Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận

0

Vào dịp xuân Canh Thìn – 2000, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã trưng bày hai bộ sưu tập gốm Việt Nam. Đó là hai bộ sưu tập gốm quý, cho thấy các dòng gốm Việt Nam cổ đã phát triển đa dạng như thế nào, để ngày nay, thế hệ chúng ta được quyền chiêm ngưỡng và tự hào về nó.

Trong bài viết này, tôi chỉ đi vào bộ sưu tập “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX” của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Phải nói với hơn 100 hiện vật trưng bày, đây chỉ là một phần tác phẩm gốm mà Bảo tàng đã sưu tập được trong nhiều năm qua và tập trung vào các sản phẩm gốm phía Nam được sản xuất cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX mà nhiều bảo tàng khác ở phía Bắc ít có điều kiện sưu tập, bởi nó tuy “cổ” nhưng vẫn còn “mới” so với gốm phía Bắc đã phát triển cao từ hàng ngàn năm, đó là chưa kể quan niệm chưa thật đầy đủ về loại gốm này.

Bộ sưu tập “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận” thực chất là gốm Sài Gòn – Chợ Lớn, nay nằm trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cuối thế kỷ XIX và gốm Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một, Lái Thiêu (Bình Dương) nửa đầu thế kỷ XX khi gốm Sài Gòn – Chợ Lớn lụi tàn dần trong quá trình đô thị hóa và dồi dào về nguyên liệu, nhiên liệu của vùng Đồng Nai – Bình Dương lôi cuốn cả nhân lực, kỹ thuật gốm Sài Gòn – Chợ Lớn vào khu vực đó. Về mặt hành chính, các khu vực sản xuất gốm Sài Gòn – Chợ Lớn, hay Bình Dương – Đồng Nai nằm trong một đường kính vài chục cây số, chỉ khác nhau ở tên tỉnh, chứ ở các nước có gốm phát triển thì vài chục cây số cũng chỉ nằm trong một vùng gốm mà thôi, vì phong cách gốm các vùng này sản xuất vẫn có những gì chung nhất của các sản phẩm gốm phía Nam nước ta.

Chúng ta biết rằng Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, trước đây là Sài Gòn – Chợ Lớn có nhiều địa danh một thời nói lên sự hưng thịnh, tấp nập, bề bộn, của nghề gốm: “xóm lò gốm”, “rạch lò gốm”, “bến lò gốm”, “bến lủi”, “đường lò siêu”, “đường xóm đất”, “cầu lò chén”. Với nhiều lò gốm nổi tiếng như lò Cây Mai, lò Cây Keo, lò Bửu Nguyên, lò Đồng Hoa, lò Hưng Lợi… mà nhiều di tích lò đến nay vẫn còn, để chúng ta khai quật tìm kiếm về “sự sống” của nó trong quá khứ. Các nghiên cứu về gốm Cây Mai (Sài Gòn xưa) của Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc dựa trên một phần tài liệu của kỹ sư công binh Derbès viết năm 1882, của M.Péralle viết năm 1895 và nghiên cứu thực địa. Việc khai quật lò nung gốm Hưng Lợi mà bài viết về lò gốm cổ Hưng Lợi của Đặng Văn Thắng, Nguyễn Thị Hậu từng bước cho ta hiểu biết thêm về vùng gốm này. Các sản phẩm gốm của các lò này rất đa dạng như bình, bình vôi, ô đựng trầu, siêu, bình đựng thuốc phiện, các loại chậu, ống nhổ cốt trầu, nồi, niêu, chén, đĩa, siêu, cà ràng (bếp lò), là đồ đất nung không phủ men, các loại lu, khạp, hũ, tiểu sành, là đồ sành nâu cùng rất nhiều sản phẩm có tráng men trắng hoặc men màu trang trí đắp nổi như chóe, lọ, chậu trồng cây, ấm, chén, tượng gạch trổ thủng, chân đèn… thuộc gốm sành xốp với các loại men lam từ ô xít cô ban, men xanh lục (lá cây) từ ôxít đồng, màu nâu từ phù sa (đất thổ hoàng) cùng màu đen từ ôxít cô ban cộng ôxít sắt, màu đỏ từ hépatit. Các loại gốm này thường được nung trong các lò rồng hay lò bầu. Điều đáng chú ý là các loại sản phẩm gốm sành xốp đều nung ở lửa trung khoảng 1.200°C trở lại nên người làm gốm phải sử dụng trường thạch (felspath) để pha men tro hoặc ô xít chì mà người thợ gốm Cây Mai gọi là “bạc dầu” pha màu men tô lên sản phẩm khi xương gốm đã được nung qua lần đầu ở nhiệt độ lửa trung làm cho xương cứng, chắc, và có màu vàng đậm hơi bóng láng.

Trở lại bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy các hiện vật trưng bày có thể chia ra làm ba nhóm lớn: nhóm gốm Sài Gòn – Chợ Lớn gồm chóe, đôn, chậu cây, tượng,… có niên đại “lão” hơn cả rồi đến nhóm mang phong cách gốm Biên Hòa: ấm, chân đèn, liễn, tượng, lọ, bình và nhóm mang phong cách gốm Lái Thiêu với các loại sản phẩm nhỏ gia dụng như bát, đĩa, vịm, vẽ hoa lam, vẽ hoa văn các màu lam, mã não (đỏ tím), lục (xanh lá cây)… vẽ trên nền men trắng, rồi nung lại lần hai ở nhiệt độ thấp, mà sau này với bát đĩa con gà rất nổi tiếng ở miền Bắc vào thập niên 1940.

Trước hết, hãy đi vào nhóm gốm Sài Gòn – Chợ Lớn mà hình ảnh của các hiện vật trưng bày có thể thấy qua ảnh chụp của Péralle năm 1895. Các sản phẩm mang đậm dấu ấn nghệ thuật của người Hoa, cả về tạo dáng và nội dung hoa văn và thủ pháp trang trí, một số gốm loại này ở miền Bắc dễ lẫn với đồ gốm Nam Trung Hoa mà đặc biệt là vùng Quảng Đông – Trung Quốc, điều này cũng dễ hiểu vì phương pháp thành hình (in khuôn, vuốt trên bàn xoay thấp), làm men, trang trí và lò nung cùng thợ, phần lớn là người Hoa di trú làm và đối tượng sử dụng cũng phần lớn là người Hoa và tầng lớp trên của xã hội.

Nhóm chóe có kích thước lớn, ta thấy hai loại hình cơ bản: loại thứ nhất thân thanh, vai tròn, cổ cao trung bình và có miệng hơi loe, dày dặn, ở vai (phần tiếp giáp giữa thân và cổ) thường gắn từ sáu đến tám “tai” theo chiều dọc, những bán khuyên tròn hoặc dẹt như cái lá hoặc thay vào đó là tượng nghê, hoặc kết hợp tai với hình rùa đắp nổi, toàn thân được tráng men màu xanh lam hoặc xanh lá cây. Các hoa văn trang trí nổi thường ở phần vai hay phần thân gồm hoa văn hạt cườm, hoa lá hoặc chim hạc, mây. Cũng ở hình dáng này, loại chóe khác được trang trí hoa văn nổi cả phần vai và thân, hoa văn nằm trong dải ngang được phân cách bởi hai đường chỉ nổi nằm ở phần thân tạo nên đồ án chính với bốn họa tiết tròn đắp nổi hình rồng cuộn hoặc hoa lá phù dung, trên vai là các họa tiết nổi biểu trưng cho bát bửu như quạt, tiêu, lẵng hoa, các họa tiết nổi đều được tô màu men khác nhau gồm lam, nâu, lá cây, vàng, trên nền men trắng. Đây thực sự là loại gốm mà người trang trí có ý muốn tạo nên “gốm ngũ sắc” một thời rất được ưa chuộng. Nếu men của các chóe màu xanh lam thẫm cho thấy lớp men được phân bổ khá đều và kỹ thuật “nhúng men” khá hoàn hảo thì chiếc chóe “ngũ sắc” vừa nói trên lại thể hiện kỹ thuật “bôi men” họa tiết và thân rõ nét. Kỹ thuật “tô” này được áp dụng khá rộng rãi cho các sản phẩm nhỏ và đặc biệt được ưa chuộng khi vận vào gốm Biên Hòa sau này.

Đáng lưu ý là chiếc chóe phủ men màu lục có gắn bốn con rùa ở vai, tạo dáng chóe và “tượng rùa” rất đẹp, đặc biệt màu men lục tươi bóng, chảy dài thành lớp, không đều tạo nên nhịp điệu nhấp nhô, đậm nhạt ở vai và thân. Do áp dụng kỹ thuật tráng “dội men” cho những sản phẩm có kích thước lớn. Lớp men bóng nhẫy cho thấy chất ô xít chì đã được sử dụng vào trong men như thế nào. Nhân đây, phải nói thêm rằng ô xít chì là loại hóa chất độc, ngày nay người ta cấm dùng trong các loại đồ gốm gia dụng, đặc biệt cho đồ ăn uống, vì vậy các sản phẩm chóe dùng để đựng nước hay rượu, người ta chỉ dùng men để tráng hoặc tô ở phía ngoài thân mà không dùng phía trong lòng của nó.

Loại chóe thứ hai có dáng mập, thấp, thân thường phình to (chiều cao từ đáy đến cổ chóe bằng đường kính phần thân lớn), thường có cổ cao, miệng loe rộng, trên vai cũng có sáu tai dọc hình lá, trang trí hoa văn nổi ở phần thân với bố cục ba dải đồ án, mà đồ án chính lớn nhất ở giữa trang trí hoa lá phù dung, còn trên và dưới là hai đồ án phụ hoa lá và hình kỷ hà, sóng nước. Các dải đồ án này được phân cách bằng đường chỉ nổi. Phần từ vai lên miệng và gần chân đế được tô men xanh lam đậm, phần ba dải đồ án hoa văn để nguyên màu xương đất vàng, đanh mặt, các hoa văn và nét nổi được tô men trắng, xanh lam, xanh lục và nâu sắt. Cùng với màu vàng cam của xương gốm không phủ men lại cho ta một sản phẩm “ngũ sắc”. Với phong cách này, ta còn thấy ba chiếc khác ở chùa Giác Lâm (Tân Bình) mà phần thân và gần đáy tô men lam hoặc lục, đồ án chính hoa văn nổi với đề tài phù dung – chim phượng, đồ án phụ phía trên gắn mặt hổ phù hoặc bướm còn đồ án dưới như hình sóng nước, dù hình dáng có phần mảnh mai hơn, loại chóe này còn thấy trong một số gia đình Hà Nội.

Về ấm, đáng chú ý có ba cái kích thước khá lớn mà thoạt nhìn thân ấm ta có thể nhận ra dáng dấp của những cái chóe đã nói trên được thu nhỏ và cái nắp hình chuông có núm quả đào thì thực sự là nắp chóe thường thấy, ngoài quai ấm dày dặn và vòi ấm ngắn có hoa văn đắp nổi thì đáng chú ý là hai bên vai ấm là hai cành mai mà cành nổi hẳn ra ngoài thân ấm, hoặc cành trúc áp sát vào thân ấm. Có thể thấy ngay rằng với trọng lượng khi chứa đầy rượu, cái quai chính không phải là quai đối diện với vòi mà cành mai, cành trúc mới thực sự là điểm tựa của người dùng ấm. Ấm có cái được phủ men xanh lục toàn thân và nắp; còn cành mai tô men nâu, hoa mai tô men trắng, phía trước dưới vòi một mảng không men có màu gạch điểm thêm vài chấm lam, vậy là “ngũ sắc” vẫn được coi trọng. Có thể nói, cái ấm này rất chắc khỏe, về hình dáng, trang trí “giản dị” ở hai vai, nhưng tổng thể ăn nhập với nhau như tự thân trời đất đã sinh ra như vậy. Bên cạnh loại ấm này là những chiếc ấm rượu và ấm nước giản đơn, thuần về tạo dáng và chỉ sử dụng một màu men lục, trông rất bình dân, phô ra vẻ đẹp bình dị, đời thường và chắc chắn là được sản xuất với số lượng lớn.

Ngoài chóe, ấm kể trên bộ sưu tập, còn có các sản phẩm như phạng, chân nến, ống đũa, ống phóng, được tạo dáng và trang trí đắp nổi thô, khá cầu kỳ, được tráng men một màu xanh lục hoặc tô nhiều màu…

Bộ sưu tập đôn và chậu cảnh rất phong phú, có loại đôn thấp để ngồi và đôn cao để chậu cảnh, cho thấy sự đa dạng, sáng tạo của người làm gốm Sài Gòn – Chợ Lớn xưa. Có thể chia đôn, chậu thành ba loại. Loại thứ nhất có kích thước cao, hình dáng cơ bản hình con tiện với thân tròn hoặc đa diện: tứ giác, lục giác mà phần chân đế và thân có cạnh nhưng phần mặt đôn bao giờ cũng đưa về hình tròn cho dù đi theo chậu trồng cây có đế và miệng đa cạnh, thảng hoặc mới có đôn mà cạnh đáy và cạnh mặt trên giữ nguyên đa cạnh. Ta có thể thấy các đôn hình con tiện đa diện thường được trang trí cầu kỳ với nhiều hoa văn trổ thủng hoa lá tô màu men giản lược để phô ra chất xương đất vàng thổ đanh mặt, đối lập với phần được tô men chảy bóng. Đối với loại thân tròn thì phần lớn có mặt trên tròn đáy chia thành nhiều cạnh ít có loại đáy tròn, mặt trên tròn. Hoa văn thủng rất ít dùng thường là đồng tiền, mặt hổ phù, kết hợp với các dải đồ án hoa, lá, chim, đắp nổi ở phần thân như phù dung, phượng, hoặc họa tiết cánh hoa rời ở vai, chân đế. Hầu hết loại sản phẩm này được tráng một màu men xanh đồng hoặc có điểm xuyết men lam, mặt đôn cùng màu hoặc men trắng có trang trí đơn giản với hoa văn đồng tiền trổ thủng có tô men màu như đường vòng ở phía ngoài.

Loại thứ hai, đôn, chậu có hình tang trống, trang trí hoa văn đắp nổi như một màu men hoặc tô men nhiều màu lên họa tiết, tuy nhiên người ta ít trổ thủng hoa văn lên thân nó ngoại trừ hình hổ phù đắp nổi có khoét phần miệng tạo thành lỗ thủng để dễ di chuyển.

Loại thứ ba là đôn voi. Nhìn chung các đôn voi của giai đoạn này có bố cục khối khá chặt, vòi thường quặt sát vào thân, các lỗ trổ thủng chưa xuất hiện như các loại đôn voi Biên Hòa sau này. Các đôn voi này thường được dùng men lam, men trắng để tô vào thân làm màu chủ đạo, các loại men màu khác cùng màu xương đất mộc có hoa văn nổi, tạo nên phần trang trí chính cho đôn voi. Chất tạo hình và ngôn ngữ khối điêu khắc được tôn trọng xuyên suốt, vẻ bình dị, trầm mặc hấp dẫn người hâm mộ.

Đáng lưu ý trong bộ sưu tập này là bộ đôn chậu lớn với đôn, đế chân quỳ kích thước nhỏ; chậu, với dáng tròn, miệng loe có chạm nổi hình cánh sen. Sự phối hợp họa tiết trang trí truyền thống được tô phủ men xanh lục đậm, trắng, vàng đất ở đôn với phần thân chậu màu men vàng đất chiếm thế thượng phong, màu xanh lục được đưa thành một băng nhỏ phần đáy và chấm phá cùng men lam trên họa tiết đắp nổi phù dung, chim, phượng, để lại một phần rất thoáng cho sự nghỉ mắt. Có thể nói bộ đôn – chậu này là sự sáng tạo, chuyển đổi một phong cách khác với những gì đã nói ở trên.

Các loại chậu trồng cây khác đắp nổi hoa văn: người chăn dê, người câu cá, tùng hạc tráng men màu lục cùng với các loại chậu đi cùng đôn hoặc đơn chiếc là những sản phẩm thông dụng đáng chú ý. Đặc biệt là đôi chậu có hình khối chữ nhật, một mặt được trang trí hình cuốn thư hoa lá và thư họa.

Tượng gốm của các lò Sài Gòn – Chợ Lớn xưa là cả một kho tàng phong phú, không chỉ có các tượng đơn, tượng đôi mà có cả những quần thể tiểu tượng, đặt trong các chùa người Hoa ở Sài Gòn và vùng phụ cận trưng ra những sự tích mà người ta dễ nhận biết. Đáng chú ý trong bộ sưu tập này là bộ tượng “ông Nhật”, “bà Nguyệt”, tượng cá hóa long, kỳ lân, chim phượng bên phù dung. Theo thống kê của Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc thì ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, riêng tượng ông Nhật – bà Nguyệt cổ còn có hai mươi kiểu dáng khác nhau và rất ít có bộ tượng có đặc điểm giống nhau về cơ bản. Các loại tượng gốm lớn thường tạo hình cốt khá độc đáo với những ống tròn làm “xương” rồi mới đắp các chi tiết lên, vì vậy bộ tượng ông Nhật – bà Nguyệt khá sinh động. Các tượng nghê, cá hóa long, phượng – phù dung tuy được làm bằng khuôn nhưng được gắn thêm nhiều chi tiết trang trí, cùng màu men chấm phá sinh động.

Nhóm gốm thứ hai mà tôi tạm gọi là nhóm gốm mang phong cách “gốm Biên Hòa” có thể được sản xuất từ trước tại Sài Gòn – Chợ Lớn, nhưng sau này được làm nhiều và nổi tiếng với địa danh này. Chúng ta biết rằng gốm Biên Hòa có truyền thống từ thế kỷ XVII với đồ đất nung và sành nâu, nhiều lò gốm phát triển ở Cù Lao Phố, các làng Bình Dương và Xuân An mà thống kê năm 1882 Derbès có nhắc tới, nhưng phải từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mới phát triển sản xuất đồ gốm sành xốp, đặc biệt là từ sau năm 1903 Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được thành lập và gốm Biên Hòa nổi tiếng từ năm 1925 về sau. Đặc trưng của loại gốm này là kết hợp các phong cách Trung Hoa, Việt Nam và gốm Limoges của Pháp với sự tham gia của bà Balik cùng nhiều nghệ nhân lão luyện của gốm Sài Gòn – Chợ Lớn và miền Bắc vào. Về mặt nghệ thuật, thay vì tạo dáng truyền thống của gốm Sài Gòn – Chợ Lớn mang đậm dấu ấn Trung Hoa là sự giản dị và “Âu hóa” hơn, về mặt trang trí thiên về chi tiết hoa văn dày đặc bao quanh sản phẩm, lấy nét chìm, trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men, khá tinh tế, khác với lối tạo hoa văn nét nổi rồi tô men như đã trình bày ở phần trên. Nội dung hoa văn cũng cực kỳ phong phú mà tôi đã trình bày trong bài “Trang trí trên gốm Biên Hòa”. Tuy nhiên các sản phẩm trong bộ sưu tập phần lớn nằm ở đầu thế kỷ XX, các sản phẩm sử dụng nhiều các mảng màu kết hợp với nét chìm, màu men giản dị và đằm thắm hơn sau này: đó là các lọ hoa trang trí hoa lá, con người, thiên nga mà màu men chủ đạo vẫn là trắng, lam, lục, vàng đất, đen. Các tượng của phong cách này mảnh mai, chủ yếu đúc từ khuôn, sử dụng nhiều chi tiết nét chìm để trang trí khác với tượng gốm Sài Gòn – Chợ Lớn thô và ngộ nghĩnh.

Đáng chú ý là chiếc bình (chum) lớn cao gần một mét, dáng thân gần với chóe đã nói ở trên, nhưng miệng dày dạn, gần sát vào vai, cổ rất ngắn, có sáu tai dọc, hoa văn trang trí chính là hoa cúc dây bố cục theo năm ô dọc tạo thành đồ án chính ở thân, hai đồ án phụ ở phía trên và dưới được trang trí thành từng cụm gần với hoa văn trên chạm đá, trừ đường tạo ô dọc liền nhau, các đường ngang phân cách các ô được tạo ra từ các chấm tròn như chuỗi hạt. Các hoa văn được tô màu xanh lá cây còn toàn bộ nền được phủ men nâu. Ta có thể nhận ra ngay phong cách và hoa văn trang trí trên thạp gốm hoa nâu Lý – Trần được “cải biên” trong loại sản phẩm có tính truyền thống của gốm phía Nam. Đây là chiếc to, đẹp mà tôi được thấy.

Nhóm gốm thứ ba tạm gọi là “phong cách Lái Thiêu”, mặc dù nó được sản xuất ở Lái Thiêu, Thủ Dầu Một hay Tân Phước Khánh, với các sản phẩm dân dụng trang trí hoa lam, trang trí vẽ trên men (nung qua lửa hai lần) với các hoa văn trang trí theo lối “tả thực”, vẽ hoa, lá, hoa điểu, hoa điệp, liên – áp phong cảnh sơn thủy với ba màu chính: đỏ – tím (màu mã não), lam, lục (xanh lá cây)… mà tiêu biểu nhất là loại sản phẩm gốm hoa văn con gà, cây chuối, nổi tiếng.

Bên cạnh các loại gốm trên, ta còn thấy nhiều lọ hoa chỉ dùng một màu men phủ lên các sản phẩm: men xanh lam, xanh lá cây, men nâu, men “lốm đốm”, tạo dáng giản dị, màu men tinh tế, không sử dụng hoa văn.

Lối gốm này được Trường Mỹ thuật Biên Hòa và lò Thanh Lễ của vùng Lái Thiêu tìm tòi và từ năm 1960 về sau rất ưa dùng như các loại men giả cổ bóng mịn với các màu lục, nâu nhạt, xám, vàng cam, ngọc bích, huyết dụ hay loại men thạch dụng với các màu xanh rêu, xanh, xanh chói bạc, đen bạc, nâu mà hiện nay tôi còn năm ba trăm ảnh chụp sản phẩm lò Thanh Lễ trước năm 1975.

Trong bài viết ngắn này không có điều kiện để nói lên được tất cả những gì mà các bộ sưu tập đã trưng ra, mà chỉ nói lên chút ít cảm quan của mình khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập. Chắc chắn gốm Sài Gòn và vùng phụ cận còn nhiều loại hình và sản phẩm khác về đất nung, về sành nâu, sành phủ men da lươn… mà bộ sưu tập chưa trưng ra, có lẽ cũng là do điều kiện để trưng bày.

Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận chắc chắn là một bộ sưu tập quý, một nỗ lực rất đáng trân trọng của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

(Nguồn tài liệu: Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật, 2004)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.