Trí tuệ cảm xúc (EI) là gì?

0

1. Khái niệm trí tuệ cảm xúc.

Thuật ngữ trí tuệ cảm xúc hay trí thông minh cảm xúc (EI – emotional intelligence) do hai nhà tâm lí học Mĩ là Peter Salovey và John Mayer sử dụng năm 1990.

Theo Peter Salovey (1990), trí thông minh cảm xúc được nhận diện như là năng lực làm chủ, điều khiển, kiểm soát tình cảm, xúc cảm của mình và của người khác để tách biệt các phạm trù này khỏi khái niệm trí thông minh chung, các nét nhân cách và để sử dụng thông tin này trong định hướng cách suy nghĩ và cách hành động của một cá nhân.

Theo Salovey và Mayer (1997) trí thông minh cảm xúc được nhận diện như là năng lực nhận biết và bày tỏ xúc cảm hòa xúc cảm vào suy nghĩ, để hiểu, suy luận về xúc cảm và để điều khiển, kiểm soát xúc cảm của mình và của người khác.

Trí thông minh cảm xúc được hiểu là khả năng hiểu rõ cảm xúc bản thân, thấu hiểu cảm xúc người khác, phân biệt được chúng và sử dụng được chúng để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của bản thân.

Emotional Intelligence – Trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc EI là gì?

2. Các yếu tố cấu thành trí tuệ cảm xúc

a. Xét mức độ từ nhận thức đơn giản đến năng lực về cảm xúc, người ta chia trí thông minh cảm xúc thành 4 lớp:

Lớp thứ nhất gồm một phức hợp các năng lực cho phép một cá nhân biết cách cảm nhận và biểu lộ các xúc cảm. Các năng lực cụ thể ở đây bao gồm nhận dạng những xúc cảm của mình và của người khác, bày tỏ xúc cảm của mình và phân biệt được những dạng xúc cảm mà người khác bộc lộ.

Lớp thứ hai gồm các năng lực thấu hiểu sự hòa trộn, phát triển cảm xúc, chẳng hạn như hiểu được sự pha trộn phức tạp của các loại tình cảm (giữa yêu và ghét) và rút ra các quy luật về tình cảm, thí dụ như sự sự tức giận thường loại bỏ được sự e thẹn, sự mất mát thường kéo theo sự buồn chán.

Những năng lực nằm ở lớp thứ ba liên quan đến việc sử dụng các xúc cảm để hỗ trợ, tích cực hóa tư duy, tức là dùng những xúc cảm này để hỗ trợ óc phán xét, nhận thức được rằng những thay đổi tâm trạng có thể dẫn đến sự xem xét những quan điểm thay thế và hiểu rằng một sự thay đổi trong trạng thái xúc cảm và cách nhìn có thể khuyến khích nảy sinh các loại năng lực giải quyết vấn đề khác nhau.

Lớp thứ tư là năng lực chung: sắp đặt các xúc cảm nhằm hỗ trợ một mục tiêu xã hội nào đó. Ở mức độ phức tạp hơn này của trí thông minh cảm xúc, các kĩ năng cho phép cá nhân chọn lọc, duy trì các loại xúc cảm nào đó hoặc thoát ra khỏi những loại xúc cảm nào đó, để điều khiển, kiểm soát các xúc cảm của mình và của người khác.

b. Xét trí tuệ cảm xúc từ tự nhận thức đến nhận thức xã hội, từ tự quản lí đến quản lí quan hệ, người ta có thể coi trí tuệ cảm xúc gồm bốn thành phần:

Tự nhận thức – nhận ra những cảm xúc của riêng mình và chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của mình như thế nào, biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, và từ đó có sự tự tin.

Tự quản lí – khả năng có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi bột phát, quản lí cảm xúc của bản thân theo những cách tích cực, chủ động, thông qua các cam kết, và có thể thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.

Nhận thức xã hội – cá nhân có thể hiểu được cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác dựa trên tín hiệu cảm xúc, để có thể cảm thấy thoải mái về mặt xã hội, và nhận ra các động lực trong một nhóm hay tổ chức.

Quản lí mối quan hệ – cá nhân biết làm thế nào để phát triển và duy trì mối quan hệ tốt, giao tiếp rõ ràng, truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến những người khác, làm việc tốt trong một đội và quản lí xung đột.

3. Những ảnh hưởng của trí tuệ cảm xúc.

Hiệu suất làm việc và học tập. Trí tuệ cảm xúc có thể giúp cá nhân điều hướng các mối quan hệ xã hội phức tạp giúp mỗi người có thể dẫn dắt và tạo động lực cho người khác, nó giúp cá nhân vượt trội trong sự nghiệp của mình.

Sức khỏe thể chất. Nếu cá nhân không thể quản lí mức độ căng thẳng của mình, nó có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Không kiểm soát được căng thẳng có thể làm tăng huyết áp, ức chế hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, góp phần vô sinh, và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Bước đầu tiên để nâng cao trí tuệ cảm xúc là học cách để làm giảm căng thẳng.

Sức khỏe tâm thần. Không kiểm soát được căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cá nhân, làm cho cá nhân dễ bị lo lắng và trầm cảm. Nếu mỗi người không thể hiểu và quản lí cảm xúc của bản thân, chúng ta cũng sẽ khó thay đổi tâm trạng, và việc không có khả năng hình thành các mối quan hệ mạnh mẽ có thể khiến cá nhân cảm thấy cô đơn và bị cô lập.

Mối quan hệ. Bằng việc hiểu biết cảm xúc của cá nhân và làm thế nào để kiểm soát chúng, cá nhân biết thể hiện cảm xúc như thế nào và hiểu được cảm xúc của người khác. Điều này cho phép mỗi người giao tiếp hiệu quả hơn và làm cho các mối quan hệ tích cực hơn, cả trong công việc và trong cuộc sống của cá nhân.

ảnh hưởng của trí tuệ cảm xúc.

Trí tuệ cảm xúc giúp ích những gì?

Ngoài ra, trí tuệ cảm xúc giúp chúng ta rất nhiều trong các lĩnh vực:

  • Bản thân: ít bị căng thẳng; sức khỏe tốt; thành công trong công việc; cân bằng công việc và cuộc sống
  • Gia đình: hiểu nhau hơn và sống vui vẻ hạnh phúc
  • Đội nhóm: gắn kết, hòa hợp; hiệu quả
  • Tổ chức: Nhân viên trí tuệ cảm xúc cao sẽ làm việc hiệu quả hơn và đem lại thành công cho tổ chức.
  • Lãnh đạo: tăng khả năng ảnh hưởng và kết nối nhóm.

4. Vai trò của giáo dục đối với sự phát triển trí tuệ cảm xúc.

Dạy học và giáo dục giữ vai trò to lớn trong việc phát triển trí thông minh cảm xúc cho người học. Để trí thông minh cảm xúc là hệ quả của quá trình dạy học và giáo dục, nhà trường cần phải phát triển các nội dung sau:

  • Giúp cho người học biết cách nhận ra cảm xúc của mình và người khác, thể hiện các cảm xúc phù hợp khi nhận thông tin. Kết quả hoạt động này sẽ giúp cho người học hình thành năng lực nhận biết cảm xúc.
  • Giúp cho người học thấu hiểu các cảm xúc phức tạp và sự chuyển hóa từ một cảm xúc này đến một cảm xúc khác như thế nào. Khả năng này tạo ra một sự cảm nhận về ý nghĩa của tình cảm. Đây là điều quan trọng trong việc tạo dựng các mối quan hệ hiệu quả và phát triển chiến lược nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Hoạt động này hình thành cho người học năng lực hiểu cảm xúc.
  • Giúp cho người học hành động một cách thông minh dựa trên những dữ liệu cảm xúc của bản thân và người khác, cho phép sinh viên ứng dụng các chiến lược hiệu quả để đạt được những kết quả tốt. Kết quả của hoạt động này giúp cho người học hình thành năng lực quản lí cảm xúc.
  • Giúp cho người học tạo dựng được các cảm xúc tích cực và sử dụng những cảm xúc tích cực này để hỗ trợ tư duy một cách có hiệu quả. Đây là yếu tố cốt lõi cho việc giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo và sự thấu cảm. Hoạt động này giúp người học hình thành năng lực chuyển hóa từ cảm xúc sang tư

5. Các nhóm kĩ năng quan trọng để phát triển trí tuệ cảm xúc.

Phát triển trí tuệ cảm xúc thông qua 5 kĩ năng quan trọng:

  • Kĩ năng giảm căng thẳng;
  • Kĩ năng nhận biết và quản lí cảm xúc;
  • Kĩ năng kết nối mọi người và sử dụng giao tiếp không lời;
  • Kĩ năng sử dụng sự hài hước và sự vui đùa để đối phó với những thách thức;
  • Kĩ năng giải quyết xung đột một cách tích cực và tự tin

Làm thế nào để học 5 kĩ năng quan trọng của trí tuệ cảm xúc?

Năm kĩ năng của trí tuệ cảm xúc bất kì ai cũng có thể học vào bất cứ lúc nào. Có sự khác biệt giữa việc học tập về trí tuệ cảm xúc và áp dụng tri thức đó vào cuộc sống. Bởi vì mỗi cá nhân hoàn toàn biết nên làm một cái gì đó nhưng không có nghĩa là cá nhân đó sẽ thực hiện nó, đặc biệt là khi cá nhân ấy quá căng thẳng, và sự căng thẳng sẽ “làm chệch” ý định tốt của cá nhân ấy.

Để thay đổi hành vi và biết đứng lên trên áp lực, mỗi cá nhân cần phải học cách tận dụng lợi thế của cảm xúc để có thể hoạt động tích cực ngay cả khi bị căng thẳng. Điều này có nghĩa rằng chúng ta không chỉ đơn giản là đọc về trí tuệ cảm xúc để làm chủ nó, điều quan trọng là phải trải nghiệm và thực hành các kĩ năng trong cuộc sống hàng này của chính bản thân.

(Nguồn: Giáo trình Tâm lý học dạy học đại học)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.