Auguste Comte và Xã hội học

0

Auguste Comte (1798-1857)

A. Comte có tên đầy đủ là Isidore Marie Auguste François Xavier Comte sinh tại Montpellier, Cộng Hoà Pháp ngày 19 tháng 1 năm 1798 và mất ngày 5 tháng 9 năm 1857. Tốt nghiệp trường Bách Khoa Paris năm 1814, là người có tư tưởng tự do và cách mạng.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Auguste Comte nghĩ gì?

Ông là người đầu tiên đã phát triển phương pháp tiếp cận hoàn chỉnh nghiên cứu khoa học về xã hội (scientific study of society). Trước Ông, nhiều người đã bước vào nghiên cứu bản chất của hành vi con người bằng cách sử dụng nhiều hệ thống triết học xã hội, một số sau đó đã tiến triển thành các ngành học xã hội cụ thể. Comte được xem là người sáng lập ra xã hội học, ông nổi tiếng với tác phẩm Positive Philosophy (1855)- Triết học thực chứng, gồm 6 tập. Theo quan điểm của Comte, xã hội học cũng giống như khoa học tự nhiên, do vậy, chúng ta có thể nghiên cứu xã hội và các hoạt động của loài người bằng cách sử dụng các phương pháp tương tự như các phương pháp trong khoa học tự nhiên.

Theo quan niệm của Comte, triết học thực chứng là một tiếp cận để hiểu biết thế giới dựa trên khoa học. Chủ nghĩa thực chứng tin rằng không có sự khác biệt nhiều giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, vì xã hội hoạt động tuân theo những quy luật (laws) cũng giống như khoa học tự nhiên. Những người theo chủ nghĩa thực chứng tuân thủ theo 5 nguyên tắc sau:

  1. Sự thống nhất của phương pháp khoa học-logic trong nghiên cứu là như nhau đối với tất cả các ngành khoa học.
  2. Mục tiêu của nghiên cứu là giải thích và dự đoán. Hầu hết những người theo chủ nghĩa thực chứng cho rằng mục tiêu cuối cùng là phát triển Một quy luật nhận thức chung (Law of general understanding) bằng cách tìm ra những điều kiện cần và đủ của bất kỳ hiện tượng nào (tạo nên một mô hình hoàn hảo của nó). Nếu quy luật được phát hiện, chúng ta có thể vận dụng các điều kiện để đưa ra kết quả dự đoán.
  3. Kiến thức khoa học là có thể kiểm chứng được. Nghiên cứu phải là diễn dịch,… diễn dịch logic được sử dụng để phát triển các phát biểu có thể kiểm chứng (lý thuyết dẫn đến giả thuyết, giả thuyết dẫn đến sự phát hiện hoặc/và nghiên cứu chứng cứ). Các nhà thực chứng phải chứng minh nghiên cứu của họ sử dụng Lập luận logic của sự chứng thực (Logic of confirmation) hoặc bác bỏ, chứng minh không có căn cứ (falsification)
  4. Khoa học khác với lẽ phải thông thường (common sense) (có từ kinh nghiệm cuộc sống). Các nhà nghiên cứu phải cẩn thận để không làm cho lẽ phải thông thường ảnh hưởng đến nghiên cứu của họ.
  5. Tương quan giữa lý thuyết và thực tiễn

Comte đã cho là xã hội học nên sử dụng phương pháp thực chứng. Chủ nghĩa thực chứng nhấn mạnh các kỹ thuật quan sát, so sánh (đặc biệt là so sánh về lịch sử) và thực nghiệm trong việc phát triển của kiến thức về bản chất của xã hội và hoạt động của con người.

Ông cho rằng xã hội học nên được chia thành hai bộ phận chính: tĩnh học xã hội và động học xã hội (social statics and social dynamics).

+ Tĩnh học xã hội nghiên cứu về trật tự xã hội, cơ cấu xã hội, các thành phần và mối liên hệ của chúng: đơn vị cơ bản nhất, sơ đẳng nhất của xã hội chính là gia đình và ông đưa ra cách giải quyết nhấn mạnh tới vai trò của nhà nước, yếu tố văn hóa, tinh thần xã hội. Tĩnh học xã hội nghiên cứu xã hội ở trạng thái tĩnh với các tiêu chí như: cơ cấu xã hội, trật tự xã hội, mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội. Từ đó cơ cấu xã hội được tạo nên từ các tiểu cơ cấu xã hội. Do đó, hiểu cơ cấu xã hội là nắm bắt được các đặc điểm, các thuộc tính các mối liên hệ của tiểu cơ cấu. Cơ cấu xã hội phát triển theo con đường từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Cách nhìn này thể hiện rõ quan điểm tiến hóa luận trong nhìn nhận xã hội của Auguste Conte.

+ Động học xã hội, nghiên cứu các quy luật biến đổi xã hội trong và giữa các hệ thống xã hội theo thời gian. Kết quả cuối cùng của mỗi bộ phận nghiên cứu là sự xác lập các quy luật tự nhiên (Natural laws) chung của đời sống xã hội và thay đổi xã hội. Việc phát triển của các quy luật tự nhiên này, dựa vào các tri thức khoa học, cho phép tìm ra những giải pháp cho các vấn đề trong xã hội, và góp phần làm tiến hóa xã hội và cải thiện xã hội

Auguste Comte đã dựa vào trình độ phát triển của tri thức loài người để phân chia xã hội thành các giai đoạn phát triển khác nhau: giai đoạn thần học, giai đoạn siêu hình, giai đoạn thực chứng (Stolley, 2005).

  • Thần học (Theological, or fictitious): tất cả các hiện tượng được tạo ra bởi các đấng tối cao, thần thánh.
  • Siêu hình (Metaphysical, or abstract): giai đoạn chuyển tiếp, trong giai đoạn này chỉ là một sự bổ sung của giai đoạn trước, thay việc giải thích các sự vật hiện tượng dựa vào Thần bằng việc giải thích dựa vào thế lực trừu tượng.
  • Thực chứng, khoa học (Scientific, or positive): giải thích các sự vật trên cơ sở khoa học, trên cơ sở hiểu biết các mối liên hệ và các quy luật.

Theo ông, sự phát triển xã hội qua 3 giai trên diễn ra theo phương thức tiến hóa dần dần không phải bằng con đường đấu tranh xã hội với các bước nhảy vọt. Mọi giải quyết về sự biến đổi đều được thực hiện bằng khoa học trí tuệ. Như vậy, Comte cho rằng trí tuệ, hệ thống văn hóa đạo đức quy định sự phát triển của hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội. Quan niệm như vậy của Comte bị phê phán là duy tâm khi giải thích sự biến đổi và phát triển của xã hội.

Theo Ông, tất cả các môn học trí tuệ đều phải trải qua ba kỷ nguyên đó nhưng không đồng thời với nhau. Do đó, theo ông, có thể phân loại khoa học theo thứ tự vừa logic vừa lịch sử mà trong đó khoa học cuối cùng, phức tạp nhất là xã hội học. Đặc trưng của xã hội học là ở tính tổng hợp của nó, cho nên “đối tượng của xã hội học chỉ có thể là lịch sử loài người.”

Comte cho rằng, mỗi giai đoạn trước là điều kiện phát triển của mỗi giai đoạn sau. Ở giai đoạn thực chứng, nhờ nắm vững và giải thích một cách có khoa học sự vận hành của xã hội mà con người kiểm soát, quản lý bằng cách tuân thủ và vận dụng được các quy luật của tỉnh và động học xã hội và các nhà tri thức có khả năng đóng vai trò thủ lĩnh, lãnh đạo, quản lý xã hội. Xã hội học có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu nhận thức, nhu cầu giải thích những biến đổi xã hội, góp phần lập lại trật tự ổn định xã hội (Stolley, 2005).

Ngày nay, mặc dù các nhà xã hội học đều đồng ý rằng phương pháp khoa học là một bộ phận quan trọng của xã hội học, nhưng chủ nghĩa thực chứng cực đoan thì ít có. Các nhà khoa học xã hội nhận thấy rằng rất khó đưa ra một quy luật có thể đúng trong mọi trường hợp để giải thích hành vi con người, vì hành vi của nhóm có thể giải thích, dự đoán với một xác suất nhất định, còn hành vi của từng cá nhân rất khó để giải thích.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.