An sinh xã hội là gì?

0

1.  Khái quát về an sinh xã hội

Trước hết an sinh xã hội có thể được xem như một thiết chế xã hội bao gồm hệ thống các cơ quan tổ chức hoạt động với mục đích giải quyết, xóa bỏ và phòng chống các vấn đề xã hội để nâng cao an sinh của mọi cá nhân, nhóm và cộng đồng. Nó còn bao gồm các chính sách, luật pháp, các chương trình dịch vụ xã hội như chương trình cứu trợ xã hội, trợ giúp xã hội để giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội.

Ở góc độ thứ hai an sinh xã hội được hiểu như một khoa học nghiên cứu về các tổ chức, các chương trình, chính sách về việc cung cấp các dịch vụ xã hội tới cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng. Nghĩa thứ hai này của an sinh xã hội được đề cập nhiều tới ở khía cạnh đào tạo.

* Chính sách xã hội

Chính sách xã hội là công cụ để đảm bảo nền an sinh xã hội.

Chính sách xã hội được xem như sự định hướng hay những can thiệp liên quan tới các vấn đề xã hội tạo nên sự thay đổi hoặc duy trì điều kiện kiện sống đảm bảo an sinh cho con người. Các chính sách xã hội được xây dựng nhằm cải thiện an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu của con người như giáo dục, sức khoẻ, nhà ở và an toàn xã hội.

Các lĩnh vực cơ bản của chính sách xã hội như:

  • Phúc lợi xã hội
  • An toàn xã hội /bảo trợ xã hội
  • Bảo hiểm thất nghiệp
  • Sức khỏe, y tế
  • Nhà ở
  • Hưu trí
  • Trợ giúp xã hội
  • Lao động việc làm
  • Trợ giúp về tư pháp, pháp lý…

Thuật ngữ chính sách xã hội còn liên hệ tới những chính sách tham gia vào điều tiết hành vi con người như:

  • Vấn đề hôn nhân, gia đình, như chính sách cho phụ nữ, chính sách dành cho phụ nữ đơn thân, bà mẹ nuôi con một mình, chính sách về con nuôi…
  • Vấn đề đói nghèo, vô gia cư
  • Vấn đề ma túy, mại dâm

Tại Việt Nam, chính sách xã hội cũng bao gồm những chính sách như:

  • Chính sách về thu nhập
  • Chính sách về giáo dục
  • Chính sách về nhà ở
  • Chính sách y tế /chăm sóc sức khoẻ
  • Chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách hưu trí
  • Chính sách trợ cấp và cứu tế khẩn cấp

Bên cạnh đó các chính sách xã hội của Việt Nam còn có:

  • Các chính sách xã hội đặc thù đó là chính sách ưu đãi xã hội dành cho những người có công với cách mạng, thân nhân và gia đình thương binh liệt sỹ.
  • Các chính sách liên quan tới chương trình xóa đói giảm nghèo; chương trình quốc gia phát triển kinh tế- xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng miền núi và vùng sâu vùng xa, các chính sách lao động việc làm
  • Các chính sách cho các nhóm đối tượng khó khăn như người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, người nghèo, người có HIV…
  • Chương trình và dịch vụ xã hội

Các chương trình như các chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình tạo việc làm, chương trình phòng chống các tệ nạn xã hội, chương trình giáo dục phổ cập…

Các dịch vụ xã hội bao gồm dịch vụ việc làm, dịch vụ tham vấn, tư vấn, dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ tập huấn, đào tạo nghề, dịch vụ vay vốn, dịch vụ tín dụng…

2.  Vai trò của Công tác xã hội trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội

Mục đích của an sinh xã hội là:

  • Đảm bảo sự công bằng xã hội
  • Tạo sự ổn định của xã hội
  • Phát triển kinh tế xã hội.

Các mục đích trên của an sinh xã hội cũng chính là mục đích của công tác xã hội. Để thực hiện được các chính sách an sinh xã hội có hiệu quả cần có những phương pháp chuyển tải chính sách đó vào thực tiễn.

– An sinh xã hội được xem là hệ thống chính sách, chương trình, dịch vụ xã hội,

– Công tác xã hội là phương tiện, phương pháp hoạt động của an sinh xã hội. An sinh xã hội sử dụng công tác xã hội như hoạt động chuyên môn nhằm chuyển giao, triển khai các chính sách, chương trình, dịch vụ của an sinh xã hội.

Do vậy, ngành công tác xã hội và vai trò của nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện các mục đích của an sinh xã hội.

an sinh xã hội là gì

Sự tham gia của các nhà chuyên môn ở lĩnh vực ngành nghề khác nhau vào hệ thống an sinh xã hội (Chalse Zastow, 1990)

Các nhân viên xã hội thường làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội cùng với những nhà chuyên môn của lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, tâm lý… để đảm bảo nền an sinh cho các cá nhân, gia đình.

Nhìn mô hình trên có thể thấy có nhiều lĩnh vực ngành nghề tham gia vào để đảm bảo an sinh xã hội, tuy nhiên lĩnh vực công tác xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng vì là nơi thực hiện kết nối sự tham gia của các lĩnh vực ngành nghề khác để đảm bảo các chính sách an sinh xã hội được vận hành có hiệu quả.

(Lytuong.net – Tài liệu tham khảo: Nhập môn công tác xã hội, UNICEF, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, 2016)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.