Tích lũy tư bản là gì? Bản chất, Quy luật, Nhân tố ảnh hưởng

0

Tích lũy tư bản là gì? Bản chất, vai trò và hệ quả của tích lũy tư bản. Các nhân tố ảnh hưởng đến quy mô tích lũy tư bản.

1. Thực chất và động cơ của tích lũy tư bản

Tái sản xuất giản đơn không phải là hình thái điển hình của chủ nghĩa tư bản, mà hình thái tái sản xuất điển hình của nó là tái sản xuất mở rộng. Tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa là sự lặp lại quá trình sản xuất với quy mô lớn hơn trước, với một tư bản lớn hơn trước. Muốn vậy, phải biến một bộ phận giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm.

Việc sử dụng giá trị thặng dư làm tư bản hay sự chuyển hoá giá trị thặng dư trở lại thành tư bản gọi là tích lũy tư bản. Như vậy, thực chất của tích lũy tư bản là tư bản hoá giá trị thặng dư. Nói một cách cụ thể, tích lũy tư bản là tái sản xuất ra tư bản với quy mô ngày càng mở rộng. Sở dĩ giá trị thặng dư có thể chuyển hoá thành tư bản được là vì giá trị thặng dư đã mang sẵn những yếu tố vật chất của tư bản mới.

Sự chuyển hóa một phần giá trị thặng dư trở lại thành tư bản gọi là tích lũy tư bản.

Có thể minh hoạ tích lũy và tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa bằng ví dụ: năm thứ nhất quy mô sản xuất là 80c + 20v + 20m. Giả định 20m không bị nhà tư bản tiêu dùng tất cả cho cá nhân, mà được phân thành 10m dùng để tích lũy và 10 m dành cho tiêu dùng cá nhân của nhà tư bản. Phần 10 m dùng để tích lũy được phân thành 8c + 2v, khi đó quy mô sản xuất của năm sau sẽ là 88c + 22v + 22m (nếu m vẫn như cũ). Như vậy, vào năm thứ hai, quy mô tư bản bất biến và tư bản khả biến đều tăng lên, giá trị thặng dư cũng tăng lên tương ứng.

Nghiên cứu tích lũy và tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa cho phép rút ra những kết luận vạch rõ hơn bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa:

– Một là, nguồn gốc duy nhất của tư bản tích lũy là giá trị thặng dư và tư bản tích lũy chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong toàn bộ tư bản. C.Mác nói rằng, tư bản ứng trước chỉ là một giọt nước trong dòng sông của tích lũy mà thôi. Trong quá trình tái sản xuất, lãi (m) cứ đập vào vốn, vốn càng lớn thì lãi càng lớn, do đó lao động của công nhân trong quá khứ lại trở thành phương tiện để bóc lột chính người công nhân.

– Hai là, quá trình tích lũy đã làm cho quyền sở hữu trong nền kinh tế hàng hoá biến thành quyền chiếm đoạt tư bản chủ nghĩa. Trong sản xuất hàng hoá giản đơn, sự trao đổi giữa những người sản xuất hàng hoá theo nguyên tắc ngang giá về cơ bản không dẫn tới người này chiếm đoạt lao động không công của người kia. Trái lại, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa dẫn đến kết quả là nhà tư bản chẳng những chiếm đoạt một phần lao động của công nhân, mà còn là người sở hữu hợp pháp lao động không công đó. Nhưng điều đó không vi phạm quy luật giá trị.

Động cơ thúc đẩy tích lũy và tái sản xuất mở rộng là quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản – quy luật giá trị thặng dư, quy luật này chỉ rõ mục đích sản xuất của nhà tư bản là giá trị và sự tăng thêm giá trị. Để thực hiện mục đích đó, các nhà tư bản không ngừng tích lũy để mở rộng sản xuất, xem đó là phương tiện căn bản để tăng cường bóc lột công nhân làm thuê.

Mặt khác, cạnh tranh buộc các nhà tư bản phải không ngừng làm cho tư bản của mình tăng lên bằng cách tăng nhanh tư bản tích lũy.

2. Những nhân tố ảnh hưởng đến quy mô tích lũy tư bản

Với một khối lượng giá trị thặng dư nhất định thì quy mô của tích lũy tư bản phụ thuộc vào tỷ lệ phân chia khối lượng giá trị thặng dư đó thành quỹ tích lũy và quỹ tiêu dùng của nhà tư bản, nhưng nếu tỷ lệ phân chia đó đã được xác định, thì quy mô của tích lũy tư bản phụ thuộc vào khối lượng giá trị thặng dư. Do đó những nhân tố ảnh hưởng tới khối lượng giá trị thặng dư cũng chính là nhân tố quyết định quy mô của tích lũy tư bản. Những nhân tố đó là:

 -Trình độ bóc lột giá trị thặng dư

Các nhà tư bản nâng cao trình độ bóc lột sức lao động bằng cách cắt xén vào tiền công. Khi nghiên cứu sự sản xuất giá trị thặng dư, C.Mác giả định rằng sự trao đổi giữa công nhân và nhà tư bản là sự trao đổi ngang giá, tức là tiền công bằng giá trị sức lao động. Nhưng trong thực tế, công nhân không chỉ bị nhà tư bản chiếm đoạt lao động thặng dư, mà còn bị chiếm đoạt một phần lao động tất yếu, tức cắt xén tiền công, để tăng tích lũy tư bản.

Các nhà tư bản còn nâng cao trình độ bóc lột sức lao động bằng cách tăng cường độ lao động và kéo dài ngày lao động để tăng khối lượng giá trị thặng dư, nhờ đó tăng tích lũy tư bản. Cái lợi ở đây còn thể hiện ở chỗ nhà tư bản không cần ứng thêm tư bản để mua thêm máy móc, thiết bị mà chỉ cần ứng tư bản để mua thêm nguyên liệu là có thể tăng được khối lượng sản xuất, tận dụng được công suất của máy móc, thiết bị, nên giảm được hao mòn vô hình và chi phí bảo quản của máy móc, thiết bị.

– Trình độ Năng suất lao động xã hội

Năng suất lao động xã hội tăng lên thì giá cả tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng giảm. Sự giảm này đem lại hai hệ quả cho tích lũy: một là, với khối lượng giá trị thặng dư nhất định, phần dành cho tích lũy có thể lấn sang phần tiêu dùng, trong khi sự tiêu dùng của nhà tư bản không giảm mà vẫn có thể bằng hoặc cao hơn trước; hai là, một lượng giá trị thặng dư nhất định dành cho tích lũy cũng có thể chuyển hóa thành một khối lượng tư liệu sản xuất và sức lao động phụ thêm nhiều hơn trước.

Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã tạo ra nhiều yếu tố phụ thêm cho tích lũy nhờ việc sử dụng vật liệu mới và tạo ra công dụng mới của vật liệu hiện có như những phế thải trong tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân của xã hội, những vật vốn không có giá trị. Cuối cùng, năng suất lao động tăng sẽ làm cho giá trị của tư bản cũ tái hiện dưới hình thái hữu dụng mới càng nhanh.

– Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa tư bản sử dụng và tư bản tiêu dùng

Trong quá trình sản xuất, tư liệu lao động (máy móc, thiết bị) tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất, nhưng chúng chỉ hao mòn dần, do đó giá trị của chúng được chuyển dần từng phần vào sản phẩm. Vì vậy có sự chênh lệch giữa tư bản sử dụng và tư bản tiêu dùng. Mặc dù đã mất dần giá trị như vậy, nhưng trong suốt thời gian hoạt động, máy móc vẫn có tác dụng như khi còn đủ giá trị. Do đó, nếu không kể đến phần giá trị của máy móc chuyển vào sản phẩm trong từng thời gian, thì máy móc phục vụ không công chẳng khác gì lực lượng tự nhiên.

Máy móc, thiết bị càng hiện đại, thì sự chênh lệch giữa tư bản sử dụng và tư bản tiêu dùng càng lớn, do đó sự phục vụ không công của máy móc càng lớn, tư bản lợi dụng được những thành tựu của lao động quá khứ càng nhiều. Sự phục vụ không công đó của lao động quá khứ là nhờ lao động sống nắm lấy và làm cho chúng hoạt động. Chúng được tích lũy lại cùng với quy mô ngày càng tăng của tích lũy tư bản. Có thể minh họa điều này bằng số liệu sau:

Thế hệ máyGiá trị máy (triệu USD)Năng lực sản xuất sản phẩm (triệu chiếc)Khấu hao trong một sản phẩm (USD)Chênh lệch tư bản sử dụng và tư bản tiêu dùng (USD)Khả năng tích lũy tăng so với thế hệ máy 1
I101109.999.990
II142713.999.9932tr SP x (10 – 7) = 6 triệu USD
III183617.999.9943tr SP x (10 – 6) = 12 triệu USD

– Quy mô tư bản ứng trước

Với trình độ bóc lột không thay đổi, thì khối lượng giá trị thặng dư do khối lượng tư bản khả biến quyết định. Do đó quy mô của tư bản ứng trước, nhất là bộ phận tư bản khả biến càng lớn, thì khối lượng giá trị thặng dư bóc lột được càng lớn, do đó tạo điều kiện tăng thêm quy mô của tích lũy tư bản.

Từ sự nghiên cứu bốn nhân tố quyết định quy mô của tích lũy tư bản có thể rút ra nhận xét chung là để tăng quy mô tích lũy tư bản, cần khai thác tốt nhất lực lượng lao động xã hội, tăng năng suất lao động, sử dụng triệt để công suất của máy móc, thiết bị và tăng quy mô vốn đầu tư ban đầu.

Quy luật chung của tích lũy tư bản chủ nghĩa

Những nội dung của quy luật chung của tích lũy tư bản chủ nghĩa (hệ quả của tích lũy tư bản) như sau:

a) Quá trình tích lũy tư bản là quá trình tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản

Tư bản tồn tại dưới dạng vật chất và giá trị. Cấu tạo của tư bản gồm có cấu tạo kỹ thuật và cấu tạo giá trị.

Cấu tạo kỹ thuật của tư bản là tỷ lệ giữa khối lượng tư liệu sản xuất với số lượng lao động cần thiết để sử dụng các tư liệu sản xuất đó. Nó biểu hiện dưới các hình thức của số lượng máy móc, nguyên liệu, năng lượng do một công nhân sử dụng trong một thời gian nào đó. Cấu tạo kỹ thuật phản ánh đặc điểm và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.

Cấu tạo giá trị của tư bản là tỷ lệ theo đó tư bản phân thành tư bản bất biến (hay giá trị của tư liệu sản xuất) và tư bản khả biến (hay giá trị của sức lao động) cần thiết để tiến hành sản xuất.

Cấu tạo kỹ thuật thay đổi sẽ làm cho cấu tạo giá trị thay đổi. C.Mác đã dùng phạm trù cấu tạo hữu cơ của tư bản để chỉ mối quan hệ đó.

Cấu tạo hữu cơ của tư bản là cấu tạo giá trị của tư bản, do cấu tạo kỹ thuật quyết định và phản ánh sự thay đổi của cấu tạo kỹ thuật của tư bản.

Do tác động thường xuyên của tiến bộ khoa học và công nghệ, cấu tạo hữu cơ của tư bản cũng không ngừng biến đổi theo hướng ngày càng tăng lên. Điều đó biểu hiện ở chỗ: bộ phận tư bản bất biến tăng nhanh hơn bộ phận tư bản khả biến, tư bản bất biến tăng tuyệt đối và tăng tương đối, còn tư bản khả biến thì có thể tăng tuyệt đối, nhưng lại giảm xuống một cách tương đối.

b) Quá trình tích lũy tư bản là quá trình tích tụ và tập trung tư bản ngày càng tăng

Tích tụ tư bản là việc tăng quy mô tư bản cá biệt bằng tích lũy của từng nhà tư bản riêng rẽ. Tích tụ tư bản, một mặt, là yêu cầu của việc mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; mặt khác, khối lượng giá trị thặng dư tăng thêm lại tạo khả năng hiện thực cho tích tụ tư bản mạnh hơn.

Tập trung tư bản là sự hợp nhất một số tư bản nhỏ thành một tư bản cá biệt lớn. Đây là sự tập trung những tư bản đã hình thành, là sự thủ tiêu tính độc lập riêng biệt của chúng, là việc biến nhiều tư bản nhỏ thành một số ít tư bản lớn hơn.

Tích tụ tư bản làm cho tư bản cá biệt tăng lên, và tư bản xã hội cũng tăng theo. Còn tập trung tư bản chỉ làm cho tư bản cá biệt tăng quy mô còn tư bản xã hội vẫn như cũ.

c) Quá trình tích lũy tư bản là quá trình bần cùng hóa giai cấp vô sản

Cấu tạo hữu cơ của tư bản ngày càng tăng, làm cho cầu tương đối về sức lao động có xu hướng ngày càng giảm. Đó là nguyên nhân chủ yếu gây ra nạn nhân khẩu thừa tương đối.

Có ba hình thái nhân khẩu thừa:

  • Nhân khẩu thừa lưu động là loại lao động bị sa thải ở xí nghiệp này, nhưng lại tìm được việc làm ở xí nghiệp khác. Nói chung, số này chỉ mất việc làm từng lúc.
  • Nhân khẩu thừa tiềm tàng là nhân khẩu thừa trong nông nghiệp – đó là những người nghèo ở nông thôn, thiếu việc làm và cũng không thể tìm được việc làm trong công nghiệp, phải sống vất vưởng.
  • Nhân khẩu thừa ngừng trệ là những người hầu như thường xuyên thất nghiệp, thỉnh thoảng mới tìm được việc làm tạm thời với tiền công rẻ mạt, sống lang thang, tạo thành tầng lớp dưới đáy của xã hội.

Nạn thất nghiệp đã dẫn giai cấp công nhân đến bần cùng hóa. Bần cùng hóa tồn tại dưới hai dạng:

Sự bần cùng hóa tuyệt đối giai cấp công nhân biểu hiện ở mức sống bị giảm sút. Sự giảm sút này xảy ra không chỉ trong trường hợp tiêu dùng cá nhân tụt xuống một cách tuyệt đối, mà cả khi tiêu dùng cá nhân tăng lên, nhưng mức tăng đó chậm hơn mức tăng nhu cầu do chi phí lao động nhiều hơn.

Mức sống của công nhân tụt xuống không chỉ do tiền lương thực tế giảm, mà còn do sự giảm sút của toàn bộ những điều kiện có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của họ như nạn thất nghiệp – một mối đe dọa thường trực, sự lo lắng cho ngày mai, sự bất an về mặt xã hội.

Sự bần cùng hóa tương đối giai cấp công nhân biểu hiện ở tỷ lệ thu nhập của giai cấp công nhân trong thu nhập quốc dân ngày càng giảm, còn tỷ lệ thu nhập của giai cấp tư sản ngày càng tăng.

Ở nơi này, lúc này, bộ phận này sự bần cùng hóa biểu hiện ra một cách rõ rệt; trong khi đó, ở nơi khác, lúc khác, bộ phận khác, sự bần cùng hóa lại không rõ nét lắm. Chính cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã “đặt giới hạn cho sự tiếm đoạt bạo ngược của tư bản”.

Ý nghĩa, vai trò

– Làm cho qui mô vốn ngày càng tăng, có điều kiện cải tiến kĩ thuật ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, có khả năng giành thắng lợi trong cạnh tranh.

– Hiểu và nắm được các nhân tố tăng qui mô tích lũy, từ đó vận dụng trong sản xuất kinh doanh để tăng vốn và sử dụng vốn có hiệu quả kinh tế.

– Tăng năng suất lao động là cách sử dụng vốn có hiệu quả nhất (hạ giá trị cá biệt, hạ giá trị sức lao động, tăng thêm tích lũy vốn…)

– Tăng khấu hao tư liệu sản xuất, tránh được hao mòn vô hình, có ý nghĩa rất lớn tăng tích lũy vốn sản xuất và sử dụng tư liệu sản xuất có hiệu quả.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.