Khủng hoảng kinh tế là gì? Nguyên nhân do đâu?

0

Do tác động của quy luật cạnh tranh và sản xuất vô chính phủ, những quan hệ tỷ lệ giữa các ngành sản xuất, các khu vực, các mặt của quá trình tái sản  xuất… thường xuyên bị gián đoạn bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế, và rồi thông qua các cuộc khủng hoảng kinh tế chủ nghĩa tư bản lại dần dần lập lại được thế cân bằng mới. Cho nên sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là sự phát triển mang tính chu kỳ, từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.

Khủng hoảng kinh tế là gì?

Khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa là khủng hoảng sản xuất “thừa”. Sản xuất “thừa” ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối, nghĩa là “thừa” so với mức eo hẹp tiêu dùng có khả năng thanh toán của quần chúng, không phải “thừa” so với nhu cầu thực tế của xã hội.

Khủng hoảng kinh tế biểu hiện ở chỗ: hàng hóa bị ứ đọng, sản xuất bị thu hẹp, xí nghiệp, thậm chí phải đóng cửa, nạn thất nghiệp tăng lên, thị trường rối loạn… Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản, cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên trên thế giới nổ ra ở nước Anh vào năm 1825, sau khi nền đại công nghiệp cơ khí xuất hiện và tiếp theo đó các cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra và mang tính chu kỳ.

Nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế

Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng kinh tế là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản – mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất với hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Khi nền đại công nghiệp cơ khí xuất hiện, thì mâu thuẫn trở nên gay gắt và biểu hiện cụ thể như sau:

a)  Mâu thuẫn giữa tính có tổ chức, có kế hoạch trong từng xí nghiệp với tình trạng sản xuất vô chính phủ trong toàn xã hội

Trong từng xí nghiệp, lao động của công nhân được tổ chức và phục tùng ý chí duy nhất của nhà tư bản. Còn trong xã hội, do dựa trên chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, trạng thái vô chính phủ bao trùm tất cả. Các nhà tư bản tiến hành sản xuất mà không nắm được nhu cầu của xã hội, quan hệ giữa cung và cầu bị rối loạn, quan hệ tỷ lệ giữa các ngành sản xuất bị phá hoại nghiêm trọng đến một mức độ nào đó thì nổ ra khủng hoảng kinh tế.

b)   Mâu thuẫn giữa xu hướng mở rộng sản xuất vô hạn của chủ nghĩa tư bản với sức mua có hạn của quần chúng lao động

Để theo đuổi lợi nhuận siêu ngạch, các nhà tư bản phải ra sức mở rộng sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cạnh tranh gay gắt. Quá trình đó cũng là quá trình bần cùng hoá nhân dân lao động, làm giảm bớt một cách tương đối sức mua của quần chúng, làm cho sức mua lạc hậu so với sự phát triển của sản xuất. Cung và cầu trong xã hội mất cân đối nghiêm trọng, dẫn đến khủng hoảng thừa hàng hóa trên thị trường.

c)  Mâu thuẫn đối kháng giữa tư bản và lao động

Đặc điểm của chủ nghĩa tư bản là hai yếu tố của sản xuất tách rời nhau: tư liệu sản xuất tách rời người trực tiếp sản xuất. Sự tách rời đó biểu hiện rõ nhất trong khủng hoảng kinh tế. Trong khi tư liệu sản xuất bị xếp lại, han rỉ, mục nát thì người lao động lại không có việc làm. Một khi tư liệu sản xuất và sức lao động không kết hợp được với nhau thì guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa tất nhiên bị tê liệt.

Trong các hình thái xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, việc sản xuất bị giảm mạnh thường gắn với các tai họa thiên nhiên, hoặc chiến tranh và các tàn phá sau đó bởi nó. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới sinh ra các cuộc khủng hoảng thường xuyên, biến chúng thành người bạn đường không thể tránh khỏi của sự tăng trưởng kinh tế của chủ nghĩa tư bản nhằm giải quyết trong một thời gian có hạn các mâu thuẫn gay gắt của tái sản xuất tư bản xã hội. Các cuộc khủng hoảng kinh tế từng thời kỳ làm rung chuyển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa từ lúc chuyển sang sản xuất máy móc quy mô lớn, đã mang lại cho tái sản xuất tư bản xã hội tính chất chu kỳ.

Chu kỳ kinh tế của chủ nghĩa tư bản thường được biểu hiện lặp đi lặp lại từ một cuộc khủng hoảng kinh tế này đến cuộc khủng hoảng kinh tế khác. Tính chu kỳ bao của kinh tế tư bản chủ nghĩa thể hiện sự phát triển tuần hoàn qua các giai đoạn: khủng hoảng, tiêu điều, phục hồi, phồn vinh và lại khủng hoảng, v.v..

Tính chất chu kỳ của tái sản xuất tư bản chủ nghĩa:

 Trong mỗi cuộc khủng hoảng các mâu thuẫn của tái sản xuất được biểu hiện ra với sức mạnh tàn phá khác nhau phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế cụ thể trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở các giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau của nó. Lịch sử của các cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ đã cho thấy tính quy luật của các cuộc khủng hoảng đối với chủ nghĩa tư bản, cũng như sự khác biệt đáng kể về chiều sâu và hình thức của chúng. 

Khủng hoảng nổ ra khi hàng hóa sản xuất ra không thể bán được, tồn kho, ứ đọng lớn, giá cả giảm mạnh. Tư bản đóng cửa nhà máy, đình chỉ sản xuất, công nhân thất nghiệp. Tư bản mất khả năng thanh toán các khoản nợ. Tâm lý hoảng loạn, sự săn đuổi tiền mặt, việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng, bán tống bán tháo các cổ phiếu, trái phiếu làm trị giá của chúng giảm mạnh, thị trường chứng khoán hỗn loạn. Tín dụng thương mại và ngân hàng thu hẹp, trong khi nhu cầu tín dụng tăng lên làm cho tỷ suất lợi tức tăng lên rất cao. Khủng hoảng đã phá huỷ nghiêm trọng lực lượng sản xuất xã hội, người lao động thất nghiệp đông đảo, đời sống hết sức khó khăn…

Tiêu điều là giai đoạn tiếp sau khủng hoảng. Sản xuất ở trạng thái đình trệ, cân bằng được lập lại ở trạng thái thấp, giá cả hàng hóa ở mức thấp. Tiền nhàn rỗi nhiều vì không có nơi đầu tư, tỷ suất lợi tức giảm xuống. Để thoát khỏi trì trệ, các nhà tư bản tìm cách tăng cường bóc lột lao động bằng cách hạ thấp tiền lương, tăng cường độ và thời gian lao động để giảm chi phí sản xuất và đổi mới tư bản cố định. Những đầu tư mới làm tăng nhu cầu về tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Điều đó tạo điều kiện cho sự phục hồi chung của nền kinh tế.

Phục hồi là giai đoạn tiếp nối với giai đoạn tiêu điều. Từ tiêu điều chuyển sang phục hồi nhờ đổi mới tư bản cố định, nền sản xuất dần dần trở lại trạng thái trước khủng hoảng. Công nhân lại được thu hút vào làm việc, giá cả hàng hóa tăng lên, lợi nhuận của tư bản cũng tăng lên.

Phồn vinh là giai đoạn phát triển cao nhất của một chu kỳ kinh tế. Sản xuất mở rộng và phát triển vượt mức cao nhất của chu kỳ trước. Nhu cầu và khả năng tiêu thụ hàng hóa tăng, giá cả hàng hóa tăng lên, số người lao động và tiền lương đều tăng lên. Nhu cầu tín dụng tăng lên làm tỷ suất lợi tức tăng lên. Guồng máy kinh tế dường như hoạt động hết công suất. Điều kiện của một cuộc khủng hoảng mới cũng dần chín muồi.

Trong giai đoạn hiện nay của chủ nghĩa tư bản, do sự can thiệp của nhà nước tư sản, mặc dù không xóa bỏ được khủng hoảng kinh tế, nhưng làm cho nó có đặc điểm mới như:

  • Mức độ suy sụp của sản xuất và tác động phá hoại của khủng hoảng bị hạn chế, thời gian tồn tại và độ dài của thời kỳ suy sụp rút ngắn.
  • Xuất hiện những hình thức khủng hoảng mới như khủng hoảng cơ cấu (như các cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973), khủng hoảng tài chính, tiền tệ (điển hình là khủng hoảng tài chính – tiền tệ giữa năm 1997 ở ASEAN rồi lan sang Hàn Quốc, Nhật Bản), khủng hoảng môi trường, v.v.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.