Inđônêxia và Sự xâm lược của thực dân phương Tây
Nội Dung
1. Xã hội Inđônêxia trước khi Hà Lan xâm lược
Trước khi tư bản thực dân Hà Lan xâm nhập, xã hội Inđônêxia đang bước vào giai đoạn suy vong của chế độ phong kiến. Vương triều Magiapahít được lập nên với sự thống nhất toàn lãnh thổ Inđônêxia đã đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến lại bị chia năm xẻ bảy. Giava, hòn ngọc bích lớn nhất của quần đảo, nơi dinh lũy của hai vương quốc lớn, giầu mạnh là Bantam và Mataram cũng bị chia thành nhiều tiểu vương quốc.
Đầu thế kỷ XVII, Inđônêxia có chừng 4 triệu dân phân bố rải rác trên hơn 3.000 hòn đảo, điều kiện giao thông, địa lý, văn hóa, trình độ sinh hoạt của cư dân từng đảo khác nhau đã tạo nên sự phát triển rất không đồng đều của xã hội phong kiến. Ở vùng đảo Xulavêdi, Kalimantan, Xumatơra v.v… có nhiều bộ tộc còn ở trong giai đoạn sơ khai của loài người, sống bằng săn bắn và chăn nuôi, canh tác nông nghiệp chỉ là hiện tượng hiếm thấy. Thương nghiệp chỉ trao đổi bằng hiện vật, thủ công nghiệp không có gì đáng kể. Ở các vùng “lãnh địa ngoài”, tàn dư chế độ nô lệ khá thịnh hành. Chính đây là chỗ để bọn thực dân Hà Lan lợi dụng bắt cư dân, phát triển buôn bán nô lệ, khai thác đồn điền, hầm mỏ, tiến hành công cuộc tích lũy tư bản đầu tiên.
Bạn đang xem: Inđônêxia và Sự xâm lược của thực dân phương Tây
Ở những vùng duyên hải, nhất là ven biển đảo Giava, nơi cư dân tập trung, trình độ tổ chức xã hội đã phát triển đến giai đoạn cao, quan hệ sản xuất phong kiến đã chiếm địa vị chủ đạo, nông dân bị áp bức bóc lột nặng nề.
Ở Giava, những Đêsa công xã nông thôn là hình thức tổ chức xã hội tồn tại một cách tương đối phổ biến. Trưởng thôn, tùy từng khu vực gọi là Bukun, Pêtingghi hay Lurat đều là tầng lớp giàu có, quý tộc có uy quyền, cha truyền con nối. Có nơi vẫn giữ truyền thống để nhân dân công xã bầu ra người đảm nhiệm chức vụ này. Trưởng thôn có quyền thu tô thuế trong thôn xã, là người thay mặt chính quyền thống trị trực tiếp. Trên danh nghĩa, ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của Suntan là kẻ đứng đầu vương quốc. Người nông dân lĩnh canh ruộng đất, có quyền sử dụng, nhưng không có quyền thừa kế. Ở Inđônêxia hầu như chưa có quan niệm sở hữu tư nhân về ruộng đất; chỉ trừ những ruộng đất do Suntan tặng cho các sủng thần và thân thích thì được quyền cha truyền con nối, được quyền bán đi. Những thái ấp (Pusaka) này là loại ruộng đất đặc biệt thuộc sở hữu cá nhân, nhưng khi bán đi cũng phải được Suntan đồng ý. Nông dân phải nộp tô từ 1/2, thậm chí đến 2/3 thu hoạch của mình cho lãnh chúa.
Công xã nông thôn vẫn giữ một vị trí quan trọng đối với chức năng quản lý hệ thống thủy lợi, đê điều, chống lại thiên tai, hạn hán. Tuy vậy, lúc bấy giờ công xã nông thôn đang trên đà tan rã, mặc dù xã viên có quyền được chia ruộng đất, có quyền sử dụng bãi cỏ chung. Cơ quan hành chính của công xã cũng do bầu cử, nhưng quyền uy của quý tộc và bọn nhà giàu, rất lớn, bầu cử chỉ là hình thức. Trong công xã, hiện tượng xã viên không có ruộng đất ngày càng đông, họ phải thuê ruộng đất của bọn địa chủ giàu có để cày cấy.
Đầu thế kỷ XVII, xã hội Inđônêxia nói chung đã bước vào thời kỳ cuối của chế độ phong kiến. Kinh tế hàng hóa bắt đầu phá vỡ nền kinh tế tự nhiên. Ở các vùng duyên hải, những hải cảng đã dần dần hình thành những trung tâm kinh tế, chính trị và xã hội của một vùng lớn. Nền thủ công nghiệp ở đây cũng phát triển hơn công nghiệp do chính quyền vương quốc tổ chức sản xuất. Quan hệ buôn bán giữa vương quốc và thương nhân bên ngoài, giữa vương quốc và các thương nhân ngoại kiều người Trung Quốc, người Ấn Độ, hoặc giữa những thương nhân Trung Quốc, Ảrập, Ấn Độ với nước ngoài rất phát triển. Nhờ có thế lực kinh tế, các lãnh chúa trấn thủ các cảng, có quyền lực lớn hơn các lãnh chúa trấn thủ trong các quận khác của vương quốc. Xu hướng phát triển thành những đơn vị thống trị độc lập với vương quốc của các trấn cảng đã khá phổ biến. Công ty Đông Ấn Độ của Hà Lan (V.O.C) nhờ vậy đã tìm được đồng minh chống lại quyền khống chế của Suntan làm suy yếu nền thống trị của Suntan và bắt các vương quốc khuất phục.
Sự phát triển của xã hội Inđônêxia cũng được phản ánh trong việc đấu tranh trên vũ đài chính trị ở Inđônêxia lúc bấy giờ.
Trước khi người Hà Lan đến Inđônêxia vào thế kỷ XIV-XV, cùng với sự suy yếu của vương triều Magiapahít theo Ấn Độ giáo, đạo Ítxlam đã tìm được chỗ đứng vững chắc. Nó trở thành vũ khí tư tưởng để các lãnh chúa địa phương, nhất là lãnh chúa ở các vùng duyên hải thương nghiệp phát triển, tập hợp lực lượng đấu tranh chống lại vương triều Magiapahít. Đạo Ítxlam xâm nhập theo con đường buôn bán của các thương nhân Ảrập; bây giờ trở thành vũ khí của tầng lớp thương nhân quý tộc và bọn thống trị mới. Đầu thế kỷ XVI, đế quốc Ấn Độ giáo Magiapahít bị tiêu diệt. Đất của vương quốc này chia thành nhiều vương quốc Ítxlam. Tình hình đó tạo điều kiện thuận lợi cho tư bản phương Tây vào xâu xé xứ này.
2. Thực dân Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha xâm nhập Inđônêxia
Trong quá trình tìm đường đi sang phương Đông theo ven biển châu Phi; mùa xuân năm 1498, Vátxcôđa Gama dẫn một đội thương thuyền đến thành phố Calicút ở Ấn Độ, tháng 8 năm sau, chở đầy hương liệu, vàng bạc cùng các thứ hàng xa xỉ của phương Đông về châu Âu. Các thương nhân châu Âu lục tục theo nhau đến Ấn Độ và tiến vào quần đảo Inđônêxia. Sự phát hiện những con đường hàng hải đã dẫn đến cuộc cách mạng thương nghiệp ở châu Âu. Và, bá quyền về thương nghiệp là tham vọng cao nhất của tư bản phương Tây khi đó đang khát khao phát triển thế lực kinh tế.
Bồ Đào Nha là nước thực dân xuất hiện đầu tiên trên quần đảo này. Vốn đã có một vài cứ điểm trên bờ phía Tây Ấn Độ, năm 1509 người Bồ có âm mưu mở rộng thế lực sang Đông Nam Á, liền phái chiến hạm đến Achê (Xumatơra). Sau khi phát hiện vị trí quan trọng có tính chất chiến lược của eo biển Malắcca và chiếm được vùng Goa nằm trên phía Bắc Calicút (Ấn Độ), xây dựng cứ điểm khống chế vùng biển thông thương Ảrập, người Bồ âm mưu chiếm con đường biển qua eo Malắcca. Năm 1511, người Bồ chiếm Malắcca, xây dựng được điểm chốt thương nghiệp quan trọng. Năm sau, họ tiến xa hơn, xây dựng thương điếm trên đảo Ambon ở Mêluku (quần đảo hương liệu ở phía Đông Inđônêxia). Năm 1592 họ xây dựng pháo đài ở Técnát và chiếm độc quyền mua bán hương liệu.
Do lực lượng có hạn, thực dân Bồ Đào Nha thường không chiếm lĩnh nhiều đất đai mà chỉ xây dựng một số căn cứ kiên cố ở vịnh Ba Tư, ven biển Ấn Độ và các cứ điểm có tính chất chiến lược trên quần đảo Inđônêxia. Từ đó, họ tỏa ra tiến hành chiến tranh chinh phục các bộ lạc, bắt các bộ lạc cống nạp, đồng thời buôn bán nô lệ một cách dã man.
Xem thêm : Chủ nghĩa hiện sinh: nguồn gốc và luận điểm cơ bản
Tiếp theo người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha cũng tấn công vào thị trường hương liệu của quần đảo Inđônêxia. Năm 1522, người Tây Ban Nha đến Môlucku, lên đảo Tiđo lập trạm buôn bán ở đấy. Tây Ban Nha lợi dụng mối thù hằn xích mích giữa các bộ lạc, các vương quốc với nhau để trục lợi và cạnh tranh với Bồ Đào Nha. Cuộc đấu tranh kết thúc bằng sự thỏa hiệp của cả hai bên, người Bồ bồi thường cho Tây Ban Nha một số vàng, Tây Ban Nha chuyển sang hoạt động ở vùng Philippin. Năm 1580 ngay chính nước Bồ Đào Nha bị Tây Ban Nha chiếm, người Bồ bị tấn công khắp nơi.
3. Sự xâm lược của Công ty Đông Ấn Hà và phong trào kháng chiến của Tơrunô Giôgiô
Sau cuộc cách mạng tư sản thế kỷ XVI, Hà Lan đã thoát khỏi sự đô hộ của Tây Ban Nha, giành được độc lập. Điều quan trọng là ở Hà Lan, quan hệ sản xuất mới tư bản chủ nghĩa đã thắng thế và phát triển.
Trước kia, thương nhân Hà Lan chỉ là kẻ môi giới, vận chuyển hàng hóa, thổ sản của phương Đông từ thủ đô Bồ Đào Nha (Lítxbon) sang các nước châu Âu. Nay trước sự phát triển của Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha công khai tuyên bố cấm thuyền buôn Hà Lan vào các cảng của hai nước đó, nếu trái lệnh sẽ tịch thu tàu thuyền và bắt giam thủy thủ. Muốn giải quyết mâu thuẫn đó, Hà Lan phải tự đi tìm con đường đến phương Đông. Cuối thế kỷ XVI, thương nhân Hà Lan tổ chức ra nhiều công ty buôn bán để đi về phương Đông. Chỉ trong vòng 3 năm, Hà Lan đã tổ chức được 14 chuyến đi về phương Đông, lợi nhuận thu được gấp 4 lần. Phương Đông đầy vàng bạc và lời lãi kếch sù đã làm cho bọn thương nhân châu Âu cạnh tranh nhau quyết liệt. Công ty Đông Ấn Độ của Hà Lan (Vereenigde Oost Inđische Compagnie) viết tắt là V.O.C được thành lập, Quốc hội cho quyền lũng đoạn buôn bán từ mũi Hy vọng đến Đông nam châu Mỹ và toàn bộ khu vực Đông Ấn Độ. Các hội buôn khác không được buôn bán ở khu vực rộng lớn này. Công ty còn được quyền đại diện Quốc hội ký kết hiệp ước với nước ngoài, có thể xây dựng đồn lũy, tổ chức quân đội, tổ chức cai trị, tổ chức tư pháp và phát hành tiền tệ. Nói chung,
Công ty có quyền hạn như một chính quyền nhà nước vậy. Nhà nước Hà Lan còn quy định quyền hạn công ty có hiệu lực trong 21 năm và sau đó có thể gia hạn. Thực tế, Công ty đã tồn tại gần 200 năm.
Với sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà, chính phủ Hà Lan hy vọng sẽ đạt mục đích là thu được lợi nhuận to lớn và nắm độc quyền mua bán, chiếm lĩnh một số đất đai làm cứ điểm. Quản lý chính trị đối với các vùng chiếm được thực ra chỉ là thủ đoạn để đạt đến mục đích kinh tế nên trong thời kỳ đầu chưa chú ý nhiều đến vấn đề chiếm đất Hà Lan.
Đầu tiên, Công ty Đông Ấn Hà nhảy vào đất Ấn Độ, nhưng vấp phải thương nhân Anh có thế lực khá mạnh, nên rút về Inđônêxia. Sau khi chiếm được Ambon và Técnát từ tay Bồ Đào Nha năm 1609 Hà Lan đã hối lộ lãnh chúa Giacácta để được quyền xây dựng nhà ở, kho tàng, tự động xây dựng pháo đài ở Giacácta. Suntan Bantam vốn là kẻ bảo vệ vương quốc Giacácta rất bực tức, liền phản đối và cầu cứu người Anh giúp. Bọn thực dân Hà Lan bèn dùng lực lượng quân sự đốt sạch thành phố cũ, xây dựng đồn trú và nhà ở của mình. Giacácta đổi thành Batavia (28-5-1619) trở thành căn cứ trung tâm của Công ty Đông Ấn Hà và của đế quốc Hà Lan ở vùng này.
Từ cứ điểm Batavia, Hà Lan tiến lên mở rộng phạm vi thế lực xâm chiếm Bantam là yết hầu của đường thông thương đến Trung Quốc và Đông Dương, Giava sẽ thành nơi có nhiều cảng lớn. Chiếm được vùng này sẽ khống chế được con đường buôn bán với nhiều nước phương Đông, thu được nhiều thuế và lợi nhuận.
Sau khi đã có một vài chỗ đứng chắc chắn và đã chiếm được các vương quốc nhỏ yếu xung quanh, công ty Đông Ấn Hà tiến hành công việc chính là chinh phục hai vương quốc Mataram và Ban tam.
Đến giữa thế kỷ XVII, Hà Lan đã kiểm soát cả miền Đông Inđônêxia. Cùng lúc đó, Mataram đã yếu đi rất nhiều dưới thời Suntan Amangkurát I (1645-1677). Amangkurát I là tên vua tàn bạo, sống xa xỉ, không chịu chăm lo xây dựng đất nước. Nhân dân oán giận nổi dậy khắp nơi. Nhân dân Mađura đã đứng dậy dưới sự chỉ huy của Tarunô Giêgiô. Ông tự xưng là dòng dõi Magiapahít, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống bạo quyền. Nông dân theo rất đông, khi nghĩa quân tiến vào Giava thì đã trở thành một lực lượng khá lớn. Nhân dân Giava, nhất là nông dân đã từng khổ cực dưới triều Amangkurát I hăng hái tham gia khởi nghĩa.
Lúc đầu, Công ty Đông Ấn Hà định lợi dụng cuộc khởi nghĩa này để trục lợi, tuyên bố giúp Tơrunô Giôgiô, nhưng lại kèm theo những điều kiện buôn bán và chiếm đất. Tơrunô Giôgiô kiên quyết cự tuyệt.
Những người khởi nghĩa nêu cao khẩu hiệu chống nước ngoài và khôi phục vương triều Magiapahít. Hà Lan liền chuyển từ chính sách “bàng quan” sang giúp quốc vương Mataram. Amangkurát I bị quân khởi nghĩa đuổi đánh chạy vào khu vực của Công ty, hy vọng dựa vào lực lượng quân sự của Công ty để phục hồi ngôi báu. Năm 1677, y ký hiệp ước đầu hàng Hà Lan. Theo hiệp ước này, cảng Sêmarang và tất cả các cảng trong vương quốc đều nhượng cho Công ty đến khi Amangkurát trả hết nợ quân sự cho Hà Lan. Ngoài ra, Công ty Đông Ấn Hà còn được quyền đi lại buôn bán tự do trong vương quốc Mataram. Từ năm 1678, thực dân Hà Lan ráo riết trấn áp quân khởi nghĩa trong 3 nấm liền, khôi phục vương quốc Amangkurát.
Xem thêm : Hướng dẫn học sinh tra cứu điểm thi trắc nghiệm online 2020 Update 03/2022
Giữa tình hình hầu hết các lực lượng của Hà Lan đổ dồn vào việc trấn áp quân khởi nghĩa Tơrunô Giôgiô, người Anh xúi giục và ủng hộ Suntan Bantam chiếm một số đất của vương quốc Mataram ở Sêribon, Sôli v.v… Nhưng Hà Lan lợi dụng sự tranh chấp giữa cha con Suntan Bantam, liền câu kết với con Suntan hứa sẽ giúp giành lấy ngôi vua với điều kiện là phải để cho V.O.C. độc quyền buôn bán trên đảo Bantam. Cuộc đấu tranh trở nên quyết liệt, nhưng kết quả cuối cùng là V.O.C. đã giúp Suntan con đánh bại Suntan cha. Hiệp ước được thi hành. Công ty Đông Ấn Hà hầu như thống trị toàn bộ Giava. Các thương nhân châu Âu trong đó có người Anh buộc phải rút khỏi Giava.
4. Cuộc khởi nghĩa Surapátti
Thời kỳ xâm lược của Công ty Đông Ấn Hà chính là thời kỳ Hà Lan tiến hành công cuộc tích lũy tư bản đầu tiên. Nhờ vào việc buôn bán có tính chất ăn cướp, thực dân Hà Lan đã thu được những món tiền lời kếch sù. Chúng còn sử dụng các lãnh chúa phong kiến tay sai vào việc ép buộc nông dân trồng cây công nghiệp và đặc sản như cà phê Ấn, chàm Ấn v.v… để xuất khẩu. Nông dân sống khổ cực không có đất cấy lúa, không có gạo ăn mà phải lao động cho bọn quý tộc và Công ty Đông Ấn Hà. Nhiều nơi nông dân nổi lên chống lại. Các lãnh chúa bị công ty mua chuộc và giúp sức đã dùng vũ lực trấn áp, nhổ lúa phá màu, thậm chí còn cướp đất của nông dân cho người da trắng thuê. Điều này dẫn đến hậu quả có một số quý tộc phong kiến cùng nhân dân đứng lên đấu tranh chống Hà Lan.
Hầu hết những đất đai mà V.O.C. đặt chân đến đều có những phong trào nổi dậy tự phát của nông dân. Từ Tây sang Đông, từ những vùng hẻo lánh như Ambon đến các vùng tập trung như ở Giava, Mađuara, Bantam v.v… Cuộc nổi dậy của Tarunô Giôgiô nói trên đã chứng tỏ điều ấy.
Trong giai đoạn này đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa của Surapátti. Ông là con một lãnh chúa ở Ball, bị người Hà Lan bắt làm nô lệ đưa về Batavia (Giava). Lớn lên, Surapátti tham gia quân đội V.O.C. Sống trong quân đội của Công ty, ông đã chứng kiến những cảnh tàn sát dã man của Hà Lan đối với dân tộc ông và nhất là thái độ khinh rẻ thù hằn chủng tộc của binh sĩ người da trắng. Không chịu được, ông đứng lên phản kháng.
Là người chỉ huy thông minh, dũng cảm và có tài, ông đã nhiều lần đánh tan quân Hà Lan, chiếm cứ một vùng, dựng nên một vương quốc độc lập bao gồm hầu hết phía Đông Giava và Ball. Mặc dầu bị kẻ địch tìm mọi cách trấn áp, Surapátti vẫn kiên trì đấu tranh trong 10 năm liền. Năm 1719, trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt ở Pasuruan, ông bị thương và hy sinh anh dũng. Surapátti chết, song nghĩa quân dưới sự chỉ huy của con trai ông kéo về gần Malang tiếp tục chiến đấu đến năm 1767. Cuộc đấu tranh kéo dài nửa thế kỷ.
5. Công ty Đông Ấn Hà (V.O.C) giải tán
Cho đến đầu thế kỷ XVIII, tư bản công nghiệp Anh đã tiến lên vượt Hà Lan và đẩy Hà Lan xuống hàng thứ hai.
Công ty Đông Ấn Hà ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì độc quyền buôn bán không còn thu được nhiều lời lãi như thời kỳ đầu nữa. Tư bản Anh ngày càng lấn chân vào. Chính phủ Hà Lan muốn giữ cho công ty khỏi tan vỡ, và bảo vệ thị trường giàu có duy nhất của mình, nên đã giúp đỡ công ty về vật chất và quân đội để chống lại quân Anh, trấn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Inđônêxia.
Mong cứu vãn tình thế nguy ngập, tổng đốc Hà Lan Van Imhốp (1743-1750) tăng cường việc mở rộng diện tích khống chế, đặc biệt là tăng cường việc bóc lột nông dân bằng nhiều thứ thuế, ký nhiều hiệp ước không bình đẳng với các vương quốc, luôn luôn xúi giục các vương quốc xích mích, thù hằn lẫn nhau, và nhất là tìm đủ mọi cách ràng buộc các vương quốc không cho ngả về phía Anh.
Năm 1749, Hà Lan tìm cách chiếm vương quốc Mataram chia thành hai vương quốc: Sôlô và Giôgiacácta, cả hai đều phụ thuộc vào Công ty của Hà Lan nhưng lại luôn luôn bị xúi giục gây chiến với nhau.
Mặc dù cố gắng như thế nào, Công ty Đông Ấn Hà cũng không cứu vãn được số mệnh lịch sử của nó. Thực dân Anh ngày càng phong tỏa mạnh các thuộc địa của Hà Lan, không cho một tàu thuyền nào của Hà Lan trở về nước hay đến Inđônêxia và phương Đông. Những cứ điểm ở Tây Ấn Độ và một số cứ điểm ở đảo Xumatơra của Hà Lan bị Anh bao vây. Hiệp ước Anh-Hà 1784 đã buộc Hà Lan phải để cho Anh tự do đi lại buôn bán ở Inđônêxia.
Tình trạng buôn thua bán lỗ, nhân viên tham ô, chiến tranh liên miên phí tổn rất lớn, lại mất độc quyền buôn bán nên đến năm 1799. buộc phải tuyên bố giải tán V.O.C. Tất cả nợ nần của công ty đều do chính phủ Hà Lan chịu, toàn bộ tài sản xí nghiệp của công ty đều thuộc về chính phủ Hà Lan.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức