Nghệ thuật Gốm đất nung Việt Nam

0

Đồ gốm đất nung là loại gốm ra đời đầu tiên trong họ hàng nhà gốm, nó có tuổi đời cao nhất và là cơ sở của các loại gốm khác phát triển. Ra đời cách đây gần một vạn năm, nhưng cho đến ngày nay nó vẫn là một loại sản phẩm phục vụ nhiều mặt của đời sống xã hội. Đồ gốm đất nung thường tạo ra các sản phẩm phục vụ việc đun nấu và chứa đựng, sau này nó còn phục vụ đắc lực cho các công trình kiến trúc nữa.

Gốm đất nung

Nguyên liệu chính để sản xuất gốm đất nung là đất sét thường có ở khắp nơi trong nước, cách thành hình và nung cũng đơn giản, nhiệt độ nung thấp (khoảng từ 600° – 900°C).

Đồ gốm đất nung được sản xuất ở các cơ sở gắn liền với nông nghiệp, vì vậy nó mang trong mình phong cách dân gian: giản dị, mộc mạc nhưng gợi cảm về tạo dáng, hoa văn trang trí kỷ hà đơn giản, phóng khoáng nhưng khá đa dạng.

Ngày nay một số đồ gốm đất nung sử dụng men màu nhẹ lửa, bắt chước cách trang trí trên gốm sành trắng… tuy nhiên vẻ đẹp truyền thống của đồ gốm đất nung không phải ở yếu tố men màu mà chính là ở hai yếu tố tạo dáng và trang trí hoa văn vẽ nét chìm rất đa dạng. Có thể nói đặc trưng vẻ đẹp của đồ gốm đất nung là đặc trưng vẻ đẹp của điêu khắc.

Tiêu biểu cho nghệ thuật gốm đất nung, phải kể đến gốm đất nung ở các di chỉ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Việt Tiến… Ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ; gốm đất nung Sa Huỳnh ở Nam Trung Bộ, hoặc ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Tuy kỹ thuật, chất liệu không bằng gốm đất nung ngày nay nhưng về mặt nghệ thuật tạo dáng và trang trí thì gốm đất nung chưa bao giờ đẹp bằng gốm của các thời kỳ đó.

Về mặt tạo hình, gốm đất nung được nặn bằng tay hoặc vuốt bằng bàn xoay phóng túng, tuy còn hơi thô nhưng rất phong phú về hình dáng, đẹp và có hồn. Các sản phẩm phần lớn được tạo bằng thể chính là phần lớn nhất, phần thân của sản phẩm, và thể phụ gồm miệng và đế sản phẩm, rất ít dùng thể phụ thêm đơn thuần trang trí, điều đó càng chứng tỏ tạo dáng gốm đất nung bấm sát yêu cầu thực dụng và từ thực dụng mà có được hình dáng đa dạng. Ngoài một số hình dáng cơ bản ảnh hưởng đến các loại gốm sau này và tồn tại đến ngày nay, ta còn thấy trước đây có những hình dáng rất độc đáo và hiếm thấy như nồi miệng loe, bình có quai xách, bình có hai vai…

Về trang trí, gốm đất nung chủ yếu là sử dụng các hoa văn hình học, lấy nét chìm làm phương tiện thể hiện chính. Có thể nói hoa văn trang trí trên gốm đất nung là một kho tàng hoa văn hình học rất phong phú và đa dạng trong nghệ thuật trang trí của nước ta, bên cạnh kho tàng hoa văn hình học trên đồ đồng, trên thổ cẩm và y phục các dân tộc ít người. Tiêu biểu là các loại hoa văn hình vuông, tròn, hình thoi, sóng nước, chữ S, vòng tròn đồng tâm và cả những hoa văn gần với nan đan như nan thúng, nan chiếu…

Các hoa văn này được thể hiện lên sản phẩm bằng các phương pháp vẽ nét chìm, ấn, chải, đập…, khi gốm còn ướt hoặc hơi khô và thường được thể hiện trực tiếp vào sản phẩm theo trí nhớ và thói quen chứ không theo nét rập hoặc in nháp trước. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, gốm đất nung thường được trang trí phổ biến một số loại hoa văn nhất định như ở Phùng Nguyên với các biến thể của hoa văn chữ S, ở Gò Mun là những chấm tròn kết hợp với các nét gạch ngắn, còn ở Đồng Đậu thì hoa văn sóng nước hay còn gọi là hoa văn khuông nhạc lại phát triển hết sức đa dạng và điều đó tạo nên những hoa văn truyền thống, tiêu biểu cho mỗi cơ sở và làm cho mảng hoa văn hình học càng thêm phong phú.

Các trang trí thường được sắp xếp thành những dải đồ án hoa văn theo lối nhắc lại các mô típ: nhắc lại đối đầu hoặc nhắc lại xen kẽ tạo nên nhịp điệu riêng của từng đồ án. Các đồ án này lại được trang trí trên thân sản phẩm thành một vòng tròn nối liền nhau. Người ta thường áp dụng lối trang trí trên một sản phẩm có nhiều dải đồ án với một đồ án chính và nhiều đồ án phụ nhỏ hơn, đăng đối nhau qua trục là đồ án chính, hay nói một cách khác thì trên và dưới đồ án chính đều có các đồ án phụ thường là giống nhau, thảng hoặc kết hợp trang trí các đồ án ngang với các đồ án dọc theo chiều thẳng đứng của thân. Phương pháp bố cục trang trí này đã có ảnh hưởng lớn đến bố cục trang trí trên đồ đồng và trên đồ gốm hoa nâu và hoa lam sau này.

Với đặc điểm trang trí bằng nét vẽ chìm, không có màu, men và vẽ trực tiếp lên sản phẩm còn ướt nên hoa văn hình học trên đồ gốm đất nung sử dụng phối hợp khá thành thạo và thông minh các nét để tạo nên sự sinh động và độ đậm nhạt cho dải đồ án. Việc sử dụng nét được nâng lên như một nghệ thuật điêu luyện với sự sử dụng nét to, nét nhỏ, nét ngắn, nét dài khác nhau, việc bố trí, sắp xếp nhiều hay ít nét trên một họa tiết, sự sắp xếp chiều khác nhau của các nét đó. Hiệu quả bắt sáng và cản sáng của nét chìm có chiều hướng khác nhau đã tạo nên độ đậm nhạt và sự sinh động của các họa tiết trên dải đồ án. Mà ta biết rằng độ sáng, tối, đậm nhạt trên đồ án trang trí không sử dụng màu có tác dụng tương tự như các màu sắc trong các trang trí có màu vậy. Đây là một đặc điểm cơ bản của nghệ thuật trang trí trên đồ gốm đất nung.

Thưởng thức nghệ thuật gốm đất nung là thưởng thức vẻ đẹp của hình khối và đường nét của nghệ thuật điêu khắc, gần gũi với ngôn ngữ điêu khắc mang đặc điểm không sử dụng men màu. Nói một cách khác, vẻ đẹp của gốm đất nung chính là ở hình khối chắc khỏe, mộc mạc, thông qua sự rung cảm nghệ thuật của đôi bàn tay và óc thẩm mỹ của người thợ – người nghệ sĩ – đã trực tiếp sáng tạo ra nó, thông qua việc sử dụng các đồ án, hoa văn hình học phong phú, đặt đúng chỗ trên hình khối và sự biến hóa, bắt sáng của các họa tiết hình học đó. Chất xốp, chất thô mộc của sản phẩm đã là cái nền rất tốt cho lối trang trí nét chìm trực tiếp, tùy hứng của người trang trí. Nhìn vào gốm đất nung cổ với những hoa văn hình học đa dạng và chính xác cho ta thêm khâm phục tư duy khoa học và tư duy thẩm mỹ của ông cha ta hàng nghìn năm trước.

(Nguồn tài liệu: Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật, 2004)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.