Chủ nghĩa Freud (trong văn học)

0

Chủ nghĩa Freud (Freudisme), hay còn gọi phân tâm học Freud là thuật ngữ chỉ chung những quan niệm nhân chủng học, triết học và tâm lý học của nhà tâm thần học S. Freud và những học thuyết, trường phái phổ biến rộng rãi trong văn hóa thế kỷ XX, thu hút và ảnh hưởng đến nhiều nhà tiểu thuyết người Mỹ như E. Calwell (1903 – 1987), S. Andersen (1876 – 1941), Steinbeck (1902 – 1968); người Anh như A. L. Huxley (1894 – 1963); người Pháp như H. R. Lenormand (1882 – 1952); người Nga như B. B. Nabokov (1899 – 1977)…

S. Freud (1856 – 1939) là bác sĩ thần kinh và tâm thần người Áo, gốc Do thái, người có công tìm ra hướng chữa các chứng bệnh thần kinh và tâm thần bằng phương pháp độc đáo là thăm dò cõi vô thức của con người. Công trình khoa học đầu tiên của ông là Nghiên cứu về bệnh loạn thần kinh (1895) là những ghi chép về việc trị bệnh thần kinh bằng phương pháp thôi miên. Nhưng, trước đó ba năm, ông không chữa bệnh bằng thôi miên nữa mà đã chuyển sang phương pháp thăm dò cõi vô thức. Ông lần lượt cho xuất bản các công trình Lý giải các giấc mơ (1899 – 1900), Thần kinh bệnh học đời sống thường ngày (1901), Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục (1905), Năm phân tâm học (1905 – 1908), Dẫn luận phân tâm học (1916)… Nguyên tắc cơ bản trong phương pháp chữa bệnh của ông là những cuộc trò chuyện, không căn vặn, hối thúc bệnh nhân phải trả lời câu hỏi, mà là thầy thuốc cùng bệnh nhân nói chuyện linh tinh. Trong lúc nói chuyện bâng quơ, bệnh nhân không bị ràng buộc bởi chủ đề, hay chi phối bởi định kiến tâm lý hoặc xã hội nào đó. Vì vậy, qua đó lời kể của bệnh nhân có thể bất ngờ bật lên những hình ảnh, những ẩn ức đã bị chôn vùi từ lâu trong cõi vô thức. Thầy thuốc phải kiên nhẫn lắng nghe, không định kiến, không vội vã quy kết. Nghĩa là, phương thuốc chữa bệnh hoàn toàn bằng lời nói và chỉ có lời nói mà thôi, dựa trên các ham muốn của bệnh nhân được kể ra những điều muốn nói. Phương pháp này chính là nền tảng của phân tâm học, và đã có đóng góp quan trọng cho tư duy hiện đại.

Đi sâu vào cơ chế giấc mơ và cõi vô thức, Freud tìm ra sự xung đột giữa ham muốn và ức chế, trước hết là xung đột giữa xung lực tính dục (libido) với sự ức chế do áp lực của các yêu cầu đạo đức xã hội… Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình người nghệ sĩ tạo ra một giấc mơ khác với cuộc đời. Mọi giấc mơ chỉ là bộc lộ ham muốn ở cõi vô thức trong tình trạng bị cấm đoán, ức chế, là sự thực hiện một cách che đậy những ham muốn bị ức chế kia. Cốt lõi của tình thế xung đột kia chính là mặc cảm Oedipus. Khi nghiên cứu các con bệnh và tìm hiểu chính bản thân mình để xác lập khái niệm “mặc cảm Oedipus”, Freud đã đọc và nghiên cứu các tác phẩm văn học như Oedipus làm vua của Sophocle (496 – 406 TCN), Hamlet của Shakespeare (1564 – 1616), Anh em nhà Karamazov của Dostoievski (1821 – 1881). Theo ông, văn học nghệ thuật cũng như các giá trị văn hóa khác như phong tục tập quán, nghi lễ, tôn giáo đều là sự thỏa mãn có tính chất thăng hoa của các xung lực bị ức chế. Oedipus giết bố và lấy mẹ chính là thỏa mãn cái ham muốn tuổi thơ đã tồn tại vô thức trong mỗi chúng ta mà chúng ta đã quên đi, đó là ham muốn có tính chất loạn luân đối với cha hoặc với mẹ khác giới với mình và lòng ghen tuông tội lỗi đối với cha hoặc với mẹ cùng giới với mình. Oedipus vừa là người điều tra tội phạm, vừa là kẻ phạm tội bị điều tra, rồi cuối cùng đau đớn tìm ra sự thật hung thủ chính là mình. Chính Hamlet lúc nào cũng suy tưởng, do dự, không muốn trả thù, khi chính hồn ma vua cha nói rõ kẻ thù là ai, bởi vì trong vô thức của chàng không muốn trừng trị kẻ đã giúp chàng loại bỏ người đàn ông bên cạnh mẹ chàng, không muốn trừng trị kẻ đã giúp chàng thực hiện những ham muốn bị ức chế từ tuổi ấu thơ. Hơn nữa, xét cho cùng, trong vô thức chàng cũng chẳng tốt đẹp gì hơn kẻ mà chàng muốn trừng trị. Freud đồng nhất bản thân ông với các nhân vật văn học, với các tác giả và chỉ ra mối quan hệ vô thức ấy.

Sự lý giải mới mẻ và độc đáo về cấu trúc tâm lý cá nhân do Freud đề xuất thu hút được sự chú ý của nhiều nhà văn vốn quan tâm đến việc khám phá và thể hiện chiều sâu, chiều rộng và sự phức tạp của con người. Để lý giải hoạt động sáng tạo, ông đã có phát hiện quan trọng về những căn thẳng thường xuyên trong tâm lý con người là nguyên nhân của bệnh rối loạn thần kinh, ngược lại nó là lò xo của hoạt lực sáng tạo, trong đó có sáng tạo nghệ thuật. Thăng hoa chính là sự cải biến ham muốn tính dục bị dồn ép thành hoạt động tinh thần.

Trên cơ sở chủ nghĩa Freud, xuất hiện khuynh hướng phê bình phân tâm học dựa vào con đường mà Freud đã khai phá. Người ta chú ý đến môi trường sinh trưởng và giáo dục của nhà văn, chuyển bình diện xã hội – văn hóa thành bình diện nhân chủng học – gia đình. Đó là quá trình đi tìm những đặc điểm tâm lý của tác giả. Từ đó rút ra những đặc tính hình thức và tư tưởng của tác phẩm. Một trào lưu phê bình mới, thu hút các nhà phê bình như C. Mauron (1899 – 1966), Lacan (1901 – 1981), P. Lejeune, J. Kristeva… nhưng mỗi người tìm tòi triển khai theo một cách riêng tùy theo cách hiểu Freud của mình, thậm chí người kế tục xuất sắc nhất của Freud là C. Jung (1875 – 1961) còn không dừng lại ở phạm vi phân tâm học, mà còn đề xuất ra một quan niệm mới, một mô hình mới là tâm phân học.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.