Vốn cố định là gì? Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

0

1. Khái niệm vốn cố định

Để hoạt động doanh nghiệp phải có TSCĐ. Số vốn đầu tư ứng trước để mua sắm, xây dựng hay lắp đặt TSCĐ hữu hình hay vô hình của doanh nghiệp và những tài sản dài hạn khác được gọi là vốn cố định của doanh nghiệp.

Xem: Tài sản cố định là gì? Phân loại, nguyên giá, thời gian trích khấu hao

Trong quá trình hoạt động, TSCĐ bị hao mòn dần, phần giá trị hao mòn đó được trích chuyển vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và do đó, số vốn doanh nghiệp phải ứng trước để hình thành TSCĐ cũng giảm dần theo quá trình hao mòn dần của TSCĐ trong quá trình sử dụng.

Như vậy, “vốn cố định trong doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ giá trị của TSCĐ và những tài sản dài hạn khác hiện có của doanh nghiệp ở một thời điểm nhất định”.

Vốn cố định trong doanh nghiệp bao gồm: Giá trị TSCĐ, số tiền đầu tư tài chính dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, bất động sản đầu tư… Quy mô của vốn cố định sẽ quyết định quy mô của TSCĐ, ảnh hưởng rất lớn đến trình độ trang bị kỹ thuật và công nghệ, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc điểm vốn cố định:

Vốn cố định là biểu hiện bằng tiền của TSCĐ nên đặc điểm của vốn cố định cũng phụ thuộc vào đặc điểm của TSCĐ, các đặc điểm đó là:

  • Vốn cố định của doanh nghiệp tham gia vào nhiều chu kỳ SXKD, giá trị của vốn cố định được dịch chuyển dần từng phần vào giá trị sản phẩm hoàn thành; giá trị dịch chuyển dần đó tương ứng với mức độ hao mòn thực tế của TSCĐ và phần giá trị này sẽ được bù đắp bởi doanh thu tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp dưới hình thức trích lập quỹ (vốn) khấu
  • Sau mỗi chu kỳ SXKD, phần vốn được luân chuyển vào giá trị sản phẩm lũy kế lại, song phần vốn đầu tư ban đầu vào TSCĐ lại dần dần giảm xuống cho đến khi TSCĐ đã khấu hao xong, giá trị của nó dịch chuyển hết vào giá trị sản phẩm đã sản xuất thì vốn cố định mới hoàn thành một vòng luân chuyển.

2. Công thức xác định vốn cố định

Vốn cố định tại thời điểm đầu kỳ (cuối kỳ) = Nguyên giá TSCĐ tại thời điểm đầu kỳ – Số khấu hao lũy kế đến đầu kỳ (cuối kỳ)

Trong đó:

Số khấu hao lũy kế là tổng cộng số khấu hao đã trích vào chi phí sản xuất, kinh doanh qua các kỳ SXKD của TSCĐ tính đến thời điểm báo cáo.

3. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

3.1. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn cố định

a. Hệ số doanh thu trên vốn cố định

Chỉ tiêu này phản ánh cứ 1 đồng vốn cố định tham gia vào kinh doanh trong kỳ tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu thuần và được xác định theo công thức:

Hệ số doanh thu trên vốn cố định  =  Doanh thu thuần trong kỳ / Vốn cố định bình quân trong kỳ

Vốn cố định bình quân trong kỳ được xác định bằng cách lấy vốn cố định tại thời điểm đầu kỳ cộng với vốn cố định tại thời điểm cuối kỳ chia 2.

b. Hệ số lợi nhuận trên vốn cố định

Chỉ tiêu này phản ánh cứ một đồng vốn cố định tham gia vào kinh doanh trong kỳ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận trước thuế (hoặc lợi nhuận sau thuế) và được xác định theo công thức:

Hệ số lợi nhuận trên vốn cố định = Lợi nhuận trước thuế (hoặc sau thuế) /  Vốn cố định bình quân trong kỳ

Ví dụ: Công ty Phương Nam có tài liệu về tình hình sử dụng vốn cố định trong hai năm như sau:

Đvt: triệu đồng

Chỉ tiêuNăm NNăm N+1
1. Doanh thu thuần45.50048.000
2. Giá vốn hàng bán42.80044.800
3. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN2.1002.500
4. Vốn cố định bình quân14.00016.000

Yêu cầu: Tính chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn cố định trong hai năm và nhận xét về tình hình sử dụng vốn cố định năm N+1 so với năm N.

Bài giải:

– Lợi nhuận hoạt động SXKD:

Năm N: 45.500 – (42.800 + 2.100) = 600 triệu đồng

Năm N+1: 48.000 – (44.800 + 2.500) = 700 triệu đồng

– Hiệu quả sử dụng vốn cố định:

+ Hệ số doanh thu trên vốn cố định:

Năm N: 45.500 : 14.000 = 3,25

Năm N+1: 48.000 : 16.000 = 3,00

+ Hệ số lợi nhuận trên vốn cố định: Năm N: 600 : 14.000 = 0,0428

Năm N+1: 700 : 16.000 = 0,04375

* Nhận xét:

Qua số liệu tính toán trên, ta thấy:

  • Hệ số doanh thu trên vốn cố định: Cứ một đồng vốn cố định trong năm N tạo ra được 3,25 đồng doanh thu thuần, trong khi đó trong năm N+1 cứ một đồng vốn cố định tạo ra 3,00 đồng doanh thu thuần. Như vậy hiệu quả một đồng vốn cố định trong năm N cao hơn năm N+1 vì tạo ra nhiều hơn 0,25đ doanh thu thuần trên 1 đồng vốn. Tuy nhiên mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là lợi nhuận, do đó cần xét thêm ở hệ số lợi nhuận trên vốn cố định:
  • Hệ số lợi nhuận trên vốn cố định: Trong năm N, cứ một đồng vốn cố định tạo ra được 0,0428đ lợi nhuận, trong khi đó trong năm N+1 cứ một đồng vốn cố định tạo ra được 0,04375đ lợi nhuận. Như vậy, năm N+1 so với năm N cứ một đồng vốn cố định tạo ra nhiều hơn 0,00095đ lợi nhuận. Điều này thể hiện trong năm N+1 doanh nghiệp sử dụng vốn cố định có hiệu quả hơn năm

2. Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

Trong các doanh nghiệp sản xuất, vốn cố định thường chiếm tỷ trọng lớn hơn các doanh nghiệp thương mại. Quy mô và trình độ trang bị máy móc thiết bị là nhân tố quyết định khả năng tăng trưởng và cạnh tranh của doanh nghiệp. Vốn cố định tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh và giá trị của nó được thu hồi dần dần. Trong chu kỳ vận động của mình, giá trị của vốn cố định luôn luôn bị đe dọa bởi các nhân tố lạm phát, hao mòn vô hình, thiên tai, kinh doanh kém hiệu quả… Do vậy cần phải tổ chức tốt việc quản lý và sử dụng vốn cố định để giúp doanh nghiệp bảo toàn và phát triển vốn kinh doanh, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, góp phần làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định cần thực hiện các biện pháp sau đây:

– Huy động tối đa TSCĐ hiện có vào hoạt động kinh doanh.

– Điều chỉnh cơ cấu TSCĐ hợp lý để khai thác hết công suất của TSCĐ.

– Chú trọng thực hiện đổi mới TSCĐ một cách kịp thời để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

– Khi nền kinh tế ở mức lạm phát cao, cần thực hiện điều chỉnh lại nguyên giá và giá trị còn lại của TSCĐ để đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn cố định của doanh nghiệp.

– Tích cực thu hồi vốn để bảo toàn vốn cố định, cụ thể:

+ Thực hiện khấu hao TSCĐ một cách hợp lý, tính đúng và tính đủ hao mòn hữu hình lẫn hao mòn vô hình để đảm bảo thu hồi đầy đủ, kịp thời vốn cố định;

+ Đánh giá lại giá trị tài sản khi giá thị trường thay đổi.

– Cho thuê, nhượng bán, thanh lý kịp thời những TSCĐ không cần dùng, chưa cần dùng, đang dùng nhưng kém hiệu quả.

– Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, bảo toàn vốn bằng các biện pháp như mua bảo hiểm tài sản, trích lập quỹ dự phòng tài chính.

– Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ, trách nhiệm và quyền lợi vật chất đối với người bảo quản và sử dụng TSCĐ.

– Thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sữa chữa thường xuyên và sữa chữa lớn định kỳ để tránh tình trạng TSCĐ bị hư hỏng trước thời hạn và kéo dài tuổi thọ của TSCĐ.

– Sử dụng đòn bẩy kinh tế nhằm nâng cao công suất sử dụng của máy móc, thiết bị hiện có của đơn vị như chế độ thưởng, phạt về bảo quản, sử dụng thiết bị…

(Nguồn tài liệu: ThS. Trần Thị Hòa và CN. Trần Đình Thảo, Giáo trình tài chính doanh nghiệp, 2014)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.