Lịch sử Campuchia cận đại (Thế kỷ 19-20)

0

I – Sự xâm nhập của thực dân phương tây và Campuchia

1. Campuchia trước khi thực dân Pháp xâm lược

Là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, Vương quốc Campuchia thành lập từ thế kỷ VII, nhưng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV mới bước vào thời kỳ cực thịnh. Chính trong thời gian này, nhân dân Campuchia đã để lại cho gia tài văn hoá nhân loại kiến trúc Ăngko Vát, Ăngko Thom hùng vĩ. Nó trở thành một trong những kỳ quan thế giới. Đó cũng chính là thời kỳ mà văn hóa, xã hội, kinh tế đều đạt đến trình độ phát triển. Những dấu tích còn lại đến ngày nay của tài liệu bi ký, mạng lưới thủy lợi đều ghi nhận thời kỳ phát triển vẻ vang trên.

Vào đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đã từ căn cứ Mã Lai đến thăm dò Campuchia. Sau đó người Tây Ban Nha cũng hoạt động ở Campuchia. Có lúc, người Tây Ban Nha tưởng chừng đã đặt được cơ sở vững chắc cho mình ở Campuchia như dưới thời vua Bavôm Rêachêa II (1598). Nhưng vụ mưu chiếm Phnôm Pênh do họ gây ra không thành. Dưới thời vua Pônhêathan (1642-1659) thực dân Hà Lan cũng định nhẩy vào, nhưng bị thất bại.

2. Thực dân Pháp xâm lược Campuchia và đặt nền thống trị

Vào giữa thế kỷ XIX, cuộc tranh giành phạm vi thế lực giữa Anh và Pháp ở Đông Nam Á ngày càng quyết liệt. Nhưng thực ra công cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở Campuchia đã bắt đầu từ rất sớm.

Người Pháp đầu tiên đến Campuchia là cha cố Lui Sơvơrơi trong “Hội truyền bá niềm tin” ở lại Uđông truyền giáo trong 3 năm (1662-1665). Nhưng vì Campuchia là quốc gia Phật giáo nên hoạt động của Lui Sơvơrơi không có kết quả. Tuy vậy, các giáo sĩ của Pháp vẫn kiên trì thâm nhập xứ sở giàu có này. Họ học tiếng Khơme, dịch kinh thánh và truyền giảng bằng chính ngôn ngữ bản xứ. Trên thực tế họ trở thành cố vấn cho các đạo quân, các võ quan và các nhà chính trị thực dân.

Vào năm 1845, khi vua Ang Dương lên ngôi cũng là lúc Campuchia gặp nhiều khó khăn ở bên trong. Nội chiến liên miên làm cho đất nước rối ren. Ở bên ngoài, phong kiến Xiêm và phong kiến Nguyễn chèn ép.

Các giáo sĩ người Pháp chăm chú theo dõi tình hình chính trị của Campuchia. Họ đặc biệt lưu ý tới trạng thái lo âu của vua Ang Dương và cho rằng đây là cơ hội tốt lôi kéo Ang Dương đi theo Pháp. Họ thuyết phục Ang Dương cầu cứu Napôlêông III che chở. Được các giáo sĩ làm môi giới, vua Ang Dương viết thư cho vua Pháp và gửi lễ vật để làm cầu thân thiện đi lại.

Nhận được thư và lễ vật của vua Ang Dương, Napôlêông III xem đây là một dịp may để thực hiện mưu đồ biến vùng này thành thị trường của Pháp. Chính phủ Pháp đã phái đại sứ toàn quyền Dơ Môngtinhi đến Campuchia để ký hiệp ước với danh nghĩa “Hiệp ước liên minh và thương mại”. Mục đích chủ yếu của Hiệp ước là để Pháp có khả năng thâm nhập sâu hơn nữa vào Campuchia, chuẩn bị biến nước này thành thuộc địa.

Phong kiến Xiêm vốn có quyền lợi đặc biệt ở Campuchia, liền gửi thư đe dọa vua Ang Dương. Sợ triều đình Băng Cốc phật ý, vua Ang Dương không dám gặp đại sứ Pháp. Âm mưu chiếm Campuchia của Pháp bị ngăn lại một thời gian.

Tháng 1 năm 1860, Ang Dương chết, con là Nôrôđôm lên nối ngôi, tình hình nội trị và ngoại giao của Campuchia càng khó khăn. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, thời vua Ang Chan II (1806- 1834), vua Campuchia phải chịu tấn phong của Xiêm như một chư hầu. Vì vậy, Nôrôđôm tuy lên làm vua ở Campuchia, nhưng chưa được Xiêm làm lễ tấn phong ở Băng Cốc, nên chưa được coi là vua chính thức. Địa vị của Nôrôđôm tạm thời chỉ như một quan nhiếp chính, có thể bị phế bỏ. Để giám sát lòng trung thành của phong kiến Campuchia, triều đình Băng Cốc đã cử một viên quan đại diện bên cạnh nhà vua Campuchia và chỉ huy công việc của nhà vua.

Ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở bán đảo Trung Ấn, sự phân chia phạm vi thế lực giữa các đế quốc thực dân phương Tây đã xẩy ra một cách khá quyết liệt. Đế quốc Anh sau khi đẩy lùi các thế lực thực dân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp ở Ấn Độ để chiếm xứ này; năm 1824, đã đánh chiếm thủ đô Rănggun (Miến Điện). Chúng cho hạm đội vào vịnh Xiêm, uy hiếp và buộc triều đình Xiêm ký thỏa ước 1855 giành nhiều quyền lợi ưu tiên cho Anh.

Trước sự phát triển thế lực của thực dân Anh ở vùng này, thực dân Pháp cũng không chịu lép vế. Chúng muốn nhanh chóng chiếm Đông Dương làm bàn đạp để tấn công vào thị trường Hoa Nam của Trung Quốc.

Cuộc tấn công Đà Nẵng ngày 1-9-1858 báo hiệu công cuộc chinh phục Đông Dương của thực dân Pháp. Pháp tấn công Việt Nam, dùng sức mạnh của súng đạn để ép buộc triều Nguyễn đầu hàng và đe dọa các nước xung quanh. Nôrôđôm lại muốn nhờ Pháp chống lại thế lực phong kiến Xiêm đang chèn ép. Nôrôđôm sẵn sàng ký một hiệp ước chính trị với Pháp, nhưng lúc này lại bị Xiêm giám sát rất chặt chẽ. Đồng thời Xiêm luôn nhắc nhở Nôrôđôm về việc chưa làm lễ tấn phong. Đứng trước tình hình phức tạp đó, Nôrôđôm lúng túng không tìm được một giải pháp có hiệu quả.

Trước thái độ sợ sệt của Nôrôđôm đối với Xiêm, Pháp thấy cần có biện pháp vũ lực để kéo Nôrôđôm ngả theo mình. Tháng 6-1863 Đuđa đơ Lagơrê chỉ huy pháo thuyền sang Campuchia với danh nghĩa là tìm địa điểm xây dựng căn cứ hải quân. Nhưng thực ra, mục đích chính của thực dân Pháp là trấn an tinh thần Nôrôđôm, đồng thời tiến hành điều tra địa hình và các đường giao thông chuẩn bị cho hành động quân sự.

Đại diện Xiêm ở Campuchia biết âm mưu của Pháp định hất cẳng mình liền tìm mọi cách ngăn cản sự tiếp xúc giữa Nôrôđôm và Đơ Lagơrê. Đơ Lagơrê liền viết thư giục đô đốc Đơ La Gơrăngđiê phải hành động gấp.

Đơ La Gơrăngđiê đến kinh đô Uđông, bất chấp sự có mặt của đại diện triều đình Xiêm, để trực tiếp gặp Nôrôđôm và ký bản Hiệp ước bảo hộ ngày 11-8-1863. Nội dung gồm những khoản chính sau đây :

  1. Pháp nhận bảo hộ Campuchia. Hoàng đế Pháp cử khâm sứ bêncạnh nhà vua Campuchia.
  2. Mọi việc ký kết và giao tiếp của Campuchia với nước khác phảiđược Pháp đồng ý.
  3. Thừa nhận quyền lãnh sự tài phán của Pháp.
  4. Hàng hóa Pháp vào Campuchia được miễn thuế.
  5. Pháp được tự do truyền đạo ở Campuchia.

Hiệp ước 1863 là hiệp ước xâm lược đầu tiên của Pháp ở Campuchia. Nhờ hiệp ước này, Pháp thay thế Xiêm trở thành kẻ “bảo trợ” Campuchia. Triều đình Khơme trở thành bộ máy phụ thuộc thực dân Pháp.

Hiệp ước này đã mở rộng quyền hạn cho thực dân Pháp được quyền đi lại, cư trú, kinh doanh, truyền đạo… tạo mọi điều kiện cho hoạt động chính trị, quân sự của Pháp ở Campuchia.

Lúc đó, Pháp đang mở rộng cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nên muốn sử dụng Campuchia như một kho dự trữ hậu cần phong phú. Thực dân Pháp có quyền đóng quân trên đất Campuchia. Đó là công cụ bảo đảm nền thống trị và quyền lợi của Pháp để chống lại nhân dân Campuchia bất khuất, chống lại sự tranh chấp của những lực lượng bên ngoài, nhất là chống Xiêm.

Triều đình Xiêm tìm cách chống lại Pháp để bảo vệ quyền lợi. Cuộc tranh chấp giữa Pháp và Xiêm ở Campuchia ngày càng trở nên gay gắt và phức tạp. Đại diện của Xiêm ở Uđông đe dọa Nôrôđôm. Để làm vừa lòng Xiêm, Nôrôđôm ký với Xiêm hiệp ước “che chở” cắt hai tỉnh Puốcsát và Kôngpôngsoài cho Xiêm. Vua Xiêm đáp lại bằng việc hứa sẽ tấn phong cho Nôrôđôm ở Băng Cốc. Hành động này của Xiêm, nhằm hai mục đích: một là kéo Campuchia lại phía mình, hai là ngăn chặn Pháp lấn lướt, cướp hết quyền lợi của mình.

Thực dân Pháp vẫn tưởng với Hiệp ước 1863, chúng đã hoàn toàn gạt bỏ Xiêm ra khỏi Campuchia, bằng chiêu bài “bảo hộ” chúng sẽ nắm trọn quyền và biến Campuchia thành thuộc địa. Nhưng tình hình không đơn giản vì phong kiến Xiêm không chịu từ bỏ quyền lợi một cách dễ dàng. Hơn nữa, Xiêm có nhiều ảnh hưởng đối với quan lại phong kiến trong bộ máy thống trị Campuchia. Cho nên Hiệp ước Pháp-Campuchia và Hiệp ước XiêmCampuchia như là đòn ăn miếng trả miếng, là sự giằng xé một miếng mồi giữa hai tên ăn cướp. Quyền lợi dân tộc Campuchia bị đe dọa nghiêm trọng.

Thực dân Pháp biết rằng nếu để Nôrôđôm sang Băng Cốc nhận tấn phong thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Đơ Lagơrê liền trắng trợn tuyên bố: nếu nhà vua đi Băng Cốc thì Pháp sẽ đánh chiếm kinh đô Uđông. Pháp đưa quân từ Sài Gòn sang Uđông để chuẩn bị thực hiện ý đồ một cách cứng rắn.

Ngày 3 tháng 3 năm 1864, khi Nôrôđôm cùng đoàn tùy tùng lên đường đi Băng Cốc, Đơ Lagơrê ra lệnh cho quân đánh chiếm hoàng cung, treo cờ Pháp lên các trụ sở hành chính. Nghe tiếng súng nổ và tin quân Pháp đánh chiếm hoàng cung, Nôrôđôm phải quay trở về. Âm mưu của Xiêm không thực hiện được.

Tháng 4-1864, Hiệp ước Pháp-Campuchia được Napôlêông III phê chuẩn. Bây giờ chỉ còn việc mua bán cuối cùng giữa Xiêm và Pháp. Thực dân Pháp đã thỏa thuận với Xiêm là lễ đăng quang sẽ tổ chức ở Uđông vào ngày 3-6-1864 với sự tham dự của đại biểu Chính phủ Pháp và đại biểu Chính phủ Xiêm.

Mâu thuẫn giữa Pháp và Xiêm trong mối quan hệ với Campuchia đã được dàn xếp. Nguyên nhân chính là vì Xiêm lúc này cũng đang lo chống đỡ với Anh ở các mặt phía nam và phía tây bắc.

Pháp cũng hiểu rằng không thể một lúc đương đầu với nhiều địch thủ. Đồng thời, mối quan hệ về phân chia phạm vi thế lực với Anh cũng không cho phép Pháp hành động. Cho nên Pháp và Xiêm đã ký Hiệp ước ngày 15-7-1867 với nội dung chủ yếu là :

  1. Nước Xiêm thừa nhận quyền bào hộ của Pháp đối với Campuchia.
  2. Hủy bỏ bản hiệp ước ký kết Xiêm-Campuchia tháng 12-1863.
  3. Chính phủ Pháp cắt nhường các tỉnh Bátđomboong và Ăngko choXiêm.

Hiệp ước trên như lời tuyên bố rút lui của Xiêm khỏi Campuchia trước một đối thủ có tham vọng lớn hơn và lực lượng mạnh hơn. Tuy vậy, Pháp vẫn phải nhượng bộ Xiêm một phần bằng cách cắt cho Xiêm 2 tỉnh của Campuchia.

Về thực chất, Hiệp ước Xiêm-Pháp 1867 như một thỏa thuận chia phần trên xương máu của dân tộc Khơme. Hiệp ước đó còn là bằng chứng không chối cãi được về việc Pháp cướp chủ quyền của Campuchia, tự tiện cắt một phần lãnh thổ Campuchia để Xiêm làm ngơ trước sự xâm nhập của Pháp vào Campuchia.

Sau khi đã gạt được Xiêm, thực dân Pháp buộc Nôrôđôm ký thêm Hiệp ước 17-6-1884. Việc ký Hiệp ước 1884 của vua Nôrôđôm đã diễn ra trong sự cưỡng bức trắng trợn của thực dân Pháp. Hôm ấy vào khoảng 10 giờ đêm, khi Nôrôđôm đã đi nằm, thống đốc Nam Kỳ là Tômsơn cùng một toán lính mang súng lê tuốt trần xông vào hoàng cung buộc Nôrôđôm dậy, bắt ký vào Hiệp ước đã viết sẵn. Nội dung chủ yếu là :

  1. Vua Campuchia chấp nhận mọi cải cách về hành chính, tư pháp, tài chính, thương nghiệp do Chính phủ Pháp tiến hành.
  2. Các quan chức bản xứ ở các tỉnh, được giữ nguyên nhưng phải chịu sự kiểm soát và điều khiển của Pháp.
  3. Các ngành thuế vụ, thương chính, giao thông trở thành những ngành riêng do quan chức người Pháp nắm giữ.
  4. Chính phủ Pháp giữ quyền bổ nhiệm các viên công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh. Công sứ có quyền duy trì trật tự, trị an và kiểm soát các nhà chức trách địa phương. Công sứ chịu sự điều khiển của khâm sứ, khâm sứ đặt dưới quyền của thống đốc Nam Kỳ.

Hiệp ước này hầu như tước bỏ hoàn toàn quyền lực của nhà nước Campuchia và đem lại cho thực dân Pháp quyền cai trị thực sự đất nước này. Điều ước quy định rõ vua Campuchia là kẻ ăn lương và khâm sứ có quyền “hội kiến” với vua bất kỳ lúc nào. Ở Campuchia theo truyền thống thì quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà vua, một hình thức sở hữu ruộng đất ở phương Đông. Nay chế độ đó được thay bằng chế độ sở hữu tư nhân, ruộng đất có thể mua bán, chuyển nhượng.

Như vậy là với hiệp ước 1884, thực dân Pháp đã công nhiên nắm toàn quyền chi phối nền thống trị Campuchia, từng bước thay đổi bộ mặt xã hội và quan hệ kinh tế ở Campuchia cho phù hợp với chính sách khai thác bóc lột thực dân. Nhân dân Campuchia từ sau hiệp ước 1884 chịu đựng thêm ách bóc lột nặng nề của chủ nghĩa thực dân Pháp. Cuộc sống của nhân dân Campuchia bị xáo trộn một cách nghiêm trọng. Tình trạng đó dẫn tới những phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra sôi nổi trong cả nước.

II – Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Campuchia

1. Cuộc đấu tranh của Hoàng thân Sivôtha

Nôrôđôm nhu nhược đầu hàng Pháp. Quyền lợi dân tộc bị xúc phạm và quyền lợi của giai cấp phong kiến bị tổn hại. Sivôtha và một số đại biểu của giai cấp phong kiến như Xênôngxô, Comheng Giuythêa đã đứng lên khởi nghĩa.

Phong trào đầu tiên nổ ra vào giữa năm 1861 ở tỉnh Kôngpôngsoài và vùng bắc Biển Hổ. Ở tỉnh Baphnôm, đông đảo nhân dân dưới sự lãnh đạo của Xênôngxô và Comheng Giuythêa đã nổi dậy. Bằng vũ khí thô sơ, gậy gộc, dáo mác nhưng với tinh thần bảo vệ độc lập dân tộc, họ đã chiến đấu rất dũng cảm. Nghĩa quân đánh chiếm dinh tổng đốc. Trước khí thế mạnh mẽ của nghĩa quân, tên tổng đốc cùng gia đình bỏ chạy. Các trụ sở hành chính bị chiếm. Khởi nghĩa Baphnôm thắng lợi đã lôi cuốn phong trào các vùng lân cận và lan ra khắp các tỉnh phía đông sông Mê Công, có khả năng dẫn tới một phong trào đấu tranh mang tính chất toàn quốc.

Nôrôđôm tập hợp 3000 quân, chia đi khắp nơi để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Chủ lực quân khởi nghĩa ở phía nam Phnôm Pênh do Comheng Giuythêa chỉ huy đã đánh bại cánh quân Nam của triều đình. Nôrôđôm rút quân về Phnôm Pênh để ngăn ngừa nghĩa quân tiến về kinh đô Uđông. Bọn quý tộc Khơme được tin Nôrôđôm thua trận càng hoang mang, chuẩn bị chạy trốn.

Nhân đà thắng lợi, khí thế của nghĩa quân bừng bừng, Comheng Giuythêa cổ vũ quân sĩ tiến về Uđông. Trước sức mạnh của nghĩa quân, Nôrôđôm liền cùng hoàng tộc chạy về Bátđomboong, có ý định chạy sang Xiêm cầu cứu.

Uđông nằm trong tình trạng hỗn loạn. Bộ máy chính quyền của phong kiến hầu như không còn hoạt động nữa. Nhưng nghĩa quân đã để mất thời cơ. Hoàng thân Sivôtha không có mặt ở kinh đô Uđông, Comheng Giuythêa không biết tiếp tục truy kích để làm tan rã hoàn toàn lực lượng của phong kiến phản động. Comheng Giuythêa dừng lại ở Uđông và sau đó lui quân về Phnôm Pênh để chờ lệnh của Sivôtha. Lúc này kẻ thù có thời gian thu gom lại lực lượng, đồng thời câu kết với các thế lực bên ngoài để phản công.

Mùa xuân 1862, vua Nôrôđôm sang Băng Cốc cầu cứu vua Xiêm xin giúp đỡ quân sự để đàn áp nghĩa quân, khôi phục địa vị đang lung lay của ông ta. Phong kiến Xiêm muốn củng cố lại ảnh hưởng đã giúp đỡ Nôrôđôm về nước và đưa quân tập trung ở biên giới để làm hậu thuẫn cho quân đội của triều đình Khơme.

Mùa thu năm 1862, triều đình Campuchia nhờ sự giúp đỡ của thế lực Pháp-Xiêm đã đánh lui nghĩa quân. Baphnôm, trung tâm của phong trào bị quân triều đình chiếm lại. Nghĩa quân không giữ được Phnôm Pênh phải rút về miền Bắc Campuchia và bị tổn thất nặng nề. Tướng Xênôngxô bị trọng thương và bị bắt, Comheng Giuythêa bị tử trận vào tháng 101862.

Phong trào bị chìm lắng một thời gian. Cuối năm 1876 Sivôtha lại nổi dậy hoạt động ở Kôngpôngsoài. Quân triều đình nhiều lần kéo đến vây đánh, nhưng nghĩa quân áp dụng chiến thuật du kích, tránh đối đầu với quân triều đình để bảo toàn lực lượng, nên chúng không sao đàn áp nổi. Dưới sự lãnh đạo của Sivôtha, nghĩa quân lại hoạt động mạnh ở Baphnôm. Phong trào đấu tranh của nhân dân trở thành mối đe dọa đối với triều đình Khơme và bọn xâm lược nước ngoài.

Chính trong lúc cuộc khởi nghĩa của Sivôtha bước vào cao trào mới, thực dân Pháp đã hoàn thành việc thay thế Xiêm. Phong trào đấu tranh do Sivôtha lãnh đạo thành trở lực chính đối với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Chúng điều tàu chiến, quân đội, súng ống và các cố vấn huấn luyện quân đội nhằm tăng cường lực lượng quân sự để giữ cho Nôrôđôm có thể tồn tại.

Quân Pháp và quân triều đình tập trung vây quét nghĩa quân ở Baphnôm. Ngày 18-21877, chúng bao vây đại bản doanh của Sivôtha ở Vát Pachi nhằm vét một mẻ lưới. Nhưng cuộc đấu tranh yêu nước của Hoàng thân Sivôtha đã giành được cảm tình sâu sắc của nhân dân và của cả binh lính triều đình, nên cuộc vây quét không thành công vì binh lính đã nổ súng báo hiệu trước. Hoàng thân Sivôtha và nghĩa quân nhanh chóng rút khỏi khu vực nguy hiểm. Cuộc vây quét bị thất bại, nhưng sau đó nghĩa quân lâm vào tình trạng khó khăn.

Tháng 3 năm 1877, Hoàng thân Sivôtha di chuyển quân lên phía bắc và hoạt động mạnh ở các tỉnh phía đông bắc, đánh chiếm tỉnh Thbongkhmum, Nôrôđôm phải phái đội quân trung thành với triều đình và đơn vị lính Tagan[42] đánh lấy lại tỉnh này. Triều đình Khơme và thực dân Pháp không dập tắt được phong trào đấu tranh do Sivôtha lãnh đạo, chừng nào Sivôtha chưa bị bắt. Nhưng làm sao bất được Sivôtha? Hàng rào che chở Sivôtha quá lớn và thật bền vững. Thực dân Pháp quỷ quyệt liền dùng chính sách dụ dỗ Sivôtha đầu hàng, chúng hứa sẽ đảm bảo an toàn cho ông. Nhưng người anh hùng dân tộc Sivôtha đã kiên quyết cự tuyệt những lời dụ dỗ mua chuộc đó.

Tuy vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Khơme do Sivôtha lãnh đạo đã bị kẻ thù đàn áp khốc liệt. Vả lại, Sivôtha đã già, ông không còn khỏe mạnh như trước. Tháng 10-1892 ông ốm nặng và từ trần ở Phum Krac thuộc tỉnh Kôngpôngthom, phong trào đấu tranh bị tàn lụi dần.

Cuộc khởi nghĩa do Sivôtha lãnh đạo bị thất bại nhưng đã để lại cho nhân dân Khơme nhiều bài học lịch sử có ý nghĩa lớn lao. Với tinh thần đấu tranh bất khuất, mặc dù kẻ thù mạnh hơn, có vũ khí tốt hơn, nhưng nghĩa quân đã nhiều phen làm quân thù khiếp đảm. Không khuất phục đầu hàng, Sivôtha người anh hùng của dân tộc Campuchia đã nêu tấm gương sáng cho nhân dân Campuchia, để lại những trang sử đấu tranh ngoan cường vì độc lập, tự do của dân tộc. Sivôtha và bạn hữu của ông dù đã hy sinh nhưng mãi mãi cổ vũ dân tộc Campuchia bước tiếp trên con đường gian khổ đấu tranh vì tương lai tươi sáng của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

2. Cuộc khởi nghĩa của Acha Soa (1863-1866)

Về lai lịch của Acha Soa, hiện nay chưa có tài liệu xác định một cách rõ ràng, nhưng căn cứ theo tên gọi thì Acha là một chức vị quan trọng môi giới giữa nhân dân và những vị tu hành. Acha gần như một thủ lĩnh có uy tín về tinh thần trong nhân dân, lãnh trách nhiệm thay mặt nhân dân giao tiếp với nhà sư.

Acha Soa thoạt đầu tham gia phong trào của Sivôtha Xênôngxô ở Baphnôm và Ăngko. Nhưng từ ngày Nôrôđôm câu kết với thế lực phản động và thực dân Pháp, Acha Soa cùng nghĩa quân bị đàn áp phải phiêu bạt sang Việt Nam ở vùng Châu Đốc, Tịnh Biên. Ở đây có dãy núi Thất Sơn là vùng hiểm trở có đông dân Khơme làm ăn sinh sống. Những người dân Khơme sống hòa thuận với người Việt Nam. Đứng trước họa ngoại xâm, số phận của dân Việt Nam lúc này cũng giống như người dân Khơme, nên cuộc vận động của Acha Soa gặp nhiều thuận lợi. Nhân dân Việt Nam căm giận triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp đã sẵn sàng giúp Acha Soa chống thực dân Pháp và triều đình Khơme.

Từ vùng núi Thất Sơn, Acha Soa lấy Châu Đốc, Hà Tiên làm bàn đạp đánh về Campuchia. Năm 1864, có lần nghĩa quân đã chiếm được tỉnh Campôt và áp sát Phnôm Pênh. Hoạt động của nghĩa quân vào năm 18641865 càng mạnh mẽ.

Thực dân Pháp thù ghét phong trào này, nhưng bấy giờ ở Nam Kỳ, ba tỉnh miền Tây vẫn còn trong tay triều đình nhà Nguyễn, chúng chỉ có thể gây áp lực với nhà Nguyễn, trục xuất nghĩa quân Acha Soa chứ không dám tấn công.

Nghĩa quân hoạt động mạnh ở Hà Tiên, Kôngpôngxpư, Kôngpôngsom và ở Vịnh Xiêm. Quân Pháp thiệt hại khá nhiều vì các cuộc tập kích của nghĩa quân vào các thuyền chuyên chở súng đạn, lúa gạo ở vịnh Xiêm. Chúng liền yêu cầu triều đình Huế đàn áp phong trào này, bắt Acha Soa nộp cho chúng. Triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ còn nuôi nhiều ảo tưởng có thể chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ nên đã nhận lời, nhưng mặt khác triều đình nhà Nguyễn cũng muốn duy trì các thế lực chống đối để mặc cả. Chính vì vậy, đầu tháng 7-1865, La Gơrăngđiê ở Sài Gòn đã gửi thư cảnh cáo viên Tổng đốc tỉnh Châu Đốc là “lề mề, thờ ơ không chịu dẹp quân phiến loạn Cao Miên đang quấy rối ở phía nam Vương quốc Campuchia. Bọn này luôn đột nhập vào lãnh thổ An Nam để lấy tiếp tế hoặc ẩn náu một khi bị truy nã”.

Vùng núi Sam, Thất Sơn và phía Đông nam Campuchia trở thành vùng hoạt động tự do của nghĩa quân Acha Soa. Chính quyền phản động Campuchia và bọn Pháp luôn luôn bị động trong việc truy quét chống đỡ phong trào đấu tranh của nhân dân.

Tình hình hoạt động của nghĩa quân ngày càng mạnh. Biên giới Việt Nam, Campuchia biến thành vùng an toàn cho Acha Soa. Thực dân Pháp thấy bất lợi liền ép buộc thế lực đầu hàng phản động triều Nguyễn bắt Acha Soa nộp cho chúng. Bị thương nặng trong trận chiến đấu ngày 19-31866, Acha Soa đã bị bắt giao cho Pháp.

Acha Soa bị sa vào tay giặc, phong trào chống Pháp của nhân dân Khơme trong liên minh chiến đấu tự nhiên của nhân dân Việt NamCampuchia yếu dần ở vùng Châu Đốc, Hà Tiên, Kôngpôngxpư, Kôngpôngsom. Nhưng một cuộc đấu tranh mạnh mẽ lại tiếp tục bùng lên ở vùng biên giới Tây Ninh, phía bắc sông Tiền, sông Hậu, lan lên vùng Đông bắc Campuchia, Svâyriêng, Niếclương, Bắc Phnôm Pênh… Đó là phong trào đấu tranh do Pucômbô lãnh đạo đã làm cho bọn thực dân Pháp phải nhiều phen khốn đốn.

3. Phong trào đấu tranh của Pucômbô (1866-1867)

Cuộc đấu tranh của Sivôtha và cuộc khởi nghĩa của Acha Soa đã thức dậy trong tâm hồn nhân dân Khơme tinh thần anh dũng bất khuất. Họ đều muốn đoàn kết với nhau trong một mục đích chống kẻ thù chung. Sống trong đất nước lấy đạo Phật làm quốc giáo, Pucômbô là nhà sư có uy tín cao trong nhân dân. Ông là một người yêu nước Campuchia, có mối quan hệ rộng lớn ở một vùng biên giới Lào-Việt-Campuchia, có nhiều dân tộc: người Xtiêng, người Khạ, người Chăm. Đông hơn cả là người Việt và người Khơme. Vùng đất rộng, địa bàn rừng núi thích hợp với sự hoạt động du kích của nghĩa quân. Nhân dân ở đây lại là những con người tin chính nghĩa, có tinh thần đấu tranh ngay thẳng, hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh của Pucômbô.

Pucômbô từ đầu đã có ý định tập hợp lực lượng quanh mình tiến hành một cuộc đọ sức sống mái với kẻ thù dân tộc. Nhưng tháng 4-1865, bọn Pháp đã đánh hơi thấy ý định chống đối của Pucômbô nên chúng bắt ông đem về giam lỏng ở Sài Gòn.

Lúc này, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam do Trương Quyền lãnh đạo đã lan rộng từ Tây Ninh đến Sài Gòn. Trong khi hoạt động ở Sài Gòn, nghĩa quân Trương Quyền đã bắt liên lạc với Pucômbô. Và tháng 5 năm 1866, những người yêu nước Việt Nam đã tổ chức cho Pucômbô vượt ngục. Về đến Tây Ninh, ông được đón tiếp nồng nhiệt, Pucômbô nhanh chóng tập hợp nhân dân Khơme, Xtiêng, Chàm, Thượng, và những người Việt cũng đến giúp đỡ ông.

Ngày 7-6-1866, nghĩa quân Pucômbô lợi dụng tư tưởng chủ quan của tướng Pháp đã tổ chức một trận đánh thắng lợi. Pucômbô cho một đám đông quần chúng tập hợp trước đồn khiêu khích, tên trưởng đồn cậy có vũ khí mạnh, hung hăng dẫn một toán lính từ trong đồn ra giải tán đám đông đó. Nhưng không ngờ đám đông bao vây chặn hết đường rút. Bí thế chúng liền nổ súng, nhưng bị quần chúng phản công tiêu diệt. Chỉ có một số ít sống sót chạy vào đồn. Đồn bị bao vây, binh lính Pháp, hoang mang tột độ, điện về Sài Gòn xin quân tiếp viện.

Pucômbô là một nhà quân sự sáng suốt có tài đánh du kích. Ông dự đoán đúng ý đồ của địch, rút lui tránh đụng độ đối mặt ngay với kẻ thù.

Ngày 14 tháng 6 trong khi Mácsedơ nóng lòng đến cực độ thì được tin nghĩa quân Pucômbô tập trung quân ở Rạch Vinh định tấn công Tây Ninh. Y liền huy động 150 quân và hai khẩu đại bác đi tìm đánh nghĩa quân. Gần trọn một ngày trời hành quân vất vả, quân Pháp cũng không gặp nghĩa quân. Đến ba giờ chiều hôm ấy khi binh lính Pháp đã mệt mỏi, kỷ luật hành quân không giữ được nữa thì bỗng nhiên nghĩa quân xuất hiện sau một làng ở Rạch Vinh. Hoàn toàn bị bất ngờ, quân Pháp hoang mang không nghĩ đến chuyện chiến đấu nữa, đua nhau chạy tán loạn.

Nghĩa quân reo hò xông lên sau loạt đạn đầu tiên. Cuộc chiến đấu giáp lá cà xảy ra gây thiệt hại lớn cho địch. Tên Trung tá Mácsedơ bị giết ngay tại trận cùng 10 tên lính hộ vệ. Đám tàn quân chạy tán loạn không thể tiếp tục chiến đấu được nữa. Cuộc rút chạy chỉ có khoảng 5km mà từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng ngày hôm sau tàn quân địch mới về tới Tây

Ninh. Trận phục kích bị tổn thất lớn ám ảnh quân Pháp, khiến chúng không còn dám nghênh ngang coi thường nghĩa quân như trước. Phải mấy ngày sau quân Pháp mới trở lại trận địa để nhặt xác chết đem về chôn.

Ngày 24 tháng 6, đồn Thuận Kiều của Pháp lại bị quân của Trương Quyền tấn công, tổn thất nặng nề. Cuộc chiến đấu chia lửa tự nhiên này làm cho bọn Pháp càng hoảng sợ.

Cuộc đấu tranh càng trở nên quyết liệt. Bọn thực dân tăng viện lo chống đỡ khắp mọi nơi: Tây Ninh, Trảng Bàng, và chúng điều cả tàu chiến đến sông Vàm cỏ trợ chiến. Kế hoạch của thực dân Pháp là tăng cường đóng chốt và tích cực truy quét, tìm diệt nghĩa quân, bình định vùng Tây bắc Nam kỳ. Nhiều cuộc giao tranh đẫm máu giữa nghĩa quân và quân Pháp đã xảy ra trong cuối tháng 6 và đầu tháng 7.

Pucômbô và nghĩa quân biết lực lượng của địch mạnh nên chuyển hoạt động sang vùng Đông bắc Campuchia. Ngày 18-8-1866 trận chiến đấu đã xảy ra ở tỉnh Baphnôm, quân triều đình Khơme bị đánh tan tác và tên đại thần chỉ huy đạo quân triều đình bị tử trận. Kẻ thù bị đòn choáng váng, chưa ổn định tinh thần liền bị giáng tiếp một đòn nữa vào tháng 10 năm đó. Nôrôđôm hốt hoảng cầu cứu thực dân Pháp.

Tháng 10 năm 1866, thực dân Pháp phái đạo quân 1000 tên cùng phối hợp với 2000 lính Khơme tiến hành trấn áp nghĩa quân. Là người chỉ huy du kích tài giỏi, Pucômbô biết tránh đụng độ lực lượng mạnh của kẻ thù. Địch tập trung quân càn quét tỉnh Ba Phnôm định tiêu diệt nghĩa quân thì Pucômbô đã chuyển quân đi nơi khác. Ngày 17-12, nghĩa quân tiến đánh Uđông, lần lượt chiếm nhiều địa điểm quan trọng, quân triều đình thua to, viên tướng chỉ huy quân triều đình bỏ chạy tháo thân. Giữa lúc Uđông có nguy cơ bị mất hoàn toàn, thì quân Pháp đưa quân tới cứu. Uđông giữ được nhưng quân lính, quan lại triều đình hoang mang lo sợ đến tột đỉnh. Thực dân Pháp và quân Nôrôđôm muốn dồn nghĩa quân vào vòng vây để tiêu diệt. Nhưng Pucômbô đã khôn khéo hành quân lúc ẩn, lúc hiện, khi hoạt động ở tỉnh này, lúc dời sang tỉnh khác. Thực dân Pháp và bọn phản động luôn luôn nằm trong thế bị động.

Giữa năm 1867, tình hình trở nên bất lợi cho nghĩa quân. Nhà Nguyễn đã đầu hàng, bán rẻ ba tỉnh phía Tây Nam kỳ. Việc mất ba tỉnh phía tây Nam kỳ đã gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đồng thời cũng làm cho nghĩa quân mất một địa bàn an toàn và nơi cung cấp nhân lực, tài lực đáng kể. Phong trào dần dần bị xẹp xuống, hoạt động của nghĩa quân yếu hẳn đi. Pucômbô và nghĩa quân chuyển lên rừng núi phía bắc, giáp giới với nước Lào.

Vào cuối năm 1867, Pucômbô dẫn nghĩa quân đánh về Kôngpôngthom để mở rộng thế hoạt động. Quân địch trang bị mạnh, số quân đông. Nghĩa quân ở vào thế bất lợi, lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị lại kém. Nghĩa quân đã chiến đấu kiên cường giữ trọn lòng trung thành với đất nước và nhân dân. Thà chết không đầu hàng, nghĩa quân Pucômbô đã chống chọi một cách anh dũng cho đến khi sức cùng, lực kiệt. Bản thân Pucômbô bị thương nặng và rơi vào tay quân địch. Bắt được Pucômbô chúng liền chặt đầu ông đưa về Phnôm Pênh bêu đầu.

Cuộc chiến đấu anh dũng của Pucômbô đã kết thúc một cách oanh liệt. Ngày 3-12-1867, Pucômbô hy sinh. Cái chết cao cả của Pucômbô, người anh hùng dân tộc đã gây nên sự xúc động mạnh mẽ và để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng nhân dân Campuchia.

Cuộc chiến đấu của Pucômbô là một biểu trưng đẹp đẽ về liên minh chiến đấu tự nhiên giữa các dân tộc cùng chung só phận bị xâm lược và nô dịch trên bán đảo Đông Dương. Trong hàng ngũ nghĩa quân có cả người Việt, người Xtiêng, người Khạ, người Khơme… Họ đã xóa bỏ những tị hiềm, tư tưởng hẹp hòi bản vị cũ, cùng nhau đoàn kết lại chiến đấu vì mục đích chung. Mối liên hệ trong cuộc đấu tranh chống Pháp giữa các lãnh tụ của phong trào kháng chiến Việt Nam là Trương Quyền với Pucômbô, sự nuôi dưỡng, che chở cho phong trào Pucômbô từ những ngày đầu trên đất Việt Nam, đã chứng minh sự hình thành và phát triển của tinh thần liên minh chiến đấu của hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.

III – Chính sách cai trị của thực dân Pháp và phong trào dân tốc Campuchia đầu thế kỷ XX

Cùng với việc đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Campuchia, thực dân Pháp xây dựng một hệ thống cai trị ở Campuchia để tổ chức việc bóc lột và khai thác thuộc địa.

Trước khi thực dân phương Tây đến xâm lược, Campuchia là một quốc gia phong kiến. Nhân dân Campuchia sống trên một vùng đất đai giàu có , cư dân thưa thớt, dân số giữa thế kỷ XIX chưa tới 1 triệu người. Trong chế độ phong kiến Campuchia, vua là chủ sở hữu cao nhất về đất đai, là đấng tối thượng. Hoàng tộc và quan lại thành những chủ phong kiến sống dựa vào sự bóc lột tô thuế của nhân dân. Bộ máy cai trị của phong kiến và nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu bóc lột của thực dân tư bản Pháp. Trước hết, Pháp phải nắm toàn bộ nên thống trị chính trị, biến chính quyền Nôrôđôm thành bù nhìn phục vụ cho chính sách thuộc địa. Hiệp ước năm 1884 là mốc chuyển biến đó.

Trên cơ sở tồn tại chính quyền cũ của Campuchia, thực dân Pháp bổ nhiệm một viên khâm sứ người Pháp chủ trì Hội đồng các quan đại thần gồm 5 vị cao nhất. Dưới sự điều khiển của khâm sứ, Hội đồng 5 quan đại thần sẽ bàn bạc về việc định luật lệ, tiến hành cải cách và cai trị. Nhà vua không tham dự mà chỉ được báo lại quyết định của Hội đồng.

Đồng thời, Pháp thiết lập một bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến trung ương do người Pháp trực tiếp điều khiển. Các cấp hành chính từ huyện trở xuống chủ yếu do người bản xứ nắm, nhưng đặt dưới sự điều khiển và kiểm soát chặt chẽ của người Pháp. Thực dân Pháp đã biến giai cấp phong kiến Campuchia thành chỗ dựa cho chúng.

Về thuế khóa và lao dịch, Pháp thay thuế 10% thu hoạch của nhà vua trên mảnh đất chiếm hữu của nông dân thành thuế sở hữu đất đai canh tác. Chính quyền thực dân chia ruộng đất ra làm ba loại để đánh thuế :

  1. Loại đất màu mỡ ở ven sông và các cồn thích hợp cho việc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bông, thuốc lá, dâu, phải chịu mỗi phi-am (2m2) từ 1 xu đến 5 đồng theo mức độ màu mỡ của đất.
  2. Những loại ruộng trồng lúa thì cách đánh thuế vẫn theo tỉ lệ thu nhập trước kia.
  3. Ngoài hai loại đất trên, thuế đất mỗi phi-am từ 2 xu đến 5 hào.

Thực dân Pháp ngày càng tăng thuế ruộng đất, từ năm 1894 đến 1904 thuế đất tăng đến 5 lần. Ngoài ra bọn chúng còn thu thuế thân, thuế chợ, thuế sát sinh, thuế cầu…

Ở Campuchia, bọn thực dân đã chú ý khai thác nguồn hồ tiêu. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng nhiều ở Campuchia. Chúng đánh thuế hồ tiêu theo cây và thu sản phẩm. Nhờ đó, năm 1895 Pháp xuất khẩu từ Campuchia đến khoảng 1 triệu rưỡi kg hồ tiêu.

Về công, nông, lâm nghiệp, chúng chí chú ý khai thác những nguồn cung cấp hàng hóa cho thị trường như các mỏ đá ngọc quý, vàng ở vùng Kôngpôngthom, Pailin gần Bátđomboong. Đặc biệt chú ý ngành nấu rượu, mỗi năm cung cấp hàng vạn héctôlít rượu cồn vừa thu lãi vừa đầu độc nhân dân. Ngoài ra chúng còn xây dựng nhà máy xay, vơ vét lúa gạo để xuất khẩu; nhà máy ép dầu thực vật. Diện tích rừng chiếm tới 10 triệu ha. Các tỉnh Kôngpôngchàm, Krachiê, Stungtreng là những vùng có nhiều sông ngòi dễ khai thác. Thiên nhiên Campuchia còn tạo cho đất nước này thành như một hồ cá lớn của sông Mê Công. Sản lượng cá lên đến 120.000 tấn hàng năm. Cả một vùng biển nhìn ra vịnh Thái Lan đẩy tôm cá và như một khu vực ao nhà. Tuy nhiên ngành cá nước ngọt vẫn là ngành dễ khai thác, là nguồn thức ăn quan trọng và nguồn xuất khẩu lớn.

Nhìn chung, chính sách thống trị của thực dân Pháp là bóc lột bằng khai thác mà không chú ý đến phát triển công nghiệp và sản xuất ở bản xứ. Nó muốn biến nền kinh tế này thành nền kinh tế phụ thuộc, nông nghiệp lạc hậu.

Sự thống trị của thực dân Pháp đã làm cho dân tộc Campuchia thức tỉnh ý thức quật cường, và chính trong thời kỳ Pháp tưởng như yên ổn vẫn bừng dậy những cuộc đấu tranh mạnh mẽ.

Cuộc đấu tranh của nhà sư Ang Snuôn và nhân dân Bắc Campuchia.

Năm 1905, nhân dân Bắc Campuchia thuộc tỉnh Stungtreng đã nổi dậy đấu tranh. Nhà sư Ang Snuôn lãnh đạo khoảng 400 người được trang bị bằng gậy gộc, dáo mác đứng lên khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp.

Thực dân Pháp đưa quân đến đàn áp. Ngày 15-3 quân Pháp đi lùng sục nghĩa quân ở vùng Pôrông bị thiệt hại nặng. Chúng điều thêm quân do tên công sứ Pháp ở tỉnh Kôngpôngthom chỉ huy, phải sau một thời gian mới trấn áp được.

Tố cáo của Thái tử Yukăngto (1900)

Là con trai của Nôrôđôm, ông bất bình với thái độ ươn hèn đầu hàng của vua cha và các quan đại thần. Được học tập và có ý thức dân tộc, ông không bằng lòng với cảnh sống bất công, nô dịch nhục nhã của thực dân Pháp đối với dân tộc. Năm 1900, ông sang Pháp để dự triển lãm ở Pari. Trong thời gian ở Pháp, ông viết báo tố cáo chế độ thực dân, vạch rõ cái mà thực dân đem lại cho Campuchia chỉ là tự do chết đói. Ông vạch trần thủ đoạn dã man đàn áp của bọn thực dân Pháp không cho người Campuchia được quyền ngôn luận.

Những lời tố cáo của Yukăngto đã gây nên dư luận xôn xao làm chính phủ Pháp lo ngại. Để có thể bịt dư luận phản kháng của nhân dân Campuchia, chúng đã bắt ông đày biệt tích ở đảo Rêuyniông.

Cuộc đấu tranh của nhân dân tỉnh Bátđomboong do Kathatooc và Vixe Nhu lãnh đạo.

Ngày 3 tháng 7 năm 1907 thực dân Pháp đưa quân vào đóng ở các tỉnh Bátđomboong,

Sixôphôn và XiêmRiệp theo hiệp ước Xiêm-Pháp. Gần nửa thế kỷ, tỉnh này phụ thuộc Xiêm, bây giờ trở về với Campuchia, nhưng là trở về trong khi đất nước bị nô lệ. Tỉnh trưởng Bátđomboong không muốn chấp nhận làm nô lệ cho Pháp, nên cùng nhân dân chống lại. Một viên quan khác là Vixe Nhu cũng đứng lên khởi nghĩa. Thực dân Pháp phải vất vả một thời gian, huy động hàng trăm lính đối phó với nghĩa quân ở vùng đất hiểm trở. Năm 1908, nghĩa quân hoạt động mạnh gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.

Nhưng sang năm 1909, nghĩa quân bị quân Pháp đàn áp, lực lượng phân tán, yếu dần và tan rã vào cuối năm đó.

Phong trào đấu tranh của nhân dân thiểu số dưới sự lãnh đạo của Pa Trangluông

Phía đông tỉnh Krachiê là địa bàn cư trú của dân tộc thiểu số. Nhân dân ở đây còn sống trong thời kỳ bộ lạc. Thực dân Pháp bắt nhân dân làm lao dịch, xây đồn bót nặng nhọc và bị đối xử rất tàn tệ. Vốn yêu tự do không chịu sự ràng buộc áp bức, họ đã đứng lên giết sạch bọn lính đồn Pruxa và đốt cháy đồn.

Thực dân Pháp định lợi dụng mua chuộc các tù trưởng để ổn định tình hình. Nhưng các tù trưởng ở đây đã giả vờ quy thuận, tổ chức nhân dân bất thần tấn công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp cùng tên chỉ huy của chúng.

Thực dân Pháp phải dùng chính sách kết hợp quân sự và kinh tế để bao vây, bình định vùng này. Chúng tăng thêm quân, xây dựng đồn bót ở các địa điểm giao thông quan trọng. Chúng đồng thời bao vây, không cấp muối và các vật dụng khác. Phong trào tan rã dần. Chỉ còn Pa Trangluông người lãnh tụ chiến đấu kiên cường bất khuất, tiếp tục đấu tranh nhưng cuối cùng cũng bị thất bại.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia vào đầu thế kỷ XX, chứng tỏ sức sống kiên cường của một dân tộc vốn yêu tự do. Những chính sách bóc lột và khai thác của thực dân Pháp càng làm cho nhân dân căm thù và phát triển mạnh mẽ tinh thần yêu nước. Các cuộc đấu tranh đó mang xu thế tập hợp lực lượng xã hội nhằm vào một yêu cầu chung của dân tộc là: độc lập, tự do. Nhưng những tiên đề điều kiện cho phong trào dân tộc thắng lợi còn chưa xuất hiện, và cơ sở xã hội còn chưa có để đảm bảo cho các cuộc đấu tranh thành công.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.