ nông thôn không ngừng chạy đến những nơi này làm cho cư dân ở đây cũng thêm đông đúc, do đó những nơi đó dần dần phát triển thành những thành phố.

3. Bộ mặt và quy mô của thành thị

Khi mới ra đời, thành thị ở châu Au còn rất thô sơ, xung quanh mỗi thành phố có thành xây bằng đá, bằng gạch thậm chí bằng gỗ, lại còn có hào sâu, có tháp canh, có cổng thành chắc chắn cứ đến tối thì đóng lại.

Trong thành đường phố ngang dọc chằng chịt nhưng chật hẹp và đầy rác rưởi, mùa hè thì bụi, mùa mưa thì lầy lội, mãi đến thế kỷ XIV, XV mới biết rải đá, ban đêm thì tối tăm vì chưa có đèn đường.

Những người thợ thủ công cùng nghề thường sống tập trung ở một khu vực, do đó các tên phố thường được gọi theo tên nghề nghiệp như phố Thợ Rèn, phố Thợ Mộc, phố Thợ Dệt…

Quy mô của các thành phố châu Âu lúc bấy giờ còn tương đối nhỏ. Cho đến thế  ky  XIII,  Pari  cũng  mới  chỉ  có  100.000  dân,  Luân  Đôn,  Milanô  có  khoảng 50.000 người, còn phần lớn các thành phố khác chỉ có khoảng dưới 10.000 người.

II. Hoạt động kinh tế của các thành thị

Trong các thành phố của phương Tây lúc bấy giờ có hai ngành kinh tế chính là thủ công nghiệp và thương nghiệp.

1. Thủ công nghiệp và tổ chức phường hội

Thủ công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất trong hầu hết các thành thị ở châu Âu lúc bấy giờ.

Những người thợ thủ công làm việc ngay tại nhà họ bằng công cụ lao động và nguyên liệu của họ. Trong các xưởng thủ công nhỏ bé ấy, giúp việc cho thợ cả thường có vài người thợ bạn, vài người thợ học việc và các thành viên trong gia đình người thợ cả.

Tuy việc sản xuất được tiến hành riêng lẻ như vậy, nhưng để bảo vệ lẫn nhau, những người thợ thủ công cùng nghề ở thành thị đã tổ chức thành những đoàn thể nghề nghiệp gọi là phường hội.

– Mục đích chủ yếu của việc thành lập phường hội là:

+ Bảo đảm sự đồng đều về quyền lợi trong việc sản xuất cũng như trong khâu mua nguyên liệu và bán sản phẩm; tránh sự cạnh tranh lẫn nhau giữa những người thợ thủ công cùng nghề.

+ Bảo vệ sự độc quyền về nghề nghiệp của mình chống sự cạnh tranh của những nông nô mới chạy vào thành thị và cũng làm nghề đó.

+ Đoàn kết lẫn nhau nhằm chống lại sự hạch sách và cướp bóc của lãnh chúa phong kiến.

– Nguyên tắc tổ chức: Phường hội là tổ chức của những người thợ thủ công cùng ngành nghề trong một thành phố. Thành viên của phường hội là những người thợ cả đồng thời là người chủ của các xưởng thủ công gia đình.

Phường hội có tổ chức và quy chế rất chặt chẽ. Mỗi phường hội có một người cầm đầu gọi là trùm phường do đại hội các thành viên bầu ra. Trùm phường có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các quy chế của phường hội xử lý những vụ vi phạm, giải quyết những xích mích giữa các thành viên.

– Quy chế của phường hội cũng do đại hội các chủ xưởng thảo ra trong đó bao gồm những quy định rất chặt chẽ và chi tiết về nhiều mặt:

+ Quy mô sản xuất bao gồm các khâu như số lượng công cụ lao động, số lượng thợ bạn và thợ học việc, thời gian lao động hàng ngày…

+ Điều kiện để nhận thợ học việc, thời gian học việc, thời gian làm thợ bạn, chế độ thù lao đối với thợ học việc và thợ bạn…

+ Chất lượng và qui cách sản phẩm, giá bán sản phẩm…

Tính chất của phường hội: Phường hội là tổ chức nghề nghiệp của thợ thủ công mang tính chất phong kiến vì người thợ thủ công trong phường hội còn gắn liền với tư liệu sản xuất, hơn nữa mục đích của việc sản xuất chủ yếu là để kiếm tư liệu sinh hoạt chứ không phải để mưu cầu lợi nhuận.

-Ý nghĩa của phường hội:

+ Về mặt kinh tế, trong thời kì đầu, phường hội đã đảm bảo cho việc sản xuất được tiến hành thuận lợi, đồng thời phường hội có vai trò rất lớn trong việc trau dồi kĩ thuật sản xuất, do đó đã thúc đẩy sự phát triển của các nghề thủ công trong một thời gian nhất định.

+Về mặt xã hội, phường hội là tồ chức đoàn kết tương trợ của thợ thủ công để đấu tranh chống lãnh chúa phong kiến, quý tộc thành thị và để giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Phường hội còn là tổ chức có tính chất quân sự và tôn giáo. Mỗi phường hội có một đội dân binh có nhiệm vụ tuần tra canh gác để bảo vệ thành phố. Mỗi phường hội thường có nhà thờ riêng và có những ngày lễ hội riêng của mình.

-Sự tan rã của phường hội: Đến thế kỷ XIV- XV, phường hội bắt đầu bước vào quá trình tan rã. Do sự phát triển của nền sản xuất thủ công nghiệp, một số chủ xưởng bất chấp quy chế tự động mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm số lượng thợ bạn và thợ học việc, kéo dài thời gian lao động trong ngày, cải tiến kỹ thuật…do đó đã dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo giữa các thành viên của các phường hội.

Đồng thời, sự thâm nhập của chủ nghĩa tư bản càng thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của phường hội.

2. Thương nghiệp

Hoạt động thương nghiệp ở Tây Âu lúc bấy giờ biểu hiện ở các mặt sau đây:

Sư trao đổi hàng hóa giữa thành thị với vùng nông thôn xung quanh: Lúc đầu thợ thủ công cũng là người bán sản phẩm ngay tại xưởng của mình cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, mỗi thành phố còn có chợ của riêng mình. Chợ thành phố họp mỗi tuần một hoặc hai lần, mỗi lần kéo dài suốt cả ngày.

Sự trao đổi hàng hóa giữa các vùng thậm chí giữa các nước với nhau: Do điều kiện cụ thể của từng địa phương, một số thành thị đã có những sản phẩm nổi tiếng. Để trao đổi những sản phẩm ấy và các hàng quý hiếm chở từ phương Đông tới như tơ lụa, đồ trang sức, hương liệu ( hồ tiêu, quế, hồi, đinh hương, gừng…), ở nhiều nước Tây Âu đã tổ chức hội chợ.

Sự hình thành các khu vực mậu dịch: Do sự phát triển mạnh mẽ của việc buôn bán, ở châu Au đã hình thành hai khu vực mậu dịch:

+ Khu vực Địa Trung Hải gồm các thành phố ở Ý, Nam Pháp, Tây Ban Nha.

+ Khu vực Bắc Hải và biển Bantích gồm các thành phố ở Bắc Đức, Đan Mạch v.v…

Đến thế kỷ XIII, các thành phố ở Bắc Đức đã lập thành một liên minh thương nghiệp gọi là đồng minh Hanxơ. Sang thế kỷ XIV, đồng minh này càng phát triển bao gồm hơn 70 thành phố. Đồng minh có nhiều sở đại lý đóng tại nhiều thành phố của một số nước ở châu Au.

Sự ra đời của ngân hàng: Sự phát triển của nền mậu dịch quốc tế đã dẫn đến sự ra đời của ngân hàng. Ngân hàng bắt nguồn từ nghề đổi tiền. Các lái buôn chỉ cần đem tiền đến nộp cho người đổi tiền ở thành phố của mình để nhận một giấy chuyển tiền, khi đến hội chợ sẽ được nhận một số tiền ở địa phương đó tương ứng với số tiền đã đổi. Về sau hoạt động của ngân hàng mở rộng kiêm cả việc nhận tiền gửi, cho vay nợ v.v…

Lúc đầu những người kinh doanh nghề đổi tiền phần lớn là người Ý, vì vậy trong ngôn ngữ các nước phương Tây, chữ ngân hàng bắt nguồn từ chữ Banca trong tiếng Ý có nghĩa là cái bàn của người đổi tiền.

III. Cuộc đấu tranh giành quyền tự trị và ảnh hưởng của thành thị đối với chế độ phong kiến

1. Cuộc đấu tranh giành quyền tự trị:

– Các thành phố đều xây dựng trên đất đai của lãnh chúa phong kiến, vì vậy lãnh chúa thường cử đại diện của mình đến quản lý thành phố.

Đồng thời, lãnh chúa có rất nhiều quyền đối với thành phố như quyền tư pháp, quyền đúc tiền, quyền thu thuế, quyền cư trú trong những ngày lãnh chúa đến thành phố v.v… Sự bóc lột và hạch sách của lãnh chúa không ngừng tăng lên cùng với sự giàu có ngày càng tăng của thành phố.

Trước tình hình ấy, thị dân đã đoàn kết lại để đấu tranh với lãnh chúa nhằm giành quyền tự trị cho thành phố.

– Biện pháp : Để được tự trị, có một số thành phố đã nộp cho lãnh chúa một khoản tiền lớn, nhưng hình thức thông thường nhất là đấu tranh vũ trang.

Phong trào đấu tranh giành quyền tự trị của thành thị diễn ra rầm rộ nhất trong hai thế kỷ XII, XIII.

Kết quả: Các thành thị đã giành được thắng lợi với những mức độ khác nhau:

+ Các thành phố ở Ý như Vênêxia, Giênôva, Phirenxê, Milanô, Pixa,… nhờ có nền kinh tế phát triển sớm và do ở Ý không có chính quyền trung ương mạnh mẽ nên đã được độc lập hoàn toàn. Hơn nữa các thành phố này còn khống chế được vùng nông thôn xung quanh và các thành phố nhỏ lân cận nên đã lập thành những nước cộng hòa thành thị trong đó có chính quyền, viện Nguyên lão, pháp luật, tòa án, quân đội.

+ Đa số các thành phố khác cũng được tự trị nhưng còn phải chịu một số nghĩa vụ đối với vua hoặc lãnh chúa như phải nộp một khoản địa tô nhất định, hoặc cơ quan quản lý thành phố phải thảo luận với quan lại của vua cử đến khi giải quyết các công việc hành chính và tư pháp.

Tuy mức độ giành được quyền tự trị có khác nhau nhưng có một điểm giống nhau là cư dân tất cả các thành phố đều được thoát khỏi thân phận nông nô, do đó đều được tự do.

2. Ảnh hưởng của thành thị đối với chế độ phong kiến

Sự ra đời của thành thị với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế hàng hóa đã có ảnh hưởng rất lớn đối với chế độ phong kiến.

– Trước hết, nền kinh tế của thành thị đã làm tan rã nhanh chóng nền kinh tế tự nhiên. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong việc sản xuất thủ công nghiệp, lương thực thực phẩm và nguyên liệu mà thị dân cần dùng đều phải dựa vào sự cung cấp của nông thôn, do đó đã lôi cuốn nhiều trang viên phong kiến vào việc sản xuất hàng hóa.

– Thứ hai, nền kinh tế thành thị đã góp phần rất quan trọng trong việc làm tan rã chế độ nông nô.

Do hàng hóa xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, nhu cầu của giai cấp phong kiến cũng càng ngày càng tăng. Để có tiền mua các thứ hàng đó, đến thế kỷ XIII, các lãnh chúa thường dùng hình thức tô tiền thay thế các loại tô lao dịch và sản phẩm. Hơn nữa, có một số lãnh chúa còn đồng ý cho nông nô dùng tiền để chuộc lại tự do. Như vậy, quan hệ tiền tệ đã làm cho chế độ nông nô bắt đầu lỏng lẻo và do đó đã phá hoại từ từ chế độ phong kiến.

– Thứ ba, sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa làm cho mối liên hệ kinh tế giữa các địa phương càng chặt chẽ, do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành những quốc gia thống nhất.

Đồng thời thị dân là lực lượng tích cực ủng hộ nhà vua trong việc đấu tranh với các thế lực phong kiến cát cứ để thống nhất đất nước và xây dựng bộ máy tập quyền trung ương.

Tóm lại thành thị ở phương Tây có vai trò rất quan trọng:

– Sự ra đời của thành thị đã dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa.

– Sự ra đời của thành thị đã dẫn đến sự ra đời của tầng lớp thị dân. Đó là một tầng lớp mới có những đóng góp tích cực về kinh tế, chính trị, văn hóa đối với sự phát triển của xã hội phương Tây thời bấy giờ.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.