Tạo dáng và trang trí cho đồ sứ
Ngày xưa, khi nói đến đồ sứ – loại gốm nung ở nhiệt độ cao, xương đất chảy, trắng, bóng có thể từ phía trong nhìn thấy hình vẽ, họa tiết ở mặt ngoài, người ta thường nhắc tới sứ Giang Tây, loại sứ có mang dấu ấn “Nội Phủ”, mà triều đình nhà Nguyễn đặt mua ở Trung Quốc, hoặc loại sứ mỏng có hình cô tiên của Nhật Bản… Không ai nói đến đồ sứ Việt Nam. Nước ta chỉ có đồ đất nung, đồ đàn, đồ sành trắng, cao hơn nữa thì cũng chỉ có loại “bán sành, bán sứ”. Đã thế, trong thời Pháp thuộc, ngành gốm hầu như rút lui về với những loại sản phẩm thông thường, do đó kỹ thuật và nghệ thuật đều không phát triển được.
Sau ngày hoà bình được lập lại trên đất miền Bắc, bên cạnh những lò gốm thủ công được phục hồi và phát triển, Trường Mỹ thuật công nghiệp ra đời, và mang lại cho ngành gốm một bản sắc mới. Nhiều loại men màu cổ truyền được phục hồi, nhiều hình dáng sản phẩm và hình thái trang trí được nghiên cứu, khai thác, nâng cao. Tuy nhiên, những cố gắng đó còn tự hạn chế trong phạm vi gốm mỹ nghệ, với từng hiện vật đơn chiếc, dưới dạng sành trắng.
Ngày 2 tháng 9 năm 1960, mẻ sứ đầu tiên của Nhà máy sứ Hải Dương đã ra lò, với nhiều loại sản phẩm sứ dân dụng khác nhau, với nhiều hình thức và phương pháp trang trí mới, lần đầu được áp dụng trong ngành sứ – gốm nước ta. Mẻ sứ ấy đánh dấu một bước tiến về mặt kỹ thuật sản xuất đồ sứ – gốm, cũng như kỹ thuật thiết kế và tạo hình trên đồ sứ. Cùng với sự kiện đó, một đội ngũ họa sĩ mỹ thuật công nghiệp đồ sứ được hình thành. Ở nước ta, có lẽ đây là lần đầu tiên một nhà máy có tới bảy họa sĩ chuyên nghiệp lo công việc thiết kế mỹ thuật cho sản phẩm công nghiệp.
Việc xuất hiện đồ sứ, với những đặc điểm về chất liệu (xương đất và men), về kỹ thuật chế tạo (sản xuất hàng loạt), về nghệ thuật trang trí (những màu sắc tươi sáng trên men), đã tạo nên những hiệu quả mới cho sản phẩm. Đồ sứ Việt Nam mang một vẻ đẹp mới, so với vẻ đẹp của gốm hoa lam truyền thống. Vì vậy, quan niệm mới về cái đẹp của nó cũng cần được khẳng định, cái đẹp của những sản phẩm sứ – gốm công nghiệp ra đời dưới tác động trực tiếp của mỹ thuật công nghiệp.
Vậy đặc điểm của mỹ thuật công nghiệp, thông qua việc tạo dáng và trang trí cho đồ sứ, được biểu hiện như thế nào? Đó là vấn đề chúng ta sẽ tìm hiểu ở những phần sau.
Nghề gốm trước đây là nghề gốm thủ công. Một gia đình, một làng nhỏ cũng có thể dựng lò, lập xưởng. Một người cũng có thể đảm đương mọi khâu của quá trình sản xuất, có thể vừa là người sáng tác, vừa là người tạo hình và trang trí theo sở thích của mình. Hình ảnh sản xuất của một nhà máy sứ công nghiệp ngày nay hoàn toàn khác thế. Ở đây, nguyên liệu được lọc, nghiền, ủ, luyện kỹ càng. Trong xương đất, ngoài cao lanh và đất sét trắng ra, còn được trộn thêm một số thành phần đá đã được nghiền mịn, như trường thạch, thạch anh, hoạt thạch… Sản phẩm được thành hình bằng phương pháp xây máy theo khuôn và đổ rót; lại có phòng sấy với nhiệt độ ổn định, để cho sản phẩm chóng khô. Sản phẩm được tráng “men đá” (phần lớn đồ gốm của ta trước đây đều tráng men “tro trấu”) và nung ở nhiệt độ 1.280°C trong lò tròn có dung tích hàng trăm mét khối, hoặc lò nung đường hầm dài gần một trăm mét. Mỗi sản phẩm trong lò nung đều được bao bọc bởi một chiếc bao chịu lửa để chống bụi, chống tạt lửa ám khói… Như vậy, quá trình sản phẩm sứ công nghiệp ra đời là một quá trình dài, qua nhiều công đoạn sản xuất, qua nhiều loại máy móc, và là kết quả lao động của một tập thể cán bộ – công nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Do những đặc điểm trên, các hoạt động của nhà máy sản xuất sứ đều căn cứ vào công thức và bản vẽ thiết kế, từ bản vẽ toàn bộ sản phẩm đến bản vẽ từng chi tiết sản phẩm ứng với từng công đoạn sản xuất. Vì vậy, bản vẽ hình dáng và trang trí sản phẩm không mang tính chất hình thức, mà là cơ sở cho toàn bộ hoạt động sản xuất. Do đó, yêu cầu của công tác thiết kế hình dáng và trang trí sản phẩm cũng có những đặc điểm mới, đáp ứng được công nghệ sản xuất mới.
Một đặc điểm bao trùm toàn bộ công tác thiết kế mỹ thuật đồ sứ, trong trường hợp sản xuất hàng loạt: nó đòi hỏi độ chính xác lớn, trình độ kỹ thuật cao, công dụng tối đa của sản phẩm, và phẩm chất mỹ thuật cao. Vẻ đẹp của sản phẩm phải được thông qua tư duy kỹ thuật và tư duy thẩm mỹ chín chắn, không hề có sự cầu may, không chờ đợi những “bất ngờ” như trong sản xuất gốm thủ công. Mỗi sản phẩm phải đạt được tiêu chuẩn sử dụng cao nhất, phải đẹp nhất, nhưng lại phải tiết kiệm nguyên vật liệu, và quy trình sản xuất phải đơn giản nhất, nhanh nhất. Có như vậy, sản phẩm mới đạt được hiệu quả kinh tế tối đa.
Nếu như một sản phẩm bằng đất nung hay sành xốp hoa nâu đẹp ở hình dáng chắc, khỏe, mập mạp, phù hợp với lối tạo hình bằng bàn xoay thủ công, với xương đất còn thô, với sản phẩm dày và nặng, thì đồ sứ lại đẹp ở hình dáng ổn định, thanh thoát, ở đường nét nhịp nhàng, phù hợp với chất liệu mỏng, nhẹ, trong, trắng, bóng bẩy. Vấn đề này khá quan trọng. Bởi vì hiện nay, bên cạnh một số đồ sứ đẹp, còn có nhiều sản phẩm mang hình dáng thô, nặng, bắt chước dáng gốm cổ một cách gượng gạo, không phù hợp với chất liệu sứ, làm mất đặc trưng của vẻ đẹp đồ sứ nhẹ nhàng bóng bẩy.
Cũng như đối với đồ gốm nói chung, đặc điểm của việc tạo dáng sản phẩm sứ là: công dụng và phương pháp sản xuất quyết định hình thể và đường nét cơ bản của sản phẩm.
Xuất phát từ công dụng của sản phẩm, đồ sứ rất phong phú về chủng loại. Yêu cầu của cuộc sống mới thêm cho đồ sứ nhiều loại sản phẩm mới, với những công dụng khác nhau. Mặt khác, xuất phát từ đặc điểm về phong tục và tập quán sinh hoạt của từng nước, từng vùng, người ta lại chế tạo ra nhiều sản phẩm sứ độc đáo nữa. Tuy nhiên, về mặt công dụng, đồ sứ thường được quy về một số loại sau đây: loại sản phẩm phục vụ ăn; sản phẩm phục vụ uống; loại sản phẩm phục vụ các mặt sinh hoạt khác, kể cả sinh hoạt văn phòng; loại sản phẩm thuần túy nghệ thuật (chủ yếu là đồ trang trí). Đi vào từng loại sản phẩm cụ thể, người họa sĩ sáng tác phải làm cho sản phẩm của mình đáp ứng được các câu hỏi thường được nêu ra như: ai dùng (tập thể, gia đình, hay cá nhân)? dùng ở đâu? dùng như thế nào?… Những câu hỏi đó sẽ được trả lời bằng kết cấu, bằng dung tích, bằng kích thước, và bằng hình dáng của sản phẩm. Đồng thời, những câu trả lời lẻ tẻ trên sẽ giải đáp luôn cả những câu hỏi tất sẽ nảy ra về mối quan hệ giữa các sản phẩm trong cùng một bộ.
Để bản vẽ thiết kế được đưa vào sản xuất một cách trôi chảy, thì khi thiết kế, người họa sĩ phải nghĩ đến công nghệ sản xuất, phải căn cứ tình hình cụ thể của xí nghiệp mà chọn phương pháp thành hình cho phù hợp với sản phẩm của mình, phải nghĩ ngay cả việc sẽ gia công sản xuất như thế nào trên dây chuyền nữa. Họa sĩ còn phải căn cứ vào tình hình nguyên liệu để chọn độ dày mỏng phù hợp, nhằm tiết kiệm nguyên liệu và giảm nhẹ trọng lượng của sản phẩm. Ở một xí nghiệp lớn, mỗi sản phẩm chỉ giảm đi vài gam nguyên liệu, thì, trong một năm, với hàng chục triệu sản phẩm, sẽ dôi ra hàng chục tấn nguyên liệu. Mặt khác, việc ấy còn có lợi cho khâu đóng gói và vận chuyển, giảm nhẹ thao tác của công nhân. Độ mỏng của đồ sứ không đơn thuần là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là một đặc điểm nghệ thuật. Ngày nay, chúng ta đã sản xuất được những sản phẩm sứ mỏng như vỏ trứng, và, như vậy, độ dày của sản phẩm không phải tính bằng xăng-ti-mét, mà phải tính bằng mi-li-mét. Nếu sản phẩm mỏng, nhẹ, và có độ trong nữa, thì cách tạo dáng cũng phải thay đổi sao cho phù hợp, cho thanh thoát. Trong trường hợp này, những dáng của nồi đất hay thạp hoa nâu, dù đẹp đến mấy, cũng không thể là những dáng dùng được.
Hình dáng của sản phẩm phải giản dị, ít có những đường gãy góc, để tiện cho việc làm khuôn, và cho thao tác sản xuất, đồng thời cũng để góp phần chống hiện tượng sản phẩm biến hình. Thực tiễn sản xuất vừa qua của Nhà máy sứ Hải Dương đã khẳng định vai trò quan trọng của họa sĩ thiết kế: thành công đáng kể của họ trong tạo tác, quyết định khâu chống méo cho sản phẩm. Mà méo là khuyết tật phổ biến và khó tránh của đồ sứ.
Xem thêm : Nội dung cơ bản triết học Nho giáo
Ngoài việc chế tác những sản phẩm có tính chất đơn chiếc, những sản phẩm được sử dụng riêng lẻ, công tác sáng tác thiết kế đồ sứ rất quan tâm đến vấn đề phối bộ sản phẩm. Đây là một việc làm có tính chất phổ biến, trên bình diện quốc tế, nhưng, mặt khác, nó lại mang tính chất riêng biệt, vì vẫn phụ thuộc vào truyền thống và tập quán của từng dân tộc.
Thiết kế đồng bộ, đối với các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp chuyên về đồ sứ, là một vấn đề mới mẻ. Trên thực tế, sáng tác đồng bộ gặp khá nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp những bộ lớn như bộ đồ ăn lớn dùng ở nhà dân, dùng trong khách sạn… Bởi vì, việc thiết kế những bộ hoàn chỉnh đòi hỏi người họa sĩ phải am hiểu nhiều mặt của cuộc sống, từ truyền thống đến thói quen sử dụng, từ công dụng của từng sản phẩm đến sự phối hợp các công dụng của nhiều sản phẩm cho một mục đích chung, từ dung tích to nhỏ đến độ cao thấp và vị trí của chúng, để khi sắp xếp cạnh nhau vừa thấy hợp lý và tiết kiệm được không gian do sản phẩm chiếm trên mặt bàn, vừa có sự hài hòa, vui mắt,v.v. Vấn đề đồng bộ đang được đặt ra trong đời sống của nhân dân ta, nhưng chưa được người sản xuất coi trọng. Cái chính là hàng sứ của ta chưa đủ dùng. Cung và cầu chưa cân bằng, nên sự tùy tiện còn có đất tồn tại. Nhưng tình trạng ấy không thể để kéo dài. Khi nền sản xuất của chúng ta phát triển mạnh, giữa cung và cầu không còn khoảng cách nữa, thì đồng bộ sẽ trở thành một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng của nhân dân. Vì vậy, ngay từ bây giờ, những người làm công tác sáng tác thiết kế đồ sứ phải làm quen dần với nó, phải tìm hiểu và bắt tay làm một số bộ sản phẩm. Mai đây, bên cạnh bộ đồ ăn Âu, bộ đồ ăn Á, bộ đồ ăn điểm tâm, bộ đồ cà phê, bộ đồ văn phòng đã có truyền thống ở một số nước mà ta cần học tập, rút tỉa cái tinh hoa, sẽ còn có bộ đồ ăn Việt Nam, bộ đồ trà Việt Nam…, phù hợp với những tập tục, những món ăn, và điều kiện sinh hoạt của nhân dân ta trong thời đại mới.
Thông thường, một bộ đồ ăn, mỗi bộ đồ trà đều gồm từ vài ba loại đến ba bốn chục loại sản phẩm, các loại có công dụng khác nhau. Những sản phẩm này, tùy công dụng của chúng, có dung tích khác nhau, nhưng lại phải thống nhất về phong cách nghệ thuật, và có những nét chung về hình dáng. Và nhất là, khi đứng cạnh nhau, chúng phải tạo nên được cái thế hài hòa của toàn bộ.
Trong cấu tạo hình thể của một sản phẩm bằng sứ, thường có ba phần rõ rệt: thể chính, thể phụ, và thể phụ thêm. Thể chính phản ánh công dụng chính của sản phẩm, và hiện hình thành phần thân của sản phẩm. Thể phụ bao gồm miệng và đáy của sản phẩm. Còn thể phụ thêm là những phần cũng xuất phát từ công dụng, như quai ấm, vòi ấm, quai tách, nhưng cũng có khi thuộc phạm vi trang trí, chỉ nhằm gây tác dụng thuần tuý thẩm mỹ. Sự kết hợp các thể (chính, phụ, phụ thêm) trên một sản phẩm cụ thể phải tạo ra một thể chung hài hòa, thuận mắt, tránh được gãy góc, loại trừ hiện tượng mỗi thể phát triển theo một hướng.
Những điều vừa nói trên là những vấn đề mà người họa sĩ thiết kế đồ gốm – sứ phải biết trước, phải sẵn sàng giải quyết. Được chuẩn bị như thế rồi, anh lại phải có khả năng thể hiện những ý đồ và sáng tạo của mình bằng những bản vẽ thiết kế hoàn chỉnh, với đầy đủ các chi tiết, có kèm theo những yêu cầu về kỹ thuật. Hoàn thành bản vẽ thiết kế chưa phải đã xong việc mà chỉ là mới chuẩn bị cho một sản phẩm ra đời. Người thiết kế còn phải theo dõi việc chế thử để sửa chữa bản thiết kế, nếu cần thiết thì cho chế thử lượt nữa để chữa tiếp, chỉ khi nào bản vẽ được hoàn bị thì sản phẩm đã thiết kế mới được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Việc trang trí trên đồ sứ giờ đây đã có những bước tiến mới, đã mang những đặc điểm riêng phù hợp với sự phát triển của kỹ nghệ hoá chất, của kỹ thuật nung, và của phương pháp tiến hành trang trí.
Nếu như sản phẩm đất nung phô ra một vẻ đẹp riêng biệt, với lối trang trí thành dải hoa văn hình sóng nước hay hình kỷ hà trên thân sản phẩm, bằng các phương pháp rạch, đập, in, ấn, với các đồ án tổ ong, răng lược, chữ S, nan thúng, nan chiếu…; nếu như các sản phẩm gốm thời Lý – Trần, với lối trang trí thành mảng to trên nền thoáng, vừa khỏe, vừa đậm đà, đã tạo nên gốm hoa nâu nổi tiếng và gốm men ngọc quý giá, thì trang trí trên đồ sứ cũng có những đặc điểm riêng của nó. Nó thừa kế các phong cách và phương pháp trang trí truyền thống. Ngoài ra nó còn áp dụng những phương pháp trang trí mới, phù hợp với yêu cầu của sản xuất công nghiệp hiện đại, sản xuất cơ giới hóa, mà ngành gốm – sứ trước đây chưa biết đến. Vấn đề là vận dụng những phương pháp và chất liệu trang trí mới làm sao để tạo ra những sản phẩm đẹp. Muốn thế, tôi thiết nghĩ, phải trải qua một thời gian tích lũy kinh nghiệm, để từ chỗ bỡ ngỡ, mò mẫm, dần dần đạt đến mức thành thục, linh hoạt. Chính vì chưa trải qua đủ thời gian ấy, mà mặc dầu chúng ta đã cố gắng áp dụng một số phương pháp trang trí mới, nhưng vẫn chưa tạo ra được cho đồ sứ một vẻ đẹp đủ sức cuốn hút người dùng.
Trang trí trên đồ sứ hiện nay là trang trí trên những sản phẩm của một nền công nghiệp sản xuất hàng loạt theo dây chuyền. Nền công nghiệp ấy tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, do đó đòi hỏi một hiệu quả trang trí chính xác, khoa học, không kỳ vọng vào ngẫu nhiên. Vì vậy, người họa sĩ trang trí phải am hiểu kỹ thuật, phải lường trước được kết quả cuối cùng có tính chất đồng bộ. Tư duy thẩm mỹ của họa sĩ thiết kế, do đó không được tách rời khỏi tư duy khoa học.
Một khó khăn khác nữa: trên nền đồ sứ trắng, bóng, trang trí đòi hỏi những màu sắc tươi sáng, cho nên dễ tạo ra hiệu quả lòe loẹt, hoặc khô khan, cứng đờ, thiếu hấp dẫn. Đã thế, công nghiệp không chấp nhận những mẫu trang trí rắc rối, tốn công, không phù hợp với dây chuyền sản xuất hàng loạt. Những vấn đề vừa lần lượt nêu trên có vẻ như mâu thuẫn lẫn nhau, tưởng chừng không thể thống nhất với nhau được. Ấy thế mà chúng cứ tồn tại bên nhau, tất cả đều đòi hỏi phải được chiếu cố, nếu ta muốn tìm một lời giải đáp chung thật thỏa đáng.
Trang trí trên đồ sứ, ngoài mục đích tăng thêm vẻ đẹp cho đồ sứ, còn là phương tiện để các họa sĩ sử dụng hoa văn mà che lấp các khuyết tật trên sản phẩm sứ trắng, từ đó tăng thêm giá trị của sản phẩm.
Thông thường, việc thiết kế trang trí cho đồ gốm – sứ được tiến hành đồng thời với việc thiết kế hình dáng của sản phẩm. Nhưng trong thực tế, để tiết kiệm nguyên vật liệu làm khuôn, và tránh thay đổi nhiều thao tác trong dây chuyền sản xuất, việc thay đổi thiết kế hình dáng ít xảy ra, so với việc thay đổi hình thức trang trí. Vì vậy, có trường hợp ta chỉ thiết kế mẫu trang trí mới cho sản phẩm sẵn có mà thôi. Nhưng, dù trong trường hợp nào, hoa văn trang trí vẫn phải được bố cục và tô màu sao cho phù hợp với hình dáng sản phẩm, bởi vì hình dáng là cái cốt, cái nền cho hoa văn tồn tại. Do đó, giữa hình dáng và trang trí, có một mối quan hệ bền chặt.
Việc nghiên cứu phác thảo và tìm mẫu trang trí có thể được tiến hành trên bản vẽ hình dáng sản phẩm, thậm chí ngay trên sản phẩm mộc hoặc sứ trắng. Cách thứ hai thường được áp dụng rộng rãi, nhất là khi nhiệm vụ thiết kế chỉ là thay đổi mặt hoa trang trí trên một mẫu hình dáng cũ. Trang trí trên đồ sứ là trang trí trên hình khối của không gian ba chiều. Vì vậy, trước hoa văn nằm trên mặt giấy, ta không thể lường hết được hiệu quả đẹp xấu. Do đó, tìm mẫu trang trí ngay trên bề mặt sản phẩm là biện pháp tốt nhất.
Để trang trí trên đồ sứ, ngoài việc thừa kế các phương pháp đắp nổi, chạm khắc họa tiết (như trên đồ đất nung và đồ gốm), ta còn thừa kế cả phương pháp vẽ phóng bút và công bút, mà tác dụng là tạo nên những họa tiết phóng khoáng, đậm nhạt, ẩn hiện, với màu xanh đại thanh (xanh lam) bắt nguồn từ thời Lê – Mạc. Phương pháp này cho phép vẽ màu trực tiếp lên sản phẩm mộc chưa tráng men, sau đó phun thêm một lớp men mỏng lên trên hình vẽ (vẽ giữa men).
Phương pháp vẽ nói trên đòi hỏi rằng họa tiết phải phóng khoáng, không cầu kỳ, phức tạp và công nhân vẽ phải có tay nghề giỏi, thuộc màu. Họa tiết được thực hiện trực tiếp bằng tay, phản ánh rung động của tâm hồn người vẽ, nên hoa văn rất sinh động. Đó là điểm mạnh hơn hẳn của phương pháp đang bàn.
Xem thêm : Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử) – Tùy thời co duỗi âu là phải
Về lối vẽ dưới men, ta còn có phương pháp vẽ “đổ màu”. Đây là một phương pháp mới, có hiệu quả nghệ thuật khác lạ, so với lối vẽ dưới men hoa lam. Trước hết, nó cho phép ta sử dụng nhiều màu, cả một chuỗi màu rất phong phú, mà công nghiệp sản xuất màu vẽ sứ hiện nay có khả năng cung cấp, do đó làm cho màu sắc của sản phẩm thêm phần lộng lẫy. Sau nữa, nó cho phép ta chủ động tạo ra các sắc độ đậm nhạt khác nhau, cho phép ta nối màu, chuyển màu theo ý muốn. Cuối cùng, nó chấp nhận những đồ án trang trí tương đối phức tạp. Cả ba điểm mạnh vừa nêu lại nhận được sức hỗ trợ của lớp men mỏng phủ ngoài, khiến hoa văn thêm lung linh, ẩn hiện, hấp dẫn. Chính vì tạo được hiệu quả nghệ thuật cao, mà phương pháp đổ màu đòi hỏi ở người họa sĩ thiết kế, và ở công nhân vẽ hoa, một tay nghề thật thành thục, một trình độ cao về kỹ thuật pha màu và dùng màu. Đây là một phương pháp tốt, trong trường hợp sản xuất đồ sứ cao cấp. Tiếc rằng nó chưa được công nghiệp sứ của ta hiện nay lưu ý đúng mức.
Cả hai phương pháp vẽ dưới men theo lối cổ truyền và vẽ đổ màu đều được áp dụng trên xương đất mộc được nung ở nhiệt độ cao (và nung một lần là xong). Vì vậy, hoa văn thiết kế bao giờ cũng lớn hơn hoa văn trên sản phẩm đã hoàn thành.
Thông thường các loại sản phẩm sứ dân dụng chỉ được trang trí sau khi đã thành sứ trắng. Thông qua kiểm nghiệm và phân loại sau khi nung, để gia công trang trí, người ta chỉ chọn những sản phẩm sứ trắng đạt yêu cầu kỹ thuật. Ngoài hai phương pháp gia công trang trí đã nêu, những phương pháp có lẽ phù hợp hơn với nền sản xuất thủ công, nền công nghiệp sứ hiện nay còn viện đến nhiều phương pháp khác nữa, với những hiệu quả khác nhau. Tùy khả năng thiết bị, nhân công, nguyên liệu, từng nhà máy chọn lấy phương pháp nào thích hợp nhất cho mình.
Với phương pháp vẽ hoa trên men, màu sắc không hề bị hạn chế. Họa sĩ tự do sử dụng màu sắc theo ý thích của mình: đỏ, vàng, da cam, xanh lục, xanh lơ, đen, nâu, tím…, có khả năng thoả mãn mọi yêu cầu về sắc độ. Màu được chế riêng để chuyên dùng cho đồ sứ, được kết cấu ở dạng phân tử, hay dạng keo, ở dạng phân tử (màu bột), trước khi vẽ màu phải được nghiền nhỏ, hòa với keo hoặc dầu. Nếu hòa với keo, thì khi vẽ, phải dùng nước sạch để pha loãng: trong trường hợp này, người ta thường bảo là “vẽ màu nước”. Nếu hòa với dầu (loại dầu chuyên dụng, đặc sánh như mật ong), thì khi vẽ, phải dùng dầu long não loãng để pha lại: đây là “vẽ màu dầu”. Cả hai cách vẽ màu nước và màu dầu đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, nên thường được sử dụng song song, để cho cả hai hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn: dùng màu nước để vẽ nét, màu dầu để vẽ mảng. Người vẽ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên sản phẩm, và do thuộc mẫu, nên đưa bút khá thoải mái, khiến họa tiết mềm mại, duyên dáng. Phương pháp vẽ trên men này gồm nhiều thao tác cơ bản: chấm màu, phẩy màu, vẽ nối màu, vẽ vờn màu…, do đó họa sĩ thiết kế phải chọn cho mẫu hoa của mình một thao tác thích ứng. Có vậy, mới sản xuất được nhanh, đẹp, đạt yêu cầu kỹ thuật.
Ưu điểm cơ bản của phương pháp vẽ trên men là tạo ra màu sắc sáng sủa, họa tiết mềm mại, có hồn, rất phù hợp với chất liệu sứ trắng. Tuy nhiên, vì phải vẽ trực tiếp bằng tay, cho nên người vẽ không thể vẽ nhanh, do đó mà sản lượng thấp. Hiện nay, các nhà máy thường chỉ áp dụng cách vẽ đó vào những mặt hàng có yêu cầu chất lượng cao, những đồ sứ mỹ thuật cao cấp.
Các nhà máy sứ dân dụng trên thế giới, kể cả Nhà máy sứ Hải Dương của ta, thường áp dụng phương pháp dán hoa (“đề can”) để giải quyết khâu trang trí. Ưu điểm của nó là làm nhanh, do đó tạo ra sản lượng cao, đã thế hoa văn trên mọi sản phẩm lại đồng đều, cách gia công thì đơn giản. Tuy nhiên, về mặt nghệ thuật, hoa văn được thể hiện bằng phương pháp ấy thường kém phần sinh động. Phương pháp dán hoa đã và đang được cải tiến không ngừng. Từ chỗ dán xong phải đợi một ngày cho khô rồi mới ngâm nước để bóc bỏ giấy bằng tay, người ta đã tiến tới có băng chuyền để tự động sấy hoa và rửa hoa. Hơn thế nữa, người ta còn chế ra loại giấy bóc bỏ được ngay sau khi dán, để giảm bớt khâu rửa. Tiên tiến hơn cả là loại “giấy” dán lên sản phẩm rồi đưa nung luôn, không cần bóc vỏ “giấy”, vì giấy đã được thay thế bằng một màng mỏng hữu cơ, có tính năng cháy hết trong lò nung, mà không ảnh hưởng đến mặt hoa và sản phẩm.
Để trang trí vừa nhanh vừa có hiệu quả nghệ thuật, phải kể đến phương pháp in hoa: dùng dấu cao su có khắc họa tiết để in màu lên sản phẩm. Hoa văn in thường là hoa văn hình học, vì phương pháp này chỉ đạt được hiệu quả cao trong trường hợp in nét. Điều cần lưu ý: phải chọn chất cao su khắc dẫu sao cho mịn, có độ cứng, có độ đàn hồi vừa phải, nét khắc phải tinh tế. Có thể kết hợp in hoa với vẽ thêm hoa, Cũng có thể in nét hoa xong, rồi tô thêm màu. Ngoài phương pháp thao tác thủ công, nay đã xuất hiện những máy in hoa có năng suất cao.
Phun hoa cũng là một phương pháp trang trí khá thông dụng, nhất là trên đồ sành xốp ở châu Âu. Phun hoa trên đồ sứ gần giống phương pháp phun hoa trên đồ sắt tráng men. Ưu điểm của phương pháp này là sản xuất nhanh, hoa văn gồm những mảng màu lớn, và đều màu. Ưu điểm ấy, phương pháp vẽ khó lòng đạt được. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm: chỉ phù hợp với những mẫu hoa văn giản lược, không làm cho hoa văn trở nên sinh động, đã thế lại tốn màu. Ngoài ra, muốn phun hoa, phải có cả một hệ thống máy phun, máy hút màu, và những khuôn màu được chế tạo khá công phu. Có thể áp dụng phương pháp này cho những mô-típ được kết cấu bằng các mảng màu lớn, hoặc trong trang trí kiến trúc.
Những sản phẩm được trang trí theo các phương pháp trên men còn được “bao” hoặc “quay” bằng những đường chỉ vàng (vàng kim), hoặc bằng nước bạc, nước điện quang, trước khi vào lò nung ở nhiệt độ khoảng 800°C. Bằng cách đó, sản phẩm sẽ có mặt hoa bóng láng, có màu sắc vừa tươi đẹp vừa bám chắc.
Ngoài những phương pháp trang trí thông dụng như vừa kể trên, còn có thể áp dụng nhiều phương pháp khác: đắp nổi, chạm thủng phủ men, vẽ nổi mầu…
Do sự phong phú về màu sắc, cũng như về phương pháp trang trí, nội dung hoa văn và phong cách trang trí trên đồ sứ cũng rất đa dạng: có thể dùng các đề tài hoa lá, chim thú, tôm cá, phong cảnh, con người… Các tiến bộ kỹ thuật về màu, về cách nung, về phương pháp trang trí cho phép từng họa sĩ thiết kế thể hiện những nội dung nói trên theo ý muốn của mình, và theo phong cách riêng biệt của mình. Điều quan trọng là anh phải khéo áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp trang trí mới, sao cho phù hợp, để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
Tuy ngành sứ của nước ta còn non trẻ, ngành mỹ thuật công nghiệp đồ sứ cũng mới hình thành, nhưng kết quả bước đầu của việc tạo dáng, việc trang trí, cả việc tìm nguyên liệu trong nước để sản xuất các loại giấy hoa, màu vẽ, nước điện quang… đang mở ra những triển vọng tốt đẹp. Rất tiếc rằng một số sản phẩm sứ có hình dáng và trang trí đẹp mới ở dạng hàng mẫu, chưa được mạnh dạn đưa vào sản xuất hàng loạt (có thể do giá thành còn hơi cao, hay do sự chọn lựa của người có thẩm quyền duyệt mẫu). Mặt khác, nhiều sản phẩm được xí nghiệp thiết kế, trang trí và sản xuất một cách đồng bộ, nhưng, qua khâu lưu thông – phân phối, lại rơi vào tình trạng khập khiễng: ấm nọ chén kia hoa văn lẫn lộn…, làm giảm giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ của sản phẩm. Thêm nữa, ta phải thừa nhận rằng còn nhiều sản phẩm được tạo dáng và trang trí theo một thị hiếu lai căng, do đó chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu sử dụng và thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc ta.
Thực tế đó đòi hỏi người họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho đồ sứ phải nâng tầm hiểu biết cơ bản của mình cho cao hơn nữa, rộng hơn nữa. Thực tế đó cũng chứng tỏ rằng không phải bất cứ họa sĩ nào cũng có thể thiết kế mỹ thuật cho hàng công nghiệp, và ngay cả họa sĩ mỹ thuật công nghiệp cũng chỉ có thể làm tốt việc thiết kế khi nào họ đã đi sâu vào một ngành nhất định.
Đưa thẩm mỹ vào quần chúng một cách nhanh nhất và thường xuyên nhất, không gì tốt hơn là thông qua những đồ dùng hàng ngày. Sản phẩm thực dụng có chất lượng tốt, có hình thức đẹp và tiện lợi, không những làm cho cuộc sống thêm phong phú, tươi vui, mà còn có tác dụng giáo dục, hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ tốt cho quần chúng. Vì vậy, không ngừng nâng cao trình độ mỹ thuật, thấu hiểu kỹ thuật sản xuất, tiếp thu và nâng cao những kỹ thuật trang trí mới trong công nghiệp sản xuất đồ sứ, để tạo cho đồ sứ Việt Nam một sắc thái riêng, có tính thực dụng và tính khoa học cao, có những phẩm chất tốt đẹp của nền nghệ thuật dân tộc…, đó là nhiệm vụ mà người họa sĩ mỹ thuật công nghiệp ngành gốm – sứ cần phấn đấu thực hiện, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.
(Nguồn tài liệu: Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật, 2004)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức