Quan điểm về luật pháp trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc cổ đại
Ở Trung Quốc cổ đại, tư tưởng về hình pháp xuất hiện rất sớm và nó đã trải qua một quá trình biến đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Trong buổi đầu, xã hội nhà Chu đã có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Người ta đã áp dụng hai phương pháp trị dân cho hai tầng lớp xã hội khác nhau : một là, “lễ”, làm thành một pháp điển danh dự bất thành văn chi phối cách cư xử của tầng lớp quý tộc, gọi là “tiểu nhân”. Vì thế, sách “Lễ kỉ”, thiên 10 viết : “Lễ không xuống thứ dân, hình không lên đến đại phu”. Thời đó, người ta cũng chưa biết công dụng của việc chép pháp luật thành văn và phổ biến cho dân biết, nên vua chúa, quan lại quý tộc nghĩ rằng hình luật càng được giữ bí mật càng có giá trị. Cho nên, năm 513 tr. CN, tại nước Tần người ta đem hình thư của Phạm Tuyên Tử khắc lên đỉnh đồng thì Khổng Tử kịch liệt phản đối, vì ông lo sợ dân biết hình pháp sẽ không còn tôn trọng tầng lớp quý tộc và họ mất độc quyền nắm giữ pháp luật.
Người ta cho rằng, Quản Trọng (khoảng thế kỉ VI tr. CN) là người đầu tiên bàn về pháp luật như một cách trị nước và chủ trương cần phải công bố pháp luật rộng rãi cho dân chúng. Quản Trọng vốn là Nho gia, nhưng ông đã chuyển từ phương pháp trị nước bằng “nhân nghĩa” sang phép trị nước bằng hình pháp. Trong bộ “Quản Tử” (sách do người đời sau ghi lại, khoảng thế kỉ III trước CN). Quản Tử cho rằng, trong phép trị nước phải coi trọng : luật, hình, lệnh và chính. Luật là để định danh phận cho mỗi người mà dân không tranh. Lệnh là để cho dân biết việc mà làm. Hình là để trừng trị những kẻ làm trái luật và lệnh đã ban. Chính là sửa cho dân theo đường ngay, lẽ phải. Theo Quản Trọng, lập pháp phải rõ ràng, tuỳ thời thế và ý cầu của dân, phải dạy dân biết rõ luật pháp mới thi hành, khi thi hành phải giữ lòng tin đối với dân.
Bạn đang xem: Quan điểm về luật pháp trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc cổ đại
Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, các Nho gia cũng đã bàn đến vấn đề hình pháp, nhưng do chủ trương “nhân trị” nên cả Khổng Tử và Mạnh Tử đều phản đối cách trị nước bằng pháp luật.
Xem thêm : Lịch sử Miến Điện (Myanmar) cận đại (Thế kỷ 18-20)
Lí luận về học thuyết chính danh của Nho gia đóng vai trò quan trọng và là một trong những tiền đề lí luận cho Pháp gia, xác định bổn phận và điều chỉnh hành vi đạo đức của mỗi người, là phương tiện ổn định trật tự xã hội.
Trong lí luận về pháp luật, Thi Tử (Thi Cảo người cùng thời với Thương Ưởng) và Doãn Văn (350 -270 tr. CN) là những người có tư tưởng khá đặc sắc. Doãn Văn vừa chịu ảnh hưởng tư tưởng của Lão giáo, vừa chịu ảnh hưởng quan điểm của Mặc gia. Nhưng đặc biệt, ông chủ trương trị nước bằng pháp luật và chú ý tới các vấn đề “kiểm hình”, “chính danh, định phận” và mối quan hệ giữa danh, pháp, hình, nên Doãn Văn đã đóng góp không nhỏ cho lí luận của Pháp gia. Ông nói rằng, danh là để gọi tên của hình. Hình như là để ứng với danh. Cho nên phải có danh để kiểm hình, có hình để định danh, có danh để định việc, việc để kiểm danh… Định được danh phận ấy, ắt vạn vật, vạn sự không còn loạn vậy.
Tư tưởng về pháp trị đã được phát triển phong phú hơn bởi ba triết gia nổi tiếng thời Chiến quốc là Thận Đáo, Thân Bất Hại và Thương Ưởng, với chủ trương về “thế”, “thuật” và “pháp” trong phương pháp trị nước.
Xem thêm : Gốm hoa nâu và nghệ thuật gốm hoa nâu Việt Nam
Chủ xướng về “thế” trong phép trị nước là Thận Đáo (370 – 290 tr. CN). “Hán thư Nghệ văn chi” có ghi lại được 42 thiên sách của ông, nhưng người đời sau chỉ tập hợp lại được năm thiên có tên là “Thận Tử”. Tư tưởng triết học của Thận Tử một phần bị ảnh hưởng bởi triết học của Lão Tử trong quan điểm về “đạo” tự nhiên, “vô vi” thuần phác, nhưng Thận Đáo lại chủ trương trị nước bằng pháp luật. Pháp luật đó, theo ông, khách quan như vật “vô tri”, loại bỏ được “tâm ý” chủ quan, thiên kiến riêng tư của kẻ cầm đầu chính trị. Nếu có được một hệ thống pháp luật như vậy thì còn hơn cả trăm người tài. Đặc biệt trong tư tưởng về pháp trị, Thận Đáo đề cao “thế” của kẻ đứng đầu chính thể.
Người chủ xướng về “thuật” trong pháp trị là Thân Bất Hại (401 – 337 tr. CN). Ông người đất Kinh, từng làm tướng nhỏ ở nước Trịnh. Hàn Chiêu Hầu thấy ông có tài đã trọng dụng cho làm tướng quốc. Thân Bất Hại vốn theo học đạo của Lão Tử, nhưng lại rất chú trọng về hình danh, nhất là “thuật”, được ông coi như là thủ đoạn, phương pháp trị nước.
Thương Ưởng là người đại diện cho nhóm thứ ba, chủ trương về “pháp” và biện pháp trong phép trị nước. Thương Ưởng hay còn gọi là Thương Quân, người nước Vệ, cùng thời với Mạnh Tử. Ông là nhà chính trị có tài, được Tần Hiếu Công trọng dụng làm Tể tướng. Trong mười năm từ năm 359 đến năm 350 tr. CN, Thương Ưởng đã giúp Tần tiến hành hai cuộc hiến pháp, cải cách luật pháp, hành chính, Nhà nước, cải biến chế độ kinh tế làm cho nước Tần mau chóng hùng mạnh, lần lượt thôn tính sáu nước Tề, Sở, Hán, Triệu, Nguỵ, Yên trong cục diện “thất hùng” thống nhất toàn bộ Trung Quốc.
Tư tưởng về pháp trị được phát triển đến đỉnh cao bởi nhà tư tưởng và nhà chính trị lỗi lạc Hàn Phi. Ông đã tổng hợp ba quan điểm về “pháp”, “thế”, “thuật” của ba nhóm trên thành một học thuyết có tính hệ thống trên nền tảng học thuyết về “đạo” của Lão giáo và tư tưởng “chính danh” của Nho gia. Hàn Phi đã thực hiện được một sự tổng hợp ba học thuyết Nho, Lão, Pháp. ở đó Nho là vật liệu để xây dựng, Pháp là bản thiết kế, nhưng Lão mới là kĩ thuật thi công của một ngôi nhà độc đáo. Sách “Hàn Phi Tử” được coi là bộ tập đại thành những tư tưởng về pháp luật trong thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức