Vai trò của môi trường đối với sự phát triển của xã hội

0

Vai trò của môi trường đối với sự phát triển của xã hội?

Môi trường là nơi sinh sống và hoạt động của con người, là nơi tồn tại của xã hội. Môi trường sống của con người trước hết là môi trường địa lý – các điều kiện địa lý, nhưng không phải là môi trường tự nhiên thuần túy, mà phải là môi trường tự nhiên – xã hội thể hiện môi trường sống của con người, là ngôi nhà và nơi tồn tại của xã hội loài người. Môi trường sống của con người và xã hội được phân chia thành môi trường tự nhiên và mội trường xã hội, đồng thời nó thường được gọi là môi trường sinh thái.

Môi trường sinh thái là môi trường sinh – địa – hóa học, hay sinh quyển (sinh quyển: là vùng lưu hành sự sống trên trái đất, là hệ thống mở về nhiệt động học, bao gồm toàn bộ sinh thể, các sản phẩm và cá chất thải trong quá trình hoạt động sống của chúng, v.v…).

Môi trường sinh thái là điều kiện thường xuyên, tất yếu của sản xuất vật chất và đời sống xã hội. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lao động, tổ chức phân công lao động xã hội, quy mô và xu hướng phát triển sản xuất. Trong lịch sử triết học có quan niệm duy tâm, phản động về thuyết “địa lý”, với tư tưởng cho rằng, hoàn cảnh địa lý là nhân tố quyết định sự tồn tại vận động và phát triển của xã hội. Đây cũng là một học thuyết làm cơ sở cho các học thuyết về phân biệt chủng tộc, về chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Vấn đề môi trường sinh thái là một trong những vấn đề toàn cầu cấp bách và cũng vô cùng phức tạp trong thời đại ngày nay. Nhất là sư khan hiếm, cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung. Các hiện tượng “hiệu ứng nhà kính”, “lỗ thủng tầng ôzôn”, mưa axít, sự tăng nhiệt độ trái đất, sa mạc hóa, v.v…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng suy thoái môi trường sinh thái hiện nay. Trước hết, là sự tác động vô ý thức do những hạn chế về tri thức khoa học công nghệ của con người giải quyết mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên trong thời gian qua và kể cả hiện nay. Song, nguyên nhân quan trọng nhất, cơ bản và sâu xa nhất của hiện trạng môi trường sinh thái hiện nay trên toàn cầu phần lớn thuộc về chế độ xã hội. Trong các chế độ xã hội đó phải nói đến quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Với tư cách là chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, với quy luật cạnh tranh tự do và bóc lột giá trị thặng dư tối đa đã biến không chỉ con người mà cả giới tự nhiên thành đối tượng bị khai thác và bóc lột. Chủ nghĩa tư bản đã từng tận dụng triệt để những thành tựu của nền văn minh công nghiệp để bóc lột con người, bóc lột tự nhiên nhằm mang lại lợi nhuận tối đa trước mắt, bất chấp những quy luật tồn tại phát triển của tự nhiên và của xã hội.

Để xây dựng mối quan hệ hài hòa thật sự giữa con người và tự nhiên trong sự phát triển của xã hội vì sự phát triển bền vững thì một mặt, cần phải không ngừng nâng cao nhận thức về tự nhiên, xây dựng ý thức sinh thái, đặc biệt là đạo đức sinh thái, phải biết kết hợp giữ mục tiêu kinh tế với mục tiêu sinh thái; mặt khác cũng phải xoá bỏ dần chế độ bóc lột người như là một điều kiện, tiền đề khách quan để thiết lập lại sự cân bằng, hài hòa giữa xã hội và tự nhiên. Vấn đề sinh thái và việc thực hiện sự phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược của toàn nhân loại. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải có sự nỗ lực hợp tác của tất cả các nước, các dân tộc, của mọi người và của tất cả các ngành khoa học và công nghệ trên toàn thế giới.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.