Mạc Đĩnh Chi – Chính là sen ở giếng vàng đầu non

0

Vào thế kỷ thứ XIII tại làng Lũng Động, huyện Chí Linh (Hải Dương) có đôi vợ chồng ngoài bốn mươi xuân, nhưng vẫn chưa sinh con trai.

Họ đi cầu tự tại đền Chử Đồng Tử ở Hưng Yên. Tối hôm đó, người vợ nằm ngủ mơ thấy một vật sáng quắc từ trên trời cao rơi xuống giữa nhà, rồi hóa thành một con hầu (khỉ) chạy vào trong lòng. Giật mình tỉnh dậy, người vợ đem chuyện này kể cho chồng, nghe xong, ông nói:

– Cứ như mộng này thì tất có tin mừng, có lẽ sẽ được quý tử.

Không rõ có phải vậy không mà năm 1272, người đàn bà đó sinh ra đứa con trai có tướng mạo xấu xí, lại sinh nhằm giờ, ngày, tháng thuộc Thân nên mọi người càng tin là hầu tinh giáng thế. Đó là những truyền thuyết dân gian truyền tụng về Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên đời Trần. Nhưng có điều chắc chắn, Mạc Đĩnh Chi thuộc dòng dõi Mạc Hiển Tích – Trạng nguyên đời Lý. Ngay từ nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người. Cha ông mất khi ông mới lên 5 tuổi. Bấy giờ, có hoàng tử nhà Trần là Chiêu Quốc Công mở trường dạy học, ông được mẹ dẫn đến xin nhập học. Do tướng mạo xấu xí nên Mạc Đĩnh Chi thường bị bạn bè chê bai, trêu chọc, chỉ riêng thầy mới biết ông là người phi thường hơn thiên hạ. Thật vậy, ông học một biết mười, học đâu nhớ đấy, nổi tiếng là thần đồng. Do đó Chiêu Quốc Công đem lòng yêu mến, muốn nuôi ở luôn trong nhà cho ăn học để làm bạn đọc sách với các công tử. Nhưng Mạc Đĩnh Chi vốn có hiếu, học xong là ông xin phép thầy để về nhà giúp đỡ cho mẹ, chứ không chịu ở luôn tại trường.

Đền thờ Mạc Đỉnh Chi (1272-1346) tại Hải Dương

Nhà nghèo, mẹ thường đi hái củi bán để lấy tiền nuôi Mạc Đĩnh Chi ăn học. Do đó, ông không yên lòng khi mẹ phải vất vả vì mình và nét buồn thường hiện trên mặt. Chiêu Quốc Công lấy làm lạ một hôm gặng hỏi thì ông thành thật thưa hết mọi chuyện với thầy. Cảm động vì cậu học trò nhỏ có hiếu và học giỏi, Chiêu Quốc Công cho đón cả mẹ con Mạc Đĩnh Chi về nuôi. Ngược lại từ khi ở nhà thầy, Mạc Đĩnh Chi cũng hết lòng thờ thầy, sớm khuya hầu hạ, chẳng khác gì con đối với cha.

Năm 1304, ông thi đậu Trạng nguyên, nhưng vua Trần Anh Tôn thấy tướng mạo xấu xí nên không hài lòng và cũng không muốn cho đậu! Biết ý của vua, ông bèn dâng lên bài Ngọc tỉnh liên phú để tự ví mình như sen trong giếng ngọc:

Giống quý ấy ta đây có sẵn
Tay áo này ta chứa đã lâu
Phải đâu đào, lý thô màu
Phải đâu mai, trúc dãi dầu tuyết sương
Cũng không phải tăng phường câu kỷ
Cũng không là Lạc Thủy mẫu đan
Cũng không là cúc, là lan
Chính là sen ở giếng vàng đầu non.

Bài phú với từng dòng như châu như ngọc, khiến vua xem xong phải ngợi khen không tiếc lời và cho ông đậu Trạng nguyên. Khi vua hỏi đến chuyện trị nước, ông đều đối đáp trôi chảy và được vua ban làm Hàn lâm Đại học sĩ, ít lâu sau lại thăng làm Đại liêu bang – đứng đầu bá quan.

Ông làm quan dưới ba đời vua Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông được người đời khen là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Có lần để thử Mạc Đĩnh Chi, vua Minh Tông nửa đêm sai người bí mật đem đặt mười quan tiền trước cửa nhà ông. Tờ mờ sáng hôm sau, sau khi thức dậy ngồi uống trà và đọc sách, ông rảo bước ra sân thì thấy những đồng tiền đó. Ông hỏi láng giềng chung quanh có ai đánh rơi thì đến nhận lại. Không ai nhận cả.

Khi vào chầu, ông đem số tiền nhặt được tâu với nhà vua và nộp vào công quỹ. Nhà vua lắc đầu:

– Nếu không có ai nhận, mà tiền lại ngay trước cửa nhà khanh thì đó là tiền của khanh. Vậy việc gì phải nộp vào công quỹ?

Ông khẳng khái:

– Tâu bệ hạ, nếu thần đổ công sức thì đó mới là tiền của thần. Bỗng dưng có được số tiền lớn này, không phải do lao động cật lực mà có thì thần không dám nhận.

Đức tính thanh liêm ấy của ông được người đời khen ngợi mãi. Dù làm quan cao, chức trọng nhưng ông vẫn sống bình dị. Không chỉ là vị quan thanh liêm, Mạc Đĩnh Chi còn nổi tiếng về đối đáp ngoại giao giỏi. Khoảng năm 1314, ông được cử làm Chánh sứ đi sang Trung Quốc. Khi khởi hành đã có công văn thông báo, hẹn ngày để quân Tàu mở cửa ải nghinh tiếp. Nhưng vì thời tiết xấu, phái đoàn ta không đến đúng hẹn, vài ngày sau mới đến nơi thì quân Tàu đóng cửa ải không cho vào. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi phải khẩn cầu mãi, cuối cùng quan coi cửa ải ra điều kiện: nếu đối được một câu đối thì sẽ mở cửa cho qua, bằng không thì… quay lui! Mạc Đĩnh Chi chấp thuận. Quan coi cửa ải đọc:

– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan; (Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan).

Oái oăm của câu đối này là chỉ 11 chữ mà có đến 4 chữ “quan” lại nói đúng hoàn cảnh lúc bấy giờ. Không ngờ, khi họ vừa dứt lời thì Mạc Đĩnh Chi đối lại ngay:

– Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước).

Câu đối lại cũng đủ 4 chữ “đối” và cũng phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ khiến quan Tàu phải cúi đầu khâm phục cho tài mẫn tiệp, đối đáp khôn khéo của quan Trạng nước ta. Cửa ải liền được mở rộng cho đoàn sứ bộ nước ta đi qua. Trong thời gian ở kinh đô Trung Quốc, có lần ông đến phủ Tể tướng nhà Nguyên, thấy trên tường có bức trướng thêu con chim sẻ đậu trên cành trúc, nghệ thuật thêu đạt đến mức hoàn hảo nhìn như thật. Mạc Đĩnh Chi cũng tưởng nhầm nên đưa tay lên định bắt khiến mọi người cười òa chế giễu. Không một chút nao núng, ông liền cầm bức trướng ấy ném xuống đất, nói:

– Tôi nghe người ta thường vẽ chim sẻ đậu cành mai, chứ không thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc. Hỡi ôi! Chim sẻ là tiểu nhân, cành trúc là quân tử, tại sao lại cho tiểu nhân ở trên quân tử? Tôi sợ đạo tiểu nhân ngày một thịnh, đạo quân tử ngày một suy nên vì thánh triều mà trừ bỏ điều xấu ấy đi!

Tể tướng nhà Nguyên biết ông chữa thẹn, nhưng cũng phục tài biện bác rất chí lý ấy nên không nỡ giận. Đến khi vào chầu Nguyên Thế Tổ, nhân sứ thần các nước dâng cái quạt, vua Nguyên cho các sứ thi tài với nhau: đề tài là “Phiến minh” để vịnh cái quạt. Một tiếng trống gióng giả vang lên, ông chưa kịp suy nghĩ thì đã thấy sứ thần Cao Ly cắm cúi viết (dịch ý):

– Khi nóng bức thì quạt đắc dụng như Y Doãn, Chu Công, Khi mùa đông giá rét thì quạt xếp xó như Bá Di, Thúc Tề.

Mạc Đĩnh Chi nhanh trí triển khai tứ thơ đó thành bài thơ tuyệt hay (dịch ý):

– Lúc chảy vàng nung đá, trời đất nóng như lò lửa thì lúc ấy chiếc quạt như Y Chu được đắc dụng,

Khi gió rét lạnh lẽo, mưa tuyết ngập đường thì quạt nào khác gì Bá Di, Thúc Tề chết đói trên núi Thủ Dương mà không ai biết đến. Than ôi! Ai dùng thì làm, không dùng thì để đó,

Chỉ có ta với ngươi là vậy.

Với bài thơ này, vua Nguyên phải khâm phục mà phong cho ông làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên của hai nước). Tiếng tăm của Mạc Đĩnh Chi càng lừng lẫy nhưng cũng khiến cho nhiều quan Tàu tỏ ý ghen ghét. Gặp lúc nàng công chúa yêu của vua qua đời. Vua Nguyên vời ông vào đọc văn tế. Khi các quan đưa cho ông tờ văn tế, điều hiểm hóc khó hiểu là trên đó chỉ có bốn chữ “nhất”. Biết người ta thử tài mình, ông ứng khẩu đọc ngay (dịch):

Trời xanh một đám mây
Lò hồng một giọt tuyết
Vườn thượng uyển một cành hoa
Cung quảng hàn một vầng nguyệt
Than ôi! Mây tán! Tuyết tiêu!
Hoa tàn! Trăng khuyết!

Ai nghe cũng phải khen là hay. Bốn câu trên câu nào cũng có chữ “nhất” ví dung nhan người đã mất, hai câu sau tỏ ý khóc than thương tiếc!

Tương truyền trong thời gian ở Trung Quốc, nhiều quan Tàu đã thử tài với ông. Có lần quan Tàu ra câu:

-Vy, ly, võng, lượng, tứ tiểu quỷ;

(Quỷ Vy, quỷ Ly, quỷ Võng, quỷ Lượng là bốn thằng tiểu quỷ);

Vì bốn chữ này đều có một chữ quỷ đứng bên, ngụ ý chê ông xấu như quỷ. Không ngờ, Trạng đối ngay:

– Cầm, sắt, tì, bà bát đại vương.

(Đàn cầm, đàn sắt, đàn tì, đàn Bà là tám vị đại vương).

Bốn chữ này mỗi chữ đều có hai chữ vương, ông ngụ ý mình chẳng hèn kém, cũng bậc đại vương. Nghe câu đối của ông, quan Tàu phải chịu là ứng đối giỏi. Để chê bai giọng nói của người nước ta, quan Tàu lại ra câu đối:

– Quích tập chi đầu đàm Lỗ Luận: tri tri vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri;

(Chim đậu đầu cành đọc sách Lỗ Luận, biết thì bảo là biết, chẳng biết bảo chẳng biết, ấy là biết đó);

Câu này chơi âm “tri tri” để chỉ tiếng nói của ta ríu rít như chim.

Mạc Đĩnh Chi cũng không phải tay vừa, ông đối ngay:

– Oa minh trì thượng độc Châu Thư: lạc dữ độc lạc nhạc, lạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc.

(Chẫu chuộc trên ao đọc sách Châu Thư: cùng ít người vui nhạc, cùng nhiều người vui nhạc, đằng nào vui hơn).

Ở đây, ông Trạng của ta đã dùng âm “lạc nhạc” để nhạo lại người Tàu nói ồm ộp như chẫu chuộc! Tài trí của ông khiến quan Tàu nể phục, phải từ bỏ ý định thử tài. Có lần, ông cưỡi lừa đi ngắm cảnh trong kinh thành. Đang nghênh ngang đi và ngắm nhìn cảnh vật, ngờ đâu chạm phải quan Tàu cưỡi ngựa đi phía trước. Người này bực mình quay lại quát một câu láo xược:

– Xúc ngã kị mã, Đông di chi nhân dã, Tây di chi nhân dã?

(Chạm ngựa ta đi là người rợ phương Đông hay là người rợ phương Tây?)

Với câu hỏi xấc xược, lấy ở sách Mạnh Tử hai chữ “Đông di” để chỉ người mọi rợ, Mạc Đĩnh Chi bực mình, đáp lại thẳng thắn:

– Át dư thừa lư, Nam Phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư?

(Ngăn lừa ta cưỡi, hỏi người phương Nam mạnh hay người phương Bắc mạnh?)

Quan Tàu tái mặt bởi Mạc Đĩnh Chi đã lấy hai chữ “Nam phương” trong sách Trung Dung – lời lẽ ngang tàng ý bảo chưa chắc người phương Bắc mạnh hơn phương Nam! Thái độ của ông Trạng nước ta thật rạch ròi và cứng cỏi. Trong đời mình, Mạc Đĩnh Chi hai lần đi sứ, nhưng lần nào ông cũng đối đáp thông minh, lịch thiệp khiến người phương Bắc phải kính nể. Có lần vua Nguyên muốn thăm dò khí tiết của ông bèn ra câu đối:

– Nhật hỏa, vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ;

(Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng).

Vua Nguyên tự kiêu ví mình là mặt trời, coi nước ta như vầng trăng, ban ngày nhất định phải bị mặt trời thôn tính! Không một chút nao núng, ông đối lại chan chát từng câu từng chữ:

– Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. (Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời).

Vua Nguyên ra câu đối đã giỏi, nhưng người đối lại còn giỏi hơn bội phần. Mỗi câu đều ăn miếng trả miếng cực kỳ chính xác khiến vua Nguyên rất đau, nhưng không có cách gì bắt bẻ được! Sau khi đi sứ về, Mạc Đĩnh Chi được thăng chức Tả bộc xạ (tương đương với Thượng thư), thời gian này (1313) ông đã chỉ đạo việc xây dựng lại quy mô chùa Dâu ở Thuận Thành. Vua Trần Anh Tôn tôn trọng ông thường gọi là Tiết Phu, chứ không gọi tên. Dù ngất ngưởng trên danh vọng, nhưng ông vẫn liêm khiết, ăn mặc thường giản dị. Có lần vua ái ngại hỏi:

– Trẫm nghe nhà Trạng túng, nếu có thiếu gì thì cứ nói, trẫm sẽ tư cấp thêm.

Mạc Đĩnh Chi cúi đầu tâu:

– Hạ thần trên nhờ ơn vua dưới nhờ lộc nước, vợ con không phải đói rét là may, đâu dám cầu vinh thân phì gia để thêm mang tội.

Một trang trong tác phẩm Thuyết Mạc viết về Mạc Đĩnh Chi của Đinh Gia Thuyết in năm 1925

Xin bệ hạ đừng thương hạ thần nghèo, chỉ xin thương lấy muôn dân, giữ nghiệp tổ tông, sửa sang chính trị, khiến lũ hạ thần được làm hết chức trách bày tôi, đó là ước nguyện của hạ thần. Ước nguyện ấy thực hiện được thì hạ thần dẫu áo vải cơm rau cũng là đủ. Nếu ước nguyện ấy không được thực hiện thì hạ thần dẫu mỹ vị cao lương, áo quần gấm vóc, ngựa xe trăm cỗ, nô bộc ngàn người thì cũng là thiếu. Cúi xin bệ hạ xét cho!

Trong đời thường, Mạc Đĩnh Chi đã sống đúng như thế. Tương truyền ông có viết Giáo tử phú (bài phú dạy con): “Miễn được an nhàn. Trọng pháp kính thầy. Thí bần tác phúc. Ăn cơm phải bữa. Ai đói thì cho. Bớt miệng xui lòng. Mỗi người một chút. Kim cương thường đọc. Bố thí làm duyên…” mà nay đọc lại vẫn còn thấy đúng. Năm 1339, Mạc Đĩnh Chi dâng sớ xin về hưu trí. Vua Trần Hiến Tôn xem ông là quốc lão nguyên huân lại là thầy dạy học nên năn nỉ ông ở lại, nhưng ông vẫn cố xin. Bất đắc dĩ, vua phải chấp thuận. Lại sai người đưa về đến tận làng và gia tặng Hầu tước. Về quê, Mạc Đĩnh Chi dựng am ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh) ngày ngày vui thú điền viên, dạo chơi danh lam thắng cảnh, lấy chữ nhàn làm vui. Trong đời mình, Mạc Đĩnh Chi làm nhiều thơ nhưng nay hầu hết đều thất lạc. Ngoài Ngọc tỉnh liên phú, nay chỉ còn lại bốn bài thơ truyền lại cho đời sau. Qua những thi phẩm này, chúng ta thấy được khí tiết cao đẹp của ông. Khi nói Đào Tiềm không vì “đấu gạo phải khom lưng” thì chính ông cũng bộc lộ tư tưởng:

Nhàn khoáng ấy tính trời
So đâu kẻ đua đòi
Gẫy lưng vì đấu gạo
Treo ấn bỏ quan thôi
Đạm bạc, cúc một giậu
Lưa thưa, liễu dăm chồi
Nghìn năm sau mờ mịt
Danh tiếng cảm đến tôi
(Huệ Chi dịch)

Bia thờ Mạc Đỉnh Chi mới phát hiện tại xã Thanh Quang, huyện Nam Sách (Hải Dương)

Mạc Đĩnh Chi mất năm 1346 dưới đời vua Trần Dụ Tông. Vua thương tiếc sai các quan về dụ tế, lại truy tặng làm phúc thần, cấp tiền cho dân sở tại dựng đền thờ tại Lũng Động nay là Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Thanh, Hải Dương.

(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.