Thiết chế xã hội là gì?

0

Thiết chế là gì? Thế nào là thiết chế xã hội?

Theo nhà xã hội học người Mỹ Robertsons thiết chế là một tập hợp bền vững các giá trị, chuẩn mực, vị thế, vai trò và nhóm vận động xung quanh một nhu cầu căn bản của xã hội. Ông cho rằng một xã hội muốn tồn tại và phát triển bình thường phải tổ chức một cách có trật tự và hệ thống. Có nghĩa là, nó phải được hình thành nên những mô hình hành vi, những khuôn mẫu, khuôn phép chung để từ đó hành động cho phù hợp. Không thể nói đến sự tồn tại và phát triển của xã hội mà lại không có thiết chế, tức là một xã hội không có kỷ cương quy tắc.

Theo G.V. Oxipov, thiết chế xã hội là tổ chức nhất định của hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội, được thực thi bằng hệ thống phối hợp của những quy chuẩn về hành vi, chuẩn mực và giá trị, được định hướng một cách hợp lý.

Theo quan niệm của V.A. Cruglicov, thiết chế xã hội là sự biểu hiện vật chất của các chuẩn mực xã hội và là cơ quan điều hoà việc tuân theo các chuẩn mực đó. Thiết chế xã hội là sự tổ chức các hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội nhất định, làm cho các quan hệ xã hội có thể có được tính ổn định và kế thừa. Thiết chế xã hội biểu hiện ra dưới hình thức các cơ quan khác nhau thực hiện các chức năng điều hoà những lĩnh vực nào đó của các quan hệ xã hội.

W.G. Sumner đã định nghĩa thiết chế là một khái niệm hay một cấu trúc hàm chứa một mục đích hay một chức năng do một tổ chức có hệ thống gồm nhiều người tiến hành.

Thiết chế xã hội là một tập hợp bền vững các giá trị chuẩn mực, vị thế, vai trò và nhóm vận động xung quanh nhu cầu cơ bản của xã hội. Nó là một tổ chức nhất định của sự hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội được thực hiện bằng một hệ thống của các hành vi con người với các chuẩn mực và quy phạm xã hội. Tất cả các thiết chế đều có các quy tắc chuẩn mực, điều luật và cả cơ chế vật chất của nó mà các nhóm xã hội phải tôn trọng, nó là chất kết dính giữa các cá nhân, các nhóm xã hội và sự điều tiết hoạt động của chúng.

Thiết chế xã hội có thể được xem xét theo cơ cấu bên ngoài (hình thức vật chất của thiết chế), cũng như cơ cấu bên trong (nội dung hành động của thiết chế). Về cơ cấu bên ngoài của thiết chế xã hội biểu hiện như một tổng thể những người, những cơ quan được trang bị những phương tiện vật chất nhất định và thực hiện những chức năng xã hội nhất định. Về cơ cấu bên trong của thiết chế xã hội bao gồm tập hợp nhất định những tiêu chuẩn được định hướng theo mục tiêu về hành vi của những người nhất định, trong hoàn cảnh nhất định.

Từ những định nghĩa và phân tích đã nêu trên, có thể rút ra một số vấn đề sau :

  • Thiết chế xã hội là sự tổ chức của các hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội, là mô hình hành vi chung cho mọi thành viên trong những lĩnh vực khác nhau của một xã hội nhất định.
  • Các thiết chế là những thành tố đặc thù bảo đảm tính kế thừa và tính ổn định nhất định của những mối liên hệ và những mối quan hệ trong khuôn khổ của các giá trị và chuẩn mực xã hội của mọi thành viên.
  • Thiết chế là một cấu trúc và một chức năng.

Thiết chế xã hội có hai chức năng chính: thứ nhất là khuyến khích, điều chỉnh, điều hoà, hành vi của con người phù hợp với quy phạm và chuẩn mực của thiết chế và tuân thủ thiết chế. Thứ hai là ngăn chặn, kiểm soát, giám sát những hành vi lệch lạc do thiết chế quy định.

Trong một xã hội, thường tồn tại 5 loại thiết chế cơ bản làm nền móng cho toàn xã hội đó là: gia đình, giáo dục, tôn giáo, kinh tế và nhà nước ( chính trị). Mỗi một thiết chế đều có chức năng và nhiệm vụ rõ ràng của nó. Các thiết chế này tồn tại trong mọi xã hội, nhưng hình thức của các thiết chế này khác nhau trong các xã hội khác nhau. Đó là những hiện tượng văn hóa, đã phản ánh được những đặc trưng riêng của mỗi xã hội.

Sự nảy sinh thiết chế xã hội, là do điều kiện khách quan nhất định, biểu hiện ở tính thống nhất với cơ sở kinh tế xã hội.

Bản thân thiết chế xã hội, có sự độc lập tương đối và có sự tác động trở lại đối với cơ sở kinh tế, xã hội. Tồn tại trong xã hội, các thiết chế tuy có những đặc trưng riêng về chức năng và nhiệm vụ, nhưng lại liên quan rất chặt chẽ với nhau, tạo thành một hệ thống.

Thuật ngữ hệ thống, ám chỉ các mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận, ảnh hưởng và phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, cái gì xảy ra ở bộ phận này có thể kéo theo sự biến đổi trong các bộ phận khác.

Mặc dù tất cả các thiết chế có sự phụ thuộc, tác động qua lại với nhau, nhưng mỗi một thiết chế tự nó được cấu trúc ở mức cao và được tổ chức xung quanh hệ thống các giá trị, chuẩn mực, qui tắc các khuôn mẫu đã được xã hội thừa nhận.

Ở đây, có ảnh hưởng lẫn nhau biểu hiện mức độ thống nhất trong hệ thống. Nếu có sự thay đổi ở thiết chế nào, thì sẽ kéo theo sự biến đổi của thiết chế khác như đã phân tích ở trên.

Các thiết chế được hình dung như những cấu trúc xã hội, các quan hệ và các hoạt động hỗ tương được cấu trúc như các truyền thống có tính thiết chế. Tính ổn định của các thiết chế phụ thuộc vào tính năng động của xã hội và phụ thuộc vào sự chống đối những biến đổi của xã hội, của các giá trị trong nhóm. Bởi vì, xã hội bao hàm cả tính năng động luôn luôn có sự thay đổi, vì vậy các thiết chế với tính cách là những cấu trúc thoả mãn nhu cầu cũng bị biến đổi theo thời gian.

Thiết chế luôn được mọi người trong xã hội công nhận và tán thành. Nói như vậy không có nghĩa là sẽ có sự tuân thủ tuyệt đối ở các mô hình, và sẽ có những ảnh hưởng không tuân thủ các mô hình thiết chế và đây là nền tảng của những biến đổi xã hội.

Một số loại thiết chế phổ biển:

  • Thiết chế tôn giáo
  • Thiết chế giáo dục
  • Thiết chế kinh tế
  • Thiết chế gia đình

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.