Khái niệm hóa (Conceptualization) là gì?

0

Khái niệm hóa (conceptualization) là quá trình nhận thức, trong đó các phạm trù (hay khái niệm) và các thành tố cấu thành của chúng còn mơ hồ, chưa chính xác được định nghĩa bằng những thuật ngữ cụ thể, rõ ràng và chính xác.

Ví dụ, chúng ta thường sử dụng từ “định kiến” (prejudice) và thuật ngữ này gợi lên những hình dung khác nhau trong nhận thức của chúng ta, tuy nhiên, chúng ta có thể cảm thấy hết sức khó khăn để xác định chính xác thuật ngữ này có nghĩa là gì. Nếu ai đó nói những điều xấu về các chủng tộc khác, liệu đó có phải là định kiến về chủng tộc? Nếu phụ nữ được trả ít tiền hơn nam giới khi họ làm cùng một công việc, đó có phải là định kiến về giới? Nếu các con chiên tin rằng người không có niềm tin vào Chúa sẽ bị thiêu đốt trong địa ngục. Vậy đó có phải là định kiến tôn giáo? Có các loại định kiến khác nhau và chúng là những gì? Có những mức độ khác nhau của định kiến, chẳng hạn như sâu sắc hay chỉ một chút đỉnh? Trả lời tất cả những câu hỏi này là chìa khóa để đánh giá, đo lường một cách chính xác phạm trù “định kiến”. Quá trình nhận thức về những gì sẽ được bao hàm và những gì được loại trừ trong khái niệm “định kiến” chính là quá trình khái niệm hóa.

Quá trình hình thành khái niệm là điều kiện tiên quyết trong khoa học xã hội bởi vì trong thực tiễn có rất nhiều phạm trù thiếu chính xác, không rõ ràng và mơ hồ. Ví dụ, liệu “lòng từ bi” (compassion) có tương tự như “sự đồng cảm” (empathy) hay “sự thương cảm” (sentimentality)? Nếu bạn có một luận điểm nói rằng “lòng từ bi liên quan tích cực đến sự đồng cảm”, bạn không thể kiểm định luận điểm này trừ khi bạn phân biệt rõ ràng khái niệm “lòng từ bi” và khái niệm “sự đồng cảm”, sau đó đánh giá một cách chính xác bằng thực nghiệm hai phạm trù rất giống nhau này. Nếu những người sùng đạo tin rằng một số thành viên của xã hội, chẳng hạn như những người vô thần, người đồng tính và các bác sĩ   nạo phá thai, sẽ bị hoả thiêu trong địa ngục vì tội lỗi của họ, những con chiên này ngày đêm cố gắng thay đổi hành vi “tội lỗi” để tránh phải bị đày ải ở địa ngục. Vậy thì hành động của họ là đáng thương hay đáng trách? Định nghĩa về các phạm trù như vậy  không có bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào mà dựa trên quan niệm chủ quan của chúng ta về phạm trù đó.

Trong khi định nghĩa các phạm trù như “định kiến” hay “lòng từ bi”, cần nhớ rằng đôi khi, các phạm trù này là không có thật hoặc có khả năng tồn tại riêng rẽ, nhưng chúng được sáng tạo trong nhận thức của chúng ta. Ví dụ, có thể có một số bộ lạc trên thế giới họ không có định kiến với bất kỳ vấn đề gì; do đó họ không thể tưởng tượng được khái niệm này là gì. Nhưng trong nghiên cứu, cần phải xem các khái niệm này là có thật. Quá trình coi những phạm trù tinh thần có thật được gọi là vật thể hóa (reification). Đó là cơ sở để định nghĩa các phạm trù và xác định các biến đo lường để đánh giá chúng.

Một nhiệm vụ quan trọng khi khái niệm hóa các phạm trù đó là phải xác định chúng là đơn hay phức. Phạm trù đơn chỉ có một nghĩa và có thể đo lường, đánh giá chỉ bằng một kiểm định, ví dụ cân nặng của người, tốc độ gió. Trong khi đó, phạm trù phức chứa đựng hai hay nhiều khía cạnh. Ví dụ, khi khái niệm hóa phạm trù “năng lực học tập cá nhân”, phạm trù này bao gồm khả năng toán học và khả năng ngôn ngữ; vậy nên mỗi khía cạnh cần phải được đánh giá một cách riêng biệt, sau đó kết quả sẽ được tổng hợp để đưa ra kết luận cuối cùng về năng lực học tập của một người.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.