Những cuộc phát kiến lớn về địa lý
Những cuộc phát kiến lớn về địa lý (phương Tây trung đại).
Nội Dung
I. Nguyên nhân và tiền đề của các cuộc phát kiến địa lý:
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu thúc giục người Tây Âu tìm đường đến(những nơi xa lạ là lòng thèm khát vàng. Sở dĩ như vậy là vì đến cuối thế kỷ XV, kinh tế công thương nghiệp ở Tây Âu phát triển mạnh mẽ, do đó đòi hỏi phải có nhiều vàng bạc để đúc tiền nhằm bảo đảm cho việc lưu thông hàng hóa.
Bạn đang xem: Những cuộc phát kiến lớn về địa lý
Lúc bấy giờ theo quan niệm của người Tây Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản là những nước có rất nhiều vàng nên họ quyết tâm đến bằng được các xứ giàu có ấy.
Ngoài ra, nhu cầu về hương liệu và các loại hàng cao cấp như tơ lụa, đồ trang sức…cũng là một động cơ thôi thúc người Tây Âu phải tìm đường sang phương Đông.
Thế nhưng những con đường từ Tây Âu sang phương Đông mà trước đó người phương Tây đã đi qua đến thời kỳ này đều không an toàn và thuận lợi, vì vậy họ phải đi bằng đường biển.
2. Tiền đề
Đến thế kỷ XV, những điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện những cuộc vượt biển xa cũng đã xuất hiện.
– Kiến thức về địa lý : Đến thời kỳ này, ngày càng có nhiều người tán thành thuyết quả đất hình cầu, các đại dương liền nhau và bao quanh lục địa. Do vậy, có nhiều người cho rằng từ Tây Âu cứ đi thẳng về hướng Tây, vượt Đại Tây Dương thì có thể đến bờ Đông của châu Á.
– Các phương tiện của nghề hàng hải: Thuyền đi biển được người Bồ Đào Nha cải tiến, đồng thời các đồ dùng cần thiết khác như la bàn, bản đồ biển, dụng cụ đo vĩ độ cũng được sử dụng rộng rãi.
II. Các cuộc phát kiến lớn
Trong số các nước Tây Âu, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là những nước đi đầu trong việc tìm đường sang phương Đông và chính họ đã thu được những kết quả to lớn. Đó là những phát kiến sau đây:
1. Tìm được con đường biển sang phương Đông
Từ đầu thế kỷ XV, người Bồ Đào Nha đã từng bước thám hiểm vùng bờ bển phía Tây châu Phi và đã phát hiện được nhiều vùng đất mới.
Năm 1487, đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha do Điaxơ dẫn đầu đã đến mũi cực Nam của châu Phi rồi quay trở về. Ông tin chắc rằng từ nơi đó có thể đi đến Ấn Độ, vì vậy mũi ấy được đặt tên là mũi Hảo Vọng.
Xem thêm : Những sai lầm trong đầu tư chứng khoán
Mười năm sau (1497), Vaxcô Đơ Gama được giao nhiệm vụ chỉ huy 4 thuyền với 168 thủy thủ đã vượt qua mũi Hảo Vọng và đến được Calicút ở Tây Nam Ấn Độ vào ngày 20-05-1498. Sau khi tranh thủ vơ vét hương liệu và đồ trang sức với giá rẻ, ngày 31-08-1498, Gama rời khỏi Ấn Độ và gần một năm sau, ngày 10-07-1499, đoàn thám hiểm của Gama với số thủy thủ không đầy một nửa về tới Lixbon.
Từ đó, con đường biển do người Bồ Đào Nha phát hiện trở thành con đường thông thương chủ yếu giữa Tây Âu và Viễn Đông trong gần ba thế kỷ, cho đến năm 1869, khi kênh đào Xuy-ê hoàn thành thì mới không sử dụng nữa.
2. Phát hiện châu Mỹ:
Người tình cờ phát hiện ra châu Mỹ là Críxtốp Côlông (Cristoforo Colombo) (1451-1506), một nhà hàng hải người Ý. Từ lâu, ông đã ấp ủ kế hoạch đi sang phương Đông bằng hướng Tây vì ông cho rằng đó là con đường gần nhất.
Mãi đến năm 1492, ông mới được quốc vương Phécđinan và nữ hoàng Ixabenla của Tây Ban Nha chấp nhận kế hoạch đó và cấp cho ông những phương tiện cần thiết cho cuộc hành trình.
Ngày 3-8-1492, đoàn thám hiểm của Côlông gồm 3 chiếc thuyền với 9 thủy thủ rời Tây Ban Nha tiến thẳng về hướng Tây. Sau 70 ngày lênh đênh trên Đại Tây Dương, đoàn thám hiểm của Côlông đến một hòn đảo trong quần đảo Bahama mà ông gọi là đảo Xan Xanvađo. Ong đi tiếp về hướng Nam và phát hiện được nhiều đảo nhỏ khác, đến cuối năm 1492 thì đặt chân lên đảo Cuba và đảo Ha-i-ti. Đầu năm 1493, Côlông trở về Tây Ban Nha.
Sau đó, Côlông còn tiến hành 3 cuộc thám hiểm nữa vào các năm 1493- 1496, 1498-1500, 1502-1504. Trong những lần thám hiểm này, ông đã phát hiện được nhiều đảo mới và đã thăm dò vùng bờ biển Trung Mỹ và phía Bắc của Nam Mỹ.
Năm 1506, Côlông chết, nhưng cho đến giờ phút cuối của đời mình ông cứ đinh ninh đất đai mình tìm thấy là Ấn Độ, do vậy cư dân ở đó được gọi là người Anh Điêng (người Ấn Độ).
Cũng khoảng thời gian đó, một người Ý khác là Amêrigô Véxpuxi (1454- 1512) từ năm 1449-1504, dưới lá cờ của Bồ Đào Nha đã thám hiểm vùng bờ biển Nam Mỹ. Sau đó, ông nói rằng vùng đất này là một lục địa mới. Do vậy, năm 1507, lục địa mới này được gọi bằng tên của ông, tức là Amêrigô hoặc Amêricơ (Amérique), ta quen gọi là châu Mỹ.
3. Cuộc hành trình vòng quanh trái đất
Sau khi phát hiện châu Mỹ, người Tây ban Nha vẫn muốn tiếp tục tìm đường sang Đông Á bằng hướng Tây. Năm 1519, một quý tộc Bồ Đào Nha là Magienlăng (1480-1521) được vua Tây Ban Nha là Sáclơ V giúp đỡ kinh phí để thực hiện kế hoạch đó.
Ngày 20-09-1519, với 5 chiếc thuyền và 237 thủy thủ, đoàn thám hiểm của Magienlăng bắt đầu xuất phát. Mãi đến ngày 20-11-1520, Magienlăng mới đến được eo biển cực Nam châu Mỹ. Sau khi vượt eo biển này, đoàn thuyền Magienlăng tiến vào một đại dương mênh mông. Tuy vậy, trong hơn 3 tháng , đoàn thám hiểm được đi trong cảnh trời êm biển lặng. Vì vậy, ông gọi đại dương này là Thái Bình Dương.
Tháng 3-1521, đoàn thám hiểm đến quần đảo Philíppin, nhưng đến ngày 7-4-1521, Magienlăng bị giết chết trong một cuộc xung đột với dân bản xứ.
Ngay sau đó thuyền trưởng En Canô chỉ huy chiếc thuyền còn lại cuối cùng đi vòng quanh châu Phi, đến ngày 6-9-1522, họ về đến Tây Ban Nha. Như vậy, trong gần 3 năm Magienlăng và En Canô lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã đi một vòng xung quanh trái đất. Bằng thực tế, cuộc hành trình đã chứng minh rằng thuyết trái đất hình cầu là hoàn toàn đúng đắn.
III. Hậu quả
Xem thêm : Phong trào công nhân thế giới sau khi Công xã Pari thất bại
1. Chính sách thực dân của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha:
Sau khi phát hiện được châu Mỹ và đang từng bước tìm con đường biển sang phương Đông, hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đàm phán với nhau để chia đôi trái đất. Theo hiệp ước đầu tiên ký năm 1493, từ đường kinh tuyến cách bờ biển Tây Phi 100 dặm về phía Đông thuộc phạm vi hoạt động của Bồ Đào Nha, từ đó về phía Tây thuộc Tây Ban Nha.
Trong phạm vi của mình, từ đầu thế kỷ XV, Bồ Đào Nha đã chiếm được nhiều cứ điểm ở Tây Phi, Ấn Độ, một số đảo thuộc Inđônêxia. Năm 1517, người Bồ Đào Nha đến Trung Quốc và đến năm1557 thì chiếm được Ao Môn (Macao). Năm 1543, thuyền buôn của Bồ Đào Nha chính thức đến Nhật Bản.
Còn Tây Ban Nha, sau khi chiếm được các đảo bờ biển Caribê đã đẩy mạnh việc chinh phục miền Trung và Nam Mỹ làm thuộc địa. Tại những nơi đã chiếm được, người Tây Ban Nha vừa cướp bóc vừa khai thác các mỏ vàng bạc và thành lập đồn điền.
Do người bản xứ bị tàn sát rất nhiều nên người Tây Ban Nha đã sang châu Phi bắt rất nhiều người da đen đưa sang châu Mỹ bán làm nô lệ.
2. Hậu quả kinh tế đối với Tây Âu:
Do chính sách buôn bán bịp bợm, cướp bóc và khai thác ở các vùng đất mới, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã chở về Tây Âu rất nhiều vàng bạc và các loại sản phẩm có giá trị của phương Đông và châu Mỹ. Tình hình đó đã đã dẫn đến cuộc cách mạng thương nghiệp và cuộc cách mạng giá cả ở Tây Âu.
Từ đây thị trường thế giới được mở rộng, hàng hóa tăng lên nhiều, đường buôn và trung tâm buôn bán thay đổi. Đồng thời các tổ chức mới phục vụ cho ngành thương nghiệp như Sở giao dịch Công ty cổ phần, Công ty bảo hiểm…cũng ra đời.
Đồng thời, do số vàng khai thác được tăng gấp 5 lần và số lượng tiền đúc bằng vàng bạc nhiều gấp 4 lần so với trước nên giá trị của đồng tiền bị giảm, giá cả hàng hóa tăng vọt.
Tình hình đó làm cho những người làm thuê lấy tiền công và những địa chủ phong kiến thu địa tô bằng tiền theo hợp đồng dài hạn bị thiệt hại rất lớn.
Trái lại, các nhà tư sản mới ra đời ở thành thị và nông thôn là có lợi nhất vì họ thuê được nhân công với giá rẻ mạt nhưng lại bán được sản phẩm với giá không ngừng tăng lên.
Như vậy, cuộc cách mạng giá cả đã góp phần đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn ban đầu của chủ nghĩa tư bản.
(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức