Bạch Xỉ – Trăm năm tâm sự trời soi thấu
Danh nhân Cách mạng Việt Nam Bạch Xỉ (Đoàn Đức Mậu / Đoàn Chí Tuân) sinh năm 1855 tại làng Hòa Ninh, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Trong lịch sử Việt Nam có những nhân vật lạ lùng, dù sinh ra trong gia đình “thường thường bậc trung” nhưng họ lại tự xưng là…vua! Mà họ làm vua thật! Cũng có “bá quan văn võ”, cũng đặt “quốc hiệu”, cũng có “quốc kỳ” như một vương triều chính thống! Nhưng có điều “vương triều” này tồn tại không bao lâu, không có ảnh hưởng rộng lớn, không được chính sử nhắc đến. Đó là trường hợp của Phan Xích Long ở Nam kỳ hoặc Bạch Xỉ ở Trung kỳ… Tên tuổi họ còn sống mãi với non sông, vì đó chỉ là cớ chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc.
Bạn đang xem: Bạch Xỉ – Trăm năm tâm sự trời soi thấu
Bạch Xỉ tên thật là Đoàn Chí Tuân (còn có tên Đoàn Đức Mậu), sinh năm 1855 tại làng Hòa Ninh (nay thuộc xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch – Bình Trị Thiên), con trai của cụ Đoàn Chí Thông. Lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước và nổi tiếng thần đồng, thiên hạ đặt nhiều kỳ vọng vào Bạch Xỉ. Với biệt hiệu này có người giải thích là do ông sinh ra tại chùa Bạch Xỉ, nhưng cũng có cách lý giải là ông lấy câu sấm Trạng Trình: “Bạch xỉ sinh, thiên hạ thái bình”(bao giờ răng trắng mới có thái bình). Từ nhỏ, đi học nơi nào các thầy cũng cũng khâm phục trí nhớ siêu phàm của ông. Nhưng đến năm lên mười thì Bạch Xỉ bỏ học, về nhà đóng cửa đọc sách, tự học. Năm tháng trôi qua. Lúc ông lớn lên thì nước nhà đang đứng trước nguy cơ mất vào tay giặc Pháp.
Năm 1873, giặc tấn công Bắc kỳ. Năm 1883, giặc chiếm toàn bộ nước ta. Những người yêu nước đã nhìn thấy thực trạng: “Tình thế gian nguy/ Cơ đồ tan nát/ Cũng vì triều đình nhu nhược, tham sinh nên đã đầu hàng/ Để cho quân giặc tung hoành, thừa thế ra tay tàn sát.”. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương. Cũng như nhiều thanh niên đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, Bạch Xỉ ra đón xa giá phò vua giúp nước:
Trăm năm tâm sự trời soi thấu,
Sánh với người xưa đã rõ ràng.
Nhưng bấy giờ, danh tướng Tôn Thất Thuyết không trọng dụng Bạch Xỉ, ông bỏ về quê chiêu mộ nghĩa binh đánh Pháp. Ông lập căn cứ ở vùng núi phía Nam Quảng Bình, cùng kháng chiến với các tướng Hoàng Phúc, Cao Thượng Chí. Lúc này, Bạch Xỉ tròn 30 xuân. Có ông thầy bói tên Dư – rất nổi tiếng ở làng Dương Phổ, hạt Hương Khê khuyên ông nếu lấy vợ trong thời gian này thì sẽ gặp người “vượng phu ích tử”, rất tốt cho đường công danh về sau. Nghe những lời “tán” ấy, Bạch Xỉ chỉ cười ha hả và buột miệng đọc:
Nằm không ngủ, ăn không ngon,
Khăng khăng đêm ngày dạ sắt son.
Đã nghĩ một mình nên lấy vợ,
Nhưng thương muôn họ thẩy là… con!
Giọng thơ có khẩu khí rất… “hoàng đế” này xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác văn học của Bạch Xỉ! Rồi, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã chiêu mộ được khá đông thanh niên trong làng tụ họp dưới ngọn cờ xướng nghĩa của ông. Cũng tương tự như “hoàng đế” Phan Xích Long, Bạch Xỉ tung tin rằng mình là người giỏi pháp thuật. Nếu nghĩa quân Phan Xích Long khi xông trận mặc quần đen, áo trắng, cổ đeo bùa, miệng đọc thần chú, tay cầm giáo mác dũng cảm đối đầu với hòn tên mũi đạn thì nghĩa quân của Bạch Xỉ chỉ lấy quạt và gậy làm vũ khí, quạt phẩy làm cho địch mê man rồi lấy gậy đập chết! Trước lúc ra trận, ông gieo quẻ âm dương, dùng Kinh dịch để phán đoán tình hình địch và quyết định giờ giấc, hướng xuất quân! Bên cạnh đó, Bạch Xỉ còn làm khá nhiều thơ để động viên tinh thần nghĩa quân với giọng khẩu khí. Chẳng hạn, chỉ là chuyện Quét nhà, nhưng ông hạ bút:
Chỉ sợ muôn dân nhuốm bụi hồng,
Ra tay một trận quét sạch không.
Đền từ quét tước thêm vui mắt,
Đài các vào ra mới thỏa lòng.
Lũ kiến bất tài xua mái bắc,
Đoàn trùn vô dụng gạt tường đông.
Từ nhà mà nước, mà thiên hạ,
Cũng có tay mình mới sạch trong.
Hoặc chỉ là Bới khoai, nhưng lại là:
Xâm lấn đất ta đã bấy nay,
Xem thêm : Quy định trợ cấp thôi việc cán bộ
Anh hùng gặp hội quyết ra tay.
Nhỏ to những mấy vơ ngang củ,
Dài vắn bao nhiêu bứt cả dây.
Không chỉ riêng nghĩa quân mà ngay cả Bạch Xỉ khi sống trong rừng núi với biết bao thiếu thốn, gian khổ, lại bệnh sốt rét, ghẻ lở… nên phải bôi thuốc vàng khắp người. Vậy mà, ông lại tức cảnh làm thơ cứ như là người Tiên, người Phật:
Đi ra ăn khắp nước Lào – Mường,
Tốt phúc trời cho được phát sang.
Đội lốt phong trần, Tiên vẻ ngọc,
Thêm duyên công đức, Bụt mình vàng.
Rồi phong trào kháng chiến ở Quảng Bình thất bại, ông ra Hà Tĩnh hoạt động ở vùng núi rừng Vụ Quang, Đại Hàm (Hương Sơn). Sau khi vua Hàm Nghi bị giặc bắt, ông tin rằng vận số đã đến với mình nên tự xưng là Đại hoàng đế, đặt niên hiệu Văn Lượng. Trong các công văn gửi cho dân miền núi quanh vùng, ông ký tên Văn Lượng hoàng đế, còn khi viết thư riêng, ông ký tên Nhiễu Long tiều tử. Khi Bạch Xỉ đi đâu thì cũng có 28 thủ hạ đi theo – gọi là nhị thập bát tú hộ vệ sao Tử vi! Sắp xếp xong công việc của “triều đình”, Bạch Xỉ truyền hịch kêu gọi toàn dân bất kể lương hay giáo đều phải có nhiệm vụ tham gia kháng chiến. Trong suốt sáu năm trời ròng rã đánh nhau với giặc, Bạch Xỉ đã tổ chức đội ngũ của mình thành bốn vệ tiền, hậu, tả, hữu rất có thanh thế trên cùng chiến trường với nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng. Trong bài thơ tặng cụ Phan, ông khiêm tốn hạ mình (Cố Nhi Tân dịch):
Nghĩa liệt tướng quân vang bốn cõi,
Xin theo bên ngựa đỡ dây cương.
Hai nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang và Đoàn Tiến Khứ có cho biết một vài trận khá tiêu biểu của Bạch Xỉ: “Đầu tháng 1/1891, địch tiến hành một cuộc càn lớn kéo dài 15 ngày vào huyện Hương Khê đến đèo Quy Hợp không gặp một lực lượng nào đánh trả. Nghĩa quân Bạch Xỉ tổ chức một trận phục kích khi chúng trở về tả ngạn Ngàn Sâu ngay bến đò Thanh Luyện. Nghĩa quân mai phục, núp trong các lùm cây, chờ cho phần lớn quân địch đã qua sông, số còn lại cởi súng nghỉ trên bờ chờ đò, thì bất thần dùng cung nỏ bắn tên độc vào quân địch. Một số địch bị tên độc la hét, nghĩa quân nhảy ra dùng kiếm, đoản đao giết, cướp súng. Một số nghĩa quân khác dùng súng trường bắn bọn đã qua đò toan quay lại. Quân địch chết và bị thương gần hết. Nghĩa quân đánh nhanh rút gọn làm cho bọn địch đã qua sông không quay lại kịp. Trận phục kích này, nghĩa quân thu được 9 súng và rút lui an toàn.
Ngày 4/3/1891, nhân ngày phiên chợ, tên thiếu úy Pháp đưa lính ra sục sạo chợ phiên. Một cơ sở nội ứng của nghĩa quân là lính khố xanh đã rủ được khá đông quân lính địch ra chợ ăn uống no say nên số lượng trong đồn còn lại rất ít. Thế là 50 nghĩa quân giả trang ập vào đồn. Quân địch phản ứng không kịp, nghĩa quân dùng đoản dao giết giặc, cướp súng. Bên ngoài, một số nghĩa quân cũng giả trang bắn yểm hộ. Nhờ có nội ứng nên chỉ trong vòng mấy phút, nghĩa quân đã cướp được 11 khẩu súng, rút lui an toàn.
Qua trận này, nghĩa quân Bạch Xỉ liền khuếch trương thắng lợi. Họ càng đề cao tài mưu lược và chỉ huy của chủ tướng – nhất là nhấn mạnh pháp thuật cao cường của ông và tài “xuất quỷ nhập thần” của nghĩa quân.
Nhưng phong trào Cần vương ở Hương Sơn, tiêu biểu nhất là vẫn cuộc trường kỳ kháng chiến của cụ Phan Đình Phùng. Trước sức mạnh của vũ khí tối tân của giặc, cụ ý thức phải vận dụng khoa học kỹ thuật để đúc súng hiện đại thì mới có thể chống chọi lại được với chúng. Người giúp cụ thành công trong việc sáng chế ra súng trường không thua gì súng của Pháp là danh tướng Cao Thắng. Do đó, khi Bạch Xỉ tung tin mình giỏi phép thuật, dùng tà thuật mà diệt giặc thì cụ Phan ghét lắm. Cụ sợ tà thuyết làm loạn nghĩa binh và mê hoặc nhân tâm nên đã có lần, cụ sai người đi bắt Bạch Xỉ.
Có lẽ do thông tin này bị lộ ra ngoài, nên Bạch Xỉ đã biết trước. Khi nghĩa quân của cụ Phan dò thám biết ông đang trú quân ở núi Đại Hàm, liền tổ chức vây bắt. Nhưng lúc vào tận nơi chỉ thấy năm gian nhà mới cất, trống trơn và vắng tanh như chùa Bà Đanh! Họ bước vào trong khu nhà lớn nhất, thấy có treo bài thơ sơn son thếp vàng:
Xẻ giữa rừng xanh nổi nóc nhà,
Mà cho bốn biển ngưỡng trông ta.
Khoan thai rũ áo ngồi vui vẻ.
Nào khác đến Nghiêu những mấy tòa.
Hai bên cột còn treo hai câu đối:
Vận hội nửa ngàn mây gặp đó;
Công danh bốn biển kém gì đâu.
Xem thêm : Sao Hải Vương (Neptune) là gì? Cấu trúc, vệ tinh, hình ảnh
Còn Bạch Xỉ đã trốn thoát tự bao giờ rồi! Vì thế mọi người càng tin ông có tài độn thổ, biết trước mọi việc! Sau đó, Bạch Xỉ bỏ núi Đại Hàm, xây dựng căn cứ kháng chiến nơi khác và tiếp tục đánh thắng nhiều trận khác. Thật ra, có được những thắng lợi đó một phần do nghĩa quân hùng hậu của cụ Phan Đình Phùng đang tập trung lực lượng đánh những cứ điểm quan trọng của giặc, khiến chúng phân tán lực lượng, không thể tập trung binh mã đối phó. Do đó, năm 1895, cụ Phan bị bệnh từ trần thì lực lượng kháng chiến của Bạch Xỉ cũng suy yếu dần. Thế nhưng dù chiến đấu không cân sức với giặc, lúc nào Bạch Xỉ cũng lạc quan như trong bài thơ Tế thế yên dân, ông viết những câu thơ sảng khoái, mạnh mẽ lạ thường:
Đủng đỉnh túi kinh luân thao lược
Đem quách ra mà tế thế yên dân
Kéo ngân hà rửa sạch hồng trần
Cho bốn bể non xanh mà nước biếc
Nhất điểm trung can huyền nhật nguyệt
Thiên thu chính khí tác sơn hà
Chén đào viên ta sẽ rót cùng ta
Nguyền sinh tử, tử sinh khôn biến đổi
Ngoài ngàn dặm vó long câu rong ruổi
Trong một nhà tôi chú anh em
Danh chẳng thèm mà lợi cũng chẳng thèm
Mở mặt anh hùng trong vũ trụ
Thân bách niên mà danh ở vạn cổ
Nức hơi thơm còn mãi mãi về sau
Bấy giờ, thực dân Pháp đang tập trung binh mã quyết xóa sổ căn cứ Vụ Quang, Đại Hàm, Ngàn Trươi… của cụ Phan. Nghĩa quân kháng chiến tan tác cả. Trong bước đường cùng, Bạch Xỉ trốn xuống làng Trung Định. Do có kẻ chỉ điểm nên chúng xộc vào làng. Nghĩa quân phản kích lại dữ dội. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài mấy giờ liền. Chúng đã bắn chết 27 tay súng thiện chiến đang bảo vệ Bạch Xỉ, 3 dân làng rồi bắt một chánh vệ, một phó vệ cùng 60 nghĩa quân và một số đông thường dân. Lúc chúng xộc vào chỗ nấp thì Bạch Xỉ đang sốt rét li bì, nằm bên nồi khoai lang bốc khói nghi ngút!
Bắt được ông, chúng lập tức khiêng về giam ở nhà lao Vinh. Biết được uy tín của ông trong quần chúng nên giặc càng ra sức mua chuộc. Chúng sai Tổng đốc An Tĩnh là Hồ Lệ – vốn là bạn từng xướng họa thơ văn với ông đến thuyết phục. Nhưng mọi lời lẽ đường mật đều không lọt vào tai người yêu nước. Bất lực trước bản lĩnh của ông, Lệ mỉa mai bằng một câu đối:
– Thương người răng trắng gặp hồi đen !
Vế đối quả là độc ác, từng chữ trắng – đen trong câu đã đối với nhau chan chát. Đang bệnh, nghe vậy, Bạch Xỉ chồm người dậy, ông mắng ngay cũng bằng một vế đối:
– Đau kẻ lòng son ôm máu đỏ.
Biết khí phách ấy, Lệ tẽn tò cút mất! Ít lâu sau, giặc bí mật thủ tiêu Bạch Xỉ. Tỏ lòng thương tiếc chủ tướng từng xông ra trước hòn tên mũi đạn “Anh hùng gặp hội quyết ra tay”, một phụ tá thân tín là Nguyễn Ngọc Hiền đã đứng ra tập hợp nghĩa quân để tiếp tục kháng chiến…
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Danh nhân Cách mạng Việt Nam, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức