Nghề công tác xã hội: Lịch sử, vai trò và vị trí trong xã hội
Nội Dung
1. Sơ lược lịch sử phát triển công tác xã hội
1.1. Trên thế giới
Là một nghề non trẻ so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, song công tác xã hội lại có lịch sử phát triển khá lâu đời trong quá trình phát triển từ dạng hoạt động trợ giúp đơn thuần sang hoạt động chuyên nghiệp.
Ban đầu sự trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn mang tính tự phát, như sự trợ giúp của gia đình, họ hàng, của bộ tộc, làng, bản. Sau này sự trợ giúp đã mang tính xã hội hơn khi có sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, nhà thờ, tổ chức tình nguyện…
Bạn đang xem: Nghề công tác xã hội: Lịch sử, vai trò và vị trí trong xã hội
Sự tham gia của nhà nước vào các hoạt động trợ giúp đã đánh dấu một bước phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển công tác xã hội với tư cách là hoạt động trợ giúp chuyên nghiệp sau này. Trước hết cần đề cập tới một sự kiện quan trọng bắt nguồn từ những xã hội cổ xưa đó là là văn bản đầu tiên đề cập về sự quan tâm của nhà nước đối với những công dân cần được trợ giúp trong Hiệp ước do Công tước Ôlêc (tại nước Nga) ký kết với người Hy Lạp vào năm 911. Một sự kiện quan trọng tiếp theo đó là đạo luật của Anh thông qua năm 1536 với một trong những điều qui định về việc phân phát những đồ thu được như quần áo, lương thực cho người nghèo, người bệnh tật ốm đau… qua hoạt động từ thiện vào những ngày thứ 7 hàng tuần. Sau này việc xây dựng thành hệ thống luật cho người nghèo của nước Anh đã đánh dấu một thay đổi lớn trong sự trợ giúp từ hình thức cứu trợ có tính nhất thời sang hình thức trợ giúp liên tục, thường xuyên.
Vào những năm giữa thế kỷ 19 dưới ảnh hưởng của những thay đổi xã hội một số những nhân vật tiên phong tại Anh như Octavia Hill và Edward Dennison đã đề nghị thay đổi một số điều liên quan tới chính sách an sinh và trợ giúp những đối tượng khó khăn trong xã hội. Những tổ chức có hình thái công tác xã hội ra đời như Tổ chức trợ giúp từ thiện tại London. Hoạt động của tổ chức này dần mang tính chuyên môn hoá hơn thông qua các hoạt động điều phối, tạo lập mạng lưới, đăng ký… Hình thức trợ giúp không đơn thuần là trợ giúp vật chất tức thời mà đã có phương thức phòng ngừa sự bần cùng một cách khoa học hơn. (A. Skidmore; G. Thackeray &O. William Farley 1997).
Giai đoạn 1850 – 1865, những hoạt động khởi nguồn của công tác xã hội đã được thực hiện thông qua các tổ chức như Uỷ ban từ thiện quốc gia, Uỷ ban từ thiện cộng đồng. Thời kỳ này hoạt động của các uỷ ban đều hướng tới mục đích xây dựng những thiết chế nhằm duy trì trật tự, ổn định xã hội.
Vào cuối thể kỷ XIX các dịch vụ xã hội dưới dạng các nhà định cư (Settlement house) cũng được phát triển ở Mỹ đặc biệt tại các thành phố lớn nhằm cung cấp những hỗ trợ về giải trí, sức khoẻ an sinh cho trẻ em thanh thiếu niên, phụ nữ, giúp họ học hỏi những kinh nghiệm xã hội và kỹ năng sống như kỹ năng giải quyết vấn đề. Trung tâm đầu tiên được thành lập tại New York vào 1886 sau này là Trung tâm Hull tại Chicago vào 1869. Người sáng lập ra trung tâm này là Jane Addams (1861-1935). Những trung tâm này cung cấp sự trợ giúp cho người nghèo khổ, người lao động thu nhập thấp…
Sự ra đời của tổ chức từ thiện tại Buffalo, New York của Mỹ vào 1877. Mặc dù là từ thiện nhưng những nhân viên của tổ chức này đã tìm hiểu nhu cầu của người cần sự trợ giúp, và thu hút sự tham gia của họ vào xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng. Tổ chức này đã đặt nền móng đầu tiên cho tính nghề nghiệp của công tác xã hội. Vào những năm 80 của thế kỷ 19 từ thực tiễn của hoạt động trợ giúp, tổ chức phong trào trung tâm cộng đồng và hiệp hội tổ chức từ thiện COS (Charity Organisation Society) đã tiến hành nghiên cứu và chỉ ra rằng giúp đỡ con người là quá trình phức tạp, để quá trình trợ giúp có hiệu quả đòi hỏi những kiến thức hiểu biết về con người, về xã hội và cần có những phương pháp, kỹ năng làm việc với họ.
Sang đến thế kỷ XX những dịch vụ an sinh và sự trợ giúp xã hội đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Năm 1947 tại Hội thảo thế giới về sự phát triển xã hội, Hội đồng kinh tế – xã hội đã đưa ra yêu cầu về đào tạo chuyên môn công tác xã hội nói chung và với cán bộ làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội nói riêng. Năm 1951 Hội đồng kinh tế – xã hội của Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận công tác xã hội là nghề đang nổi lên tại thời điểm đó và nó có những chức năng chuyên biệt.
Hiện nay có hai tổ chức nghề nghiệp thế giới đó là Hiệp hội Nhân viên công tác xã hội thế giới (IFSW) manh nha từ năm 1926 với sự tham gia của 470.000 nhân viên xã hội chuyên nghiệp đến từ trên 80 quốc gia và Hiệp hội các Trường đào tạo công tác xã hội thế giới (IASSW) ra đời vào năm 1928 với sự tham gia của các trường đào tạo công tác xã hội ở tất cả các châu lục trên thế giới. Tại nhiều nước trên thế giới cũng có Hội NVXH chuyên nghiệp và Hội các trường đào tạo công tác xã hội quốc gia. Các tổ chức này đã ngày một vững mạnh và góp phần cho sự phát triển tính chuyên nghiệp và khẳng định vị thế của nghề công tác xã hội trên thế giới và tại mỗi quốc gia.
1.2. Tại Việt Nam
Nhìn lại nền công tác xã hội ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy các hoạt động trợ giúp xã hội cũng đã có từ lâu đời, và hệ thống pháp luật, chính sách an sinh xã hội của chúng ta đã dần hoàn thiện qua từng thời kỳ, bao trùm nhiều hơn nhu cầu cơ bản của đối tượng và ngày càng mang tính hội nhập. Dịch vụ xã hội từng bước được mở rộng và dễ dàng tiếp cận hơn với nhiều người dân. Những đổi mới này đã góp phần đáng kể cho sự ổn định và phát triển xã hội, phản ánh đúng quan điểm tăng trưởng kinh tế phải tiến hành đồng bộ với tiến bộ và công bằng xã hội trong chiến lược phát triển của nước ta. Hoạt động trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn trong các gia đình nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em mồ côi, trẻ bị lạm dụng tình dục, trẻ lang thang kiếm sống… trong nhiều năm qua đã đóng góp đáng kể vào đảm bảo nền an sinh nước nhà.
Trước ảnh hưởng của hội nhập quốc tế với sự du nhập của trào lưu công tác xã hội chuyên nghiệp và những đổi mới về chính sách kinh tế – xã hội, lý luận và thực hành trong công tác trợ giúp xã hội của nước ta phần nào đã thay đổi. Điều này đòi hỏi các nhân viên làm việc trong các lĩnh vực xã hội như LĐTBXH, UBDSGĐTE (trước đây), HPN… phải đổi mới phương pháp và kỹ năng trợ giúp. Phương châm “cho cần câu chứ không cho xâu cá” đã làm chuyển đổi cơ bản hình thức trợ giúp mang tính bao cấp trước đây sang trợ giúp có tham vấn nhằm giúp đối tượng tự giải quyết vấn đề. Trước yêu cầu thực tiễn, các ngành LĐTBXH, UBDSGĐTE (trước đây), HPN, Đoàn Thanh niên, Chữ thập đỏ… với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn về công tác xã hội nhằm trang bị kịp thời những kiến thức, kỹ năng trợ giúp cho cán bộ của ngành.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn còn một số hạn chế nhất định trong lĩnh vực hoạt động công tác xã hội. Điều này khiến cho chúng ta tụt hậu về chất lượng và hiệu quả của chuyển giao các chính sách, dịch vụ an sinh xã hội ở nước ta so với các nước phát triển hay những nước trong khu vực.
Xem thêm : 80 tuổi được hưởng trợ cấp bao nhiêu?
Trước hết có thể kể tới các hình thức trợ giúp, các dịch vụ xã hội của chúng ta chưa phong phú và chất lượng còn hạn chế. Sự tham gia của cá nhân, gia đình và cộng đồng vào quá trình giải quyết vấn đề chưa cao, cũng như sự kết nối nguồn lực giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng còn thấp khiến cho kinh phí chi trả vẫn phụ thuộc phần lớn vào ngân sách nhà nước.
Phương thức can thiệp giải quyết vấn đề hiện nay của chúng ta còn mang tính chữa trị hơn phòng ngừa, do vậy kết quả của chính sách an sinh xã hội chưa thực sự bền vững.
Quy mô và phạm vi hoạt động dịch vụ xã hội của hoạt động công tác xã hội còn thu hẹp cũng là một yếu tố cần kể tới. Các dịch vụ an sinh xã hội mới chỉ chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực chính như lao động, thương binh và xã hội hay các tổ chức đoàn thể mà chưa được mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác. (Trong khi đó ở các nước phát triển, can thiệp của công tác xã hội chuyên nghiệp đã có mặt ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, tòa án, nhà tù thậm chí cả các doanh nghiệp).
Vấn đề tuyển dụng và sử dụng nhân viên xã hội đã qua đào tạo chưa đảm bảo. Có thể dễ dàng nhận thấy sự “phong phú” về chuyên môn đào tạo của các cán bộ làm việc trong các ban, ngành có chức năng xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội như ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… so với bất cứ ngành nghề nào khác ở nước ta. Việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ không có kiến thức, kỹ năng làm việc với cá nhân, gia đình, cộng đồng, tham vấn, quản trị công tác xã hội… là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng triển khai các chính sách, các dịch vụ xã hội tại cộng đồng chưa cao. Không những thế, do chưa được đào tạo chuyên nghiệp, nên họ còn thiếu hụt kiến thức, kỹ năng nghiên cứu chính sách xã hội và khiến cho đại đa số nhân viên xã hội hạn chế trong khả năng phát hiện những lỗ hổng của chính sách hay đề xuất những chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Điều này lý giải một phần cho tình trạng không ít chính sách an sinh xã hội ở nước ta chưa thực sự đi vào cuộc sống. Do sự tụt hậu về đào tạo nhân viên xã hội chuyên nghiệp nên chúng ta đang bị thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trong đào tạo công tác xã hội cũng như tác nghiệp thực tiễn hiện nay.
Các khoá tập huấn công tác xã hội ngắn ngày mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số kỹ năng công tác xã hội rất cơ bản mang tính sơ đẳng và chắp vá.
Hiện nay chúng ta còn có nhiều khó khăn trong việc chuyên môn hoá các hoạt động công tác xã hội. Tuy nhiên trước nhu cầu thực tiễn Nhà nước và các Ban Ngành ngành liên quan cũng đang nỗ lực để sớm đưa công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam nhằm góp phần đảm bảo việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Những bước tiến đột phá trong những năm gần đây của công tác xã hội ở Việt Nam:
- Tháng 10/2004 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê chuẩn Chương trình Khung ngành học công tác xã hội trình độ đại học và cao đẳng
- Tháng 3/2010: Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020
- Tháng 8/2010: Mã ngạch công tác xã hội được ban hành cùng với chức danh tiêu chuẩn nghề công tác xã hội
- Chi hội công tác xã hội ở Việt Nam được thành lập vào 23/6/2011 nằm trong Hội dạy nghề Việt Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển của Hội nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và Hội các trường đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam.
2. Nghề công tác xã hội hiện nay và vai trò, vị trí của công tác xã hội trong xã hội
Công tác xã hội đã được xem là một nghề ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam bởi chúng có những vai trò vị trí và đặc điểm như sau:
– Thứ nhất, công tác xã hội là một nghề- một hoạt động chuyên môn, một khoa học thực hiện nhiệm vụ chức năng xã hội giao phó và được xã hội thừa nhận.
Công tác xã hội hướng tới sự “thay đổi” tích cực về mặt xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người đặc biệt là cho những người yếu thế, người dễ bị tổn thương trên cơ sở thúc đẩy sự biến đổi xã hội, tăng cường các mối tương tác, sự liên kết giữa các thành viên trong xã hội, tạo ra sự phát triển hài hoà giữa các nhân với cá nhân, giữa cá nhân và xã hội nhằm đảm bảo công bằng xã hội.
Thứ hai, các chính sách, chương trình và dịch vụ công tác xã hội được triển khai bởi một bộ máy tổ chức theo hệ thống từ trung ương tới địa phương cùng với sự tham gia của các ngành giáo dục, y tế, toà án… theo một hệ thống tổ chức ngành dọc và liên ngành.
Hầu hết các quốc gia đều có hệ thống cơ quan quản lý chính sách cũng như cung cấp dịch vụ xã hội theo ngành dọc từ trung ương tới địa phương. Ví dụ như Bộ xã hội hay An sinh xã hội ở một số nước là cơ quan trung ương (ở Việt Nam là Bộ Lao động
Xem thêm : Thực trạng ô nhiễm môi trường nước trên thế giới chi tiết
-Thương binh và Xã hội). Dưới đó là các sở xã hội hay an sinh xã hội tại các tỉnh, thành (như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), các phòng xã hội hay an sinh xã hội tại quận/ huyện… (Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội). Tồn tại các cơ quan, trung tâm cung cấp các dịch vụ xã hội ở cộng đồng như dịch vụ cho người già, cho trẻ em mồ côi, người khuyết tật… Các tổ chức xã hội tư nhân, tổ chức quốc tế tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp, kiến thức phòng ngừa ví dụ như HIV/AIDS, bạo lực gia đình, dịch vụ tham vấn, tư vấn, các chương trình về sức khoẻ, môi trường, việc làm… bên cạnh đó cần có sự phối kết hợp của các ngành khác để giúp cho công tác xã hội thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra. Đó là các ngành như y tế, giáo dục, tư pháp…
Thứ ba, công tác xã hội được thực hiện trên một nền tảng hệ thống giá trị, nguyên tắc, yêu cầu đạo đức nghề nghiệp được pháp luật quy định rõ ràng.
Thực hiện hoạt động nhân đạo, lấy con người là trọng tâm nên mọi hành vi của nhân viên xã hội được quy định bởi các nguyên tắc vì con người và vì nền an sinh của xã hội (ví dụ như nguyên tắc chấp nhận đối tượng, tôn trọng đối tượng…).
Thứ tư, công tác xã hội là một khoa học bao gồm hệ thống kiến thức lý thuyết và hệ thống kiến thức kỹ năng thực hành (hệ thống phương pháp thực hành, chuyên môn riêng biệt).
Ngoài các kiến thức cơ sở như xã hội học, tâm lý học, chính trị học, kinh tế học… khoa học công tác xã hội gồm:
+ Hệ thống kiến thức lý thuyết về hành vi con người và môi trường xã hội, hệ thống các khái niệm về chức năng xã hội, sự thay đổi xã hội, các lý thuyết nhân cách, lý thuyết hệ thống… Công tác xã hội gồm các kiến thức về chính sách và các dịch vụ xã hội…
+ Hệ thống kiến thức phương pháp, kỹ năng thực hành bao gồm các quan điểm triết lý, nguyên tắc đạo đức nghề công tác xã hội, các phương pháp công tác xã hội cá nhân, nhóm và phát triển cộng đồng… cùng với hệ thống kỹ năng trong từng phương pháp.
– Thứ năm, công tác xã hội được đào tạo ở nhiều cấp bậc trình độ.
Nhân viên xã hội thực thi nghề này cần được đào tạo ở những trình độ khác nhau trên thế giới như: Sơ cấp, trung cấp, đại học, trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ).
3. Nền tảng triết lý, nguyên tắc đạo đức nghề công tác xã hội
a. Triết lý nghề công tác xã hội
Dưới đây là những quan điểm triết lý của công tác xã hội về con người:
- Con người là mối quan tâm hàng đầu của xã hội
- Giữa cá nhân và xã hội có sự phụ thuộc tương hỗ
- Cá nhân và xã hội phải có trách nhiệm với nhau
- Mỗi người cần được phát huy tiềm năng của mình và thực hiện nhiệm vụ của mình đối với xã hội thông qua sự tích cực tham gia
- Xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để cá nhân khắc phụ trở ngại, phát huy tiềm năng bởi chính những trở ngại đó làm mất cân bằng trong quan hệ cá nhân và môi trường xã hội.
Giá trị nghề công tác xã hội
- Để ứng phó với những khó khăn và trở ngại của cuộc sống, cũng như phát huy tiềm năng của mỗi người, con người cần có những hỗ trợ cần thiết
- Mỗi người đều có nét khác biệt, vì vậy trong khi làm việc cần có sự tôn trọng tính cách mỗi người
- Mọi người đều có quyền tự do, miễn sao sự tự do đó không xâm phạm quyền của những người khác; vì vậy, khi làm việc cần khích lệ tính tự chủ, tự quyết ở mỗi người (khả năng tự thân vận động)
- Cả cá nhân và xã hội cần có hiểu rõ, thống nhất các quan điểm trên và có trách nhiệm qua lại lẫn Xã hội cần tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi công dân được tham gia và đóng góp. Mọi công dân cũng phải có trách nhiệm tham gia và đóng góp một cách tích cực trở lại trong quá trình thực hiện.
b. Các nguyên tắc thực hành công tác xã hội
- Chấp nhận đối tượng
- Tạo điều kiện để đối tượng tham gia giải quyết vấn đề
- Tôn trọng quyền tự quyết của đối tượng
- Đảm bảo tính khác biệt của mỗi trường hợp
- Đảm bảo tính riêng tư, kín đáo các thông tin về trường hợp của đối tượng
- Nhân viên xã hội tự ý thức về bản thân
- Đảm bảo mối quan hệ nghề nghiệp trong làm việc với các đối tượng.
(Lytuong.net – Tài liệu tham khảo: Nhập môn công tác xã hội, UNICEF, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, 2016)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức