Chủ nghĩa Mác – Lênin là gì? Bản chất cách mạng, khoa học

0

Khái niệm chủ nghĩa Mác – Lênin 

Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết do C.Mác, Ph. Ăngghen sáng lập từ những năm giữa thế kỷ XIX và được V.I.Lênin bổ sung, phát triển hoàn thiện trong điều kiện mới của lịch sử thế giới đầu thế kỷ XX.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống lý luận thống nhất được cấu thành từ ba bộ phận lý luận cơ bản là triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị học Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học; là hệ thống lý luận khoa học thống nhất về mục tiêu, con đường, biện pháp, lực lượng thực hiện sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, giải phóng con người, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Triết học Mác – Lênin, bao gồm chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; có vai trò trang bị cho con người thế giới quan khoa học và phương pháp luận đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới.

Kinh tế chính trị học Mác – Lênin là khoa học nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chỉ rõ bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa; những quy luật kinh tế chủ yếu hình thành, phát triển và đưa chủ nghĩa tư bản tới chỗ diệt vong; những quy luật phát triển của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những quy luật chuyển biến từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội xã hội chủ nghĩa và phương hướng xây dựng xã hội mới. Nó chứng minh rằng việc xã hội hoá lao động trong chủ nghĩa tư bản đã tạo ra cơ sở vật chất chủ yếu cho sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội; động lực trí tuệ và tinh thần của sự chuyển biến đó là chủ nghĩa Mác – Lênin; lực lượng xã hội thực hiện sự chuyển biến đó là giai cấp vô sản và nhân dân lao động.

Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin

– Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống lý luận khoa học

Trong chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng gắn bó và thống nhất với nhau. Sự kết hợp đó làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên triệt để và phép biện chứng trở thành lý luận khoa học.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử là một thành tựu vĩ đại của triết học mácxít. Trong đó chỉ rõ sự chuyển biến giữa các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên, tuy nhiên nó không diễn ra tự động mà trải qua quá trình đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt.

Quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thể hiện sự vận động khách quan của phương thức sản xuất. Đó là cơ sở để khẳng định sự thay thế tất yếu của chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội.

Học thuyết Mác về giá trị thặng dư vạch ra bản chất bóc lột của giai cấp tư sản; chỉ ra quy luật vận động kinh tế của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản chỉ rõ giai cấp công nhân là người lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người.

– Sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan và phương pháp luận khoa học

Các quy luật, nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin vừa có ý nghĩa thế giới quan, vừa có ý nghĩa phương pháp luận.

Thế giới quan duy vật biện chứng giúp con người hiểu rõ bản chất của thế giới là vật chất. Thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy con người vận động theo quy luật khách quan. Con người thông qua hoạt động thực tiễn có thể nhận thức, giải thích, cải tạo và làm chủ thế giới.

Phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin giúp con người xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan biện chứng biện chứng, phân tích cụ thể một tình hình cụ thể trong mối quan hệ với toàn thể, với tự nhiên, xã hội, tư duy.

Sự thống nhất giữa thế giới quan và phương pháp luận đã đưa chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành hệ thống lý luận mang tính khoa học sâu sắc và tinh thần cách mạng triệt để.

– Là học thuyết nêu lên mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người với con đường, lực lượng, phương thức đạt mục tiêu đó một cách khoa học

Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ rõ quần chúng nhân dân là chủ nhân của xã hội, là người sáng tạo ra lịch sử. Điều đó đem lại cho con người nói chung, giai cấp công nhân, nhân dân lao động những công cụ nhận thức và cải tạo thế giới.

Ra đời trong thực tiễn đấu tranh của phong trào công nhân, chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định mối liên hệ hữu cơ, biện chứng giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng. Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ tư tưởng, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng toàn xã hội và giải phóng con người.

Chủ nghĩa Mác- Lênin không chỉ giải thích mà còn vạch ra con đường, những phương tiện cải tạo thế giới. “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”[1].

– Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết mở, không ngừng tự đổi mới, phát triển

Chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết mở, không phải là các nguyên lý giáo điều, bất biến mà được vận dụng, bổ sung cùng quá trình phát triển của tri thức nhân loại và phong trào cách mạng thế giới. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác- Lênin đã khẳng định học thuyết của các ông không phải là cái đã xong xuôi hẳn mà cần bổ sung, phát triển. Trong Lời tựa các lần xuất bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và trong quá trình hoạt động, các C.Mác, Ph. Ăngghen cũng đã điều chỉnh một số luận điểm của chính mình.

Vận dụng, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin  trong từng lĩnh vực cụ thể, trong thực tiễn cách mạng từng nước là đòi hỏi khách quan, là trách nhiệm của những người cách mạng chân chính.

Toàn bộ học thuyết Mác – Lênin có giá trị bền vững, xét trong tinh thần biện chứng, nhân đạo và hệ thống tư tưởng cốt lõi của nó. Đó là những kết tinh trí tuệ của nhân loại trong lịch sử, ngày càng phát triển và hoàn thiện.


[1] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG,HNNội, 1995, t.1; tr. 580.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.