Nguyễn Bá Lân – Ngự sử đức tài xứng kỳ chức
Dòng sông Hồng cuồn cuộn sóng. Trời về chiều. Một chiếc đò chở hai cha con ông Nguyễn Công Hoàn đang xuôi về làng Cổ Đô – nơi nổi tiếng về nghề dệt lụa mà ca dao còn ghi “Chính tông lụa cống các cô ưa dùng”. Nhìn về bên kia sông, thấy đàn dê đang đi nhởn nhơ, ông Hoàn bảo với cậu con trai:
– Này! Con có thấy gì không? Cha ra bài phú với đầu đề là “Dịch đình dương xa phú” (Bài phú xe dê cung cấm). Nếu sang bờ bên kia, cha làm xong trước mà con chưa xong thì cha sẽ ném con xuống sông; còn nếu con làm xong trước thì con cứ việc xô cha xuống sông. Cha không trách con đâu!
Bạn đang xem: Nguyễn Bá Lân – Ngự sử đức tài xứng kỳ chức
Nghe cha nói thế, cậu con trai ậm ừ gật đầu. Hơn ai hết cậu biết tính nghiêm khắc của cha. Dù vậy, cậu cũng cố nhẩm trong đầu cho xong bài phú. Khi chiếc đò cập bến, cậu đã làm xong bài phú, nhưng cha cậu chỉ mới làm một nửa. Chẳng lẽ phải xô cha xuống sông sao? Nghĩ vậy, cậu ngần ngừ không dám đọc. Đến khi người cha làm xong bài phú thấy con vẻ mặt đăm chiêu, tưởng cậu chưa làm xong liền đánh cho một trận. Cậu con trai đành phải nói ra và đọc cho cha nghe. Bài phú của cậu nổi tiếng đến nỗi mà sau này người ta truyền tụng là “Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang”. Thế là người cha tự nhảy luôn xuống sông, tự bơi vào như đã giao hẹn trước với con trai. Tính tình của ông Hoàn là vậy. Dù học giỏi, văn hay chữ tốt, nhưng nhiều lần thi trượt nên ông dồn hết tâm trí để rèn cặp cho con với thái độ nghiêm khắc. Ngay cả vợ ông cũng chia xẻ với suy nghĩ của chồng và từng dặn dò cậu con trai:
– Ta là đàn bà không hiểu văn chương nông sâu ra sao, chỉ biết ông nội dạy cha con đến thành danh. Những gì là sở trường trong lòng cụ truyền hết cho đấy, nhưng do học lực chuyên cần hay nới lỏng mà kết quả sự nghiệp cũng khác. Thế mới biết, trời không phụ công người chăm đọc sách. Lời ngạn ngữ từ xưa không phải nói ngoa, vả lại ta thấy cha con từ sau khi đỗ thi Hương thì ngày đêm làm bạn với đèn sách, thế mà liên tiếp đi thi còn chưa thể tranh được đầu bảng, không rõ các vị đỗ đầu bảng họ còn chăm chỉ đến thế nào? Con nên kịp thời lo việc học hành gắng sức cho công phu, chớ mê mải chuyện khác, đừng thấy mình còn kém mà thoái lui, đừng thấy đã khá mà tự cao, mục tiêu lớn hay nhỏ cũng phải gắng công giành lấy. Cửa trời tuy rộng mở nhưng chưa chắc ai cũng tới được. Cứ phải gắng lên như đào giếng sắp tới mạch, đắp núi đã gần xong, con người phải gắng lên cho tới đích. Nếu chẳng được làm quan trong triều thì cũng làm thầy dạy học, như vậy cũng trả được món nợ của người đi học, mà tiếng nhà không mai một, con còn trẻ hãy ghi nhớ lời ta!
Những lời mẹ dạy đã khiến cậu ghi nhớ nằm lòng. Rồi lần nọ, hai cha con cùng thi nhau học kinh sử, ông Hoàn bảo vợ đặt cây roi mây bên cạnh bàn học và bảo với con:
– Mày ngủ gục thì tao đánh mày, tao ngủ quên thì mày đánh tao.
Với lời giao ước như thế nên cậu con trai chăm chú học. Đêm đã khuya. Ngoài vườn hoa ngọc lan dìu dịu hương thơm, tiếng dế kêu rả rích… Hai mắt nặng trĩu nhưng cậu vẫn không dám chợp mắt. Lát sau, nhìn sang, bên cạnh thì đã thấy cha úp mặt vào trang sách ngáy khò khò. Thấy cha mệt mà ngủ quên đi, cậu không dám cầm roi đánh cha mà chỉ khẽ lay cha dậy. Ông Hoàn giật mình tỉnh giấc liền quát:
– Ô hay! Sao mày không đánh cho tao dậy ngay? Mày muốn hại tao à?
Nói xong, lấy roi phết vào mông cậu mấy roi đau điếng. Thế là cậu cũng tỉnh ngủ hẳn và ngồi học cùng cha cho đến rạng sáng. Lại một lần khác, hai cha con thi tập làm văn, ông Hoàn bảo:
– Tao làm hơn mày thì tao ăn cơm, mày nhịn; mày làm hơn tao thì tao nhịn, mày ăn cơm.
Cũng như mọi lần, cậu con làm hay hơn, nhanh hơn, thế là ông bố cương quyết nhịn ăn để nhường suất cơm đó cho con. Chưa hết, biết tuổi của con còn ham chơi hơn ham học nên có lần ông Hoàn đưa cậu trên một cái chòi, dưới cắm chông và bỏ thang để không còn đường leo xuống. Bao giờ học xong thì ông mới cho xuống. Học kiểu này thì khổ quá, cậu con trai tinh nghịch nghĩ ra một cái mẹo khôn ngoan. Một tối, trước khi lên chòi ngồi học, cậu lén mang theo khúc cây chuối. Giữa khuya, lúc cả nhà sắp đi ngủ, bỗng nghe “rầm” ở ngay bãi chông. Cả nhà hoảng hốt chạy ra, người lo lắng đầu tiên là ông Hoàn, ông kêu lên hoảng hốt:
– Thế là nhà ta mất một tiến sĩ rồi!
Xem thêm : Chủ nghĩa Thực dụng: nguồn gốc và luận điểm cơ bản
Nhưng khi đến nơi chỉ thấy thân cây chuối, còn cậu con trai vẫn ung dung ngồi học bài ở phía trên, bây giờ ông mới hoàn hồn. Nhưng không vì thế mà ông bỏ cái lệ này. Có giai thoại kể lại rằng, cách rèn cặp này cũng đã khiến ông Hoàn áy náy, do đó, sáng hôm sau, ông sai người nhà mang gói chè lam lên chòi cho con và ngoài ghi hai chữ “Trà lam”- đọc lái là “làm cha”, ý nói đạo làm cha thì phải thế, con chớ mang lòng oán trách. Hiểu ý của cha, cậu con trai viết trả lời hai chữ “Còn lam” – đọc lái là “làm con”, ý nói cậu cũng hiểu đạo làm con phải tuân phục sự dạy dỗ của cha, chứ nào dám trái ý cha. Biết ý hướng của con, ông Hoàn không gửi con học trực tiếp ở trường nào, mà chỉ nghe ngóng nơi nào có danh sĩ tài giỏi, tiếng tăm thì tìm mọi cách gửi con đến để học hỏi. Nhờ học với cha và cách dạy nghiêm khắc của cha nên cậu con trai không một phút lơi lỏng bài vở. Cậu con trai ấy là Nguyễn Bá Lân- về sau đậu tiến sĩ, giữ chức thượng thư và làm được nhiều việc ích nước lợi dân. Sau này, Quốc sử quán triều Nguyễn đã nhận xét cậu có được học thức ấy có được là nhờ ở gia đình. Điều đó không sai chút nào cả.
Trong Gia phả của dòng tộc mình, Nguyễn Bá Lân có cho biết: “Họ Nguyễn ta vốn quê ở thôn Ngoại, xã Hoài Bào, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc vốn dòng dõi là thi thư”. Nhưng tổ tiên ông gặp buổi binh đao phải lánh về ở làng Cổ Đô (nay xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Tây) và ông sinh ra tại nơi mà ca dao xưa đã ca ngợi:
Đồn rằng Hà Nội vui thay
Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô
Cổ Đô trên miếu dưới chùa
Trong làng lắm kẻ nhà Nho có tài
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ khoa thi.
Nguyễn Bá Lân sinh giờ Tuất ngày 27 tháng giêng năm Canh Thìn (1700) là con trai đầu của ông Nguyễn Công Hoàn. Ông Hoàn mồ côi cha từ nhỏ nên năm lên bốn tuổi ở với chú. Dù được chú cho học hành, nhưng ông ham chơi bê trễ đèn sách. Ngày nọ, mẹ của ông sang chơi hỏi em chồng là bao giờ con trai của bà đi thi được? Ông chú cười mà đáp: “-Tuổi cháu đã lớn mà học vẫn không ra gì, chị nên kiếm giấy bút để cháu về ghi chép thuế cho xã nhà cũng được, chứ nói đến chuyện thi cử làm gì?”. Nghe vậy, người mẹ chỉ còn biết rưng rức khóc. Không ngờ, lúc đó ông Hoàn đứng dựa cột sau nhà đã lén nghe hết mọi chuyện. Bực mình với nhận xét của chú, ông liền bỏ nhà trốn đi. Không biết ông ở đâu, cả nhà hoảng hốt đi tìm. Suốt mấy tháng trời cũng bặt âm vô tín. Không ai ngờ lúc đó, ông tới ở nhờ những gia đình đã chịu ơn chú mình mượn sách để học. Học bất kể ngày đêm, nhờ vậy ông trở nên người hay chữ nhất thời bấy giờ, được khen ngợi là một trong “tứ hổ” nổi tiếng văn chương ở kinh thành Thăng Long “Nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn”. Mãi đến năm ba mươi tuổi, ông mới có con trai đầu là Nguyễn Bá Lân, vì thế ông dồn hết mọi nỗ lực để con học giỏi làm nở mày nở mặt gia đình. Ngay thuở nhỏ, Nguyễn Bá Lân đã tỏ ra thông minh, đỉnh ngộ hơn người. Bấy giờ, một trong những “tứ hổ” của đất Tràng An là tiến sĩ Lê Anh Tuấn vinh quy bái tổ về làng. Còn nhỏ tuổi nên Nguyễn Bá Lân vẫn nhởn nhơ đứng chơi bên đường, chứ không hề tỏ ý sợ hãi. Thấy vậy, tiến sĩ xuống lọng, biết là học trò nên ra câu đối thử tài:
– Sỉ tính cương, thiết tính nhu, cương tính bất như nhu tính cửu; (Răng thì cứng, lưỡi thì mềm, răng cứng không bền như lưỡi mềm)
Vừa dứt lời, Nguyễn Bá Lân đối lại ngay:
– Mi sinh tiền, tu sinh hậu, tiền sinh mạc nhược hậu sinh trường. (Lông mày mọc trước, râu mọc sau, lông mày mọc trước không dài bằng râu mọc sau).
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn khen cho cậu học trò không những ứng đối lanh lẹ mà còn bộc lộ khí phách khá ngang tàng. Biết đó là con trai của Nguyễn Công Hoàn, bạn mình thì tiến sĩ lại thêm vui. Nguyên do trước đây, trong kỳ thi sát hạch học trò ở phủ Quảng Oai, quan huấn đạo có hỏi trong hai người thì ai giỏi hơn ai? Ông Hoàn đáp: “- Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào!”. Nghe thế, quan liền ra đề tài con mèo để hai người cùng ứng khẩu thành bài thơ Đường luật. Trong lúc, ông Hoàn còn tìm giấy bút thì ông Tuấn đã đọc xong bài thơ. Buồn vì thua bạn, ông Hoàn có thề: “- Từ nay, ta không thèm bước qua cổng nhà huynh nữa”. Vậy mà bây giờ cậu nho sinh này đối đáp cứ chan chát, đúng là hậu sinh khả úy.
Nhưng sự đời không dễ dàng được như thế. Năm 18 tuổi, Nguyễn Bá Lân đã thi đậu Giải Nguyên, nhưng các lần thi sau thì cứ lận đận mãi. Chẳng hạn, khoa thi Hội năm 1727, bài làm của Nguyễn Bá Lân được khảo quan khuyên đỏ tới hơn một trăm chỗ và xếp lên thứ nhất nhưng do bỏ sót mất một chữ ở đầu đề nên cuối cùng bị đánh rớt. Trong Gia phả, ông có viết: “Khảo quan lập kế định xin xem xét lại xem các khoa trước có ai bị sót chữ ở đầu đề mà vẫn trúng tuyển (để viện tiền lệ đó xin cho Nguyễn Bá Lân đậu vì quyển văn hay quá), nhưng không có ai như thế cả, vì vậy Lân không được trúng tuyển, nhưng quyển văn ấy thiên hạ ai cũng truyền nhau chép, có người nghĩ rằng tại đất ấy không có người đỗ đại khoa, có người cho rằng tại số tác giả không đỗ đại khoa. Từ đó, lòng hăm hở về học nghiệp của ta nguội lạnh”.
Năm 1730, vua Dụ Tông chầu trời nên triều đình hoãn lại thi Hội, qua năm sau mới mở và tiến sĩ Lê Anh Tuấn được cử làm chủ khảo. Trước khoa thi, ông Tuấn về làng Thượng Mơ làm giỗ bố. Việc cúng tế đang tiến hành thì người nhà báo có hai người đàn ông, một già một trẻ, không đi cổng chính mà lội ao sau nhà để vào dinh. Trông dáng dấp của họ thì không có gì đáng nghi ngại cả, mỗi người đang đội trên đầu một quả bí to. Nghe lạ, tiến sĩ bước ra sân thì nhận ra cha con ông Hoàn, liền mời vào từ đường. Họ kính cẩn đặt hai quả bí lên bàn thờ, làm lễ xong, cả hai lặng lẽ quay trở về, dù ông Tuấn có níu kéo cách nào cũng không được. Bấy giờ, ông Tuấn mới kể cho mọi người về lời thề xưa của ông Hoàn và bảo: “Ông Hoàn tính khẳng khái, vì thương con nên mới đến đây vì ngại ta đánh trượt Nguyễn Bá Lân. Nhưng ta biết sức học của Lân xứng đáng đỗ đại khoa. Quan trường không vì hiềm khích riêng tư mà gạt bỏ những thí sinh giỏi”.
Quả thật, khoa thi Hội năm 1731, Nguyễn Bá Lân đã đậu Tiến sĩ. Từ đây bước đường hoạn lộ của ông đã rộng mở thênh thang, lên đến ngôi cao ngất ngưởng mà ông tự nhận là “ân sủng trùng điệp”. Trong suốt quãng đời làm quan của ông, nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét trong Lịch triều hiến chương loại chí là “nổi tiếng trong sạch cẩn thận”;
Việt sử thông giám cương mục ghi nhận “là người có văn học, chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn, dám nói”. Nguyễn Bá Lân đã xét xử hơn một trăm vụ án, ai cũng khen là công bằng. Mỗi lần xử án, ông ngầm khấn với cao xanh: “Trí tôi muốn cứu người ta. Nếu đứa nào trong bọn con cháu tôi dám dọa dẫm người ta để đòi đút lót, thì đó do tôi không sáng suốt mà xét hết được. Xin trời đất quỷ thần chứng giám cho lòng thành của tôi”. Không chỉ để lại phẩm chất lương thiện trong lúc làm quan được người đời ca ngợi, Nguyễn Bá Lân còn là tác giả của bài phú nổi tiếng Ngã ba Hạc phú ảnh hưởng đến sự phát triển của văn biền ngẫu Nôm ở thế kỷ XVIII và nhiều bài thơ chữ Hán khác mà nay hầu hết đã thất lạc. “Phú Ngã ba Hạc có bút pháp tả thực, trào lộng hóm hỉnh… có ngôn ngữ bình dị, uyển chuyển mà lại rất ít dùng điển cố, từ ngữ Hán học. Có thể xem Phú Ngã ba Hạc của Nguyễn Bá Lân là bằng chứng về sự thoát ly ngày càng nhiều ảnh hưởng của Hán học vào biền văn Nôm, đồng thời cũng là bằng chứng về khả năng to lớn của ngôn ngữ văn học dân tộc trong cấu trúc văn biền ngẫu” (Từ điển văn học – NXB Khoa học xã hội 1984, trang 47). Bài phú này theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân thì có 26 liên, nhưng bản in của học giả Dương Quảng Hàm chỉ có 14 liên, còn bản của nhà nghiên cứu Phong Châu lại có 19 liên. Mở đầu bài phú, tác giả như reo như hát trước cảnh đẹp của thiên nhiên:
Vui thay Ngã ba Hạc! Lạ thay Ngã ba Hạc!
Dưới hợp một dòng, trên chia ba ngác
Xem thêm : Thuyết nhật tâm Copernicus
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào; lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc.
“Ngác” là cách sáng tạo ngôn ngữ khi Nguyễn Bá Lân muốn gợi lên cái ngóc ngách của luồng lạch, nơi gặp nhau của sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Bên trái ngã ba là làng Bạch Hạc, bên phải là thành phố Việt Trì. Từ xưa, nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi đã ghi nhận trong Địa dư chí: “Bạch Hạc là đất Phong Châu đời cổ, nhân có con hạc trắng làm tổ trên cây nên gọi là Bạch Hạc”.
Đọc qua ta thấy Nguyễn Bá Lân đã cho ta biết ở sông Hạc có nhiều rùa vàng trong hang, có cá anh vũ tuyệt ngon. Còn người dân nơi đây được ông miêu tả họ có đời sống bình dị như Lã Vọng buông câu, như Chử Đồng Tử lúc chài lưới “Lơ thơ đầu ông Lã thả cần; trần trụi mặc Chử Đồng ngâm nước “hoặc “giương nách khom lưng chèo tếch ngược” rồi cảnh trên bến dưới thuyền thật là nhộn nhịp, trù phú: “Dùi điểm thùng thùng trống gọi, cửa tuần ty rộn rã khách chen vai” v.v… Bài phú như hút người đọc đi theo tâm trạng hào sảng của tác giả qua nhiều trường đoạn khác nhau… Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc ghi nhận: “Phú có quy định chặt chẽ về luật, vần, đối, nói chung là khá chật hẹp. Vậy mà Nguyễn Bá Lân vượt mọi ràng buộc trên, tung hoành ngòi bút, Việt hóa thành công một thể văn ngoại lai. Cạnh đó, còn tình yêu thiên nhiên nước Việt. Bến nước, dòng sông, con thuyền, rồi một cánh cò, một tiếng trống, một hồi chuông, bờ tre, bãi cỏ… tất cả thiên nhiên đó ùa vào bài phú, xôn xao cử động như có nhân cách. Nếu không yêu đất nước, non sông thì không thể làm được như trên”.
Năm 1766, lúc 65 xuân, Nguyễn Bá Lân đang giữ chức Thượng thư bộ Công thì xin về hưu. Ông có nói một câu nổi tiếng mà nay chưa hẳn đã mất tính thời sự:
– Quay xe về làng cũ đó là nguyện vọng của người xưa. Được tin dùng đến như Sơ Phó còn biết thời cơ dừng lại. Có trách nhiệm như Mạnh Khoa còn khuyên người đừng ở mãi ngôi cao. Thế mà ta được thoát khỏi nơi sóng gió, không còn vuớng vào trường danh lợi. Nếu không tự răn giới về sự ham công danh thì làm cho khí suy. Nếu không biết thời để dừng lại thì trí tuệ bị u ám. Chẳng những dư luận không tán thành, mà làng Nho cũng cho là đáng thẹn…
Nhưng ông trời cũng tai quái, một người muốn xa lánh vòng danh lợi phiền toái lại cứ bị níu kéo mãi. Vì qua năm sau, 1767, Trịnh Sâm cầm quyền gặp lúc hạn hán kéo dài nên gọi ông ra xin ý kiến. Không thể chối từ được, dù 67 xuân nhưng ông phải vào kinh chầu chúa. Nhân cơ hội này, ông dâng sớ thân oan cho những người bị oan ức, khoan thứ cho những người bị tội lây, cứu vớt những người xiêu tán, tha cho những người thiếu thuế chồng chất… Việc làm nhân nghĩa này, nghĩ cho cùng cũng là cốt cách văn hóa trong ứng xử của Nguyễn Bá Lân. Chúa Trịnh nghe theo và bảo ông:
– Khanh dẫu già, sức còn làm được việc. Vả chăng chọn được người xứng chức rất khó. Ta đang chọn người có thể thay cho khanh. Khi khanh làm quan cũng có kẻ gièm pha, nhưng ta vẫn không ngờ vực. Nay khanh từ chức, nên ở lại kinh, phòng khi ta hỏi đến.
Thế là không còn cách nào khác, Nguyễn Bá Lân phải tiếp tục đảm đương công việc, ông được thăng lên thượng thư bộ Lễ, rồi đổi sang bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ lão hầu chúa. Năm 1781, Trịnh Sâm chầu trời, để lại di chiếu bỏ quận Tông (con trai với bà Ngọc Hoan), lập quận Cán (con trai với bà Đặng Thị Huệ). Biết rõ âm mưu của chúa chè Huệ đã tác động trong việc làm ám muội này nên Nguyễn Bá Lân chưa có ý kiến tán thành. Biết vậy, bà Huệ sai em là Bá Cung mang một kiếm vàng, mười dật vàng nén, mười tấm lụa màu lén lút sang biếu ông. Đến nơi, Bá Cung đuổi hết mọi người ra, chỉ để hai người nói chuyện kín với nhau. Nhưng ông lấy cớ đã già, tai nghễnh ngãng không nghe được gì cả, nói thế nào ông cũng làm như không hiểu và cương quyết không nhận quà đút lót. Bá Cung hậm hực bỏ ra về. Ngay lúc đó ông nói với thuộc hạ thân tín:
– Thiên hạ loạn rồi, ta đã ngoài 80 xuân, già rồi, chẳng xoay chuyển được tình thế gì đâu. Thôi mau khăn gói về quê.
Quyết định của ông như thế là sáng suốt. Như chúng ta đã biết, sau khi Trịnh Sâm mất thì binh lính Tam phủ nổi loạn, phế Trịnh Cán, truất Đặng Thị Huệ xuống thứ dân, sau Huệ uống thuốc độc chết. Loạn kiêu binh ngày càng ghê gớm, phò Trịnh Tông lên ngôi, coi trăm quan như cỏ rác, chỉ riêng Nguyễn Bá Lân là chúng không đụng đến và xem như “Phật sống”.
Trở về quê nhà, nhưng tâm hồn ông không thảnh thơi để vui thú điền viên. Vận nước như thế thì một bậc túc nho như ông có thể nào nhắm mắt làm ngơ? Nhưng tuổi già sức yếu, ông mất ngày mồng 6/4 năm Ất Tị (1785) được triều đình truy tặng Thái tể, tước quận công và gia phong làm Thần thành hoàng “Linh phù tri thần” của năm xã trong tổng nhà. Cuộc đời của Nguyễn Bá Lân còn để lại cho đời sau nhiều bài học quý báu từ hành động đến ứng xử. Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã phát biểu tại Hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Bá Lân – do Viện Sử học Việt Nam, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, Ủy ban Nhân dân xã Cố Đô, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây phối hợp tổ chức ngày 23/11/1995: “Nguyễn Bá Lân cũng như Lê Quý Đôn và một số bậc đại nho khác là những nhà nho không suy đồi ở một thời đại mà nhìn chung Nho giáo đã suy đồi. Ông, do đó là một nhân vật quý hiếm: văn giỏi võ, võ giỏi văn. Tôi dốt cả văn lẫn võ chỉ dám ngưỡng mộ ông trên hai lãnh vực đó mà không dám bình phẩm ông một câu gì về Ngã ba Hạc phú hay võ nghiệp bình trị thiên hạ của ông. Cái tôi tâm phục nhất nơi ông là đức trung thực, là tính cương trực của ông, là khí thế không sợ cường quyền của ông, là tính không a dua, không bè phái, chất phác, thẳng thắng, mạnh dạn, dám nói của ông. Thế mới là Ngự sử đức tài xứng kỳ chức”.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức