Vấn đề con người trong sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam

0

Lý luận về con người của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng lý luận cho việc phát huy vai trò của con người trong cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh, do yêu cầu khách quan của sự phát triển lịch sử – xã hội Việt Nam, tiếp thu văn hóa và các giá trị truyền thống của dân tộc, gia đình, tinh hoa văn hóa của nhân loại, trong đó có lý luận về con người của chủ nghĩa Mác – Lênin, đã vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận về con người phù hợp vói điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam hiện đại.

Theo Hồ Chí Minh: “chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”. Quan niệm về con người của Hồ Chí Minh rõ ràng là đã được cụ thể hóa, bao hàm cả cá nhân, cộng đồng, giai cấp, dân tộc, nhân loại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người bao hàm nhiều nội dung khác nhau, trong đó có các nội dung cơ bản là: tư tưởng về giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, tư tưởng về con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, tư tưởng về phát triển con người toàn diện.

Giải phóng nhân dân lao động gắn liền vói giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, bởi ở Việt Nam quyền lợi của nhân dân lao động thống nhất với quyền lợi của giai cấp và dân tộc. Đấu tranh giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp vô sản và giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản không phải chỉ để giải phóng bản thân giai cấp vô sản, mà còn để giải phóng giai cấp nông dân và toàn thể dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột. Chỉ bằng cách đó, và duy nhất bằng cách đó, thì việc giải phóng giai cấp vô sản mới có thể thực hiện được triệt để và đảm bảo thắng lợi hoàn toàn. Công cuộc giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc chỉ có thể thắng lợi và thắng lợi hoàn toàn, triệt để bằng việc thực hiện cách mạng vô sản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Sự nghiệp giải phóng đó chỉ được hoàn thành khi các giai cấp bị bóc lột, các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên phạm vi toàn thế giói thoát khỏi ách áp bức, nô lệ.

Do bối cảnh lịch sử của quốc gia dân tộc, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tư tưởng giành độc lập, tự do cho quốc gia dân tộc. Độc lập, tự do là quyền bất khả xâm phạm của quốc gia dân tộc, là tư tưởng được Hồ Chí Minh kế thừa từ Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và xem đây là tư tưởng bất hủ, phải được áp dụng cho mọi quốc gia dân tộc. Tư tưởng ấy là điểm xuất phát cho các tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và nhân dân lao động và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Tháng 7 năm 1945, khi đang chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, dù đang bị bệnh nặng, Hồ Chí Minh đã căn dặn các đồng chí của mình rằng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. “Trong lúc này nếu không giải quyết được vần đề dân tộc giải phóng,
không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Việc giành lại độc lập, tự do dân tộc và bảo vệ nó là mục tiêu, sự nghiệp suốt đời của Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. “Dân tộc Việt Nam thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Hồ Chí Minh cũng khẳng định tư tưởng giải phóng dân tộc phải được thực hiện do chính các dân tộc bị áp bức, bóc lột: “Người ta sẽ không làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Quan điểm này không chỉ được thể hiện trong lĩnh vực lý luận mà nó còn được đưa vào thực tiễn vận động tuyên truyền trong quần chúng cách mạng: “Hỡi anh em ở các thuộc địa!… chúng tôi xin nói với anh em răng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Đây là một quan điểm thể hiện lập trường duy vật, khoa học và biện chứng, là sự vận dụng trung thành và sáng tạo tư tưởng về giải phóng con người, giải phóng giai cấp và nhân loại của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Quan điểm này đã được Hồ Chí Minh quán triệt trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của mình, và được Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục sử dụng trong thực tiễn, được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Hồ Chí Minh khẳng định: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Điều đó có nghĩa rằng theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự do mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải xây dựng một chế độ xã hội mới. “Tất cả những người lao động trên thế giới đều có một mục đích chung là thoát khỏi ách áp bức bóc lột, được sống sung sướng, tự do, tức là thực hiện chế độ cộng sản”. “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đây chính là thực chất của tư tưởng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, được Hồ Chí Minh phát triển từ lý luận về giải phóng con người của chủ nghĩa Mác – Lênin vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.

Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh rằng sự nghiệp cách mạng, thành quả cách mạng đều là của dân, do dân và vì dân. “Nước ta là một nước dân chủ, mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm, các cơ quan chính phủ từ toàn quốc cho đến làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người, nhân dân lao động không chỉ là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng mà còn là động lực của cách mạng: “Vô luận việc gì đều do con người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”. Con người ở Hồ Chí Minh cũng là nhân dân. Bởi thế, “công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đây chính là tư tưởng được ké thừa từ trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng lấy dân làm gốc đã được các triều đại phong kiến trong lịch sử sử dụng đặc biệt thành công trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, chiến thắng các thế lực ngoại xâm lớn mạnh hơn nhiều lần.

Phát triển con người toàn diện là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về con người. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Con người toàn diện là con người có cả đức và tài (vừa hồng vừa chuyên) trong đó đức là gốc. Đức là đạo đức, nhưng đó không phải là đạo đức thủ cựu, mà là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, đó không phải là đạo đức vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Yêu cầu cơ bản của đạo đức đó là trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, có tinh thần quốc tế vô sản. Tài hay chuyên là năng lực của con người đáp ứng được các nhiệm vụ được giao, được thể hiện qua việc không ngừng học tập, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kĩ thuật và lý luận.

Để con người phát triển toàn diện thì phải tu dưỡng, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, kết hợp giáo dục và tự giáo dục. Các phẩm chất và năng lực của con người không phải “từ trên trời sa xuống” mà phải “do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển mà củng cố”. Giáo dục là công việc của toàn xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với thế hệ trẻ. Xã hội cần những con người như thế nào thỉ thông qua giáo dục, con người như thế đó sẽ đào tạo và xuất hiện. Giáo dục gắn liền với tự giáo dục. Đó là quá trình tự cải tạo, tự thực hiện cách mạng trong chính bản thân mỗi người. Đó là quá trình khó khăn, phức tạp của cuộc cách mạng trong chính bản thân mình cũng khó khăn giống như cách mạng ngoài xã hội. Không thể thực hiện được cách mạng ngoài xã hội nếu không thực hiện được cuộc cách mạng trong bản thân mình và ngược lại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và phát triển con người là sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận về con người của chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam trong bổi cảnh mới của thời đại. Tư tưởng đó đã và đang là “kim chỉ nam”, là nền tảng lý luận cho việc hoạch định các chủ trương chính sách về con người và phát triển con người, cho việc điều hành và quản lý đời sống xã hội. Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, là nội dung cốt lõi, là tư tưởng căn bản trong chiến lược phát triển con người của nước ta hiện nay. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đã được Liên Hợp Quốc chính thức vận dụng ở quy mô toàn cầu.

Con người vừa là mục tiêu, là nguồn gốc, là động lực của sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định con người là chủ thể lịch sử xã hội. Quan điểm đó đã được cụ thể hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể hóa vào sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay trong quan điểm xem con người vừa là mục tiêu, là nguồn gốc, là động lực của sự phát triển xã hội. Quan điểm đó nhấn mạnh vai trò chủ thể tích cực, tự giác, sáng tạo của con người, xem đó là nguồn gốc, động lực của sự phát triển xã hội hiện đại. Phát huy vai trò con người chính là phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo đó trong quá trinh hoạt động, bằng việc phát huy tối đa các đặc trưng về phẩm chất, năng lực của chính họ, khắc phục và giảm thiếu những khiếm khuyết, hạn chế trên các phương diện khác nhau của con người. Phát huy vai trò con người được thực hiện trong cả hoạt động nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn, hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần, bao gồm cả năng lực nhận thức, tư duy, hành động lẫn các phẩm chất chính trị đạo đức v.v..

Việc phát huy vai trò con người ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay đã được Đảng ta chú trọng nhân mạnh trong các kỳ đại hội Đảng, trong các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, trong các chủ trương, chính sách, quản lý và điều hành sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Một mặt, Đảng ta nhấn mạnh việc đấu tranh không khoan nhượng chống thóai hóa, biến chất, suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, chống lại những thói hư tật xấu, những đặc tính tiêu cực của con người Việt Nam đang cản trở sự phát triển của chính con người và xã hội. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay với những đức tính sau đây:

Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

  • Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
  • Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
  • Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kĩ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội
  • Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”.

Hội nghị lần thứ Chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục nhấn mạnh và bổ sung: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học… hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”

“Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc… xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân, thiện, mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam… Xây dựng và phát huy lối sống mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người …”. Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi phải đặt con người vào vị trí trung tâm, xem đó vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển và cũng chỉ bằng cách đó thì sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay mới có thể thực hiện thành công được. Độc lập, tự do và hạnh phúc của con người, sự phát triển toàn diện của nó là nội dung cốt lõi, mục tiêu chủ yếu, cao nhất và bao trùm nhất của công cuộc đổi mới nói riêng và sự nghiệp giải phóng con người nói chung. Mục tiêu của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hỉện nay là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là sự thể hiện tập trung mục tiêu giải phóng con người trong giai đoạn hiện nay.

Việc phát huy vai trò con người để thực hiện mục tiêu giải phóng con người, xem con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế đến chính trị, từ giáo dục và đào tạo đến khoa học và công nghệ, từ lĩnh vực xã hội đến lĩnh vực văn hóa. Bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam là mọi sự thắng lợi đều phải dựa trên nền tảng phát huy, sử dụng đúng đắn con người. Để phát huy mạnh mẽ vai trò con người trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp khác nhau: Két hợp giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần; coi trọng phát huy vai trò động lực chính trị, tinh thần và đạo đức; chú trọng tuyên truyền giáo dục, động viên kịp thời các hiện tượng tích cực của con người trong xã hội; thực thi các chính sách kinh tế xã hội hướng đến con người và vì con người; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Con người được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế và xã hội, coi trọng nhu cầu và lợi ích chính đáng của con người, đề cao sự tu dưỡng, tự rèn luyện, thông qua hoạt động thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng con người, thực hành phê bình và tự phê bình thường xuyên, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Sự thành công của công cuộc đổi mới nói riêng và sự phát triển đất nước nói riêng phụ thuộc rất lớn vào việc phát huy vai trò con người, nhất là khi cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra như vũ bão, cách mạng công nghiệp lân thứ tư đang bắt đầu, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra với những diễn biến bất thường, khó lường.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.