“Chân, Thiện, Mỹ” là gì? Ba giá trị phổ quát nhất

0

Tìm hiểu “Chân, Thiện, Mỹ” là gì? Chúng có quan hệ và ý nghĩa như thế nào? Dưới đây là cách diễn giải trích trong sách Giá trị học của GS. TS Phạm Minh Hạc. Vấn đề: Chân, Thiện, Mỹ – Ba giá trị phổ quát nhất.

chân thiện mỹ là gì1. Đặt vấn đề

Tính người, tình người được khái quát thành ba phẩm hạnh chung của loài người: “Chân, Thiện, Mỹ” – ba giá trị quan trọng luôn có mặt trong hệ giá trị của cá nhân cũng như quốc gia – dân tộc, là những giá trị phổ quát lý tưởng của toàn nhân loại. Vấn đề là khi mọi cá nhân thấm nhuần, dung nạp các giá trị ấy trong hệ giá trị nhân cách của chính giá trị bản thân thì không những con người, gia đình mà cả cộng đồng, xã hội đều bình yên và phồn thịnh. Bài mục này tìm hiểu một số nét chủ yếu, nội hàm của từng giá trị cũng như mối quan hệ qua lại giữa các giá trị ấy qua một số tác giả từ cổ đại đến hiện đại, làm cơ sở khoa học của việc xây dựng hệ giá trị của người Việt Nam khi đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba từ (thuật ngữ) “chân”, “thiện”, “mỹ” rất quen thuộc với mọi người nhưng lại có nội dung cực kỳ phức tạp. Cuộc sống thường nhật và cả trường tồn của chúng ta là cuộc vật lộn giữa thật và giả, thiện và ác, đẹp và xấu, để chân, thiện, mỹ giành lấy ưu thế, thắng thế.

Có thể nói loài người, từng cộng đồng xã hội hình thành và phát triển từ cái thật, cái tốt, cái đẹp luôn đời hỏi có ba phẩm chất ấy để tồn tại và tiến hóa. Ba thuật ngữ này vừa rất bình dị, gần gũi với mọi người, vừa là lý tưởng mọi người mong vươn tới, như Tản Đà nói: “Suốt đời chỉ đi tìm cái chân, cái thiện, cái mỹ; nghĩ đời lắm lúc chân như giả”(1).

Xưa nay, thời nào chân, thiện, mỹ cũng vừa là nội dung vừa là mục tiêu của giáo dục, góp phần làm ra cuộc sống, dần dà khái quát lên thành ba khái niệm – ba phạm trù khoa học phong phú, vừa là sản phẩm, vừa là đối tượng của trí tuệ loài người, cổ kim đều bàn thảo. Khái quát nhất, đó chính là ba phạm trù của triết học. Cụ thể hơn, có thể chia ra, phạm trù “chân” thuộc về nhận thức luận, phạm trù “thiện” – đạo đức học, phạm trù “mỹ” – thẩm mỹ học. Phân chia như vậy cũng rất tương đối, có người nói: tất cả đều từ nhận thức; ngược lại, có tác giả bảo tất cả thuộc về thẩm mỹ, cũng có khi lại quy về đạo đức. Có điều thống nhất đây là những vấn đề của mọi thời đại, sống là phải như vậy, không thể thiếu chúng được, luôn luôn có đấu tranh sinh tồn, bên cạnh mặt phải bao giờ cũng có mặt trái: Có cái “giả”, cái “ác”, cái “xấu” mà ta gọi chung là “tiêu cực”, “xây” phải nhiều hơn “chống”, “xây” để “chống”, “chống” bằng cách “xây”. Có vậy mới có cuộc sống văn minh, văn hóa đến hôm nay và cả ngày mai.

Vận vào thời cuộc Việt Nam hiện nay, vấn đề “chân, thiện, mỹ” đang nổi lên chẳng phải chỉ như là một vấn đề lý luận, mà còn là một vấn đề hết sức thực tiễn trong đời sống xã hội ta, khi đang chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc mở cửa hội nhập toàn cầu hóa đã mang lại biết bao thành tựu tốt đẹp nhưng cũng nảy sinh nhiều chuyện bức xúc nổi cộm từ gia đình đến cộng đồng, gây băn khoăn, lo lắng, có khi đến kinh hoàng. Vấn đề vừa thời sự, vừa vĩnh hằng, cực kỳ phong phú và phức tạp đáng để suy tư kỹ lưỡng, nhưng vì nhiều lẽ không đi vào ngóc ngách, cặn kẽ, mà chỉ đề cập một số ý khuôn lại trong phạm vi giới thiệu khoa học về giá trị, góp phần khẳng định “chân, thiện, mỹ” là ba giá trị không thể thiếu trong hệ giá trị của mọi người, cũng như của quốc gia – dân tộc, đồng thời là ba giá trị phổ quát của toàn nhân loại, và về đại thể cũng tức là của từng con người, vừa thực hiện từng phần, vừa vươn tới nâng cao nên gọi là ba giá trị lý tưởng. Nhiệm vụ đặt ra là, làm sao ai cũng thấm nhuần, dung nạp các giá trị ấy trong hệ thống giá trị nhân cách của bản thân, góp phần xây dựng con người, gia đình, cộng đồng, xã hội bình yên và phồn thịnh. Trong khuôn khổ đó, tìm hiểu một số nét chủ yếu nội hàm của từng giá trị (Chân là gì? Thiện là gì? Mỹ là gì?) và mối quan hệ qua lại của các giá trị ấy qua một số tác giả từ cổ đại đến hiện đại, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng giá trị của người Việt Nam đi vào công nghiệp hóa (CNH) theo hướng hiện đại (HĐ).

2. Ba Khái niệm (ba phạm trù)

Như chúng ta đều biết, khoa học bắt đầu hình thành và phát triển từ khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên (TCN), ở cả phương Đông và phương Tây. Lịch sử tri thức ba khái niệm đang đề cập ở đây cũng vậy. Điểm qua lần lượt từng khía cạnh để thấy ngọn nguồn.

a. Chân

“Chân” tiếng Anh là “truth”(2) có nghĩa là “chân thật”, “xác thực”, đều có chữ “thật”, thông thường nói đến “chân”, ai cũng hiểu là để chỉ phạm trù “thật” đối nghĩa với phạm trù “giả” – “không thật”, để theo cái “thật”, bỏ cái “giả”, làm cái “thật” diệt trừ cái “giả”. Đó là nhận thức khoa học, hiểu biết, vốn tri thức gắn quyện với hoạt động thực tiễn, khái quát thành các quy luật, các quan niệm, các luận điểm, trong bảng phân loại khoa học gọi đây là khoa học về nhận thức hay nhận thức luận. Chúng ta hãy bắt đầu từ văn minh cổ đại.

Ở Trung Quốc thời đó, các nhà triết học, nhất là Mặc Tử (476- 390 TCN), Trang Tử (369-286, TCN), Tuân Tử (315-236 TCN), đã có nhận thức luận, trong đó có phạm trù “chân” mà các ông gọi là “chân tri” có nghĩa là cái biết thật, biết đúng, sau này có khi còn gọi chung là “chân lý” – tri thức chân xác. Thế nào là “chân”? Là “thật”, là “đúng”?

Tuân Tử trả lời: Đó là cái biết phù hợp (tương ứng) với thực tại ngoại giới; đây là một trong các lý thuyết về “chân” tồn tại cho đến ngày nay, gọi là “thuyết phù hợp”. Trước đó, Mặc Tử đã khái quát đưa ra tiêu chuẩn của “chân” trong triết học của Trung Quốc gọi là “biểu chuẩn của chân tri”. Trong tác phẩm “Phi mệnh thượng”, ông viết: “Phàm nói năng bàn luận, không thể không lập định tiêu chuẩn trước, rồi sau đó mới nói bàn… thế nào là phải trái, lợi hại…” và đưa ra ba tiêu chuẩn của chân lý (“tam pháp”, “tam biểu”): (1) Có dung hợp với kinh nghiệm của quá khứ không (“xem xét bản thủy”); (2) Có phù hợp với kinh nghiệm sống thật của đa số dân chúng không (“quan sát sự cố”): “Nếu thật, dân chúng mắt thấy, tại nghe, thì ắt phải coi là có”); (3) Kết quả ứng dụng có phù hợp với nhân dân và nhà nước không (“Lời nói có đủ ảnh hưởng đề cao được việc làm, thì coi đó là đúng”).

Cần nhấn mạnh một nhận định rất quan trọng của Mạnh Tử (372-289 TCN): “chân” là bản tính của con người. Ông nói: con người có khả năng nhận thức (“Biết là tài năng vậy”); sau này Tuân Tử gắn liền “chân” với “tâm”; chữ “tâm” phải hiểu theo nghĩa rộng nhất là năng lực tinh thần – một giá trị duy nhất chỉ loài người mới có; không có cái “tâm” đó, thì sao có được tri thức đi đến cái “thật”, phân biệt được cái “giả”(3). Năng lực này nảy nở rực rỡ trong mấy thế kỷ trước Công nguyên, rồi mãi đến thế kỷ XVII, thời đại lý trí mới được phục hưng, mở ra một giai đoan đầy ắp những phát minh trong mọi lĩnh vực, khắc phục dần những sai làm. Về nguyên nhân nhầm lẫn của tri thức, Tuân Tử cho đó là do cái “tâm” không trong sáng, “tinh thần” không sáng suốt. Tìm ra chân lý, thấy được “chân” là cả một quá trình từ không biết đến biết, từ thấp đến cao, phiến diện đến toàn diện… theo tâm lý học, đó là vấn đề nhu cầu – động cơ – hoạt động đi tìm chân lý, vận dụng khoa học – kỹ thuật – công nghệ vào thực tiễn, thúc đẩy văn minh, văn hóa, tiến bộ xã hội, cải thiện cuộc sống con người. “Chân” vận động theo cuộc sống. Vài nét tìm hiểu sơ lược tư tưởng triết học phương Tây tiếp theo giúp ta thấy rõ các lý thuyết về “chân”.

Ở Hy Lạp, Sôcơrát (469-399 TCN), Pơlatông (427-347 TCN) rồi Aristốt (387-322 TCN) đã đưa ra thuyết phù hợp (tương ứng – Correspondeụce): cái “thật”-“chân” là cái phù hợp, tương ứng với thực tế, rất thống nhất với các nhà triết học Trung Quốc vừa trình bày ở trên. Rõ ràng nhất là trong tác phẩm “Giải thích” (“De Interpretatione”) Aristốt viết: Một tư tưởng đúng là một tư tưởng giống như – tương đồng (homoiosis) với sự vật; trong tác phẩm “Các phạm trù” (“Categories”) ông khẳng định: Cái gì làm cơ sở đưa ra một lời phát biểu đúng về một hoàn cảnh hay một sự việc là cái có thực (pragmata), cái có thực là chính hoàn cảnh hay sự việc đó được cấu trúc hóa một cách lô-gíc. Bàn về “chân”, thuyết phù hợp cho đến ngày nay vẫn được coi là đúng hơn cả và được vận dụng phổ biến hơn cả. Sau này các nhà triết học phương Tây, như Spinôda (1632-1677, Hà Lan), Hêghen (1770-1831, Đức),v.v…, có bổ sung thuyết gắn kết – phù hợp với toàn bộ hệ thống của tính đúng đắn: cái được coi là đúng, là “chân” phải bảo đảm tất cả các yếu tố đều phải gắn kết – phù hợp với toàn bộ hệ thống mà nó đề cập tới, coi đó là một tiêu chuẩn khoa học của chân lý. Nhờ vậy, bảo đảm tính xác thực và khả năng vận dụng chân lý vào thực tiễn. Sau này, mấy thập kỷ cuối thế kỷ XX đã phát triển lý thuyết hệ thống và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.

Bàn về “chân”, Căng (Cant, 1724-1804, Đức) cho rằng thuyết phù hợp mới chỉ so tri thức đúng với chính vật thể; theo ông, phải so tri thức ta đạt được với tri thức về chính sự vật và đưa ra thuyết nhất trí (agreement): Cái được gọi là “chân” chứa đựng trong sự nhất trí với tri thức về vật thể, tri thức về vật thể là chân lý cuối cùng phải đạt được, nó là vĩnh hằng, là tuyệt đối, còn tri thức tôi biết có thể là một mức hiểu biết, chỉ tương đối thôi. Căng nhấn mạnh “chân” là lý trí, là nhận thức. Nhận thức chân lý là một quá trình luôn luôn vận động (một ví dụ nổi tiếng thường được nêu là từ Pơtolêmê (Ptolemee, năm 150 SCN) đến Côpecních (1473-1543) phải mất gần 14 thế kỷ mới đi đến chân lý Trái Đất xoay quanh mặt trời). Gần với thuyết này có một lý thuyết mang tên thuyết đồng thuận (consensus): cái gì được một nhóm người đồng lòng thì gọi là cái đúng, lấy cuộc sống thực của cộng đồng người làm cơ sở của chân lý – một trong “ba biểu chuẩn” triết học Cổ Trung Hoa đã đề ra. J. Habecmat (J. Habermas, sinh năm 1929, Đức) bảo vệ thuyết này.

Trong lịch sử các thuyết về “chân” – chân lý – tính đúng đắn của tri thức có thuyết của Các Mác (1818-1883) khẳng định mọi chân lý đều do các quá trình xã hội kiến tạo nên, đều mang tính lịch sử và đặc điểm văn hóa; ông nhắc nhở cần phân biệt một bên là tri thức, chân lý, còn bên kia là nhận thức tri thức, chân lý đó, và cả hai đều là sản phẩm xã hội do con người kiến tạo nên trong quá trình nhận thức. Người ta gọi thuyết này là thuyết kiến tạo (constructivist) đã chỉ ra được cả nguồn gốc lẫn nội dung của cái “chân”, cái “thật” xuất phát từ chính cuộc sống. Còn một lý thuyết nữa thường được điểm tới là thuyết thực dụng (Pragmatic) từ đầu thế kỷ XX: “chân” – chân lý được kiểm nghiệm và khẳng định bằng kết quả vận dụng vào thực tiễn Lênin (1870-1924, Nga) nói: thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

Trong nửa sau của thế kỷ này, Gađamơ (H-G Gadamer, 1900- 2002, Đức) đã có một tác phẩm nổi tiếng bàn về “chân”, tác phẩm mang tên “Chân và phương pháp” (1960), đóng góp lớn vào phát triển khoa học về giải thích, có tên gọi là giải thích học hay diễn nghĩa học (hermeneutics) được coi là khoa học xác định chân lý – khoa học về bản chất của sự hiểu, nhấn mạnh các điều kiện công nhận chân lý, trong đó có hoàn cảnh lịch sử là một điều kiện rất quan trọng, nhưng không hiểu lịch sử chỉ là quá khứ mà quá khứ gắn liền với hiện tại(4). Đúng là, có chân lý là một việc, còn hiểu ra chân lý là một việc khác, nó phụ thuộc vào năng lực nhận thức, điều kiện tìm hiểu tri thức, khả năng tiếp thu khoa học rồi vận dụng hiểu biết vào cuộc sống… Hiểu là một vấn đề tâm lý – giáo dục học không đơn giản. Ở đây chỉ nhắc qua tới quá trình hiểu được nghĩa của từ ngữ, khái niệm, quy luật …Nghĩa có nội hàm chung (khách quan) của khoa học, của cộng đồng. Hiểu được nghĩa rồi mọi người lại có ý riêng của mình về cái nghĩa đó, gắn liền với niềm tin – động cơ của hành động (một ví dụ tiêu biểu: Nguyễn Ái Quốc đã hiểu và vận dụng chủ nghĩa và lãnh đạo cách mạng Việt Nam). Cho đến nay thường vẫn chấp nhận các thuyết trên, tuy có nhấn thêm đến trình độ nhận thức của từng thời kỳ và tính chủ quan trong khả năng nhận thức chân lý.

Trên đây vừa bàn đến “chân” với tư cách là “chân lý” (khoa học, tri thức, khái niệm, quy luật), có khi gọi là “chân xác”. Còn “chân” trong nghĩa là “chân thật”; phân biệt “thật” với “giả”, gắn liền với “thiện” sẽ đề cập tiếp dưới đây. Khoa học – công nghệ là giá trị cực kỳ quan trọng của tiến bộ xã hội và cũng là giá trị không thể thiếu con người ngày nay.

b. Thiện

Chữ “thiện” gần gũi với đời thường, nhiều người hay nhắc tới hơn hai chữ “chân” và “mỹ”: các hoạt động từ thiện, hướng thiện. “Thiện” tiếng Anh là “good” có rất nhiều nghĩa, ở đây chỉ đề cập đến “thiện” là “tốt”, trái nghĩa với “ác”. Cũng lại bắt đầu từ triết học Cổ Trung Hoa bàn nhiều đến phạm trù này, vì gắn liền với đạo đức thời đó rất được coi trọng. Trang Tử cho rằng: con người do cái đức sinh ra, vốn tuyệt đối thiện rồi. Còn theo Mạnh Tử, trong bốn tiêu chí phân biệt người với vật thì ba thuộc về đạo đức (nhân, lễ, nghĩa), chỉ có một thuộc về trí tuệ (trí) – gọi là “tứ đoan thuyết” (thuyết bốn mối); ông nói: Nhân, nghĩa là tính người, tính đó thiện. Bốn mối đó là tính người, là cái gì chung cho cả loài người, nói khái quát là tính thiện – làm điều tốt: Đối với nhau thì thương nhau, bảo ban, dạy dỗ nhau, làm gì không phải thì thấy hổ thẹn, cùng nhau bảo toàn nòi giống, xây đắp cộng đồng… tính thiện bắt nguồn từ lòng thương người, ai cũng có mầm mống từ khi mới sinh ra ở trên đời (trong tiếng Trung Quốc chữ “tính” gồm chữ “tâm” và chữ “sinh”, có nghĩa là có sẵn ở trong lòng). Cùng với cái thiện, ai cũng thấy, có cái ác. Mạnh Tử đã thấy như vậy. Đến Tuân Tử (315-236 TCN) lại chủ trương cái ác (lòng hiếu lợi, đố kỵ, dục vọng) mới là đầu mối của tính người, trong xã hội ngày nay vẫn có mặt ở nhiều nơi, cuộc đấu tranh chống cái ác còn gian nan, vất vả. Tuy vậy, cả hai triết gia đều chú ý đến giáo dục tính người bằng lễ, nghĩa, đều dùng phép “tích thiện”: suy nghĩ về điều thiện, mỗi ngày làm một chút điều thiện, sửa lại tính của mình cho thêm thiện, để lâu dần tích lũy cái thiện cho đến khi hoàn thiện…(5) Sau này càng khẳng định thuyết coi chất sinh ra ở con người không toàn thiện, có phần thiện, có phần ác, có phần tự nhiên có, có phần do từng người tự tạo cho mình. Nói đúng hơn, con người bẩm sinh không thiện, không ác mà sinh sống trong cuộc đời mới sinh thiện ác, nói như Hồ Chủ Tịch, “phần nhiều do giáo dục mà nên” (1943).

Ở phương Tây, nhiều triết gia cũng bàn đến phạm trù này. Vì nhiều hạn chế, thời cổ đại chúng tôi nói tới Pơlatông, Aristốt, thời hiện đại nói tới Căng. Trong tác phẩm “Nền cộng hòa”, Pơlatông đã đưa ra “Ý tưởng của Thiện” như là hình thức tối cao của tri thức, xuất phát từ bản chất hoàn hảo, lý tưởng của tính thiện. Ông cũng chỉ ra rằng khoa học mang tính thiện mới là khoa học chân chính, thông qua “Ý tưởng thiện” các vật thể mới trở nên có ích và có giá trị, từ tính thiện mà có “chân”, “mỹ”, cũng như công lý, công bằng.

Trong “Nicomachean Ethics” – một tác phẩm kinh điển đầu tiên về đạo đức – Aristốt đã đề cập tới chữ “thiện” với mục đích giúp con người trở thành “người thiện”: Làm sao mọi hoạt động của con người đều nhằm vào mục đích cuối cùng, mục đích tối thượng là điều thiện, mà ông gọi là điều thiện cao cả nhất, chứ không đơn thuần là một điều tốt lành như là một biểu hiện bề ngoài của hành vi.

Thiện là sống tốt – đó là hạnh phúc – mục đích cuối cùng của cuộc sống. Phải giải quyết vấn đề quan hệ giữa hạnh phúc và thú vui, khẳng định thú vui phải đặt trong phạm vi thiện, gắn với phẩm chất đạo đức, như vậy hạnh phúc mới là một giá trị đích thực. Ông đặc biệt đề cao các phẩm chất: Can đảm, chừng mực, thông thái, thân thiện, lòng tự trọng, giúp thành người thiện; nhất là quan hệ thân thiện giữa con người với con người (nội dung chính của chữ “nhân” trong triết lý phương Đông) – thiếu phẩm chất này không thể trở thành người thiện được. Vấn đề này sau được khái quát thành phạm trù công cụ “thiện chí” được Căng phát triển trong tác phẩm “Cơ sở siêu hình của luân lý” (1785). Cũng giống như với phạm trù “chân”, phạm trù “thiện” trước hết Căng lưu ý gắn với lý trí phân biệt “phải” – “trái”. “Thiện chí” là thấy “phải” thì làm, coi đó là trách nhiệm; bản thân “thiện” là “thiện”, bản thân “thiện chí” là mong muốn mà làm điều tốt lành, chứ không phải vì bất cứ một cái gì khác. “Thiện chí” là động cơ luân lý, là điều kiện đạt đến giá trị hạnh phúc. “Thiện chí” khi đạt tới niềm vui, hạnh phúc – ta có “toàn thiện”. Trong cuộc sống, đây là vấn đề không đơn giản, khá phức tạp giữa thật và giả, nên nhà triết học M. Átle (Mortimer Adler, 1902-2001, Mỹ) đề xuất phải phân biệt “thiện thật” và “thiện bề ngoài”. Trong xã hội thị trường rất cần tăng cường các hoạt động hướng thiện thật – một chân giá trị của con người. “Thiện” là vẻ đẹp tâm hồn – vẻ đẹp nội tại, vẻ đẹp bên trong, giá trị nội tại của con người: phạm trù “thiện” đi liền với phạm trù “mỹ” sẽ bàn trong mục tiếp theo.

c. Mỹ

Chữ “mỹ” là đẹp – ai cũng hiểu cả, nhưng thế nào là đẹp, thì không đơn giản một chút nào, có khi mọi người một kiểu, mỗi thời một cách, mỗi phương một lối. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này phương Tây phong phú hơn phương Đông. Hình như từ cổ đại đã như vậy.

Khổng Tử (551-479 TCN) ít nhiều có nói tới vấn đề này. Bổ sung cho lễ, ông có nói tới nhạc mà sau này các nhà nghiên cứu hiểu là nghệ thuật nói chung tức là “mỹ”, trong đó có trang sức, dung mao, tạo nên khoái lạc, làm cho tâm tình tạo nhã, cảm hóa lòng người, thân với nhau, kính lẫn nhau. Cùng thời, bên Hy Lạp, Pitago (sinh khoảng 580-572, mất khoảng 500-490 TCN) đã nêu vẻ đẹp toán học. Đặc biệt, Pơlatông đã có triết lý về cái đẹp vốn chứa trong thiên nhiên – “cái đẹp tự nó”, chính vì thế, đã nói đến cái đẹp là có ý nói tới “cái đẹp lý tưởng”, “cái đẹp vĩnh cửu” – tất cả đều từ hình thể (điểm, đường kẻ, các hình cân đối hài hòa…) – gọi là lý thuyết “Hình thể Pơlatông” – mà mỹ thuật sao chép, con người cảm nhận thông qua một cách nhìn, rồi biểu đạt thành tác phẩm nghệ thuật hay nói lên thành lời bình, nhận xét về vẻ đẹp của các hình thể thiên nhiên, sau được Aristốt tiếp nối và phát triển Gần 20 thế kỷ sau, đến thời Phục Hưng đã đưa quan điểm “mỹ” vào chủ nghĩa nhân văn lên một đinh cao mới, trong đó dấu nhấn đặc biệt đã đặt vào vẻ đẹp thân thể con người được các danh hoa lớn như Mikêlăng (Michelangelo, 1475-1564, Ý), Raphaen (Raphael, 1483-152o, Ý), nhất là Lêône đờ Vanhsi vĩ đại (Leonardo da Viụci, 1452-151q, Ý), đại văn hào Sếchpia (Shakespeare, 1564-1616, Anh), v.v…, thể hiện. Lêôna đờ Vanhsi còn hoàn thành một công trình khoa học “Luận thuyết về hội họa” mô tả rất ti mi giải phẫu người, sau khi qua đời mới xuất bản (168o), giúp loài người từ đó thấu hiểu sâu sắc về vẻ đẹp thân thể – còn gọi là vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp tự nhiên – của con người (đối xứng, cân đối, các tỷ lệ trong đó có tỷ lệ ngực – bụng – mông, mặt, mắt, mũi, trán, tóc, chân…), cái đẹp tuyệt tác tạo hóa ban cho, không có gì sánh nổi.

Ở con người còn có cái đẹp nội tâm – vẻ đẹp tâm hồn – còn gọi là vẻ đẹp bên trong – chỉ con người mới có, như trí tuệ, khả năng sáng tạo, tình cảm, nhất là tình thương, tế nhị… Vẻ đẹp bên ngoài do bẩm sinh mà có, tất nhiên, được chăm sóc có hơn, nhất là trong thế giới hiện đại thẩm mỹ rất phát triển, vẻ đẹp tự nhiên của con người được cải thiện. Vẻ đẹp tâm hồn thì khác, cũng có phần bẩm sinh nhưng chẳng mấy, chủ yếu do con người được giáo dục và tự giáo dục, trong đó có văn học, nghệ thuật với chân, thiện, mỹ là đề tài muôn thuở – vừa là phương tiện vừa là mục tiêu rất đặc trưng của loài người; nhò các hoạt động này hai vẻ đẹp (tạm gọi như vậy) tác động qua lại lẫn nhau, thuận chiều có, cũng có cả chiều nghịch.

Trong nhiều trường hợp, cái đẹp bên trong cũng biểu hiện ra trên sắc mặt con người: thanh thản – lo âu, vui – buồn… hiện lên trong ánh mắt, nụ cười…; vẻ đẹp bên ngoài nhiều khi như cái giá đỡ nâng con người lên ngày một hoàn thiện hơn, hoàn mỹ hơn. Khái quát lên, đây là vấn đề tâm – thể (tâm trí và thân thể) là một trong những vấn đề trung tâm, khá phức tạp của tâm lý học. Đó là vấn đề ngoai hình và nội tâm, cái chủ quan và cái khách quan… trong tâm lý con người càng thống nhất bao nhiêu, càng giảm thiểu mâu thuẫn bao nhiêu, giá trị bản thân càng tăng cường bấy nhiêu. Và ở đây có cả “chân, thiện, mỹ” rất gắn quyện với nhau.

d. Quan hệ Chân – Thiện – Mỹ

Quan hệ giữa ba phạm trù này là một vấn đề khá phức tạp, rộng lớn. Có khi như Stâynơ (R. Steiner, 1861-1925, Áo) trong bài giảng “Chân, Mỹ và Thiện” (1923)(6) đã nói, tìm hiểu mối quan hệ này phải đặt trong phạm vi hoàn vũ, từ “thân thể thần tiên” (“etheric body”) lẫn “thân thể không trung” (“astral body”) trong sự gắn quyện “thân thể – tâm hồn – tâm linh” ( chữ “tâm linh” tiếng Anh là “Spirit”, có khi dịch là “tinh thần”), theo quan điểm của nhân học tâm linh (Anthroposophy được chú thích bằng tiếng Anh là Spiritual Scieụce) do ông khởi xướng. Chúng tôi không có điều kiện đi sâu vào lịch sử vấn đề, mà chỉ muốn trình bày một số ý khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa ba phạm trù, mà từ các triết gia cổ đại đã chỉ ra, và cũng đúng như cuộc sống và sự sống diễn biến như thế.

Thật vậy, sự nảy sinh, phát triển của loài người trải qua hơn 4 triệu năm, nhất là từ khoảng 1oo ngàn năm trở lại đây với Homosapiens, thế giới tinh thần hình thành, trí tuệ nảy nở, sản sinh ra các giá trị mà “chân – thiện – mỹ” là 3 giá trị phổ quát, lý tưởng nhất – kết quả của cả một quá trình lâu dài gan đục khơi trong: giữ lấy cái đúng – cái thật – cái hợp lý (“chân”), gạt bỏ cái sai – cái giả – cái vô lý; giữ lấy cái tốt, gạt bỏ cái ác (“thiện”), giữ lấy cái đẹp, gạt bỏ cái xấu (“mỹ”).

Thực tiễn cho thấy cái gì cứ làm đúng quy luật khách quan đó là cái thật (“chân”) chắc chắn đem lại kết quả vừa tốt cho đời (“thiện”) vừa đẹp lòng người (“mỹ”), ngược lại, cái gì trái với quy luật khách quan, gây tại hai, quái ác, ai mà ưng ý được – một sự thật hiển nhiên đời nào cũng vậy, người nào cũng thấy: 3 phạm trù luôn đi liền với nhau. Hiển nhiên đến noi một số nhà triết học gọi đó là “tiên thiên”. Cuộc sống là như vậy.

Còn một câu hỏi: trong 3 phạm trù ấy, phạm trù nào có trước? Có trường phái, như triết học Cổ Trung Hoa, cho rằng cả 3 phạm trù đều sinh ra từ quy luật hài hòa chung cho cả vũ trụ, và theo một quy luật chung nữa của vũ trụ là quy luật thống nhất. Theo đó “chân”, “thiện”, “mỹ” là một thể thống nhất, hài hòa với nhau. Một số triết gia Cổ đại như đã trình bày ở trên, lại đặt dấu nhấn vào phạm trù “thiện” và cho rằng tất cả đều do “thiện”, có khi gọi là “nhân” – “nhân đức”, “nhân nghĩa” mà ra. Nhưng cũng có một số triết gia, nhất là ở Tây Âu từ thế kỷ XVII, đặc biệt coi trọng vai trò của lý trí (“chân”): có nhận ra đúng, có lẽ phải, thì mới có thái độ tốt (“thiện”), rồi từ đó mới có xúc cảm, tình cảm đẹp được (“mỹ”). Thực tế cuộc sống của con người phức tạp lắm, có khi thì rạch ròi (“chân” đi đằng trí tuệ, “thiện” đi đằng đức độ – có người gọi là ước muốn, “mỹ” đi đằng cái ưa thích, tuần tự cái trước cái sau, như trong giáo dục hay quy định, bắt đầu là nhận thức, rồi hành động, sau đó là tình cảm), nhưng nhiều khi lại không theo trình tự đó, có khi ngược lại, có khi lại xen kẽ, đổi cho cho nhau. Ví dụ, từ cho ưa thích (mỹ) đi đến cho tìm hiểu và hiểu ra (chân), rồi từ đó có thái độ ứng xử tốt (thiện); nhiều khi đơn giản từ tốt bụng – thương người, làm việc thiện nên có cử chỉ đẹp, một dáng điệu quyến rũ, một vẻ đẹp hấp dan, rồi mới đi đến một chân lý về cái lẽ ở đời, v.v…

Một vấn đề nữa hay đặt ra, khi bàn về các phạm trù này – đó là vấn đề về mức độ chân, thiện, mỹ ở con người, biểu hiện ra hành vi ứng xử, trong hoạt động. Vấn đề cực kỳ phức tạp như chính cuộc sống. Tuy vậy, các nhà tâm lý học, xã hội học hay mở các cuộc điều tra giá trị, cũng mang lại ít nhiều thông tin có thể làm cơ sở phán xét vấn đề. Ở đây chỉ nêu một nhận xét chung là trong vốn từ vựng có thuật ngữ “toàn thiện, toàn mỹ”, chưa nghe nói “toàn chân”, nghĩa là hiểu biết tri thức, chân lý luôn luôn vận động, không biết thế nào là hoàn hảo, còn “thiện” và “mỹ” trong một trường hợp nào đó ở một thời điểm nào đó có thể thỏa mãn sự mong đợi nào đó của cộng đồng, xã hội hay cá nhân, có khi đến mức hoàn toàn thỏa mãn sự mong đợi, đến mức lý tưởng – ta nói “toàn thiện”, “toàn mỹ”. Cuộc sống bình thường không ít mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn giữa nhu cầu và điều kiện thỏa mãn nhu cầu, giữa khả năng và ước vọng,v.v…, cho nên phải có giáo dục, có khi phải vượt qua bản năng (như bản năng hung hăng, tiếng Anh: aggression còn dịch là thù nghịch, tấn công, phá phách, cũng có khi dịch là manh bao), để có quan hệ người thân thiện với người, với thiên nhiên và ưa chuộng cái đẹp của thiên nhiên, của con người. Cũng có ý kiến cho rằng các giá trị “chân, thiện, mỹ” về cơ bản là lý tưởng của loài người, nêu ra để mọi người vươn tới như là những giá trị phổ quát ai cũng nên theo, và các giá trị ấy tồn tại và phát huy trên cơ sở của bản năng lẫn ý thức, có khi có cả trực giác nữa. Không đi sâu vào chuyện này, tôi cho rằng có cơ sở, nhất là các phát hiện của thần kinh học, tâm lý học thần kinh mấy thập kỷ qua về vai trò của các cấu tạo dưới vỏ não, thể võng trong não…, để ủng hộ kết luận này, như vậy càng chứng tỏ các giá trị đang bàn ở đây là các giá trị rất bền chặt và rất gắn quyện với nhau, cả cộng đồng xã hội cũng như mọi người đều quan tâm hơn, nuôi dưỡng và phát huy, để duy trì và tăng cường sức manh tinh thần – tâm lý là cốt lõi của nội lực ở mọi tầng bậc, từ từng người đến cả quốc gia – dân tộc.

3. Vấn đề ở Việt Nam

“Qua lịch sử hào hùng của dân tộc ta, đúng là suốt hàng chục thế kỷ độc lập và phồn vinh từ Văn Lang đến Âu lạc, dân tộc ta đã phát triển lành manh, nhịp nhàng, tạo ra những giá trị cao đẹp của cả Chân, Thiện, Mtrên mọi lĩnh vực của đời sống. Đó là những hiểu biết phong phú mà cha ông ta đã đạt được trong cuộc sống đấu tranh dan dày để xây dựng đất nước, là óc mưu trí, sáng tạo (Chân). Đó là những phẩm chất đạo đức, là lòng yêu quý đất nước và đồng bào, là tinh thần tôn trọng nhân dân và lòng tận tụy đấu tranh cho lợi ích chung của xã hội (Thiện). Đó là những hoài bão to lớn luôn luôn muốn làm đẹp thêm cho đất nước, cho đời sống xã hội và cho bản thân mình (Mỹ)(7). Thế giới đã công nhận trong văn minh nhân loại có nền văn minh Việt Nam (A. Toynbee, 2002)(8). Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam (1991) đã nêu cao các giá trị Chân, Thiện, Mỹ, đặt nhiệm vụ giáo dục ba giá trị ấy, góp phần phát triển xã hội văn minh, hiện đại(9). Ba giá trị này được phát huy sức manh trong công cuộc đổi mới từ năm 1986: rũ bỏ bệnh chủ quan duy ý chí, cảm tính, cảm tình, nâng cao trình độ duy lý, suy nghĩ và hoạt động theo quy luật khách quan, khoa học, làm việc theo tác phong công nghiệp, kiên trì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (Hồ Chí Minh) – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; từ ngày hòa bình ngày càng nở rộ phong trào hướng về cội nguồn, nhiều hoạt động từ thiện, nhiều nghĩa cử cao đẹp, liên tiếp tổ chức liên hoan, thi thố tài năng, tôn vinh sắc đẹp… theo định hướng giá trị chân, thiện, mỹ. Đồng thời ngày càng bộc lộ rõ mặt trái – tiêu cực: biết bao chuyện phi lý, tại quái, xấu xí (tác phong nông nghiệp còn ngự trị, thiếu tri thức, chưa khoa học; bao nhiêu chuyện thiếu hoặc ngược đạo lý, bao lực học đường, bao lực gia đình, lừa thầy phản ban, tội ác, lừa gạt, bao nhiêu thứ giả, dối trá (chuyện này đến noi phải báo cáo ra kỳ họp Quốc hội tháng 10 và 11 năm 2008, điều tra học sinh, có nơi con số này lên đến 60% -70% phạm pháp…). Cho nên, hơn bao giờ hết phải khẳng định chắc chắn một lần nữa các giá trị “Chân, Thiện, Mỹ” trong Hệ giá trị Việt Nam kế thừa quá khứ, tạo dựng hiện tại, tiến tới tương lại, được truyền bá, giáo dục làm sao thấm đến mọi người đều lấy làm cơ sở định hướng giá trị chung, thước đo con người, đánh giá tiến bộ xã hội, tất nhiên, phải trên cơ sở giá trị sống còn.


1. Nguyễn Lân. Từ điển từ và ngữ Việt Nam. NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
2. Bùi Phụng. Từ điển Anh Việt. NXB. Giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp. Hà NộI,1992.
3. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. Đại cương triết học Trung Quốc. Tập I, phần thứ ba. NXB .Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
4. Mang Google. Tháng 8-2008. Các thuật ngữ và các tác phẩm phương Tây.
5. Như bị chú (3) ở trên. Tập II. phần thứ tư. Thiên I. chương bốn.
6. R. Stâynơ. Chân, Mỹ và Thiện, bài giảng ngày 19-1-1923, bản tiếng Anh, xuất bản năm 1986.
7. Vũ Khiêu. Bàn về văn hiến Việt Nam. Quyển I. NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, TR.97
8. A. Toynbee. Nghiên cứu về lịch sử – Một cách thức diễn giải. Tiếng Anh, 1972. Tiếng Việt, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2002, tr.65.
9. Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB. Sự thật, Hà Nội, 1QQ1, TR.14.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.