Chủ nghĩa trọng nông
Chủ nghĩa trọng nông xuất hiện chủ yếu ở Pháp vào giữa thế kỷ XVIII do hoàn cảnh kinh tế đặc biệt của Pháp lúc bấy giờ là sự đình đốn của nền nông nghiệp. Do sự bóc lột hà khắc của địa chủ phong kiến, nông dân phải nộp địa tô cao và nhiều thứ thuế khác; thêm vào đó là chính sách trọng thương của Cônbe đã cướp bóc nông nghiệp để phát triển công nghiệp (hạ giá ngũ cốc, thực hiện “ăn đói để xuất khẩu”…) làm cho nông nghiệp nước Pháp sa sút nghiêm trọng, nông dân túng quẫn. Nhà triết học Vônte đã nhận xét: “Nông dân bàn tán về lúa mỳ nhiều hơn về thượng đế”. Trong bối cảnh đó chủ nghĩa trọng nông đã ra đời nhằm giải phóng kinh tế nông nghiệp nước Pháp khỏi quan hệ sản xuất phong kiến, phát triển nông nghiệp theo kiểu tư bản chủ nghĩa.
Những đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa trọng nông là Phơrăngxoa Kênê (1694-1774) và Tuyếcgô (1727-1771). So với chủ nghĩa trọng thương thì chủ nghĩa trọng nông đã đạt được những bước tiến bộ đáng kể trong phát triển khoa học kinh tế. Chủ nghĩa trọng nông đã chuyển đối tượng nghiên cứu từ lĩnh vực lưu thông sang lĩnh vực sản xuất, tìm nguồn của của cải và sự giàu có của xã hội từ lĩnh vực sản xuất; coi sản phẩm thuần tuý (sản phẩm thặng dư) là phần chênh lệch giữa tổng sản phẩm và chi phí sản xuất; giá trị hàng hóa có trước khi đem trao đổi, còn lưu thông và trao đổi không tạo ra giá trị; lần đầu tiên việc nghiên cứu tái sản xuất xã hội được thể hiện trong “Biểu kinh tế” của Ph. Kênê… là những tư tưởng thiên tài của thời kỳ bấy giờ.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa trọng nông
Tuy nhiên, chủ nghĩa trọng nông còn nhiều hạn chế: Chỉ coi nông nghiệp là ngành sản xuất duy nhất, là nguồn gốc của sự giàu có, chưa thấy vai trò quan trọng của công nghiệp; chưa thấy mối quan hệ thống nhất giữa sản xuất và lưu thông. Họ đã nghiên cứu chủ nghĩa tư bản thông qua các phạm trù: sản phẩm thuần tuý, tư bản, lao động sản xuất, kết cấu giai cấp… nhưng lại chưa phân tích được những khái niệm cơ sở như: hàng hóa, giá trị, tiền tệ, lợi nhuận.
Nội Dung
1. Hoàn cảnh ra đời chủ nghĩa Trọng nông
Cũng như phái Trọng thương, phái Trọng nông xuất hiện trong thời kỳ mà chế độ phong kiến chuyển dần sang xã hội tư bản, nhưng ở một giai đoạn cao hơn, trưởng thành hơn vào giữa thế kỷ XVIII. Trường phái Trọng nông đã khái quát hóa những tiến bộ mới nhất trong nền kinh tế thế kỷ thức XVIII và đã xuất hiện trong cuộc đấu tranh phê phán chủ nghĩa Trọng thương. Cuộc đấu tranh nầy diễn ra ở nhiều nước, nhưng ở nước Pháp nó mang khuynh hướng Trọng nông. Phái Trọng thương Pháp gắn chặt với chế độ phong kiến chuyên chế, do vậy việc phê phán trường phái Trọng thương Pháp gắn liền với việc phê phán chế độ phong kiến.
Từ lâu ở nước Pháp chế độ phong kiến thống trị làm cho đời sống nông dân ngày càng khó khăn, công nghiệp không phát triển, giao thông khó khăn cản trở thương mại, nông nghiệp bị suy sụp, ruộng đất bị bỏ hoang, nông dân lìa bỏ ruộng đồng đi kiếm sống v.v…Trung tâm mâu thuẩn kinh tế Pháp lúc nầy là ở nông nghiệp, do đó nhiều học giả Pháp tin tưởng cuộc cách mạng phải bắt đầu từ nông nghiệp, đưa nông nghiệp ra khỏi tình trạng bế tắc, suy sụp, vạch rõ con đường và các hình thức phát triển nông nghiệp.
Nếu như ở Anh, trung tâm kinh tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Trọng thương là nền công nghiệp lỗi thời công trường thủ công thì ở nước Pháp nó mang màu sắc Trọng nông. Chính trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Trọng nông ra đời. Những đại biểu của trường phái Trọng nông là: Francoi Kéner (Quesnay) (1694-1774), Boiguillebert (16461714), Wauban (1633-1707), Anne Robert Jacque Turgo (1727-1781), Réné Louis d’Argension (1694-1757).v.v…
2. Nội dùng tư tưởng và phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa Trọng nông
Trọng nông cho rằng nguồn gốc của cải, sự giàu có của một quốc gia không phải là vàng bạc mà là khối lượng lương thực, thực phẩm dồi dào để thoả mãn nhu cầu dân chúng. Trong một quốc gia, khối lượng nông sản càng nhiều thì đời sống càng dễ chịu và nếu có dư thừa có thể đem ra nước ngoài đổi lấy những thứ mà trong nước không sản xuất được.
Do đó, cần khuyến khích nông nghiệp phát triển, gia tăng diện tích canh tác, cải tiến phương pháp trồng trọt và giải toả nông nghiệp khỏi những gò bó, kiềm hãm phát triển. Chỉ có nông nghiệp mới hưởng được sự giúp đỡ của tự nhiên (mưa nắng, thời tiết, khí hậu, độ mầu mỡ đất đai…), con người chỉ cần bỏ thêm công sức thì số lượng lương thực, thực phẩm sẽ ngày càng gia tăng và đời sống ngày càng sung túc. Sự tự do cũng là một dữ kiện của thiên nhiên và là điều kiện để phát triển. Trong thiên nhiên đã có sự sắp xếp hoàn hảo (ngày, đêm, bốn mùa, mưa nắng, đất đai, song ngòi …), con người phải tôn trọng sự tự do và trật tự đó. Chính quyền nên để nông dân tự lựa chọn đất đai, cây trồng, phương pháp canh tác, tự do cạnh tranh và hoạt động, tự do trao đổi của cải sản xuất được tùy theo lợi ích cá nhân họ. Nhà nước nên tránh can thiệp vào các hoạt động của các cá nhân của dân chúng, vì sự can thiệp nầy làm sai lệch trật tự tự nhiên, mà trât tự tự nhiên bao giờ cũng coi là hoàn hảo.
Xem thêm : Hàng hóa sức lao động
Phái Trọng nông phê phán gay gắt chủ nghĩa Trọng thương. Họ cho rằng lợi nhuận thương nghiệp có được chẳng qua là chổ các khoản tiết kiệm chi phí thương mại, vì theo họ thương mại chỉ đơn thuần là việc trao đổi những giá trị ngang nhau và trong quá trình trao đổi nếu xét dưới hình thức thuần túy thì cả người mua lẫn người bán đều chẳng có gì để mất hay được cả. Tóm lại, thương nghiệp theo các nhà Trọng nông không thể sinh ra của cải được, “ trao đổi không sản xuất ra được gì cả”.
3. Một số lý luận của Trường phái Trọng nông
– Lý luận về sản phẩm ròng: Trường phái Trọng nông quan niệm rằng sản phẩm của người làm ruộng được chia làm 2 bộ phận: một bộ phận dùng để nuôi sống bản thân người lao động, còn bộ phận kia dôi ra cấu thành sản phẩm ròng. Như vậy, sản phẩm ròng là thu nhập thuần túy của xã hội sau khi trừ đi tiền công. Nếu tổng khối lượng sản phẩm không đổi thì giảm bộ phận thức nhất có thể tăng bộ phận thứ hai. Số sản phẩm ròng cấu thành thu nhập quốc gia, sản phẩm của người sở hữu ruộng đất. Đại lượng của sản phẩm ròng phụ thuộc vào những khoản đầu tư tư bản, nó là kết quả của sự vận động của tư bản.
Theo F. Kéner, những hoạt động có tính chất sản xuất chỉ có thể tìm thấy trong nông nghiệp, chứ không thể có trong công nghiệp hay thương mại. Ông nói, trong công nghiệp và thương mại thì của cải tạo ra chỉ bằng của cải sử dụng, chứ không hề có sự tăng thêm. Nếu thợ thủ công cũng như những người thương buôn chỉ làm công việc pha trộn, kết hợp và chế biến những nguyên liệu sẳn có, thì giá trị sản phẩm làm ra của họ chỉ bằng giá trị của các nguyên liệu, trị giá của những thức ăn, đồ vật mà họ dùng để bảo tồn đời sống trong thời gian làm việc. Tóm lại, theo F. Kéner chỉ có nông nghiệp mới sinh lợi, còn công nghiệp và thương mại là vô bổ. Đó là hạn chế của trường phái Trọng nông.
– Biểu kinh tế của F. Kéner: (Thuyết chu trình luân chuyển kinh tế) (Tableau économique): Xuất phát từ tư tưởng về sản phẩm ròng, F. Kéner phân chia xã hội thành 3 giai cấp:
– Giai cấp sản xuất: gồm những người hoạt động nông nghiệp, nông dân.
– Giai cấp sở hữu: gồm những người nắm giữ đất đai, tức địa chủ.
– Giai cấp không sản xuất: gồm những người làm việc trong các ngành công nghiệp, thương mại, công thương gia v.v…
Từ đó, F. Kéner đã mô tả một cách rành mạch sự luân chuyển tiền hàng giữa 3 giai cấp theo sơ đồ sau đây:
Xem thêm : Chuyển đổi doanh nghiệp là gì? Thủ tục chuyển đổi
Ông giả sử rằng, giai cấp sản xuất thu hoạch trong 1 năm được 5 tỉ, 5 tỉ nầy xem là tổng thu nhập xã hội. Trong 5 tỉ đó, giai cấp sản xuất giử lại một số nông sản trị giá 2 tỉ để tiêu dùng, nộp cho địa chủ 2 tỉ dưới hình thức địa tô và dùng 1 tỉ tiền để đổi với giai cấp không sản xuất để lấy vật phẩm tiêu dùng cần thiết. Giai cấp sở hữu sẽ dùng 1 tỉ tiền để đổi lấy nông sản tiêu dùng của giai cấp sản xuất và 1 tỉ tiền để đổi lấy công nghệ phẩm tiêu dùng của giai cấp không sản xuất. Giai cấp không sản xuất nhận được 1 tỉ tiền của giai cấp sở hữu và 1 tỉ của giai cấp sản xuất, đem 2 tỉ nầy đổi lấy nông sản tiêu dùng. Mỗi lần có một số lượng tiền tệ di chuyển từ giới nầy sang giới khác sẽ có 1 lượng sản phẩm tương đương di chuyển ngược lại, ông gọi là “ Thuyết chu trình luân chuyển kinh tế”.
Sơ đồ mà F. Kéner trình bày còn quá đơn giản nhưng chứa đựng một ý niệm mới mẽ và quan trọng đó là lưu thông hàng hóa với vai trò trung gian của tiền tệ trong xã hội. Theo F. Kéner sự lưu thông nầy bị chi phối bởi quy luật có thể phát hiện ra được và ông ví nó như tuần hoàn máu trong cơ thể con người, như một quá trình tự nhiên, khách quan. Như vậy, F. Kéner là người đầu tiên nêu lên vấn đề lưu thông của cải để tái sản xuất trong phạm vi toàn xã hội và đưa lại cho môn kinh tế học tính khoa học với tư tưởng về các quy luật khách quan.
– Lý thuyết về tư bản, tiền công và sự bình quân hóa tỉ suất lợi nhuận của Jean. Jacque Turgo:
+ Về tư bản: J . J Turgo là người đầu tiên đưa ra khái niệm về tư bản. Theo ông tư bản không chỉ là tiền tệ mà là giá trị được tích lũy lại. Ông là người đầu tiên phân chia tư bản thành tư bản cố định và tư bản lưu động. Ông nói: “Trong bất cứ một ngành nào, người lao động cũng phải có trước những công cụ lao động và một số lượng vật liệu đầy đủ làm đối tượng lao động của họ. Những điều kiện lao động đó một khi có người ứng trước đó lập tức trở thành tư bản”. Công nghiệp càng phát triển thì càng cần thiết ứng trước những khoản lớn hơn và thường xuyên cho quá trình đó. Tư bản chẳng qua chỉ là một bộ phận do đất đai sản xuất ra và được tích lũy lại, chỉ có địa tô là nguồn gốc tích lũy tư bản.
+ Về tiền công: J . J. Turgo đã nêu lên quan niệm về tiền công. Ông cho rằng tiền công nên phải thu hẹp mức sinh hoạt tối thiểu do sự cạnh tranh của công nhân và quyền của nhà tư bản có thể lựa chọn sức lao động rẻ nhất trong số hiện có. Từ đó ông chỉ ra sự bất hạnh về kinh tế của giai cấp công nhân.
Ngoài ra, J. J Turgo còn nêu lên nguyên lý về sự bình quân hóa tỉ suất lợi nhụân trong các ngành khác nhau. Ông cho rằng những tư bản ngang nhau luôn có khuynh hướng mang lại thu nhập ngang nhau không kể chúng đầu tư vào ngành nào. J. J. Turgo cũng là người đầu tiên đưa ra kết luận “quy luật đất đai ngày càng giảm trong nông nghiệp” v.v….
Tóm lại, chủ nghĩa Trọng nông tuy ra đời và tồn tại trong 20 năm, nhưng đã để lại nhiều thành tựu quan trọng trong lịch sử phát triển của lý luận kinh tế thế giới. Những thành tựu đó là phái trọng nông đã chuyển việc nghiên cứu kinh tế từ lưu thông sang sản xuất, tìm nguồn gốc của cải và thu nhập từ trong lĩnh vực sản xuất. Khẳng định lưu thông không tạo ra giá trị, giá trị hàng hóa có trước khi đem trao đổi, trao đổi chỉ làm thay đổi hình thái giá trị mà thôi. Đồng thời phái trọng nông cũng phân tích một cách khoa học lý luận về tái sản xuất trong “ Thuyết chu trình luân chuyển kinh tế của F. Kéner” v.v.
Những thành tựu nói trên là bước nhảy vọt trong lich sử tư tưởng nhân loại.
Tuy nhiên, chủ nghĩa Trọng nông cũng còn nhiều hạn chế. Quan niệm về sản xuất của họ còn nhiều hạn chế, chỉ coi nông nghiệp là ngành sản xuất duy nhất mà không thấy được vai trò quan trọng của công nghiệp. Khi nhấn mạnh sản xuất họ lại phủ nhận lưu thông, phủ nhận lợi nhuận thương nghiệp, coi nó trái với quy luật trao đổi, họ không thấy được vai trò của ngoại thương đối với sự ra đời của CNTB. Khi nghiên cứu về CNTB, họ cố gắng đi sâu vào nghiên cứu những hiện tượng bên trong của nền kinh tế TBCN, nhưng chưa phân tích được những vấn đề lý luận cơ sở như: hàng hóa, tiền tệ, giá trị, lợi nhuận v.v..Do đó, như Các Mác nói: “ Các nhà Trọng nông muốn mưu toan xây dựng lâu đài khoa học từ trên nóc”.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp