Vốn kinh doanh là gì? Cơ cấu và chiến lược nguồn vốn kinh doanh

0

1. Khái niệm Vốn kinh doanh

Vốn kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của các nguồn lực dùng trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuỳ theo đặc điểm ngành nghề kinh doanh mà nhu cầu vốn kinh doanh, cơ cấu vốn kinh doanh của các doanh nghiệp cũng khác nhau, chẳng hạn:

  • Các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng thường có nhu cầu vốn kinh doanh lớn và phải đầu tư nhiều vào vốn cố định.
  • Các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lại thường có nhu cầu vốn lưu động nhiều.

Thông thường các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu và kết cấu vốn kinh doanh của doanh nghiệp là:

  • Đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành nghề kinh doanh,
  • Qui mô, mạng lưới kinh doanh,
  • Tính thời vụ của ngành nghề kinh

Vốn kinh doanh luôn luôn biến động theo nhiệm vụ kinh doanh và được phân loại bởi nhiều cách khác nhau, tuỳ thuộc vào tiêu thức phân loại.

2. Cơ cấu vốn kinh doanh

Người ta thường phân loại vốn kinh doanh theo đặc điểm luân chuyển của vốn kinh doanh hoặc theo nguồn hình thành nên vốn kinh doanh.

2.1. Phân loại vốn kinh doanh theo đặc điểm luân chuyển.

Phân loại vốn kinh doanh theo đặc điểm luân chuyển là cách phân loại dựa trên tiêu thức thời gian hoàn thành một kỳ luân chuyển của vốn dài hay ngắn. Đây là phương pháp phân loại chủ yếu.

Theo cách này, vốn kinh doanh có 2 loại: Vốn cố định và vốn lưu động.

– Vốn cố định: Là số vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư, mua sắm, xây dựng để hình thành nên tài sản cố định của doanh nghiệp ở một thời điểm nhất định.

Cũng có thể hiểu: Vốn cố định là biểu hiện bằng tiền của tài sản cố định trong doanh nghiệp hiện có ở một thời điểm nhất định.

Vốn cố định là bộ phận chủ yếu trong cơ cấu tài sản dài hạn của doanh nghiệp . Theo quy định hiện hành, người ta coi giá trị còn lại của tài sản cố định hiện có (vốn cố định) là tài sản dài hạn, ngoài ra, tài sản dài hạn còn có các khoản đầu tư tài chính dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Đặc điểm chu chuyển của vốn cố định là thời gian để hoàn thành một kỳ luân chuyển vốn cố định tương đối dài, giá trị của nó chuyển dần vào chi phí kinh doanh phù hợp với mức độ hao mòn của tài sản cố định dưới hình thức khấu hao để thu hồi vốn cố định.

– Vốn lưu động: Là số vốn mà doanh nghiệp đã sử dụng để mua sắm, hình thành nên tài sản lưu động phục vụ kinh doanh ở một thời điểm nhất định.

Cũng có thế hiểu: Vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền của tài sản lưu động hiện có trong doanh nghiệp ở một thời điểm nhất định.

Vốn lưu động là bộ phận chủ yếu trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Thực ra, trong số vốn lưu động có một bộ phận công nợ phải thu có thời hạn phải thu dài trên một năm hoặc dài hơn một chu kỳ kinh doanh nhưng về bản chất thì chúng vẫn là vốn lưu động.

Đặc điểm chu chuyển của vốn lưu động là thời gian để hoàn thành một kỳ luân chuyển vốn lưu động tương đối ngắn, giá trị của nó chuyển một lần, toàn bộ vào chi phí kinh doanh trong kỳ và thu hồi lại toàn bộ sau chu kỳ kinh doanh.

Vốn cố định và vốn lưu động có quan hệ chuyển hoá với nhau. Tình hình thực tế về vốn kinh doanh tại một thời điểm theo cách phân loại này được thể hiện ở bên trái của bảng cân đối kế toán (phần Tài sản) tại thời điểm đó, được phân tổ thành tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

2.2. Phân loại vốn kinh doanh theo tính chất sở hữu

Phân loại vốn kinh doanh theo tính chất sở hữu (hay theo nguồn hình thành) là cách phân loại dựa trên tiêu thức chủ sở hữu vốn là ai.

Theo cách này, nguồn vốn kinh doanh được chia làm 2 loại: Nguồn vốn chủ sở hữu và nợ phải trả (nguồn vốn nợ).

– Nguồn vốn chủ sở hữu:

Nguồn vốn chủ sở hữu là nguồn vốn được hình thành từ một hoặc nhiều chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp như: nhà nước, các cổ đông, tư nhân, thành viên đầu tư góp vốn, hộ gia đình. Nguồn vốn này được hình thành từ đầu và bổ sung thêm trong quá trình phát triển.

Đặc điểm: Nguồn vốn chủ sở hữu được sử dụng ổn định, thường xuyên chủ động theo thẩm quyền của chủ sở hữu.

Cơ cấu: Nguồn vốn chủ sở hữu gồm nhiều loại khách nhau, cách hình thành, nội dung và mục đích sử dụng khác nhau bao gồm:

  • Nguồn vốn đầu tư do chủ doanh nghiệp góp ban đầu và góp bổ sung.
  • Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản,
  • Các quĩ của doanh nghiệp (quĩ đầu tư phát triển, quĩ dự phòng tài chính)
  • Quĩ khen thưởng, quĩ phúc lợi, quĩ dự phòng trợ cấp mất việc làm, quĩ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ)
  • Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối,
  • Chênh lệch tỷ giá,
  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản.

– Nợ phải trả:

Nợ phải trả là nguồn vốn được hình thành từ các chủ nợ khác nhau như: Vay của các tổ chức tài chính, tín dụng, của công chúng, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các khoản tạm thời sử dụng chưa đến hạn thanh toán, tài sản thừa chờ xử lý.

Đặc điểm: Nợ phải trả là nguồn vốn bổ sung cho vốn kinh doanh, có tính kỳ hạn, doanh nghiệp không có quyền sở hữu mà chỉ có quyển sử dụng theo những điều kiện nhất định do chủ nợ qui định.

Cơ cấu: Nợ phải trả gồm nhiều loại khác nhau:

Nợ ngắn hạn gồm:

  • Vay và nợ ngắn hạn,
  • Nợ phải thanh toán cho người bán, người mua trả tiền trước (tín dụng thương mại)
  • Nợ phải trả người lao động,
  • Các khoản phải nộp ngân sách.

Nợ dài hạn gồm:

  • Vay và nợ dài hạn của các tổ chức tài chính, tín dụng,
  • Vay dài hạn trên thị trường tài chính bằng các công cụ nợ (trái phiếu công ty, kỳ phiếu,…)
  • Phải trả dài hạn người bán.

Nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên biến động do sự biến động của quá trình kinh doanh. Bố trí cơ cấu nguồn vốn hợp lý, tìm nguồn vốn rẻ và kịp thời là nhiệm vụ quan trong trong việc quản lý vốn kinh doanh.

2.3. Phân loại vốn kinh doanh theo thời gian sử dụng

Cách phân loại nguồn vốn kinh doanh theo thời gian sử dụng dựa trên tiêu thức quyền sử dụng nguồn vốn để kinh doanh dài hay ngắn.

Theo cách này, nguồn vốn kinh doanh được chia làm hai loại nguồn vốn thường xuyên và nguồn vốn tạm thời. Tình hình nguồn vốn thực tế của doanh nghiệp theo cách phân loại này được thể hiện ở bên phải bảng cân đối kế toán (phần nguồn vốn).

– Nguồn vốn thường xuyên:

Nguồn vốn thường xuyên là nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể sử dụng dài hạn vào hoạt động kinh doanh, ít nhất là trên 1 năm.

Cơ cấu: nguồn vốn thường xuyên bao gồm nguồn vốn chủ sở hữu và nợ vay trung hạn ( vay kỳ hạn trên 1 năm đến đủ 5 năm), vay dài hạn ( vay kỳ hạn trên 5 năm)

– Nguồn vốn tạm thời:

Nguồn vốn tạm thời là nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể sử dụng trong thời hạn ngắn từ 1 năm trở lại.

Cơ cấu: nguồn vốn tạm thời bao gồm các loại

  • Nợ vay ngắn hạn
  • Nợ phải trả cho người bán, người mua
  • Vốn chiếm dụng tạm thời ( nợ công nhân viên, khoản phải nộp ngân sách)

Tuỳ từng loại hình doanh nghiệp, mức độ tỷ lệ giữa nguồn vốn thường xuyên với nguồn vốn tạm thời có khác nhau, nhưng phải tính tới sự an toàn tài chính. Ngay cả các khoản nợ dài hạn mà một phần nợ phải trả chỉ còn hạn dưới 1 năm thì khoản nợ dài hạn đó cũng coi như vốn tạm thời.

3. Các mô hình bố trí nguồn vốn kinh doanh

Không phải doanh nghiệp nào cũng luôn có đủ nguồn vốn chủ sở hữu để đáp ứng nhu cầu kinh doanh thường xuyên. Việc phải sử dụng nguồn vốn bên ngoài thường diễn ra.

Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp cần bố trí nguồn vốn theo nguyên tắc:

  • Các tài sản cần thiết thường xuyên như tài sản cố định, tài sản lưu động thường xuyên thì phải có nguồn vốn thường xuyên đảm bảo là chính, ngoài ra nếu có nhu cầu dự trữ đột biến ( tài sản lưu động tạm thời) thì bố trí bằng nguồn vốn tạm thời.
  • Nguồn vốn đi vay, nguồn vốn chiếm dụng tạm thời chỉ được sử dụng cho những mục tiêu và kỳ hạn đúng với hợp đồng vay vốn, hợp đồng thương mại hoặc các cam kết với chủ nợ.
  • Chú ý tới chi phí tài chính và rủi ro khi sử dụng các nguồn vốn.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong những mô hình bố trí nguồn vốn sau đây:

3.1. Mô hình: Sử dụng đúng tính chất của từng nguồn vốn.

– Đặc điểm của mô hình này là các nguồn vốn được sử dụng hoàn toàn đúng mục đích, đảm bảo tính kỳ hạn của từng loại nguồn vốn.

Theo mô hình này thì toàn bộ tài sản cố định, đầu tư dài hạn và tài sản lưu động thường xuyên (dự trữ vật tư hàng hoá thường xuyên, nợ phải thu, vốn bằng tiền cần thiết…) đều do nguồn vốn thường xuyên (vốn chủ sở hữu và nợ trung dài hạn) đảm bảo. Phần tài sản lưu động tạm thời thì sử dụng hoàn toàn bằng nguồn vốn tạm thời.

Ưu điểm ca mô hình: Mô hình có ưu điểm nổi bật là:

  • Hạn chế được rủi ro về khả năng thanh toán do giảm được áp lực đòi nợ của các chủ nợ do không sử dụng sai kỳ hạn của nguồn vốn nợ.
  • Giảm được chi phí về lãi vay, vì khi có nhu cầu tạm thời mới phải vay và vay ngắn hạn.

– Hạn chế của mô hình:

  • Mô hình này thích hợp với những doanh nghiệp có qui mô vốn chủ sở hữu lớn hoặc doanh nghiệp có điều kiện vay trung hạn, dài hạn nhiều, không thích hợp với những doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ nhưng muốn mở rộng phạm vi kinh
  • Mặt khác, khi vốn chủ sở hữu lớn doanh nghiệp có ưu thế là chủ động trong nguồn vốn kinh doanh nhưng áp lực về lợi nhuận tính trên vốn chủ sở hữu lại là đòi hỏi không nhỏ của nhà đầu tư.

3.2. Mô hình: Sử dụng một phần nguồn vốn thường xuyên cho nhu cầu vốn lưu động tạm thời.

Theo mô hình này, toàn bộ tài sản cố định, và đầu tư dài hạn toàn bộ tài sản lưu động thường xuyên và một phần tài sản lưu động tạm thời được sử dụng từ nguồn vốn thường xuyên, chỉ có một phần tài sản lưu động tạm thời được bố trí từ nguồn vốn tạm thời.

– Ưu điểm ca hình: Khả năng thanh toán rất cao, vì doanh nghiệp chủ động được toàn bộ nhu cầu vốn thường xuyên cho kinh doanh, chỉ một phần nhu cầu tạm thời mới cần vay ngắn hạn.

– Hạn chế ca mô hình: Cũng như mô hình 1, mô hình này đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu lớn hoặc phải vay dài hạn nhiều với lãi suất cao hơn lãi suất vay ngắn hạn mới đảm bảo được nhu cầu vốn thường xuyên, do đó có thể làm tăng chi phí sử dụng vốn.

3.3. Mô hình: Sử dụng nguồn vốn tạm thời là chính

Theo mô hình này, doanh nghiệp có nguồn vốn thường xuyên chỉ đủ đảm bảo cho toàn bộ tài sản cố định, đầu tư dài hạn và một phần tài sản lưu động thường xuyên và toàn bộ tài sản lưu động tạm thời đều dựa vào nguồn vốn tạm thời.

– Ưu điểm của mô hình: Mô hình này là sử dụng nguồn vốn linh hoạt, không phải bố trí nguồn vốn thường xuyên nên giảm được chi phí sử dụng vốn (lãi vay).

– Nhược điểm của mô hình: Nhược điểm nổi bật của mô hình này là rủi ro cao vì doanh nghiệp hầu như phụ thuộc vào khả năng tìm nguồn vốn bên ngoài vì vậy dễ thụ động trong kinh doanh.

Mặt khác, khi doanh nghiệp có khó khăn về tìm nguồn vốn sẽ dễ dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn bất hợp pháp trong thanh toán

Như vậy rất khó có mô hình bố trí nguồn vốn nào thích hợp hoàn toàn với mỗi doanh nghiệp, vì ưu điểm và nhược điểm của mỗi mô hình đan xen nhau. Để cho việc sử dụng vốn cho kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp phải lựa chọn các công cụ tài trợ nguồn vốn cho kinh doanh thích hợp trên các mặt: qui mô, cơ cấu, thời hạn, và chi phí.

4. Các công cụ tài trợ nguồn vốn kinh doanh

Doanh nghiệp có thể sử dụng các quyền mà luật pháp cho phép để tìm nguồn tài trợ vốn ngắn hạn và dài hạn cho nhu cầu kinh doanh thông qua các công cụ sau đây:

  • Trái phiếu công ty,
  • Tín dụng ngân hàng,
  • Tín dụng thuê mua,
  • Tín dụng thương mại,
  • Phát hành cổ phiếu,
  • Tài trợ từ lợi nhuận để lại.

4.1. Tài trợ vốn bằng công cụ trái phiếu công ty:

Trái phiếu công ty là chứng chỉ vay vốn do doanh nghiệp phát hành, thể hiện nghĩa vụ và sự cam kết của doanh nghiệp về việc thanh toán số nợ gốc và lợi tức tiền vay vào những thời hạn đã xác định cho người nắm giữ trái phiếu.

Trái phiếu công ty là một loại chứng khoán nợ (hoặc công cụ nợ), trong đó bên đi vay là doanh nghiệp và bên sở hữu là trái chủ (bên cho vay).

Trái phiếu công ty có nhiều loại, tuỳ theo tiêu thức phân loại. Phân loại theo thời gian thì gồm có trái phiếu ngắn hạn, dài hạn, trung hạn. Phân loại theo hình thức thì gồm có trái phiếu ghi tên và trái phiếu không ghi tên. Phân loại theo mức độ đảm bảo thì có trái phiếu có tài sản bảo đảm và trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Phân loại theo lãi suất thì có trái phiếu lãi suất cố định và trái phiếu lãi suất thay đổi.

Ngoài các loại trái phiếu trên, công ty cổ phần có thể sử dụng loại trái phiếu chuyển

đổi để chuyển từ hình thức vay vốn bằng trái phiếu sang hình thức huy động vốn cổ phần.

Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu công ty khi đến hạn thanh toán có thể được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của công ty cổ phần theo một tỷ lệ nhất định.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi cần chú ý một số vấn đề sau:

– Tỷ lệ chuyển đổi: là số lượng cổ phần phổ thông do một trái phiếu chuyển đổi thà

Ví dụ: Một công ty phát hành trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá là 1.000.000 VNĐ, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 8% trả hàng năm và sau 5 năm có thể chuyển đổi thành 100 cổ phần phổ thông với mệnh giá là 10.000 VND. Như vậy, tỷ lệ chuyển đổi là 100.

– Giá chuyển đổi (conversion price): là giá trị tính theo mệnh giá của trái phiếu mà mỗi cổ phần nhận được khi chuyển đổi.

Theo ví dụ trên thì giá chuyển đổi sẽ là: 1.000.000 : 100 CP = 10.000 VNĐ

Nếu trái phiếu được tính lãi vào cuối kỳ hạn thì phần lãi này có thể chuyển đổi hay không chuyển đổi do công ty quy định

– Ưu điểm của việc tài trợ bằng trái phiếu công ty:

  • Một là, doanh nghiệp vay trực tiếp từ nhà đầu tư, không qua các trung gian tài chính nên lãi suất thường thấp hơn.
  • Hai là, chủ doanh nghiệp không phải phân chia quyền kiểm soát doanh nghiệp với các trái chủ
  • Ba là, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc chi phí trả lãi và bố trí nguồn vốn trả nợ gốc do thời hạn thanh toán và lãi suất thường được định sẵn.

– Nhược điểm của việc sử dụng công cụ trái phiếu công ty:

  • Một là, vì là tiền vay nên doanh nghiệp phải chịu sức ép về khả năng thanh toán nợ gốc và lãi khi đến kì hạn.
  • Hai là, phát hành nhiều trái phiếu làm tăng hệ số nợ, nếu sử dụng kém hiệu quả vốn vay sẽ tiềm ẩn khả năng thanh khoản thấp.

4.2 Tài trợ vốn bằng hình thức tín dụng ngân hàng

Trong nền kinh tế thị trường, các tổ chức kinh doanh tiền tệ (bao gồm các tổ chức tín dụng là Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được phép kinh doanh tiền tệ) có vai trò to lớn trong việc cung ứng vốn cho các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức tín dụng khác nhau như cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá, cho thuê tài chính, bảo lãnh và các hình thức khác.

Các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác là các trung gian tài chính tức là người đi vay để cho vay. Tín dụng ngân hàng trở thành công cụ tài trợ thường xuyên cho các doanh nghiệp.

Tín dụng ngân hàng là việc chuyển giao quyền sử dụng vốn cho người vay bằng hình thức cho vay theo những nguyên tắc: Sử dụng vốn có mục đích, trả đầy đủ tiền gốc và tiền lãi đúng kỳ hạn đã cam kết trong hợp đồng vay vốn.

Doanh nghiệp có thể vay vốn ở các tổ chức tín dụng với các kỳ hạn khác nhau:

˚ Vay ngắn hạn : Kỳ hạn tới 12 tháng.

˚ Vay trung hạn: Kỳ hạn từ 12 tháng tới 60 tháng.

˚ Vay dài hạn : Kỳ hạn trên 60 tháng.

Ưu điểm của nguồn tài trợ tín dụng ngân hàng:

  • Một là, doanh nghiệp có thể trở thành khách hàng thường xuyên của ngân hàng với những loại hình vay vốn khác nhau, kỳ hạn khác nhau thích hợp với nhu cầu kinh doanh đa dạng thường xuyên.
  • Hai là, doanh nghiệp kết hợp được giữa việc vay vốn với việc được phục vụ các tiện ích khác từ ngân hàng như gửi tiền nhàn rỗi, thanh toán không dùng tiền mặt, tư vấn, bảo lãnh.

Nhược điểm của công cụ tài trợ tín dụng ngân hàng:

  • Một là, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện nhất định mới có thể được vay vốn như: uy tín, tài sản đảm bảo tiền vay, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn…
  • Hai là, lãi suất vay vốn là lãi suất thị trường bao gồm lãi suất đi vay và chi phí dịch vụ của bản thân ngân hàng nên có thể cao hơn lãi suất trái phiếu do công ty tự vay vốn.

4.3. Tài trợ vốn bằng tín dụng thuê

Trong điều kiện hạn hẹp về nguồn vốn đầu tư vào tài sản cố định hoặc có khó khăn về tài sản cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp có thể tìm đến công cụ tài trợ vốn dưới hình thức tín dụng thuê mua. Tuy nhiên, cũng có trường hợp doanh nghiệp không muốn đi vay vốn đầu tư vào tài sản cố định mà có thể dùng tín dụng thuê mua vì có lợi hơn.

Có hai phương thức giao dịch chủ yếu của hoạt động thuê mua là phương thức thuê vận hành (còn gọi là thuê hoạt động, thuê dịch vụ, thuê truyền thống – Operating Lease, Traditional Lease, Service Lease) và phương thức thuê mua thuần (còn gọi là thuê tài chính, thuê vốn – Net Lease, Finance Lease, Capital Lease).

1/ Thuê vận hành (Operating Lease): Thuê vận hành có 2 đặc trưng cơ bản sau:

  • Thời hạn thuê rất ngắn so với tuổi thọ của tài sản, việc chấm dứt hợp đồng thuê chỉ cần báo trước trong thời gian ngắn.
  • Người cho thuê phải chịu mọi chi phí vận hành của tài sản như chi phí bảo dưỡng, mua bảo hiểm, thuế tài sản… và mọi rủi ro liên quan đến tài sản.

Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê và bên thuê vận hành có thể tóm tắt như sau:

 

Bên cho thuê vận hành ( Lessor)Bên thuê vận hành ( Lessee)
– Nắm quyền sở hữu tài sản cho thuê.

– Chịu mọi chi phí cho sự tồn tại của tài sản.

– Chịu mọi rủi ro và thiệt hại liên quan đến tài sản.

– Có quyền gia hạn hợp đồng cho thuê và định đoạt tài sản khi kết thúc hạn cho thuê.

– Trả tiền thuê tài sản để có quyền sử dụng tài sản trong thời hạn thuê.

– Không chịu rủi ro và thiệt hại về tài sản đi thuê.

– Có quyền huỷ bỏ hợp đồng thuê tài sản bằng thông báo trước cho người cho thuê.

2/ Thuê tài chính ( Thuê mua thuần – Net Lease)

Thuê tài chính là một phương thức tài trợ tín dụng trung hạn hay dài hạn, trong đó bên cho thuê (công ty cho thuê tài chính) dùng vốn của mình để mua tài sản, thiết bị của nhà cung cấp theo yêu cầu của bên đi thuê đã thoả thuận trong hợp đồng và giao tài sản đó cho bên đi thuê sử dụng.

Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê và bên đi thuê tài chính có thể tóm tắt như sau:

Bên cho thuê tài chínhBên đi thuê tài chính
1. Mua tài sản của nhà cung cấp, giữ quyền sở hữu và cho thuê trung, dài hạn

2. Không cung cấp các dịch vụ vận hành, bảo dưỡng tài sản.

3. Không chịu rủi ro và thiệt hại với tài sản cho thuê.

4. Hết hạn hợp đồng, có thể cho phép bên thuê lựa chọn hình thức ký tiếp hợp đồng thuê hoặc mua lại, hoặc uỷ quyền bán lại hoặc trả lại tài sản.

1. Trả tiền thuê theo đúng kỳ và được quyền sử dụng tài sản.

2. Có trách nhiệm nộp thuế tài sản, mua bảo hiểm và chịu rủi ro về tài sản.

3. Không được huỷ ngang hợp đồng thuê ( trừ khi bên cho thuê đồng ý).

4. Được quyền lựa chọn hình thức xử lý tài sản khi hết hạn thuê.

4.4. Tài tr vốn bằng hình thức n dng thương mại:

Tín dụng thương mại (hay tín dụng nhà cung cấp) là hình thức sử dụng vốn chiếm dụng hợp pháp và tạm thời phát sinh trong quan hệ mua chịu, mua trả chậm hay trả góp, nhận ứng trước tiền bán hàng.

Đây là khoản nợ phải trả, không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp, không bị ràng buộc bởi hợp đồng tín dụng như tín dụng ngân hàng, phát sinh thường xuyên trong giao dịch thương mại. Đó là nguồn vốn ngắn hạn linh hoạt, nhiều khi chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể sử dụng các hình thức mua bán hàng và thanh toán khác nhau và từ đó có những lợi ích về tài chính (đồng thời cũng có rủi ro). Các hình thức mua bán và thanh toán đó là:

  • Người bán nhận tiền (tiền mặt hoặc séc) ngay khi giao hàng,
  • Người bán nhận tiền trước khi giao hàng (chiếm dụng vốn),
  • Người bán nhận tiền qua ngân hàng sau thời hạn nhất định kể từ ngày giao hàng (bị chiếm dụng vốn),
  • Người bán bán hàng có điều kiện chiết khấu cho người mua
  • Người bán đòi tiền qua ngân hàng sau khi đã giao hàng ( bị chiếm dụng vốn).
  • Bán hàng trả chậm từng lần (giao hàng kỳ sau, thu tiền kỳ trước)
  • Bán hàng ký gửi (người mua trả tiền sau khi đã bán hết số hàng được giao).

Tuy nhiên sử dụng tín dụng thương mại cần lưu ý các điều kiện sau:

  • Thời hạn sử dụng vốn ngắn, phải phù hợp với những cam kết trong hợp đồng kinh tế để giữ tín nhiệm.
  • Không lạm dụng để tránh việc chiếm dụng bất hợp pháp có thể dẫn tới rủi ro bị phạt vi phạm hợp đồng mua bán.

4.5. Tài tr vốn bằng công cụ cổ phiếu

Các công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách bán cổ phần dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu. Cổ phần là các phần bằng nhau được chia ra từ vốn điều lệ của công ty cổ phần, còn cổ phiếu là chứng chỉ (giấy tờ) do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

(1) Các loại cổ phần:

Cổ phần gồm nhiều loại: cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi khác. Công ty cần biết những đặc thù của mỗi loại cổ phần để lựa chọn.

_ Cổ phần phổ thông là cổ phần thể hiện quyền sở hữu vĩnh viễn đối với công ty cổ phần của cổ đông có cổ phần đó (cổ đông phổ thông). Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ phần phổ thông.

Cổ đông phổ thông có các quyền sau:

  • Quyền được hưởng lợi nhuận và là chủ sở hữu đối với tài sản của doanh nghiệp.
  • Quyền bầu cử
  • Quyền kiểm soát doanh nghiệp
  • Quyền ưu tiên mua cổ phần mới

_ Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần thuộc về cổ đông sáng lập (cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần) và cổ đông

được Chính Phủ uỷ quyền, là cổ phần có số phiếu biểu quyết cao hơn cổ phần phổ thông.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền:

  • Bỏ phiếu biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông với số phiếư nhiều hơn (bội số) số phiếu của mỗi cổ đông phổ thông (Điều lệ công ty quy định việc này).
  • Các quyền khác như cổ đông phổ thông nhưng không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác và chỉ duy trì loại cổ phần này trong 3 năm đầu tiên khi công ty đi vào hoạt động, sau đó phải chuyển thành cổ phần phổ thông.

_ Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức hàng năm cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh hoặc cổ tức cao hơn cổ tức của cổ phần phổ thông.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và ban kiểm soát, nhưng có quyền hưởng cổ tức ưu đãi.

_ Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần sẽ được công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của cổ đông sở hữu loại cổ phần này hoặc theo quy định trên cổ phiếu của cổ phần này.

Đây là loại cổ phần duy nhất trong các loại cổ phần được quyền rút vốn. Cổ đông sở hữu cổ phần này cũng không có quyền biểu quyết, quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhưng có quyền hưởng cổ tức như cổ phần phổ thông.

(2) Thị giá cổ phần

Thị giá cổ phần là giá cả của cổ phần trên thị trường tài chính. Thị giá cổ phần luôn biến động trên thị trường nên doanh nghiệp không dễ dàng xác định trước giá cổ phần.

Tuy vậy, doanh nghiệp có thể áp dụng công thức sau đây để xác định giá bán cổ phần tại thời điểm hiện tại (công thức tính giá trị dòng tiền chiết khấu – DCF):

Công thức này cho thấy: Giá bán của một cổ phần ở thời điểm định bán bằng giá trị hiện tại của những khoản lợi tức cổ phần sẽ nhận được và giá bán cổ phần tại thời điểm kỳ vọng tương lai mà nó được bán.

Trên cơ sở giá bán mỗi cổ phần xác định như trên, công ty sẽ tính toán xem cần huy động thêm bao nhiêu vốn cổ phần và số tiền thu được thêm (thặng dư vốn cổ phần) do thị giá cổ phần cao hơn mệnh giá.

(3) Bán cổ phần

Công ty cổ phần khi đã xác định được số vốn cổ phần cần huy động thêm và giá trị của mỗi cổ phần hiện có (mệnh giá) cũng như thị giá cổ phần có thể bán cổ phần trên thị trường. Việc bán cổ phần mới có thể bán toàn bộ trên thị trường theo thị giá hoặc bán một phần cho cổ đông cũ với giá bằng mệnh giá hay giá ưu đãi còn một phần bán trên thị trường theo giá thị trường.

Ví dụ: Công ty cổ phần A đã có tổng số vốn cổ phần là 70 tỷ VNĐ, tương ứng với 7 triệu cổ phần phổ thông. Mệnh giá của mỗi cổ phần là 10.000 VNĐ (70 tỷ/7 triệu cổ phần). Công ty cần huy động thêm 20 tỷ VNĐ để tăng vốn điều lệ. Thị giá cổ phần là 20.000 VNĐ. Có thể dự kiến các trường hợp sau đây:

* Trường hợp bán toàn bộ cổ phần mới trên thị trường

Giá thị trường cao gấp đôi mệnh giá nên để có thêm 20 tỷ VNĐ công ty chỉ phải bán 1 triệu cổ phần mới. Nếu vậy:

– Trị giá số cổ phần của cổ đông mới là: 10 tỷ VNĐ

– Thặng dư vốn cổ phần (phần tăng thêm) là : 10 tỷ VNĐ

– Giá trị một cổ phần của công ty sau khi tăng vốn là:

(70 tỷ VNĐ + 20 tỷ VNĐ) / (7 triệu cổ phần cũ + 1 triệu cổ phần mới) = 11.250 VNĐ

– So với giá trị một cổ phần trước khi tăng vốn mỗi cổ phần đã tăng thêm:

11.250 VNĐ – 10.000 VNĐ = + 1.250 VNĐ

* Trường hợp bán một cổ phần mới cho cổ đông cũ bằng mệnh giá, phần còn lại bán cho cổ đông mới theo thị giá.

Giả định công ty bán 1 triệu cổ phần mới cho cổ đông cũ theo đúng mệnh giá 10.000 VNĐ một cổ phần thì tỷ lệ cổ phần cũ được mua cổ phần mới là 7/1, số tiền thu được sẽ là 10 tỷ VNĐ. Số vốn còn lại cần huy động thêm là 10 tỷ VNĐ tương ứng với giá trị của 500.000 cổ phần bán cho cổ đông mới (500.000 cổ phần x 20.000 VNĐ). Như vậy:

– Trị giá số cổ phần của cổ đông mới là: 5 tỷ VNĐ

– Thặng dư vốn cổ phần là: 5 tỷ VNĐ

– Giá trị một cổ phần của công ty sau khi tăng vốn là:

(70 tỷ VNĐ + 20 tỷ VNĐ) / (7 triệu cổ phần cũ + 1,5 triệu cổ phần mới) = 10.588 VNĐ

– So với giá trị một cổ phần trước khi tăng vốn mỗi cổ phần đã tăng thêm:

10.588 VNĐ – 10.000 VNĐ = + 588 VNĐ

Có thể thấy cả 2 trường hợp do giá thị trường của cổ phần công ty cao hơn mệnh giá nên công ty có thêm được phần tăng vốn cổ phần, làm cho giá trị mỗi cổ phần tăng lên. Nhưng ở trường hợp thứ hai để khuyến khích cổ đông cũ gắn bó với công ty, công ty đã ưu tiên bán cổ phần với giá thấp hơn thị giá nên thặng dư vốn cổ phần giảm xuống, kéo theo giá trị của cổ phần có tăng nhưng không tăng nhiều như trường hợp thứ nhất.

Trên thực tế, cũng có trường hợp thị giá cổ phần của một công ty giảm xuống mức quá thấp, thậm chí thấp hơn cả mệnh giá, nếu công ty vẫn tăng vốn bằng công cụ bán cổ phần thì giá trị cổ phần của doanh nghiệp giảm đi. Trường hợp này hay xảy ra với công ty kinh doanh kém hiệu quả. Công ty nên tìm tới các công cụ tài trợ khác để trợ giúp tốt hơn việc chấn chỉnh kinh doanh, sau này có thể tính tới công cụ tăng vốn bằng cách bán cổ phần.

Ưu điểm của việc tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu:

  • Một là, giảm sức ép nợ nần do không phải vay thêm vốn mà tăng vốn chủ sở hữu để tăng nguồn vốn thường xuyên bằng sự đầu tư của người góp vốn.
  • Hai là, tăng thêm tiềm lực tài chính của công ty bằng chính sức lực của cổ đông đồng thời cũng là tăng năng lực quản trị, điều hành của công ty cổ phần.
  • Ba là, việc phân chia cổ tức có thể chủ động hơn việc trả lãi đi vay do việc tự quyền quyết định của công ty dựa trên kết quả kinh doanh hàng năm.

Hạn chế của công cụ tài trợ bằng cổ phiếu:

  • Một là, phát hành thêm cổ phiếu sẽ tạo ra sự phân chia quyền lực trong công ty do số lượng cổ đông có quyền biểu quyết tăng lên.
  • Hai là, cổ tức chỉ được phân chia nếu có lãi và đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chứ không được tính vào chi phí kinh doanh như chi trả lãi vay. Vì vậy, nếu doanh nghiệp có lãi ít hoặc lỗ sẽ dẫn đến giảm hoặc hoãn chia cổ tức, gây ra phản ứng bất lợi nội bộ công ty.
  • Ba là, phát hành thêm cổ phiếu nếu hiệu quả kinh doanh không tăng tương ứng sẽ tạo ra sự giảm sút cổ tức của cổ đông cũ do phải phân chia cho cổ đông mới.

Các công ty cổ phần sử dụng hình thức tăng vốn bằng việc phát hành thêm cổ phiếu phải cân nhắc các mặt lợi hại trên đây trước yêu cầu phát triển của công ty.

4.6. Tài trợ từ lợi nhuận để lại của doanh nghiệp.

Theo qui định của pháp luật, doanh nghiệp kinh doanh có lãi hàng năm được trích lập ra các quỹ của doanh nghiệp, trong đó có các quỹ không chia như quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính. Các quỹ này trở thành nguồn vốn tái đầu tư của doanh nghiệp, sử dụng nguồn lực từ chính doanh nghiệp. Các công ty cổ phần có thể giảm bớt việc chia cổ tức, giảm bớt các quỹ khác để dành nhiều hơn phần lợi nhuận được để lại nhằm tăng nguồn vốn kinh doanh nhưng vẫn thuộc sở hữu của các cổ đông.

(Nguồn tài liệu: TS. Phạm Thanh Bình, Giáo trình tài chính doanh nghiệp, 2009)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.