Tuân Tử – Quan điểm duy vật và vô thần trong học thuyết về thế giới

0

Tuân Tử (315 – 230) tên Huống, tự là Khanh người nước Triệu. Ở thời Tuân Tử, Nho giáo, Lão giáo và Mặc gia đều thịnh hành ; các trường phái triết học nở rộ, vừa thừa kế tư tưởng của nhau, vừa phê phán, công kích nhau từ nhiều phía. Tuân Tử là người theo học thuyết của Khổng Tử, đề cao “nhân nghĩa”, “lễ nhạc”, chủ trương “chính danh”, trọng vương khinh bá…, nhưng tư tưởng của ông lại tương phản với Khổng Tử và Mạnh Tử cả về thế giới quan cũng như về triết lí đạo đức, chính trị.

Tuân tử

Trong học thuyết về thế giới, trái với những tư tưởng về “Thiên mệnh” của Khổng, Mạnh, “Thiên chí” của Mặc gia, Tuân Tử đã đưa ra thế giới quan duy vật, vô thần của mình. Ông khẳng định rằng, tự nhiên gồm có ba bộ phận : “Trời có bốn mùa, đất có sản vật, người có văn trị”. Trong đó, Trời chỉ là một bộ phận của tự nhiên, bản thân tự nhiên là cơ sở hình thành và biến hóa của vạn vật. “Vạn vật đều được cái hoà khí của tự nhiên mà sinh, đều được cái nuôi dưỡng của Trời mà trưởng thành. Việc làm của Trời không thấy rõ mà có công hiệu, thế mới ví như thần. Người ta ai cũng biết được cái thành hình, mà không biết được cái vô hình ấy thế gọi là Trời”. Ông cho rằng, mỗi loại sự vật trong giới tự nhiên đều thông qua sự cạnh tranh giữa cái này với cái kia, tiêu diệt lẫn nhau, “cắt bỏ cái không đúng loại của nó, để nuôi loại chính”. Do đó, học thuyết của ông đối lập với quan điểm mục đích luận duy tâm đương thời.

Theo Tuân Tử, đạo Trời luôn diễn ra theo lẽ tự nhiên nhất định, không liên quan đến đạo người. Trời không có ý thức gì cả. Sự biến hóa của vạn vật, sự thay đổi của vũ trụ do đạo Trời chi phối không hề liên quan tới sự sáng suốt hay hôn muội của bọn cầm quyền. Ông khẳng định rằng: “Trời hoạt động theo bình thường, không vì vua Nghiêu mà để cho còn, không vì vua Kiệt mà làm cho mất. Lấy sự trị mà đối phó với đạo ấy thì lành, lấy sự loạn mà đối phó với đạo ấy thì dữ”. “Không phải vì người ta ghét giá lạnh mà Trời bỏ mùa đông, không phải vì người ta ngại xa xôi mà đất rút hẹp về mặt lại”. Tự nhiên và quy luật biến hóa của nó là không thể thay đổi theo ý muốn chủ quan của con người được.

Từ đó Tuân Tử khẳng định, Trời không thể quyết định được vận mệnh của con người. Việc trị hay loạn, lành hay dữ là do con người làm ra chứ không phải tại Trời. Đây là tư tưởng biểu hiện rõ tính chất duy vật và vô thần trong triết học của ông, nó đối lập với những quan niệm định mệnh luận đủ mọi màu sắc trong triết học Trung Quốc đương thời.

Theo Tuân Tử, nếu ý chí của con người hành động thuận theo trật tự của thế giới tự nhiên thì sẽ được hạnh phúc, trái lại thì sẽ gặp tai họa. Ông khuyên con người hãy tự tin ở mình, biết làm chủ mình, chỉ cần ra sức sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm tiền của, Trời sẽ không để cho con người nghèo khó, và giữ gìn thân thể khoẻ mạnh, ăn ở điều độ, thì Trời sẽ không để cho con người ốm đau, bệnh tật. Còn nếu “cái gốc mà bị bỏ, chỉ dùng xa xỉ thì Trời không thể làm giàu cho được. Sự dinh dưỡng thiếu thốn, sơ lược mà hành động không kịp thời, thì Trời không thể làm cho trọn vẹn được. Trái với đạo Trời, trái với tự nhiên mà làm càn, Trời cũng không thể làm lành cho được”.

Ông cho rằng, Trời có thiên chức của Trời, người có thiên chức của người. Người quân tử, bậc chí nhân là người hiểu đạo Trời, không ỷ lại Trời, không phụ thuộc vào Trời mà lo làm tốt việc của con người. Tuân Tử viết : “Trời có thời của Trời, đất có tài sản của đất, người có việc của người, ấy gọi là có thể ngang với Trời đất. Bỏ cái mình có thể ngang với Trời đất, mà chỉ muốn ngang với Trời đất là lầm vậy”.

Trên quan điểm ấy, ông đề ra học thuyết con người có thể cải tạo được tự nhiên, cho rằng con người không thể chờ đợi tự nhiên ban phát một cách bị động, phải vận dụng tài trí, khả năng của mình, dựa vào quy luật của tự nhiên mà sáng tạo ra nhiều của cải, sản vật để phục vụ cho đời sống con người. Ông chủ trương sửa trị việc nước, giáo hóa đạo đức, lễ nghĩa làm cho xã hội tiến bộ, văn minh hơn. Đó là chức năng của người – có thể sánh ngang với Trời đất vậy.

Như vậy, trong quan điểm về thế giới, Tuân Tử là nhà triết học duy vật triệt để. Ông đã khẳng định tính quy luật phát triển khách quan của tự nhiên và khắc phục những thiếu sót của các quan điểm mục đích luận và định mệnh luận của các nhà triết học trước kia. Không những thế, ông đã giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên. Dựa trên quan điểm đó, ông đã phê phán các học thuyết có tính chất duy tâm, thần bí tôn giáo một cách kiên quyết và xác đáng. Ông chỉ ra rằng, các tai họa lạ lùng do giới tự nhiên sinh ra như sao sa, nhật thực, nguyệt thực… chỉ là hiện tượng của bản thân tự nhiên vốn có, “đó là cái biến hóa của Trời đất, âm dương, cho là lạ thì nên, mà lo sợ thì không nên, nó không quyết định điều họa, phúc, tốt, xấu của con người, cho nên không đáng sợ”.

Theo Tuân Tử, những việc do con người làm ra như : chính trị hiểm ác mất lòng dân, đất đai bỏ hoang không cày cấy, gạo đắt dân đói, chiến tranh loạn lạc, thây chết đầy đường, lễ nghĩa không sửa, trong ngoài, trên dưới không phân biệt, trai gái dâm loạn, cha con nghi nhau, chồng vợ lìa nhau… mới là quái gở, đáng sợ và làm thâm họa nhất”.

Tuân Tử quan niệm rằng, những nghi thức tôn giáo như cúng, tế và cầu khẩn chỉ có thể dùng làm phong phú và tươi đẹp đời sống con người. “Người quân tử lấy đó làm văn minh, trăm họ thì lấy đó làm thần linh ; lấy làm văn minh thì tốt, lấy làm thần linh thì xấu”. Ông quả quyết rằng, quỷ thần không thể chi phối được vận mệnh con người. Với những tư tưởng ấy ông xứng đáng là nhà vô thần luận vĩ đại của Trung Quốc cổ đại.

Trong quan điểm về vũ trụ, ông còn đưa ra học thuyết về “khí”. Ông xem “khí” là nhân tố vật chất cấu tạo nên chất vô cơ, thực vật, động vật và loài người. Ông nói “nước lửa” chỉ có “khí”, nhưng không có sinh mệnh ; “cây cỏ” có sinh mệnh, nhưng không có tri giác ; loài “cầm thú” có tri giác nhưng không có khuôn phép đạo đức và tổ chức xã hội ; loài người không những có “khí”, mà còn có sinh mệnh, có tri giác và có khuôn phép đạo đức, tức “lễ nghĩa”. Bởi vậy, con người là sản phẩm cao nhất của tự nhiên.

Ông coi tri giác và ý thức là đặc điểm của con người, qua đó ông phủ nhận quan niệm vạn vật đều có linh hồn. Về mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác con người, Tuân Tử cho tình cảm, dục vọng, khí quan cảm giác và hoạt động tư duy của con người đều là hiện tượng tự nhiên, “không cầu mà có”, không có lực lượng siêu nhân thần bí nào chi phối đời sống tinh thần của con người. Ông còn đưa ra quan điểm “hình thể đủ sinh ra tinh thần” (Thiên luận). Điều đó có nghĩa là, hiện tượng tinh thần của con người là dựa vào cơ thể con người, hình thể con người có trước sau đó mới sinh ra ý thức và tình cảm.

Trong triết học của mình, Tuân Tử cũng đã xây dựng học thuyết về nhận thức trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật. Ông khẳng định rằng, con người có đủ năng lực để nhận thức sự vật bên ngoài và con người có thể biết được quy luật của sự vật khách quan. Ông coi nhận thức là sự kết hợp của năng lực nhận thức của con người với sự vật khách quan. Ông viết : “cái có thể biết ở nơi người, gọi là biết. Biết mà có cái hợp với mình, gọi là tri”.

Khi trình bày quá trình nhận thức, Tuân Tử khẳng định, nhận thức của con người trước hết bắt đầu từ kinh nghiệm cảm quan và mỗi cơ quan cảm giác “thiên quan” đều có năng tính đặc biệt có thể nhận thức được các sự vật bên ngoài khi chúng tác động vào giác quan của con người. Nhưng những cảm giác do “thiên quan” đem lại, mới dừng lại ở sự hiểu biết bề ngoài của sự vật. Muốn nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về sự vật, con người phải dựa vào hoạt động của khí quan tư duy – “tâm”. Tâm là chủ thể trong con người, có thể điều khiển các quan năng. Tâm còn có khả năng đặc biệt gọi là “trưng tri” nghĩa là khả năng tổng hợp, phân tích, trừu tượng hóa, khái quát hóa những cảm giác do các quan năng mang lại, xem những cái giống nhau mà thông thì đặt cho nó một tên gọi, một danh quy ước với một ý nghĩa nhất định.

Do vậy, người ta sẽ phân biệt được sự đồng dị của sự vật, hay một loại sự vật. Chỉ có dựa vào tác dụng suy lí của tư duy mới có thể phân biệt hay phán đoán được tính chất của sự vật do cảm quan đem lại. Nhưng hoạt động của “tâm” tất yếu phải lấy sự hoạt động của “thiên quan” làm cơ sở. ở đây ông đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính trong quá trình nhận thức.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.