Công tác xã hội là gì? Mục đích, chức năng, đối tượng trợ giúp
Nội Dung
1. Khái niệm về công tác xã hội
Hiệp hội công tác xã hội quốc tế và các trường đào tạo công tác xã hội quốc tế (2011) thống nhất một định nghĩa về công tác xã hội như sau: Công tác xã hội là nghề nghiệp tham gia vào giải quyết vấn đề liên quan tới mối quan hệ của con người và thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tăng cường sự trao quyền và giải phóng quyền lực nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Công tác xã hội sử dụng các học thuyết về hành vi con người và lý luận về hệ thống xã hội vào can thiệp sự tương tác của con người với với môi trường sống.
Công tác xã hội có thể hiểu là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bạn đang xem: Công tác xã hội là gì? Mục đích, chức năng, đối tượng trợ giúp
2. Mục đích, chức năng và nhiệm vụ của công tác xã hội
2.1. Mục đích
Công tác xã hội hướng tới tạo ra “thay đổi” tích cực trong xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người đặc biệt là những nhóm người yếu thế. Công tác xã hội thúc đẩy sự biến đổi xã hội, tăng cường các mối tương tác hài hoà giữa cá nhân, gia đình và xã hội hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội.
Hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội hướng tới 2 mục đích cơ bản sau:
- Một là, nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng như cá nhân, gia đình và cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.
- Hai là, cải thiện môi trường xã hội để hỗ trợ cá nhân, gia đình và cộng đồng thực hiện các chức năng, vai trò của họ có hiệu quả.
2.2. Các chức năng của công tác xã hội
Như là bác sỹ xã hội, các nhân viên xã hội thực hiện những chức năng của ngành công tác xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội đó là: chức năng phòng ngừa, chức năng can thiệp, chức năng phục hồi, chức năng phát triển.
- Chức năng phòng ngừa
Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, công tác xã hội không chờ tới khi cá nhân hay gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn rồi mới giúp đỡ. Công tác xã hội rất quan tâm đến phòng ngừa những vấn đề xã hội của cá nhân, gia đình hay cộng đồng. Những hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho cá nhân hay gia đình, việc cung cấp các kiến thức về HIV/AIDS hay kiến thức về ma tuý… đều có ý nghĩa cho công tác phòng ngừa.
- Chức năng can thiệp
Chức năng can thiệp (còn được gọi là chức năng chữa trị hay trị liệu) nhằm trợ giúp cá nhân, gia đình hay cộng đồng giải quyết vấn đề đang gặp phải. Khi thực hiện chức năng này nhân viên xã hội giúp đỡ đối tượng vượt qua khó khăn, giải quyết vấn đề đang tồn tại. Ví dụ như hoạt động trợ cấp khi cộng đồng bị lũ lụt, thiên tai, hoạt động can thiệp bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ bị bạo hành, hoạt động tham vấn can thiệp khủng hoảng khi một bé gái bị xâm hại tình dục… hay là hoạt động can thiệp giải quyết vấn đề.
- Chức năng phục hồi
Đó là việc công tác xã hội giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng khôi phục lại chức năng xã hội đã bị suy giảm. Nó bao gồm những hoạt động trợ giúp đối tượng trở lại mức ban đầu và hoà nhập cuộc sống xã hội. Hoạt động phục hồi nhằm giúp đối tượng trở lại cuộc sống bình thường, hoà nhập cộng đồng, như giúp những người đói nghèo xoá được đói, vượt khỏi nghèo hay hỗ trợ người khuyết tật phục hồi các chức năng (sinh hoạt, lao động, xã hội); giúp trẻ lang thang trở về với gia đình; giúp người nghiện ngập, mại dâm trở lại cuộc sống bình thường, tái hoà nhập cộng đồng, trợ giúp những trẻ em bị vi phạm pháp luật, được giáo dục hoà nhập.
- Chức năng phát triển
Chức năng phát triển của công tác xã hội thể hiện qua các hoạt động nhằm tăng năng lực, tăng khả năng ứng phó với các tình huống có vấn đề, những sự việc có nguy cơ cao. Ví dụ như các chương trình giải quyết việc làm, các dịch vụ cung cấp đào tạo cho người thất nghiệp, hướng dẫn các gia đình nghèo làm kinh tế, chương trình tập huấn kỹ năng làm cha mẹ… Đây được xem như những dịch vụ xã hội giúp cá nhân hay gia đình phát triển khả năng cá nhân, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng làm cha, mẹ, kỹ năng giáo dục con cái. Thông qua hoạt động giáo dục công tác xã hội giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng, phát huy tính chủ động.
Các nhiệm vụ cơ bản của công tác xã hội:
- Nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Nối kết con người với hệ thống nguồn lực, dịch vụ và những cơ hội trong xã hội.
- Thúc đẩy sự hoạt động có hiệu quả và tính nhân văn của các hệ thống cung cấp nguồn lực và dịch vụ xã hội.
- Phát triển và cải thiện chính sách xã hội.
3. Sự khác biệt công tác xã hội và công tác từ thiện
Công tác xã hội và từ thiện có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng có những điểm tương đồng song cũng có những khác biệt khá lớn ở một số khía cạnh.
Công tác xã hội và hoạt động từ thiện đều là những hoạt động nhân đạo hướng tới trợ giúp con người giải quyết vấn đề, giúp những người trong hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên và hoà nhập cộng đồng. Cũng chính vì đặc điểm này nên từ lâu người ta thường nghĩ công tác xã hội là những hoạt động xã hội mang tính từ thiện. Song công tác xã hội không phải là hoạt động từ thiện mà đó là một nghề, một hoạt động mang tính chuyên nghiệp.
Mặc dù nguồn gốc của hoạt động trợ giúp trong công tác xã hội xuất phát từ các hoạt động từ thiện. Những tổ chức từ thiện ở nhiều nước đặc biệt là ở Mỹ và Anh vào những thời kỳ thế kỷ 16- 17 đều được xem là cái nôi của hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp ngày nay. Nhiều hoạt động ban đầu của công tác xã hội vào giai đoạn 1850 – 1865, các nhà lãnh đạo của các Uỷ ban như Uỷ ban từ thiện quốc gia, Uỷ ban từ thiện cộng đồng đã vận dụng các triết lý khoa học được xem như “khoa học từ thiện” để quản lý và tổ chức hoạt động trợ giúp vào thời kỳ đó.
Xem thêm : Tài khoản Mmlive VIP miễn phí, Acc Mmlive VIP Free 2023
Tuy nhiên giữa công tác xã hội và hoạt động từ thiện có sự khác biệt ở một số khía cạnh.
Thứ nhất, về động cơ giúp đỡ:
Hoạt động từ thiện xuất phát từ tình yêu đồng loại giữa con người và con người, song đôi khi sự giúp đỡ bị chi phối bởi động cơ cá nhân. Có thể họ muốn làm việc thiện hay tạo ra uy tín cá nhân qua hoạt động từ thiện. Có người làm từ thiện trên cơ sở của lòng nhân ái, sự cưu mang đùm bọc. Còn công tác xã hội là sự giúp đỡ mang động cơ nghề nghiệp, là trách nhiệm của ngành công tác xã hội. Trong hoạt động của mình nhân viên xã hội coi lợi ích của đối tượng là ưu tiên hàng đầu, việc trợ giúp cá nhân hay gia đình trong lúc khốn khó là trách nhiệm, nghĩa vụ được xã hội giao phó. Nói một cách ngắn gọn công tác xã hội trợ giúp con người nhằm tạo ra những thay đổi tích cực của đối tượng trên cơ sở trách nhiệm và nhiệm vụ của người nhân viên xã hội được ghi nhận trong qui định đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai, về phương pháp làm việc:
Trong hoạt động từ thiện, phương pháp giúp đỡ dựa trên nền tảng Cho và Nhận, nên người được giúp đỡ thường tỏ ra thụ động đón nhận sự trợ giúp đó. Hình thức trợ giúp trong hoạt động từ thiện chủ yếu thông qua phân phối, cấp phát, đưa những vật chất cần thiết tới những người có nhu cầu. Trong hoạt động này người làm hoạt động từ thiện không cần được đào tạo và trang bị các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp công tác xã hội. Phương pháp giúp đỡ trong công tác xã hội đòi hỏi có tính khoa học, tuân thủ nguyên tắc Tự giúp; nâng cao năng lực giải quyết vấn đề, nhân viên xã hội không làm thay, làm hộ. Trong quá trình làm việc cả nhân viên xã hội và đối tượng thường xuyên sát cánh, tham gia vào tiến trình giải quyết vấn đề.
Công tác xã hội vận dụng các kiến thức, kỹ năng, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp vào thực hiện các phương pháp khác nhau để giúp đối tượng (cá nhân, gia đình nhóm, cộng đồng) nâng cao khả năng tự giải quyết vấn đề. Công tác xã hội là một khoa học và một nghệ thuật. Người nhân viên xã hội cần sử dụng các kiến thức kỹ năng làm việc với cá nhân gia đình và cộng đồng để giúp họ giải quyết những vấn đề và tăng cường chức năng xã hội, cải thiện mối quan hệ với môi trường xã hội. Do vậy để thực hiện được các hoạt động công tác xã hội cần có những nhân viên xã hội chuyên nghiệp.
Thứ ba, về các mối quan hệ giúp đỡ:
Đối với hoạt động từ thiện mối quan hệ giữa người làm từ thiện và đối tượng được trợ giúp là mối quan hệ Cho và Nhận. Do vậy, đôi khi nó khiến cho đối tượng được trợ giúp thường cảm nhận mối quan hệ đó có tính trên – dưới hoặc mối quan hệ ban ơn và nhận phước.
Trong công tác xã hội mối quan hệ trợ giúp là mối quan hệ nghề nghiệp. Mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và đối tượng hình thành trên cơ sở các giá trị đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp. Một bên là trách nhiệm của người cung cấp trợ giúp, một bên là đối tượng có vấn đề và cần được trợ giúp. Mối quan hệ này cần đảm bảo sự tin tưởng đôi bên và tôn trọng lẫn nhau.
Thứ tư, về yêu cầu chuyên môn:
Một sự khác biệt rõ nét nhất đó là yêu cầu về chuyên môn của người trợ giúp trong hoạt động công tác xã hội và từ thiện.
Trong hoạt động từ thiện người trợ giúp không nhất thiết phải được đào tạo về công tác xã hội. Họ có thể được đào tạo về bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào, điều cốt lõi là họ phải có tấm lòng, sự nhiệt huyết, tính nhân văn và có điều kiện nhất định về vật chất, tinh thần để có thể trợ giúp những người đang có khó khăn.
Để hành nghề công tác xã hội người nhân viên xã hội phải được đào tạo, trang bị những kiến thức tổng hợp về con người và môi trường, về tâm sinh lý, hành vi con người… và có kỹ năng làm việc với từng nhóm đối tượng đặc thù như cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đồng. Những phương pháp công tác xã hội cá nhân, phương pháp công tác xã hội nhóm, phương pháp phát triển cộng đồng là công cụ cốt lõi của quá trình thực hiện hoạt động công tác xã hội. Các nhân viên xã hội cần rèn luyện thường xuyên kỹ năng, phương pháp nghề nghiệp đó. Nhân viên xã hội còn cần có kiến thức quản lý trong các cơ sở xã hội, có khả năng nghiên cứu và tham gia vào hoạch định chính sách…
Xem thêm : Tết FC Online 2024, Tết Giáp Thìn FO4 [Sự Kiện Miễn Phí]
Kết quả của sự giúp đỡ:
Hoạt động từ thiện thường giúp đối tượng giải quyết vấn đề tức thời. Vì vậy kết quả không bền vững. Còn kết quả của hoạt động công tác xã hội là trực tiếp, lâu dài và bền vững bởi sự giúp đỡ hướng vào giải quyết các nguyên nhân làm nảy sinh vấn đề và tăng cường năng lực ứng phó của đối tượng với những vấn đề tương tự trong tương lai.
Mục tiêu của công tác xã hội hướng đến năng cao năng lực đối phó với vấn đề của đối tượng. Có nghĩa là công tác xã hội giúp đối tượng giải quyết vấn đề không chỉ tại thời điểm hiện tại mà còn được trang bị những kiến thức kỹ năng để có khả năng giải quyết vấn đề trong tương lai. Do vậy chức năng của công tác xã hội không chỉ là can thiệp hoặc chữa trị mà còn hướng tới phòng ngừa và phát triển. Hoạt động từ thiện chủ yếu hướng tới giúp đối tượng giải quyết vấn đề tức thời. Sự đói nghèo của một gia đình thông qua hoạt động từ thiện của một tổ chức hay cá nhân như tặng quần áo, hỗ trợ lương thực phần nào được giải quyết, như vậy gia đình tạm thời vượt qua khó khăn ở thời điểm đó.
4. Đối tượng trợ giúp của công tác xã hội
Đối tượng trợ giúp của công tác xã hội là cá nhân, gia đình, nhóm người hay cộng đồng đang trong hoàn cảnh có vấn đề.
Cá nhân có thể là người già hay người trẻ, người giàu hay người nghèo… Khi họ gặp phải khó khăn trong cuộc sống và không tự giải quyết được họ mong muốn có sự trợ giúp. Người nghèo cần có sự trợ giúp về vật chất và tinh thần để vượt qua nghèo khó. Người giàu khi rơi vào hoàn cảnh khủng hoảng tinh thần (như phá sản, thua lỗ, sức ép công việc hay sự cạnh tranh trong kinh doanh…) đều có thể cần tới sự can thiệp trợ giúp của nhân viên xã hội. Tuy nhiên, đối tượng thường được hướng tới trong hoạt động trợ giúp của công tác xã hội là những nhóm người yếu thế như người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, những người bị HIV/AIDS hay những người mại dâm ma tuý…
Có thể liệt kê một số nhóm đối tượng yếu thế thường được công tác xã hội chú trọng trợ giúp:
- Phụ nữ
- Trẻ em
- Người già
- Cha mẹ đơn thân
- Người thất nghiệp
- Các nạn nhân của bạo lực gia đình
- Trẻ em lang thang, bị bỏ rơi, mồ côi, trẻ bị lạm dụng
- Các nạn nhân do thiên tai, hiểm họa
- Những người có ý định tự sát
- Những người vô gia cư
- Những người khuyết tật
- Người bị bệnh tâm thần
- Những người phạm pháp
- Người nghèo
- Người thiểu số.
- Những người nghiện
- Người mại dâm.
Gia đình với những vấn đề của các thành viên trong gia đình hay sự tương tác có vấn đề trong gia đình khiến cho họ có những khó khăn và ảnh hưởng tới chức năng xã hội của thành viên hay của gia đình đều trở thành đối tượng can thiệp của công tác xã hội. Ví dụ như gia đình có mâu thuẫn giữa vợ và chồng, giữa con cái với cha mẹ, gia đình nghèo, gia đình có con nghiện hút, con vi phạm pháp luật,…
Cộng đồng nghèo khó thường là đối tượng tác động đầu tiên trong công tác xã hội với cộng đồng. Những cộng đồng có nhiều vấn đề xã hội như nghèo đói, trình độ dân trí thấp, môi trường vệ sinh không đảm bảo… thường cần tới các chương trình dịch vụ xã hội trong công tác xã hội.
5. Tiến trình công tác xã hội
Công tác xã hội còn được xem như một tiến trình giải quyết vấn đề. Hoạt động này bao gồm một chuỗi hoạt động giữa nhân viên xã hội và đối tượng để cùng nhau giải quyết vấn đề.
Tiến trình giải quyết vấn đề bao gồm nhiều bước khác nhau. Các tác giả đưa ra số bước khác nhau trong tiến trình này. Có tác giả đưa ra 4 bước trong tiến trình này, đó là các bước:
- Đánh giá xác định vấn đề
- Phân tích vấn đề, xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề
- Thực hiện kế hoạch để giải quyết vấn đề
- Lượng giá, kết thúc.
Hoạt động lượng giá là hoạt động quan trọng trong tiến trình này và nó có mặt trong tất cả các bước nhằm góp phần xác định tính đúng đắn của mỗi bước và làm nền tảng cho sự tiếp tục tiến tới bước tiếp theo.
Cũng có tác giả lại chia quá trình giải quyết vấn đề thành nhiều bước nhỏ hơn với nhiều bước như: tạo lập mối quan hệ với đối tượng (chuẩn bị), thu thập thông tin xác định sơ bộ vấn đề, xác minh, đánh giá chẩn đoán, lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch, lượng giá, kết thúc.
Dù được chia thành bao nhiêu bước thì quá trình này vẫn cần có những hoạt động cơ bản như xác định được vấn đề đối tượng đang gặp phải, trao đổi cùng đối tượng xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch, cùng họ rà soát lại kết quả đạt được và kết thúc quá trình tương tác với đối tượng. Trong mỗi bước này nhân viên xã hội sử dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để thu hút sự tham gia của đối tượng vào quá trình giải quyết vấn đề dù đối tượng là cá nhân, hay thành viên trong nhóm hay cộng đồng đang tác động.
(Lytuong.net – Tài liệu tham khảo: Nhập môn công tác xã hội, UNICEF, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, 2016)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức