Giáo hội La Mã và phong trào viễn chinh của quân Thập Tự

0

Giáo hội La Mã và phong trào viễn chinh của quân Thập Tự (phương Tây trung đại).

I. Sự phát triển thế lực của giáo hội La Mã

1. Tổng giám mục La Mã trở thành Giáo hoàng

Sau khi biến thành quốc giáo của La Mã, để quản lý việc đạo trong toàn đế quốc, đạo Kitô đã thành lập 5 trung tâm giáo hội do Tổng Giám mục đứng đầu. Năm trung tâm đó là: Côngxtăngtinốp, Antiốt, Giêrudalem, Alêchxăngđri và La Mã.

Năm 395, đế quốc La Mã chia thành 2 đế quốc: Tây La Mã và Đông La Mã. Tại Tây La Mã chỉ có 1 trung tâm, còn 4 trung tâm khác thuộc về Đông La Mã. Năm 476, Tây La Mã diệt vong. Trên đất đai của Tây La Mã đã thành lập nhiều vương quốc của người Giécmanh.

Nhân tình hình ấy, Tổng Giám mục La Mã tự xưng là Giáo hoàng, một mặt muốn chiếm quyền lãmh đạo cao nhất toàn bộ giáo hội Kitô ở cả phương Tây và phương Đông; một mặt muốn bắt quốc vương các nước mới thành lập ở Tây Âu phải khuất phục dưới quyền lực của mình.

2. Đạo Kitô đầu thời Trung đại

Đến thời Trung đại, đạo Kitô nhấn mạnh thuyết con người sinh ra ai cũng có tội. Sở dĩ như vậy là vì thủy tổ loài người là Adam và Eva đã không vâng lời Chúa trời nên đã phạm tội. Do vậy, dòng giống của họ là toàn thể loài người phải mang tội truyền kiếp. Ngoài ra, mỗi người trong cuộc đời của mình còn phạm những tội lỗi riêng. Tuy nhiên, giáo hội Kitô tuyên truyền rằng bằng các nghi thức như Thánh thể (cho ăn bánh thánh ), giải tội v…, các giáo sĩ được nhân danh Chúa để ban phúc lành, do đó có thể làm cho mọi người được thoát khỏi sự trừng phạt sau khi chết và được hưởng hạnh phúc ở thiên đường.

Ngoài ra giáo hội còn đề xướng chủ nghĩa cấm dục, thành lập các nhà tu kín, chủ trương thờ các di vật của các thánh, hành hương đến các đất thánh,v.v… để làm tăng thêm sự tin tưởng của các tín đồ.

Đối với những người vi phạm quy chế của giáo hội, giáo hội thường dùng biện pháp khai trừ giáo tịch tức là loại bỏ sự cứu vớt linh hồn sau khi chết để buộc họ phải ngoan ngoãn phục tùng giáo hội.

Cơ sở vật chất của giáo hội là các lãnh địa rộng lớn của các nhà thờ và tu viện thuộc giáo hội La Mã.

Hơn nữa, năm 756, vua của vương quốc Phrăng là Pêpanh Lùn sau khi đánh bại người Lôngba đã đem đất đai lấy được ở Ý hiến cho Giáo hoàng, do đó Giáo hoàng cũng có một lãnh thổ thật sự và quốc gia của Giáo hoàng cũng giống như các vương quốc phong kiến khác ở Tây Âu.

3. Mâu thuẫn trong nội bộ Giáo hội Kitô

Một khi thế lực của Giáo hoàng lớn mạnh thì mưu đồ của Giáo hoàng muốn ngự trị toàn bộ giáo hội Kitô cũng càng tăng, do đó mâu thuẫn giữa La Mã và các tổ chức Giáo hội ở phương Đông cũng càng thêm sâu sắc.

Năm 867, Hội nghị các giáo chủ ở phương Đông đã thông qua nghị quyết khai trừ giáo tịch của Giáo hoàng Nicôla I và tuyên bố rằng việc can thiệp của Giáo hoàng vào công việc của giáo hội phương Đông là không hợp pháp.

Đến năm 1054, do việc tranh chấp về quyền quản lý các giáo sĩ ở Nam Ý, Giáo hoàng sai sứ đưa giấy sang khai trừ giáo tịch của Tổng Giám Mục Côngxtăngtinnốp. Từ đó giáo hội Kitô chính thức chia làm hai giáo hội:

+ Ở phương Tây gọi là giáo hội La Mã hoặc giáo hội Thiên Chúa.

+ Ở phương Đông gọi là giáo hội Hy Lạp hoặc giáo hội Chính Thống.

II. Những cuộc viễn chinh của quân Thập Tự

1. Nguyên cớ

– Theo quan niệm truyền thống của đạo Kitô, Giêrudalem là đất thánh của tôn giáo này, vì đây là nơi Chúa Giêxu đã sống và mộ của Chúa cũng táng ở nơi đây. Nhưng từ thế kỷ VII, vùng này bị các tộc theo theo Hồi giáo lần lượt xâm chiếm, cụ thể là:

+ Đầu thế kỷ VII, vùng này bị A-rập chiếm.

+ Cuối thế kỷ X, vùng này rơi vào tay nước Calipha Ai Cập.

+ Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XI, vùng này bị người Tuyếc Xengiúc chiếm.

Đặc biệt đến cuối thế kỷ XI, do chiến tranh loạn lạc nên khách hành hương Tây Âu không thể đi qua Tiểu Á để đến Palextin được nữa. Vì vậy ở Tây Âu, một mặt người ta phóng đại sự ngược đãi của người Tuyếc Xengiúc đối với tín đồ Kitô giáo, một mặt người ta phóng đại sự giàu có sung sướng của phương Đông.

– Trong hoàn cảnh ấy, người Tuyếc Xengiúc đang chuẩn bị tấn công Côngxtantinốp. Vì vậy, năm 1090 và 1091, hoàng đế Bidantium đã cử sứ giả sang cầu cứu giáo hoàng và gửi thư yêu cầu các nước Tây Âu đưa quân sang phương Đông để chống bọn tà giáo.

Như vậy, nguyên cớ của những cuộc chiến tranh này dường như là do mâu thuẫn giữa Kitô giáo và Hồi giáo nhưng nguyên nhân sâu xa là do giai cấp phong kiến một số nước Tây Âu muốn cướp bóc phương Đông và Giáo hoàng La Mã muốn giành được quyền quản lý cả giáo hội phương Đông.

2. Các cuộc viễn chinh

Từ cuối thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII, những đoàn quân Thập tự đã tiến hành 8 cuộc viễn chinh:

  • Cuộc viễn chinh lần thứ nhất (1096-1099).
  • Cuộc viễn chinh lần thứ hai (1147-1149).
  • Cuộc viễn chinh lần thứ ba (1189-1192).
  • Cuộc viễn chinh lần thứ tư (1202-1204).
  • Cuộc viễn chinh lần thứ năm (1217-1219).
  • Cuộc viễn chinh lần thứ sáu (1228-1229).
  • Cuộc viễn chinh lần thứ bảy (1248-1254).
  • Cuộc viễn chinh lần thứ tám (1270).

Trong 8 cuộc viễn chinh ấy, rầm rộ hơn cả là cuộc viễn chinh lần thứ nhất và cuộc viễn chinh lần thứ tư.

a/ Cuộc viễn chinh lần thứ nhất (1096-1099):

Sự hô hào của Giáo hoàng:

Nhận thấy thời cơ xâm lược phương Đông đã thuận lợi, tháng 9-1095, Giáo hoàng Uyếcbanh II (1088-1099) đã triệu tập một cuộc hội nghị tôn giáo ở thành phố Clécmông (Pháp) để chuẩn bị viễn chinh.

Tại phiên bế mạc của cuộc hội nghị này, Giáo hoàng hô hào người phương Tây hãy nhanh chóng đi cứu giúp những người anh em Kitô giáo ở phương Đông, giải phóng mộ Chúa, đuổi bọn tà giáo ấy ra khỏi thế giới của tín đồ Kitô giáo.

Đồng thời Giáo hoàng còn nói ở phương Đông “khắp nơi đầy mật và sữa”, đặc biệt Giêrudalem là trung tâm của mặt đất thì lại càng giàu có, thậm chí đó là “thiên đường thứ hai”. Vì vậy, “ai ở đây buồn khổ nghèo đói thì đến đó sẽ trở thành người giàu có”.

Lời kêu gọi của Giáo hoàng được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Ngay sau đó, họ khâu vào áo hình cây thánh giá màu đỏ để biểu thị quyết tâm tham gia viễn chinh.

Cuộc viễn chinh của nông dân:

Kế hoạch của Giáo hoàng là sang mùa xuân năm 1096, đoàn kỵ sỹ Tây Âu sẽ bắt đầu lên đường viễn chinh. Nhưng khi quân kỵ sỹ chuẩn bị chưa xong thì tháng 2-1096 mấy vạn nông dân Pháp và Đức vội vàng lên đường.

Người cầm đầu đoàn quân nông dân này là một thầy tu ẩn dật người Pháp tên là Pie Lécmít. Đoàn quân nông dân này thực ra chỉ là một đoàn người ô hợp, không có đội ngũ chỉnh tề, không có kỷ luật, không có vũ khí lương thực, không có cả hiểu biết về quân sự, thậm chí Giêrudalem ở đâu, cách xa bao nhiêu họ cũng không hề biết. Họ chỉ biết hướng về phương Đông mà đi.

Dọc đường họ phải cướp bóc để kiếm thức ăn nên đã bị giết chết rất nhiều. Khi họ vừa đến Tiểu Á liền bị người Tuyếc Xengiúc đánh tan chỉ còn 1/10 trốn thoát.

Cuộc viễn chinh của quân kỵ sĩ :

Mãi đến tháng 8-1096, quân kỵ sĩ Tây Âu mới bắt đầu lên đường. Đến cuối tháng 4-1097, quân Thập tự đến Tiểu Á. Sau những cuộc giao chiến với người Tuyếc Xengiúc, quân Thập tự đã lần lượt chiếm được Eđétxa, Antiốt, Giêrudalem, Tơripôli rồi thành lập những tiểu quốc theo kiểu các nước phong kiến phương Tây, trong đó vương quốc Giêrudalem là trung tâm.

Để bảo vệ những nước này, các nước phương Tây đã thành lập các đoàn kỵ sĩ tôn giáo như đoàn kỵ sĩ Y viện, đoàn kỵ sĩ Đền miếu, đoàn kỵ sĩ Tơtôn.

Thành viên của những tổ chức này vừa là kỵ sĩ vừa là tu sĩ. Tuy về danh nghĩa thì như vậy, nhưng trong thực tế, bằng các biện pháp chiến tranh cướp bóc, buôn bán…họ cũng trở thành những kẻ hết sức giàu có.

Sự thống trị tàn bạo của bọn phong kiến Tây Âu làm cho nhân dân địa phương luôn luôn nổi dậy phản kháng nên các quốc gia này không ổn định.

b/ Cuộc viễn chinh lần thứ tư (1202-1204):

Năm 1187, Giêrudalem bị Xuntan (vua) Ai Cập là Xalađin chiếm, đoàn quân Thập tự phương Tây do vua của 3 nước Đức, Pháp, Anh chỉ huy đã tiến hành cuộc viễn chinh lần thứ ba nhưng không thu được kết quả gì đáng kể, Giêrudalem vẫn thuộc về Ai Cập, vì vậy Giáo hoàng La Mã lại phát động cuộc viễn chinh lần thứ tư.

Theo kế hoạch của Giáo hoàng thì mục tiêu của cuộc viễn chinh này là Ai Cập, vì nếu đánh bại được Ai Cập thì sẽ chiếm được Giêrudalem.

Để thực hiện kế hoạch, quân Thập tự phải thuê thương nhân Vênêxia dùng thuyền của họ để chở quân Thập tự đến Ai Câp.

Trong khi quân Thập tự đang chuẩn bị thì Thái tử lưu vong của Bidantium yêu cầu quân Thập tự sang Côngxtăngtinốp để khôi phục ngôi vua cho Hoàng đế Bidantium bị lật đổ.

Tháng 7-1203, quân Thập tự đổ bộ lên Côngxtăngtinốp, đến tháng 4-1204 thì tấn công và chiếm được thành phố này rồi thẳng tay cướp bóc, tàn sát, đốt phá.

Sau khi chiếm được Côngxtăngtinốp, quân Thập tự không muốn đi giải phóng đất thánh Giêrudalem nữa. Trên 3/8 lãnh thổ của Bidantium đã chiếm được quân Thập tự lập một quốc gia mới gọi là “đế quốc La Tinh”.

Thương nhân Vênêxia cũng được chia 3/8 đất đai của đế quốc Bidantium. Người Bidantium chỉ còn lại vùng ven biển Ađriatíc và phần đất đai ở

Tiểu Á trên vùng đất còn lại ấy họ lập 2 nước nhỏ Epia và Nixê.

Năm 1261, đế quốc Latinh bị Nixê đánh bại. Đế quốc Bidantium được khôi phục.

c/ Cái gọi là “cuộc viễn chinh nhi đồng”:

Sau 4 lần viễn chinh rầm rộ nhưng không đạt được kết quả, ở hai nước Pháp và Đức loan truyền một quan niệm cho rằng người lớn phạm nhiều tội lỗi nên không thể thực hiện được sứ mạng thiêng liêng giải phóng mộ Chúa mà chỉ có trẻ em trong trắng mới hoàn thành được nhiệm vụ đó.

Năm 1212, một em bé mục đồng người Pháp 12 tuổi tự xưng là “sứ giả của Chúa”, được Chúa cử làm người chỉ huy đội quân nhi đồng đi giải phóng đất Thánh.

Sau 3 tháng, 30.000 trẻ em Pháp đã tập hợp ở Mác-xây để xuống thuyền đi Palextin nhưng một số bị chết vì đắm thuyền số còn lại bị chở sang Ai Cập bán làm nô lệ.

Tiếp đó, 20.000 trẻ em Đức cũng được đưa đến Nam Ý. Do sự can thiệp của chính quyền địa phương các em được đưa về Đức, nhưng phần lớn đã bị chết trên đường đi về.

Sau đó còn có bốn cuộc viễn chinh nữa nhưng càng về cuối càng kém rầm rộ và đều không thu được kết quả gì.

Như vậy, phong trào viễn chinh Thập tự kéo dài gần hai thế kỷ đã thất bại hoàn toàn.

3. Hậu quả

a/ Hậu quả trực tiếp:

Tòa thánh La Mã không thực hiện được mục đích mở rộng thế lực của Giáo hội Thiên Chúa sang phương Đông, trái lại sự tàn bạo của quân Thập tự càng làm cho Giáo hội và Giáo hoàng mất uy tín.

Giai cấp phong kiến không đạt được mục đích chiếm đất đai để thành lập lãnh địa.

Thương nhân Vênêxia thu được nhiều chiến lợi phẩm và giành được quyền lũng đoạn việc buôn bán ở phương Đông.

Nông dân phương Tây và cư dân phương Đông phải chịu rất nhiều thảm họa.

b/ Hậu quả khách quan :

– Về kinh tế, do giành được quyền lũng đoạn trong việc buôn bán ở vùng Đông Địa Trung Hải, số lượng hàng hóa của phương Đông được chở sang phương Tây nhiều hơn trước. Vì vậy, nhiều thành phố ở Ý, Nam Pháp, Tây Ban Nha đã phát triển nhanh chóng.

Ngoài ra, nhiều nghề mới như nghề làm giấy, làm thủy tinh, chế tạo thuốc súng…và nhiều loại nông sản mới như lúa, chanh, dưa hấu… đã được truyền sang Tây Âu.

– Về văn hóa, qua tiếp xúc với phương Đông, giai cấp phong kiến Tây Âu đã học tập được nhiều điều mới mẻ như nghi thức ở cung đình, cách giao tiếp lịch sự, cách để tóc, để râu, sự trau chuốt cầu kỳ về trang phục v…

– Về xã hội, phong trào này đã góp phần vào việc làm tan rã chế độ nông nô và làm tăng thêm quyền lực của vua một số nước Tây Âu.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.