Trương Vĩnh Ký – Ở với họ mà không theo họ
Nắng nhạt trên những vòm. Trong sân trường, một cậu học trò thơ thẩn dạo chơi. Những chiếc lá khô xào xạc dưới chân. Chợt cậu học trò nhìn thấy một tờ giấy có chữ viết tay. Cậu tò mò cúi xuống nhặt lấy. Ủa! Thứ chữ gì mà mình chưa được học? Chữ La tinh chăng? Bằng sự thông minh của mình, cậu học trò tìm cách “giải mã” thứ chữ này. Không bao lâu, cậu có thể đoán chừng được đây là lá thư mà ai đó đã gửi cho thầy của mình.
Cậu vội vã đem thư đến trao cho thầy. Ông thầy lấy làm ngạc nhiên và sau đó, đã dạy cho cậu thêm ngôn ngữ này. Cậu học trò đĩnh ngộ ấy, về sau, được học giả đương thời ở phương Tây xếp trong 18 nhà bác học của thế giới, là hội viên các hội nhân chủng và khoa học miền Tây nước Pháp, hội chuyên khảo văn hóa Á Châu, hội chuyên học địa lý ở Paris v.v… và là một gương mặt độc đáo trong văn hóa Việt Nam, nhưng lại có nhiều đánh giá khác nhau về cuộc đời chính trị.
Bạn đang xem: Trương Vĩnh Ký – Ở với họ mà không theo họ
Cậu học trò này có tên là Trương Vĩnh Ký (còn được gọi là Trương Chánh Ký), tự Sĩ Tải, tên thánh là Pétrus Baptiste. Sau này mọi người vẫn quen gọi là Pétrus Ký. Là con thứ ba của ông bà Trương Chánh Thi – Nguyễn Thị Châu, Pétrus Ký sinh ngày 6/12/1837 tại làng Vĩnh Thanh, tục danh là Cái Mơn, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, Vĩnh Long (nay là Bến Tre). Khi ông mới lên hai tuổi, thân sinh làm lãnh binh của triều đình Minh Mạng, nhận chức trấn quân ở Phnom Pênh – vốn là nơi rừng thiêng nước độc – nên chẳng bao lâu đã bị bệnh mất. Ông được mẹ giáo dục, nuôi ăn học.
Năm lên 5 tuổi, ông bắt đầu học chữ Nho với cố giáo Học. Sau đó, ông được theo học chữ Quốc ngữ, chữ La tinh với cô Nguyễn Tám ở trường đạo Cái Nhum. Ông được cố Tám thương yêu, nuôi ăn học vì mười năm trước đây khi triều đình nhà Nguyễn cấm đạo và tàn sát những người tuyên truyền đạo thiên chúa thì cố Tám đã được ông Chánh Thi giải thoát trong một cuộc vây bắt ngặt nghèo. Con đường học vấn đang mở ra thênh thang thì cố Tám chết.
Lúc này, tại Cái Mang có thừa sai Bouillevaux tức cố Long – một nhà truyền giáo người Pháp đến nhậm chức. Pétrus Ký được gửi theo học người này. Thấy Pétrus Ký là người thông minh, học giỏi nên cố Long càng ra sức dạy dỗ chu đáo. Bấy giờ, tình hình cấm đạo vẫn còn khắc nghiệt, cố Long dẫn Pétrus Ký cùng một vài người nữa chạy qua Phnom Pênh. Tại đây, Pétrus Ký theo học ở trường Pinhalu. Đây là thời gian mà ông có dịp học thêm những ngôn ngữ khác như Thái Lan, Miến Điện, Khmer, Lào, Trung Quốc…
Năm 1851 ông được tuyển đi học tiếp tại Đại chủng viện Dulaima tại Poulo Penang ở Mã Lai. Ông nổi tiếng là người có trí nhớ phi thường. Ngoài việc học thần học, triết học… ông bắt đầu học thêm ngôn ngữ Hy Lạp, Anh, Nhật, Hinđu. Trong một kỳ thi luận văn viết bằng chữ La tinh, đầu đề là
“Đức Datô có phải là Chúa không?”, bài của ông đã được chấm giải nhất. Một nhà nhiếp ảnh người Anh là J. Thomson đã từng đi du lịch nhiều nơi và viết quyển sách Mười năm du lịch Trung Quốc và Đông Dương trong đó có đoạn đề cập đến Pétrus Ký: “Là một ngoại lệ đáng kể trong những người bản xứ mà tôi vừa giới thiệu nét đặc trưng với bạn đọc. Ông đã học ở trường trung học Penang và không bao giờ tôi quên được sự ngạc nhiên của tôi, khi tôi được người ta giới thiệu với ông. Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh rất hay, hơi có giọng Pháp, còn tiếng Pháp thì ông nói cũng không kém thuần thục và thanh lịch. Tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý cùng với nhiều thứ tiếng phương Đông đều là những thứ tiếng mà ông thông thạo. Nhờ có vốn kiến thức phi thường đó, ông có được địa vị cao. Một hôm tôi đến thăm ông, tôi thấy ông đang làm sách Phân tích so sánh các ngôn ngữ chủ yếu trên thế giới, tác phẩm này đã khiến ông bỏ ra nhiều năm làm việc cần cù. Chung quanh ông đầy đủ những quyển sách quý và hiếm mà ông đã tìm kiếm được một phần ở châu Âu, một phần ở châu Á. Buổi tối hôm ấy, có một giáo sĩ ở Chợ Lớn đến gặp ông và khi chúng tôi sắp từ biệt, thì tôi nghe họ thảo luận với nhau bằng tiếng La tinh về vài đặc điểm thuộc về thần học. La tinh là một ngôn ngữ rất khó học, nhưng ông được giải thưởng về luận văn triết học viết bằng tiếng La tinh. Do đó, Trương Vĩnh Ký nổi tiếng về môn triết học ở chủng viện Penang”.
Năm 1858, lúc 21 tuổi, ông trở về quê nhà để chịu tang mẹ và dạy học. Do sự cấm đạo ngày càng gắt gao nên ông trốn lên Sài Gòn, tá túc ở nhà giám mục Lefèbvre. Lúc này, giặc Pháp đã nổ súng xâm lược nước ta. Ngày 17/2/1859 Sài Gòn thất thủ, quân ta gấp rút xây dựng đại đồn Chí Hòa, rồi cũng mất vào tay giặc Pháp. Ngày 20/12/1860 giám mục Lefèbvre giới thiệu Pétrus Ký ra làm thông ngôn. Đánh giá về Trương Vĩnh Ký có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí rất trái ngược nhau chính là giai đoạn này. Có lẽ, thuở sinh thời, ông cũng đã tiên đoán được điều này nên đã viết bài thơ Tuyệt mệnh:
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
Học thức gửi tên: con mọt sách,
Công danh rốt cuộc: cái quan tài.
Dạo hòn, lũ kiến men chân bước,
Bò xôi, con sùng chắc lưỡi hoài.
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.
Để hiểu Pétrus Ký, qua nhiều tài liệu đã nghiên cứu nghiêm túc, có thể thấy rằng ông chỉ là nhà chính trị bất đắc dĩ, dù hợp tác với Pháp nhưng ông đã thực hiện theo đúng câu cách ngôn La tinh: “Sic vos no vobis” (Ở với họ mà không theo họ). Và mục đích của sự hợp tác này nói như bức thư Pétrus Ký gởi cho Stanislap Meunier thì: “Tôi chỉ có thể làm trung gian giữa hai dân tộc vừa mới gặp nhau ở Nam Kỳ. Tôi chỉ có thể làm cho hai dân tộc hiểu nhau. Vì thế mà tôi đã liên tục dịch từ Việt sang Pháp và từ Pháp sang Việt, bởi tôi vẫn xác tín rằng: đằng sau ngôn ngữ, đằng sau các từ ngữ, một ngày nào đó, tư tưởng sẽ được chuyển qua và rồi đây, đối với chúng tôi, là bắt đầu làm quen với nền văn minh tốt đẹp của quý ngài…”. Sau chuyến đi năm 1863 làm thông ngôn cho phái bộ của triều đình Huế sang Pháp – để chuộc lại Gia Định, Biên Hòa, Định Tường – Pétrus Ký trở về nước và có những hoạt động văn hóa đáng kể. Có thể thấy ông là một tác giả lớn nhất của văn hóa Quốc ngữ Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX với vị trí là người mở đầu nhiều hoạt động văn hóa – mà sau này khi đánh giá về ông, học giả Nguyễn Văn Tố đã khẳng định: “Sự nghiệp ấy, thân thế ấy, có thể tóm lại làm ba tiếng: 1. Bác học, 2. Tâm thuật, 3. Khiêm tốn”.
Xem thêm : Cách vẽ khủng long đẹp đơn giản dễ thương nhất
Năm 1886, ông cho in tác phẩm Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích. Sau này khi tái bản, người ta rút gọn lại là Chuyện đời xưa, theo ông: “Người ta dùng sách này mà học tiếng thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói Annam ròng”. Với việc làm ấy, Pétrus Ký là người Việt đầu tiên cho in sách bằng chữ Quốc ngữ.
Ngày 16/9/1869 Thống đốc Nam Kỳ Ohier đã ban hành quyết định 189 với nội dung giao tờ Gia Định báo – tờ báo Việt ngữ thủy tổ của làng báo Việt Nam – cho Pétrus Ký thì ông là người Việt đầu tiên làm chủ bút một tờ báo.
Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ cử ông ra Bắc Kỳ tìm hiểu tình hình miền Bắc. Khi trở về, ông có viết tập sách nhan đề Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi với nhiều ghi nhận xác đáng mà sau này nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc ghi nhận ông là “người Sài Gòn có tấm lòng tri kỷ với Hà Nội”. Như vậy, Pétrus Ký là người Việt đầu tiên viết du ký bằng chữ Quốc ngữ.
Năm 1867 ông cho in Abrégé de grammaire Annamite (Ngữ pháp Việt Nam yếu lược): chứng tỏ Pétrus Ký là người Việt đầu tiên viết sách ngữ pháp tiếng Việt bằng tiếng Pháp.
Năm 1875, ông cho in tác phẩm Cours d’Histoire Annamite – hai tập (Giáo trình lịch sử Annam). Học giả Pháp là Ernest Renan từ năm 1880 đã đánh giá: “Trương Vĩnh Ký trình bày cho chúng ta biết một cách tường tận những ý tưởng của người Việt Nam và lịch sử của họ. Người ta phải ngạc nhiên khi thấy trong cuốn sách Giáo trình lịch sử Annam của ông một tinh thần sáng suốt và một sự vô tư khách quan ít thấy ở những công trình có tính cách Á Đông. Nhiều nước ở Châu Âu không có được cho trường học của họ một cuốn sách lược khảo có giá trị như cuốn sách của Trương Vĩnh Ký”. Với tác phẩm này, Pétrus Ký là người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp.
Năm 1875, ông đã phiên âm và cho xuất bản tác phẩm Poème Kim Vân Kiều và nhiều tác phẩm chữ Nôm, chữ Hán khác ra chữ Quốc ngữ. Nhà nghiên cứu Bằng Giang đã nhận định chính xác: “Kim Vân Kiều truyện là bản phiên âm quốc ngữ đầu tiên xuất hiện trong năm 1875, mở đường cho việc phiên âm và phổ biến rộng rãi những tác phẩm Nôm khác, có tên tác giả hoặc khuyết danh”.
Năm 1888, Pétrus Ký chủ trương tập san Thông loại khóa trình (Miscellanées), tất cả ra được 18 số, đình bản vào tháng 6/1889 vì thiếu vốn. Như vậy Pétrus Ký là người Việt Nam đầu tiên chủ trì tập san tư nhân để phổ biến văn hóa nước nhà.
Ngoài ra, do nắm vững nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nên với những bộ từ điển đối dịch Pháp – Việt, Hán – Việt – Pháp… Pétrus Ký trở thành người Việt đầu tiên đi tiên phong trong lãnh vực này.
Đóng góp của Trương Vĩnh Ký trong lãnh vực văn hóa thật đa dạng và phong phú ở nhiều thể loại. Ông có 54 tác phẩm đã in typo, 65 tác phẩm in thạch bản. Lúc mất, trong di cảo của ông còn khoảng 30 tác phẩm dự định xuất bản và ngoài ra còn rất nhiều trang bản thảo khác. Hầu như ở lãnh vực học thuật nào, ông cũng có những đóng góp rất đáng kể. Có thể gọi ông là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học v.v… Nhưng có người khi đánh giá di sản văn hóa của ông để lại đã phủ nhận sạch sành sanh vì cho rằng toàn bộ sự nghiệp của ông “nằm trong quỹ đạo xâm lăng văn hóa của thực dân Pháp” (?) Bây giờ, sự đánh giá lạ lùng ấy đã được thay đổi. Qua nhiều tác phẩm nghiên cứu, đánh giá về Trương Vĩnh Ký đã xuất bản thì học giả Nguyễn Văn Tố đã có “con mắt xanh” nhìn nhận đúng đắn nhất: “Đời có ba hạng người bất hủ: Trên có bậc lập đức, dưới có bậc lập công, sau có bậc lập ngôn, tuy mất đã lâu mà tiếng vẫn còn: toàn là những nhà bất hủ. Hạng người làm sách để dạy đời là một hạng trong ba hạng người bất hủ ấy. Ông Trương Vĩnh Ký có thể liệt vào hạng người đó, vì ông viết bao nhiêu là sách. Những sách ấy hiện vẫn còn có giá trị, quyển nào cũng có ý đủ, văn hay, không phải là người có thiên tài học vấn thì không sao viết nổi. Thật là một nhà bác ngữ uẩn súc, nước ta chưa từng có bao giờ”.
Xem thêm : 20+ Cách vẽ môi đẹp thời thượng, quyến rũ nhất
Từ năm 1887, ông lui về ở ẩn, chỉ làm bạn với sách vở và tiếp tục làm giáo sư ngôn ngữ Đông Phương tại trường Hậu bổ và trường thông ngôn. Những năm tháng này, ông sống trong sự chán chường, nghèo túng và điều khiến ông ray rứt nhất, khắc khoải nhất là sĩ phu trong nước vẫn chưa hiểu được những việc làm của mình. Ngày 1/9/1898 Pétrus Ký tạ thế, được an táng tại Chợ Quán. Hiện nay, gần nhà thờ Chợ Quán, bên đường Trần Hưng Đạo còn có phần mộ, nhà lưu niệm Trương Vĩnh Ký. Trên mộ có ghi những dòng chữ La tinh như muốn phân bua, nhắn nhủ với hậu thế: “Xin hãy thương tôi, ít ra những bạn hữu của tôi”, “Kiến thức của người có nó là nguồn sống”, “Những ai sống và tin tôi sẽ không phải chết đời đời”. Sau khi ông qua đời, mọi người đều ca ngợi công lao to lớn của ông, thậm chí từ ngày 18/12/1927, những người yêu nước trong tổ chức Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu cùng nhân sĩ trong nước dựng tượng ông nơi đường Norodom trước dinh quan Toàn quyền Sài Gòn. Đã có nhiều sách đánh giá về sự nghiệp văn hóa đồ sộ của Trương Vĩnh Ký. Gần đây, trong tác phẩm Trương Vĩnh Ký – Nhà văn hóa (NXB Hội Nhà văn – 1993) ông Nguyễn Văn Trung hoàn toàn có lý khi viết: “Trong khi nghiên cứu về mảng văn học miền Nam thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng tôi đã tìm ra những lý do giải thích: chính sách người Pháp kéo về hàng ngũ của họ những người như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản và các vua, quan triều Nguyễn, kể cả Gia Long, qua các sách sử ký dạy ở trường học, hay qua việc dựng tượng, đặt tên đường, tên trường và tổ chức long trọng các ngày kỷ niệm, ngày sinh ngày mất v.v… và vì thế, chúng tôi đã kết luận nếu chúng ta tiếp tục chống những người trên tức là vẫn mắc mưu thực dân, bị chính sách thực dân đầu độc bằng sách vở, mặc dù chế độ thực dân không còn nữa. Vậy ngày nay, có nên giành lại Trương Vĩnh Ký về phía Việt Nam không, như các người yêu nước đầu thế kỷ đã làm? Một cách cụ thể, dựng lại tượng Trương Vĩnh Ký và nhất là phục hồi tư cách, sự nghiệp của ông trong tâm tư con cháu chúng ta” (trang 49).
Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông (1898-1998) Giáo sư Trần Hữu Tá đã khẳng định: “Chúng ta kính trọng ông – một nhà bác học, một nhà văn hóa lớn vừa có nhân cách vừa có chân tài. Lịch sử chắc chắn sẽ tiếp tục ghi nhận công lao của Trương Vĩnh Ký với tư cách người đi tiên phong trong cuộc chuẩn bị sự canh tân cho đất nước”. Sau khi phân tích thái độ chính trị của Trương Vĩnh Ký khi hợp tác với Pháp, có thể tóm tắt như sau:
1. Ông chưa bao giờ tham gia vào ngạch quan lại hành chính do Pháp bổ nhiệm.
2. Ông được Paul Bert tin dùng không phải vì sự tận tụy, mẫn cán – viên quan này đối đãi ông bằng tình cảm đặc biệt vì họ quen nhau từ năm 1863 trong chuyến theo phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp.
3. Tuy cận kề vua Đồng Khánh nhưng ông đã tập trung vào việc khai sáng tư tưởng, trí tuệ của ông vua này với tư cách là Hàn lâm viện thị giảng học sĩ.
4. Tuy làm việc cho Pháp nhưng ông vẫn giữ tư cách của mình.
5. Công việc của ông không phải lúc nào cũng được người Pháp hài lòng, chẳng hạn, tướng D’Ariès nhiều lần gay gắt: “Ông ta đòi quyền làm công việc mà ông ta ưa thích và rút lui khi nào không còn thích hợp” (Kiến thức ngày nay số 10/12/1998).
Chắc chắn, sau này các nhà sử học còn phải nghiên cứu, đánh giá về thái độ chính trị của Pétrus Ký thỏa đáng hơn, sau khi có đầy đủ thông tin cần thiết. Nhưng đóng góp của ông về mặt văn hóa thì không gì có thể phủ nhận được, hậu thế không có quyền lãng quên ông.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức