Nền Văn minh sông Hồng
Tìm hiểu về lịch sử Nền Văn minh sông Hồng.
Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc đã có thời gian tồn tại trong lịch sử Việt Nam khoảng trên dưới 2.000 năm TCN. Bằng sự lao động sáng tạo và đấu tranh kiên cường bền bỉ, người Việt cổ đã góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, đưa nền kinh tế – xã hội trải qua những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn, tiêu biểu là sự hình thành và phát triển của nền văn minh đầu tiên của dân tộc ta: văn minh Văn Lang – Âu Lạc (văn minh sông Hồng).
Bạn đang xem: Nền Văn minh sông Hồng
Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc (văn minh sông Hồng) được hình thành cùng với sự hình thành nhà nước Văn Lang và sự phát triển đời sống vật chất, tinh thần của người Việt cổ.
Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc có cội nguồn lâu đời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, mang tính bản địa đậm nét, kết tinh bản lĩnh, truyền thống, cốt cách, lối sống của người Việt cổ.
Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt; cùng với quá trình hình thành và ra đời của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ở thế kỷ VII – VI TCN.
Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc đã trở thành cội nguồn của các nền văn minh tiếp theo của dân tộc Việt Nam, đặt nền móng vững chắc đầu tiên cho bản sắc dân tộc, là cội nguồn sức mạnh tinh thần để nhân dân ta vượt qua thử thách to lớn trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
Cơ sở hình thành nền văn minh sông Hồng:
Từ ý thức cộng đồng đã nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái các anh hùng, các thủ lĩnh. Cụ thể, trong ý thức tư tưởng của cư dân bấy giờ, là các cộng đồng cư dân của nước Văn Lang – Âu Lạc đều có cùng chung một cội nguồn, một tổ tiên. Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mới nảy sinh, người đương thời còn bảo lưu những tàn dư của các hình thức tôn giáo nguyên thuỷ như: tín ngưỡng vật tổ, ma thuật, phồn thực với những nghi lễ cầu mong được mùa, giống nòi phát triển. Nhiều phong tục tập quán được định hình đã nói lên sự phong phú và phát triển của đời sống tinh thần trong xã hội Hùng Vương như tục ăn đất, uống nước bằng mũi, tục giã cối (để làm hiệu lệnh, truyền tin), tục cưới xin, ăn hỏi, ma chay, chôn cất người chết trong mộ đất, mộ có quan tài hình thuyền, chôn chồng lên nhau, chôn trong nồi vò úp nhau, chôn theo đồ tuỳ táng bằng hiện vật.
Xem thêm : Nguyễn An Ninh là ai?
Lễ hội bấy giờ rất phổ biến, thịnh hành, là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Văn Lang – Âu Lạc. Lễ hội được tiến hành rải rác quanh năm, trong đó đặc sắc nhất là ngày hội mùa với nhiều nghi lễ như đâm trâu, bò và các hình thức diễn xướng dân gian (đoàn người hoá trang, vừa đi vừa múa, tay cầm giáo, lao, nhạc cụ…). Bên cạnh đó, còn có những hội thi tài, thi sức khoẻ, hội đâm trâu, hội cầu nước, hội mừng năm mới…
Trong cuộc sống, cư dân thời Hùng Vương rất thích cái đẹp và hướng tới cái đẹp. Đồ trang sức, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt cũng như vũ khí không những hết sức phong phú mà còn đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật rất cao, có những thứ có thể xem như là những tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật Đông Sơn trở thành đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình thời Hùng Vương. Nghệ thuật đó vừa phản ánh cuộc sống thường nhật của cư dân Việt cổ, vừa thể hiện mối quan hệ giữa con người với thế giới chung quanh, với những đường nét có tính ước lệ, cách điệu và một bố cục cân xứng, hài hoà.
Nghệ thuật âm nhạc cũng phát triển. Có nhiều nhạc cụ được chế tạo và sử dụng bộ gõ có trống đồng, trống da, chuông nhạc, phách, bộ hơi (khèn). Trong các nhạc cụ, tiêu biểu nhất là trống đồng. Kết cấu trống đồng gồm có phần tang phình ra, phần thân và chân trống loe ra giúp cho hình dáng trống đẹp, có sức cộng hưởng làm cho âm thanh vang xa. Cư dân bấy giờ biết sử dụng nhiều nhạc cụ phối hợp trong các lễ hội.
Trên trống đồng Đông Sơn có cảnh sử dụng dàn trống đồng từ 2 đến 4 chiếc, dàn cồng từ 6 đến 8 chiếc và một tốp người vừa múa vừa sử dụng những nhạc khí khác nhau như chuông, khèn, sênh. Trên trống đồng có hình ảnh người nhảy múa hoá trang và múa vũ trang. Có tượng đồng
Đông Sơn thể hiện hai người cõng nhau, vừa thổi khèn, vừa nhảy múa.
Trống đồng là di vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn và văn minh sông Hồng. Trống loại I (theo sự phân loại của F.Hegơ) là loại trống đồng sớm nhất, đẹp nhất, được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng trong các buổi tế, lễ, hội hè, ca múa. Trống đồng Đông Sơn có lẽ còn được sử dụng làm hiệu lệnh chiến đấu, giữ gìn an ninh, được dùng trong tuỳ táng và trao đổi mua bán ở trong nước và với nước ngoài (với Malaixia, Inđônêxia,…). Trống đồng với những nét đặc sắc nói trên, là một sản phẩm lao động, một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Văn Lang – Âu Lạc, là biểu hiện rõ nét, tập trung của nền văn minh sông Hồng.
Cùng với trống đồng, công trình kiến trúc thành Cổ Loa cũng biểu hiện trình độ phát triển cao của cư dân thời Văn Lang – Âu Lạc.
+ Tổ chức xã hội: Đứng đầu nhà nước Văn Lang – Âu Lạc là nhà vua, cha truyền con nối. Giúp việc cho nhà vua có các Lạc hầu, Lạc tướng. Nhà nước văn lang đã có một đội quan thường trực với vũ khí bằng đồng, như: dìu chiến, giáo mác, dao găm. Đăc biệt, họ biết sử dụng thành thạo các loại cung nỏ, có loại bắn một lần được nhiều mũi tên. Thời Âu Lạc, nhà vua đóng đô ở thành Cổ Loa.
Đơn vị xã hội cơ sở của người Việt cổ là các làng bản, đứng đầu làng bản là các Bố chính (thường là một người già làng), Bình dân làng xã gọi là Lạc dân. Trong làng xã, tinh thần cộng đồng rất sâu đậm. Họ sống quây quần giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết cùng chống kẻ thù đến xâm lấn.
Một số đặc trưng của nền văn minh sông Hồng:
+ Về mặt kỹ thuật: Nền văn minh sông Hồng hình thành và phát triển trên cơ sở cuộc cách mạng luyện kim với nghề đúc đồng dần đạt đến mức hoàn thiện (tiêu biểu là nền văn hóa Đông Sơn). Và trên cơ sở đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng đó, chủ nhân của nền văn hóa đã bước vào Sơ kỳ thời đại đồ sắt.
Xem thêm : Ý thức tôn giáo là gì?
+ Về kinh tế: Nền văn minh sông Hồng thực chất là nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt cổ sống trong khu vực nhiệt đới gió mùa, một xứ sở có nhiều sông nước, núi rừng, đồng bằng và biển cả.
+ Về mặt xã hội: Nền văn minh sông Hồng là một nền văn minh xóm làng dựa trên cơ cấu nông thôn kiểu Á châu của một xã hội phân hóa chưa sâu sắc, gay gắt và nhà nước mới hình thành. Nhà nước vừa có mặt bóc lột công xã, lại vừa đại diện cho lợi ích chung của công xã trong yêu cầu tổ chức đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống thiên tai, khai hoang, trị thủy làm thủy lợi, tự vệ và chống ngoại xâm.
+ Nền văn minh sông Hồng là nền văn minh bản địa đậm nét, kết tinh trong đó bản lĩnh, truyền thống, cốt cách, lối sống và lẽ sống của người Việt cổ: Chung lưng đấu cật, đoàn kết, gắn bó với nhau trong lao động và đấu tranh, giàu tình làng nghĩa nước, tôn trọng người già và phụ nữ, biết ơn và tôn thờ tổ tiên, các anh hùng nghĩa sĩ,…; có cội dễ và cơ sở sâu xa trong cuộc sống lâu đời của các lớp cư dân trên lãnh thổ Văn Lang – Âu Lạc thủa đó.
+ Nền văn minh sông Hồng cũng sớm có quan hệ giao lưu mật thiết với các nền văn minh láng giềng, đặc biệt là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ.
Như vậy, nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc hay nền văn minh Việt cổ là gọi theo tên của thời gian xuất hiện; Văn minh sông Hồng là gọi theo tên của địa bàn xuất hiện (lưu vực sông Hồng). Nhưng thực ra địa bàn của văn minh Văn Lang – Âu Lạc hay văn minh Việt cổ ngoài lưu vực sông Hồng còn bao gồm cả các triền sông lớn khác của vùng Bắc Trung Bộ như sông Mã, sông Cả,…
Khảo cổ học đã chứng minh dòng chảy chủ yếu tạo thành nền văn minh sông Hồng chính là dòng văn hóa sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất màu mỡ của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trên địa bàn này từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại đồ sát đã diễn ra quá trình hình thành và phát triển của bộ phận dân cư nông nghiệp trồng lúa nước, cốt lõi đầu tiên của người Việt, chủ nhân của nền văn minh Việt cổ.
Theo tiến trình phát triển, văn hóa Phùng Nguyên (Sơ kỳ thời đại đồng thau) chính là cội nguồn của nền văn minh sông Hồng. Các giai đoạn văn hóa tiếp theo là văn hóa Đồng Đậu (trung kỳ thời đại đồng thau), văn hóa Gò Mun (hậu kỳ thời đại đồng thau) là quá trình chuẩn bị trực tiếp cho sự ra đời của nền văn minh sông Hồng và giai đoạn văn hóa Đông Sơn (Sơ kỳ thời đại đồ sắt). Bên cạnh những dòng chảy chính còn có nền văn hóa Hoa Lộc, nền văn hóa Hạ Long của nhóm cư dân sống ven biển và trên các đảo Đông Bắc thời kỳ trước đó (hậu kỳ đá mới).
Nếu ở giai đoạn tiền văn hóa Đông Sơn các nền văn hóa đã có mối liên hệ với nhau, nhưng về cơ bản vẫn còn mang đậm dấu ấn địa phương gắn liền với từng nhóm cư dân trong từng khu vực nhất định thì đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn dù là di chỉ được phát hiện ở đâu, thuộc lưu vực sông Hồng, sông Mã hay sông Cả, dù ở miền đồng bằng châu thổ hay miền núi, mặc dù mỗi vùng vẫn có phong cách riêng nhưng tất cả đều mang những đặc trưng chung của văn hóa Đông Sơn, với những di vật tiêu biểu như: Trống đồng, thạp đồng, thố, dao găm, giáo, dìu, lưỡi cày,… Đây rõ ràng là một nền văn hóa thống nhất của một cộng đồng quốc gia, một cộng đồng bộ tộc đã có sự liên kết với nhau trên một lãnh thổ, một nền tảng kinh tế – xã hội và một lối sống chung. Giai đoạn Văn hóa Đông Sơn là chặng đường cuối, là sản phẩm tổng hợp, là đỉnh cao của quá trình tạo thành nền văn minh sông Hồng. Quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng cũng chính là nền hình thành cư dân Việt cổ và tiếng Việt cổ.
Trải qua một chặng đường dài, người Việt cổ đã xây dựng được cho mình một nền văn minh đầu tiên, đó là nền Văn minh sông Hồng – một nền văn minh bản địa đã trở thành cội nguồn của các nền văn minh tiếp sau của dân tộc Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho bản sắc dân tộc, là cội nguồn sức mạnh tinh thần để nhân dân Việt Nam đứng vững, vượt qua được thử thách to lớn trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
(Tổng hợp)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức