Hệ thống tài chính là gì? Khái quát hệ thống tài chính Việt Nam

0

I. Hệ thống tài chính là gì?

Hệ thống tài chính trong nền kinh tế thị trường được biểu hiện dưới hình thức các chủ thể tài chính liên quan đến quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn tài chính.

Trong cơ chế thị trường các hoạt động kinh tế có phạm vi rất rộng bao trùm nhiều lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, quản lý hành chính.. Trong đó, các chủ thể tài chính hình thành, hoạt động đan xen nhiều dạng khác nhau như ngân sách Nhà nước, các tổ chức tài chính doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, các tổ chức tài chính trung gian, các tổ chức tài chính xã hội và tài chính hộ gia đình. Quan hệ kinh tế giữa các chủ thể kéo theo sự chuyển dịch các nguồn tài chính, qua đó tạo nên các khoản thu nhập, chi phí, đầu tư, các khoản nợ, vay…

Vì thế, có thể nói rằng các bộ phận của hệ thống tài chính trong nền kinh tế thị trường rất phong phú và đa dạng, có mối quan hệ hữu cơ, tác động lẫn nhau trong một tổng thể thống nhất, có cùng chức năng, giống nhau về bản chất và có đặc điểm sau:

– Huy động và cung ứng các nguồn tài chính cho các chủ thể tài chính chủ yếu được thực hiện thông qua thị trường tài chính.

– Khác với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong nền kinh tế thị trường, tài chính của các tổ chức xã hội và hộ gia đình đã trở thành một khâu tài chính quan trọng, không thể thiếu được trong hệ thống tài chính.

Như vậy, hệ thống tài chính là tổng thể các khâu tài chính hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhưng thống nhất với nhau về bản chất, chức năng và liên hệ hữu cơ với nhau trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn tài chính.

Từ nhận thức về hệ thống tài chính theo tư duy kinh tế thị trường, chúng ta có thể khái quát hệ thống tài chính Việt Nam dưới sự quản lý của Nhà nước như sau:

hệ thống tài chính

II. Hệ thống tài chính Việt Nam

1. Tài chính Nhà nước

1.1. Ngân sách Nhà nước

Ngân sách Nhà nước là khâu quan trọng của hệ thống tài chính, với đặc trưng: Hoạt động ngân sách gắn với việc tạo lập, sử dụng quỹ tiền tệ lớn, tập trung phục vụ cho việc thực hiện các chức năng của Nhà nước.

Việc tạo lập quỹ tiền tệ lớn tập trung của Nhà nước được thực hiện qua kênh thu của ngân sách Nhà nước, bao gồm nhiều khoản thu khác nhau như: các khoản thu bắt buộc (thuế, lệ phí), các khoản đóng góp tự nguyện (tín dụng Nhà nước, xổ số kiến thiết), cũng như các khoản viện trợ quốc tế… Do đó, sự hình thành quỹ ngân sách Nhà nước vừa trực tiếp từ các khâu tài chính khác cũng như vừa gián tiếp thông qua thị trường tài chính. Trên cơ sở các khoản thu đã huy động được, ngân sách Nhà nước sử dụng để chi đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, chi tiêu dùng thường xuyên nhằm thực hiện các mục tiêu đã định của Nhà nước.

Hoạt động của ngân sách Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến tình hình phát triển kinh tế tài chính của cả nước và có vai trò quyết định trong việc thực hiện chính sách tài chính quốc gia.

1.2. Các quỹ dự trữ khác của Chính phủ

2. Tài chính doanh nghiệp

Căn cứ vào đặc điểm hoạt động, tài chính doanh nghiệp chia thành hai bộ phận: Tài chính doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ và tài chính các tổ chức tài chính trung gian.

2.1. Tài chính doanh nghiệp phi tài chính

Doanh nghiệp phi tài chính là các doanh nghiệp không kinh doanh tiền tệ.

Doanh nghiệp phi tài chính bao gồm các doanh nghiệp, công ty, tổ chức kinh tế trực tiếp sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Doanh nghiệp phi tài chính bao gồm các tổ chức kinh tế sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Tài chính doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ; là tụ điểm tích tụ và tập trung các nguồn tài chính gắn với quá trình sản xuất sản phẩm, kinh doanh thương mại và cung ứng các dịch vụ cho xã hội, thông qua việc tạo lập, sử dụng quỹ tiền tệ để tạo ra các quỹ tiền tệ lớn hơn sau các chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Hoạt động tài chính của các doanh nghiệp trước hết được biểu hiện thông qua việc tạo lập nguồn vốn (vốn chủ sở hữu, nợ phải trả). Sự tạo nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp có thể thông qua thi ường tài chính dưới hình thức phát hành cổ phiếu, hay vay vốn trực tiếp (phát hành trái phiếu) hoặc vay vốn gián tiếp qua trung gian tài chính, hoặc Nhà nước cấp vốn 100% hoặc có thể được bổ sung từ lợi nhuận của doanh nghiệp… Mỗi quỹ tiền tệ trong doanh nghiệp đều có mục đích nhất định, nhưng đều có chung một tính chất là chi dùng cho mục đích sản xuất kinh doanh để hình thành quỹ tiền tệ của các tổ chức tài chính khác, chi tiêu dùng nhằm hình thành thu nhập cho những người tham gia sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nộp thuế để hình thành quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước.

Như vậy, tài chính doanh nghiệp có quan hệ hữu cơ với các khâu tài chính khác. Mối quan hệ này có thể là quan hệ trực tiếp với nhau, nhưng cũng có thể là quan hệ gián tiếp thông qua hoạt động của thị trường tài chính.

2.2. Tài chính doanh nghiệp tài chính

Doanh nghiệp tài chính là các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh tiền tệ và các dịch vụ ngân hàng

Doanh nghiệp tài chính bao gồm các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ tiết kiệm, quỹ tín dụng, công ty cho thuê tài chính, doanh nghiệp tài chính còn có tên gọi là: các tổ chức tài chính trung gian.

Kinh tế hàng hóa – tiền tệ phát triển cũng tạo nên một loại hình vận động đặc biệt của các nguồn lực tài chính. Các nguồn lực tài chính tạm thời nhàn rỗi trong xã hội được tập hợp thành các quỹ tiền tệ của các tổ chức tín dụng, sau đó được sử dụng để cho các chủ thể tạm thời thiếu vốn trong nền kinh tế vay theo nguyên tắc hoàn trả và có lợi tức. Hoạt động tín dụng mang tính chất thương mại, vì mục đích lợi nhuận. Hiện nay, có nhiều hình thức tín dụng, trong đó tín dụng ngân hàng giữ vị trí chủ yếu.

Các tổ chức tín dụng và công ty tài chính có quan hệ chặt chẽ, trực tiếp với các khâu khác của hệ thống tài chính, song chúng cũng là những tổ chức hoạt động trên thị trường tài chính, là cấu nối trung gian giữa người có nhu cầu sử dụng tạm thời các nguồn tài chính và người có vốn tạm thời nhàn rỗi.

Tài chính của các tổ chức tín dụng có tác dụng giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiết kiệm với đầu tư hiệu quả trong xã hội.

Bảo hiểm, gồm hai bộ phận: bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại.

Bảo hiểm xã hội: Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành thông qua việc tập trung sự đóng góp của các đơn vị sử dụng lao động và của người lao động tính theo một tỷ lệ nhất định trên tiền lương thực tế phải trả cho người lao động tại các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Nhà nước… Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng để trợ cấp cho người lao động khi mất sức lao động tạm thời hay vĩnh viễn, góp phần ổn định đời sống cho người lao động.

Với sự phát triển kinh tế nhiều thành phần đã xuất hiện các quỹ bảo hiểm xã hội ngoài quốc doanh như quỹ hưu trí của những người lao động ngoài quốc doanh, quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện… Với xu hướng bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa những doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác nhau, hoàn toàn có thể hòa nhập các quỹ bảo hiểm xã hội khác nhau để cùng phục vụ cho người lao động. Điều cần lưu ý là các quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành và sử dụng không vì mục đích kinh doanh kiếm lời.

Bảo hiểm thương mại được hình thành từ sự đóng góp của hững thể nhân và pháp nhân tham gia bảo hiểm và nó được dùng để bởi thường các tổn thất theo những nguyên tắc đã được thỏa thuận trước giữa các bên tham gia và nhận bảo hiểm. Khác với bảo hiểm xã hội, hoạt động bảo hiểm này mang tính chất chuyên nghiệp, mục đích kinh doanh vì lợi nhuận.

3. Tài chính các hộ gia đình và các tổ chức xã hội

Tài chính các hộ gia đình thực chất đây là ngân quỹ của từng hộ gia đình, nguồn hình thành chủ yếu từ thu nhập của người lao động trong từng hộ gia đình như : tiền lương, tiền công, tiền thưởng, phụ cấp của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, còn có các khoản thu nhập từ sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, từ nguồn thừa kế tài sản, lãi trái phiếu, cổ tức, quà biếu tặng và được sử dụng chủ yếu cho mục đích tiêu dùng, nhằm trang trải cho các nhu cầu thiết yếu về đời sống trong khu vực dân cư, đồng thời một bộ phận thu nhập chưa sử dụng có thể được dùng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình hoặc tha gia thị trường tài chính thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu công ty hay kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu, trái phiếu Nhà nước, gửi tiết kiệm… Bên cạnh đó, một phần nhất định nguồn tài chính của dân cư được tập trung vào ngân sách Nhà nước dưới hình thức nộp thuế, phí, lệ phí cũng như tham gia các quỹ bảo hiểm.

Tài chính hộ gia đình là một tụ điểm vốn rất quan trọng, do đó Nhà nước cần phải có các giải pháp đúng đắn để khơi dậy và khai thác một cách triệt để các nguồn vốn ở khu vực dân cư.

Tài chính các tổ chức xã hội bao gồm: tài chính các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ. Các tổ chức xã hội này lập quỹ tiền tệ để đảm bảo cho hoạt động riêng của mình. Nguồn hình thành quỹ tiền tệ này là phí đóng góp của các hội viên, tiền quyên góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức phi Chính phủ, tài trợ của Nhà nước. Các quỹ tiền tệ được hình thành chủ yếu được sử dụng cho mục đích tiêu dùng, duy trì hoạt động của các tổ chức đó. Ngoài ra, khi quỹ này chưa được sử dụng, chúng có thể tham gia thị trường tài chính để sinh lời.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, tất cả các khâu của hệ thống tài chính có mối quan hệ trực tiếp hoặc liên hệ gián tiếp với nhau thông qua thị trường tài chính. Thị trường tài chính không phải là một khâu của hệ thống tài chính, song nó có vai trò quan trọng trong việc điều hòa các nguồn vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu và cho

phép huy động tối đa mọi nguồn tài chính hiện có để tạo lập quỹ tiến tệ. Trên thị trường tài chính các nguồn cung và cầu về vốn sẽ gặp nhau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các trung gian tài chính như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty bảo hiểm.

Đối tượng mua bán tại thị trường tài chính là các nguồn tài chính ngắn hạn và dài hạn. Do điều kiện, tính chất, thời gian sử dụng và hình thức vận động của các nguồn tài chính khác nhau đã làm nảy sinh các loại thị trường tài chính khác nhau với tính chất chuyên môn hóa khác nhau: thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Thị trường tiền tệ là một bộ phận của thị trường tài chính, nơi đây diễn ra quan hệ mua bán các nguồn tài chính ngắn hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho các chủ thể trong nền kinh tế.

Thị trường vốn là một bộ phận của thị trường tài chính, nơi đây diễn ra quan hệ mua bán các nguồn tài chính trung và dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho các chủ thể trong nền kinh tế.

(Nguồn tài liệu: TS. Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.