Nguyễn Cao – Còn mãi tinh thần với núi sông
Danh nhân Cách mạng Việt Nam Nguyễn Cao (1828- 1887) – Còn mãi tinh thần với núi sông .
Trưa nắng gắt. Người đàn bà đi ngang qua ruộng mía. Gió thổi lao xao. Đang bụng mang dạ chửa, nàng bước đi chậm rãi. Bốn bề vắng lặng.
Bạn đang xem: Nguyễn Cao – Còn mãi tinh thần với núi sông
Thoảng trong gió có tiếng ru hời vọng đến:
Người về em những khóc thầm
Bên song vạt áo ướt dầm như mưa
Nàng nâng vạt áo lên lau giọt lệ đang tràn qua khóe mắt. Mới ngoài hai mươi xuân nhưng chồng đã mất. Con ra đời sẽ không thấy mặt cha. Chỉ mới nghĩ đến đó, nước mắt nàng lại tuôn ra… Đột ngột lúc ấy, có tên lý trưởng đi ngược chiều. Thoạt nhìn thấy nàng, y đã cười thầm đắc ý trong lòng. Trước đây, nàng xinh đẹp nhất trong làng, nhiều trai làng ngấp nghé, nhưng không ai lọt vào mắt xanh của nàng, kể cả y. Giống như nhiều phụ nữ khác:
Không tham ruộng cả, ao điền
Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ
Nàng nhận lời cầu hôn của ông Nguyễn Hành. Dù vậy, sau khi chồng nàng mất, tên lý trưởng vẫn sai người tới ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ lẽ. Nàng từ chối khiến y rất hậm hực. Bây giờ, tình cờ gặp nhau chốn vắng vẻ như thế này, quả là dịp may hiếm có. Không kìm chế được y chận nàng lại tính giở trò sàm sỡ… Bàn tay y đã chạm vào ngực của nàng. Biết không thể chống cự được tên dâm đãng lại có chức sắc trong làng, nàng ôn tồn nói:
– Tôi là người góa bụa, mai kia cũng tái giá. Xin ông bình tâm đợi lúc đoạn tang chồng, tôi định bề gia thất cùng ông, từ đây đến lúc ấy cũng chẳng có gì phải vội. Phải đâu loại mèo mả gà đồng mà làm trò trên bộc dưới dâu. Làng trên xóm dưới biết chuyện thì họ cười chết!
Gái một con trông mòn con mắt, lại thêm giọng nói ngọt ngào, dịu dàng, đằm thắm thế kia khiến lý trưởng nguôi lòng… Y gật gù để nàng đi về.
Từ đó, trong lòng nàng mang mối hận.
Sau khi đã sinh con, rồi đoạn tang chồng nhưng nàng vẫn cự tuyệt lời cầu hôn của tên lý trưởng. Nàng âm thầm nuôi dạy con nên người. Lúc con mười hai tuổi nàng gửi xuống xã Liễu Ngạn, phủ Thuận Thành (Bắc Ninh) để nhờ thầy Nguyễn Gia Giao – vốn là bạn tâm giao với chồng nàng- rèn cặp.
Ngày kia, nhân ngày giỗ chồng, nàng làm bữa cỗ linh đình mời đông đủ họ hàng và quan viên trong làng đến dự. Riêng tên lý trưởng nhận được lời mời thì thấp thỏm mừng thầm trong bụng. Hơn mười năm qua y vẫn không ngừng đeo đuổi nàng, khi dụ dỗ, lúc cưỡng bức nhưng vẫn không đạt ý nguyện. Vậy bây giờ nàng đã đồng ý rồi chăng?
Xem thêm : 10+ Cách vẽ giày chuẩn đẹp, thời thượng nhất
Hương khói nghi ngút. Tiếng cười nói rộn rã. Lúc mọi người ăn uống no say xong, nàng thắp một tuần nhang vái trước bàn thờ chồng và dõng dạc nói với mọi người:
– Khi chồng mới mất, tôi đã bị lý trưởng giở trò sàm sỡ. Nghĩ đã thất tiết với chồng nên tôi muốn về nơi chín suối, nhưng ngặt một nỗi con còn nhỏ. Bây giờ, con đã lớn, việc nhà thu xếp đã xong, tôi tự quyết định chuyện của tôi với ông lý trưởng.
Vừa dứt lời, nàng vạch áo dùng dao cắt phăng bên nhũ bộ bị lý trưởng làm nhục và ném thẳng vào mặt y. Rồi tiện tay, nàng đâm dao vào cổ mình tự vẫn!
Ai nấy đều khiếp đảm.
Người đàn bà can đảm và tiết hạnh ấy là mẹ của Nguyễn Cao, người anh hùng chống Pháp có khí tiết lẫm liệt mà sau này khi tuẫn tiết Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần Nguyễn Quang Bích có thơ ca ngợi (Lê Xuân Mai dịch):
Nguy nan xử trí vẫn thung dung,
Chê kẻ tham sinh, giọng nói hùng.
Mắng giặc người xưa tròn phận chết,
Moi lòng ông cũng tỏ gan trung.
Biết bao thanh giá ngoài khoa bảng,
Còn mãi tinh thần với núi sông.
Quân giặc đứng trông đều hoảng sợ,
Mai này nước sẽ biểu dương ông.
Nguyễn Cao sinh năm 1828 (có tài liệu ghi ông sinh năm 1840 hoặc 1837) tại làng Cách Bi, tục gọi là làng Gạch, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh. Nhân cách của người mẹ có ảnh hưởng rất sâu đậm vối cuộc đời của ông sau này. Ngay từ nhỏ, ông đã có trí thông minh và học giỏi hơn người. Lúc tỉnh Bắc Ninh tổ chức khảo hạch để lập danh sách thí sinh được dự khoa thi Hương năm Đinh Mão, thì Nguyễn Cao ở xa nên không về kịp. Theo quy chế ông không được vào thi. Thế nhưng, do biết tài của ông nên Bang biện tỉnh vụ Bắc Ninh là Phạm Thận Duật đích thân nói quan Đốc học Đoàn Huyên châm chước cho trường hợp này. Quan Đốc học còn ngần ngừ, chưa dám quyết thì Phạm Thận Duật nói lớn:
– Nếu người này không được đi thi thì thủ khoa trường Hà Nội về ai?
Nghe lời quả quyết như thế, quan Đốc học đồng ý cho Nguyễn Cao được miễn kỳ thi phúc khảo, rồi nói với tỉnh đường ghi tên ông vào danh sách thi Hương. Quả nhiên năm 1867, Nguyễn Cao đã đậu đầu trong kỳ thi Hương Đinh Mão tại Hà Nội. Quý mến tài học của thủ khoa, bấy giờ Phạm Thận Duật có tặng cho hai câu thơ (dịch ):
Khoa Đinh Mão tên đề số một,
Người Quế Dương tài vượt tám ngàn.
Dù đậu cao, nhưng sau đó, ông không ra làm quan mà trở về quê mở trường dạy học. Khi giặc Pháp tiến quân đánh Bắc kỳ lần thứ nhất, năm 1873, Nguyễn Cao mộ được hơn ngàn nghĩa quân đánh Pháp ở Gia Lâm, Thuận Thành. Nhưng qua năm sau, triều đình Huế ký hòa ước thỏa hiệp, ông buộc phải giải tán nghĩa quân. Sau nhân ông có công lao trong việc đánh dẹp Thanh phỉ, triều đình ép ông giữ chức tri huyện Yên Dũng, rồi thăng tri phủ Lạng Giang. Ông làm quan rất thanh liêm, trong lời tâu về triều đình, quan tỉnh xác nhận: “Trộm khiếp sợ Nguyễn Cao như thần, dân chúng thân thiết như cha”. Thời gian này, ông có công trong việc khai hoang ở biên giới nên được thăng chức Bố chánh Thái Nguyên, rồi được giao đi kinh lý việc khẩn điền ở Nhã Nam (Bắc Giang).
Lúc thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ hai, ông lại đem nghĩa quân ra nghênh chiến. Đội quân của ông phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy trấn giữ miền Đông Bắc, đã tiến về đánh nhiều trận ở xung quanh Hà Nội và lập được nhiều chiến công. Ngày 18/5/1883, ông bị thương nặng trong một trận đánh ở Gia Lâm. Sau khi lành vết thương, ông được cử giữ chức Tán tương quân vụ Bắc kỳ – mà trong nhân dân thường gọi là ông Tán Cách Bi. Nhưng rồi lúc Bắc Ninh, Nhã Nam thất thủ, ông lánh về làng Kim Giang (nay thuộc huyện Ứng Hòa – Hà Tây) dạy học.
Xem thêm : Phương pháp Biện chứng và Siêu hình là gì? Sự đối lập của chúng
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương đánh Pháp, ông lặn lội lên chiến khu Bãi Sậy của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật để đứng vào hàng ngũ của những người trực tiếp chiến đấu. Trước sức mạnh hùng hậu của đội quân xâm lược nhà nghề, nghĩa quân kháng chiến dần dần thất thế. Ngày 27/3/1887, Nguyễn Cao bị giặc bắt tại làng Kim Giang. Dùng đòn tra tấn dữ dội nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của ông, chúng dụ dỗ ông nếu đồng ý hợp tác thì sẽ được quyền cao chức trọng, nhưng ông cũng kiên quyết từ chối. Trong khi đó, bọn Việt gian cam tâm ra làm trâu ngựa cho giặc hùa vào nói ông là kẻ bất trung, vì không nghe theo lệnh của vua bù nhìn Đồng Khánh đã ra lệnh phải bãi binh. Còn giặc thì đem dụng cụ tra tấn hiện đại nhất bày biện ra trước mặt để đe dọa ông. Thế nhưng, nét mặt vẫn điềm tĩnh không thay đổi, ông bảo:
– Không cần những thứ này đâu! Tôi có cách tự xử, không phiền đến các người đâu!
Ông lấy trong áo một mảnh sành đã giấu sẵn, tự rạch bụng lôi ruột ra ném trước mặt chúng và dõng dạc hỏi:
– Ruột của tôi đây! Các ngươi xem đoạn nào là bất trung !
Tất cả đều khiếp đảm!
Vẫn khí phách ấy, Nguyễn Cao đã mắng nhiếc bọn tay sai và tố cáo tội ác của giặc bằng lời lẽ đanh thép. Giây lát sau, từ miệng ông máu ra xối xả: ông đã cắn lưỡi để tự vẫn! Trước lúc về trời, Nguyễn Cao có để lại bài thơ Tự phận ca (Bài ca biết phận) bộc lộ tâm trạng bi phẫn của một tầng lớp nho sĩ trước thời vận mất nước (Lê Xuân Giáo dịch):
Ngán thay tạo vật, cho ta sống làm gì?
Đã không đi được ngàn dặm như ngựa ký
Lại không bay được lưng trời như chim le
Đã không bằng chim cắt một vút tầng mây xanh thẳm
Lại không bằng con báo từng giấu mình trong sắc rằn ri
Ngán thay tạo vật cho ta sống làm gì?
Phải chung sống ở trần cùng với loài dê chó
Không bằng để ta chết cho non sông mà làm ngọc anh quỳnh chi
Phải chung sống, khác nào u bướu nung núc hành thân khổ
Không bằng chết, mà cùng trời đất bát ngát nhẹ hồn mê…
Cái chết oanh liệt của ông đã kích động sâu xa đến lòng yêu nước của sĩ phu thời bấy giờ. Nhiều người đã làm thơ thương tiếc ông. Bài thơ của danh tướng Tôn Thất Thuyết khóc ông mà nay đọc lại ta cũng ứa lệ (Trần Huy Liệu dịch ):
Trước đây mười năm đã từng biết,
Trọn đời hẹn mình cho khí tiết.
Theo tôi đánh giặc, vùng Bắc Giang,
Nổi tiếng can đảm hơn đồng liệt.
Quyết lòng vì nước lập kỳ công,
Khá tiếc năm nay ông vội chết.
Như ông xem chết nhẹ như chơi,
Chí khí kịp theo các tiên triết.
Gần đây chết nghĩa biết bao người,
Tiếng ông Cách Bi trội hơn hết.
Hồn thiêng nên gắng giúp non sông,
Muôn thuở Đức Giang thơm sạch tuyệt.
Khí tiết lẫm liệt của Nguyễn Cao đã được lưu truyền từ dòng máu kiên cường của người mẹ.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Danh nhân Cách mạng Việt Nam, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức