Học thuyết giá trị là gì? Nội dung, ý nghĩa
1. Nội dung cơ bản của học thuyết giá trị
Học thuyết giá trị là xuất phát điểm trong toàn bộ lý luận kinh tế của C. Mác. Bằng việc phân tích hàng hóa, Mác vạch ra quan hệ giữa người với người thông qua quan hệ trao đổi hàng hóa, đó chính là lao động, cơ sở của giá trị hàng hóa.
Hàng hóa là sản phẩm của lao động, dùng để thỏa mãn một nhu cầu nhất định nào đó của con người thông qua trao đổi mua bán. Hàng hóa có hai thuộc tính cơ bản là giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Giá trị sử dụng đó do thuộc tính tự nhiên của vật thể hàng hóa quyết định. Trong kinh tế hàng hóa, giá trị sử dụng là cái mang giá trị trao đổi.
Xem thêm : Tỷ suất và Khối lượng giá trị thặng dư
Giá trị trao đổi trước hết biểu hiện như là một quan hệ số lượng, là một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác. Giá trị của hàng hóa là lượng lao động xã hội cần thiết của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa, còn giá trị trao đổi chỉ là hình thái biểu hiện của giá trị hàng hóa. Sở dĩ giá trị của hàng hóa được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết, vì một loại hàng hóa đưa ra thị trường là do nhiều người sản xuất ra nhưng mỗi người sản xuất do điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề là không giống nhau, nên thời gian lao động cá biệt để sản xuất ra hàng hóa của họ khác nhau, do đó lượng giá trị cá biệt của hàng hóa mà từng người sản xuất ra là khác nhau. Để trao đổi hàng hóa đó với nhau, không thể căn cứ vào giá trị cá biệt của hàng hóa mà phải căn cứ vào giá trị xã hội của nó, vào lượng lao động xã hội cần thiết hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó.
Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa trong điều kiện bình thường của xã hội, tức là với một trình độ kỹ thuật trung bình và cường độ lao động trung bình so với hoàn cảnh xã hội nhất định. Thời gian lao động xã hội cần thiết không phải cố định, nó phụ thuộc vào năng suất lao động xã hội và chất lượng của lao động. Năng suất lao động xã hội là năng lực sản xuất của lao động được tính bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Năng suất lao động tỷ lệ nghịch với thời gian lao động xã hội để sản xuất ra hàng hóa hay tỷ lệ nghịch với giá trị của hàng hóa. Chất lượng của lao động hay mức độ phức tạp của lao động tỷ lệ thuận với giá trị của hàng hóa. Theo mức độ phức tạp của lao động có thể chia lao động thành lao động giản đơn và lao động phức tạp. Lao động giản đơn là lao động của bất kỳ một người bình thường nào có khả năng lao động cũng có thể thực hiện được. Lao động phức tạp là lao động đòi hỏi phải được huấn luyện đào tạo thành lao động lành nghề.
Xem thêm : Công ty cổ phần và Thị trường chứng khoán
Việc sản xuất và trao đổi hàng hóa thể hiện sự liên hệ giữa những người sản xuất riêng lẻ với nhau, do thị trường làm trung gian. Sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa tất yếu sẽ dẫn đến sự xuất hiện của tiền tệ. Tiền là sản phẩm của lưu thông hàng hóa, bắt đầu từ những hành vi trao đổi riêng lẻ ngẫu nhiên, qua nhiều bước, cuối cùng đến hình thái tiền tệ.
Quy luật giá trị là quy luật kinh tế căn bản của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Ở đâu có sản xuất hàng hóa thì ở đó có sự tồn tại và phát huy tác dụng của quy luật giá trị. Trao đổi hàng hóa phải theo nguyên tắc ngang giá, dựa trên cơ sở hao phí sức lao động xã hội cần thiết. Giá trị là cơ sở của giá cả, còn giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị, nên trước hết giá cả phụ thuộc vào giá trị. Hàng hóa nào nhiều giá trị thì giá cả của nó sẽ cao và ngược lại.
Tuy nhiên trên thị trường, ngoài giá trị, giá cả còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cạnh tranh, cung cầu, sức mua của người tiêu dùng… Tuy nhiên nó hoàn toàn nằm trong cơ chế hoạt động của quy luật giá trị.
2. Ý nghĩa của học thuyết giá trị
Nghiên cứu học thuyết giá trị, hiểu rõ quy luật giá trị sẽ có kiến thức điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa; kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Từ đó giúp cho chúng ta hiểu rõ nguyên nhân của việc lựa chọn tự nhiên và phân hóa người sản xuất hàng hóa; nguyên nhân của sự phân hóa xã hội thành người giàu, người nghèo, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội để có phương hướng, giải pháp khắc phục.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp