Sơ lược các phương pháp công tác xã hội

0

1.  Công tác xã hội cá nhân

Công tác xã hội cá nhân được định nghĩa là “hệ thống giá trị và phương pháp được các nhân viên xã hội chuyên nghiệp sử dụng, trong đó các khái niệm về tâm lý xã hội, hành vi và hệ thống được chuyển thành các kỹ năng giúp đỡ cá nhân và gia đình giải quyết những vấn đề về nội tâm lý, quan hệ giữa các cá nhân, kinh tế xã hội và môi trường thông qua các mối hệ một-một” (Farley O. W, 2000).

Công tác xã hội cá nhân trước hết được khẳng định như là một phương pháp chuyên nghiệp được các nhân viên xã hội sử dụng để hỗ trợ cá nhân vượt qua khó khăn trong việc thực hiện các chức năng xã hội của họ. Với phương pháp này, nhân viên xã hội can thiệp giải quyết vấn đề của cá nhân trong mối quan hệ tương tác với môi trường xã hội của cá nhân đó. Gia đình cũng được coi như một trường hợp (một case) với các mối quan hệ đặc thù giữa các cá nhân trong gia đình đó, vì thế đã được xếp vào phương pháp công tác xã hội cá nhân. Như vậy, ‘cá nhân’ có thể được hiểu rộng hơn là một case hay một trường hợp cụ thể, cần sự quan tâm sâu sắc. Vì thế, trong phương pháp này, nhân viên xã hội có điều kiện nhấn mạnh vào nguyên tắc cá thể hóa sự giúp đỡ đối với thân chủ là một cá nhân hay đối với trường hợp là cả gia đình.

Như vậy, vai trò chủ yếu của nhân viên xã hội trong phương pháp công tác xã hội cá nhân là người tạo điều kiện, giúp cá nhân đánh giá, xác định vấn đề, tìm kiếm tiềm năng, điểm mạnh tiến đến nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề của bản thân. Bên cạnh đó, nhân viên xã hội khi tương tác trong mối quan hệ một-một với cá nhân cũng có thể cùng lúc tham gia với các vai trò khác như nhà giáo dục, người biện hộ, người môi giới. Để thực hiện việc tương tác trực tiếp đạt hiệu quả cao, nhân viên xã hội cần phải thành thạo các kỹ năng sử dụng trong đối thoại trực tiếp như kỹ năng tạo lập mối quan hệ ban đầu, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng vấn đàm, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng quan sát.

Sau đây là một số mô hình trợ giúp cá nhân giải quyết vấn đề

  • Mô hình tập trung vào nhiệm vụ (task centered model):
  • Hỗ trợ xử lý khủng hoảng (Crisis intervention)
  • Tham vấn/ trị liệu qua tác động tư duy (Cognitive therapy /counselling)
  • Huấn luyện thân chủ ứng phó với căng thẳng
  • Tham vấn/ Trị liệu gia đình.

2.  Công tác xã hội nhóm

Khái niệm công tác xã hội nhóm

Công tác xã hội nhóm được Toseland và Rivas định nghĩa như sau: Công tác xã hội nhóm là hoạt động có mục đích với các nhóm nhiệm vụ và trị liệu nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm xã hội và hoàn thành nhiệm vụ. Hoạt động này hướng tới các thành viên trong nhóm và tới toàn thể nhóm trong một hệ thống cung cấp dịch vụ.

Vai trò của công tác xã hội nhóm:

  • Tạo ra cảm giác được thuộc về nhóm cho các thân chủ
  • Cơ hội để cá nhân thử nghiệm thực tế thông qua môi trường nhóm
  • Tạo ra sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm.

Công tác xã hội nhóm còn được xem như sự định hướng, một phương pháp can thiệp của công tác xã hội, trong đó các thành viên chia sẻ những mối quan tâm, giải quyết những vấn đề chung thông qua các cuộc họp nhóm các hoạt động của nhóm nhằm đạt được mục tiêu cụ thể.

– Các đặc trưng công tác xã hội nhóm

+ Đối tượng tác động của phương pháp này là toàn nhóm.

+ Công cụ tác động của nhóm chính là mối quan hệ, sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm.

+ Vai trò hỗ trợ của nhân viên xã hội trong tiến trình giúp đỡ nhóm thân chủ.

– Mục đích của công tác xã hội nhóm

Kliein (1972) đã đưa ra các mục đích của công tác xã hội nhóm bao gồm: mục đích phòng ngừa, mục đích phục hồi và mục đích phát triển.

Các hoạt động của công tác xã hội nhóm hướng tới phòng ngừa như trang bị kiến thức kỹ năng cho các thành viên trong nhóm.

Mục đích phục hồi/ điều chỉnh bao gồm những hoạt động giúp cho các cá nhân trong nhóm được nâng cao năng lực để vượt qua khó khăn và trở lại mức ban đầu hoặc phát triển. Ví dụ như hoạt động tham vấn nhóm giúp cho các thành viên là những trẻ em có vấn đề trong trường học chia sẻ, học cách ứng xử mới và rèn luyện kỹ năng ứng xử để có khả năng hoà nhập tốt hơn trong lớp học.

Mục tiêu xã hội hoá giúp cho các cá nhân học hỏi những kiến thức kinh nghiệm từ người khác, biến những kinh nghiệm của người khác thành của cá nhân để tạo nên khả năng hoà nhập tốt hơn trong cuộc sống. Nhóm được sử dụng còn hướng tới giúp các thành viên giải quyết vấn đề và tạo lập giá trị xã hội.

Các loại hình nhóm công tác xã hội

Thông thường, người ta có thể chia nhóm công tác xã hội theo các dạng nhóm như nhóm can thiệp và nhóm nhiệm vụ.

Nhóm can thiệp là nhóm có các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các thành viên. Người ta sử dụng các loại hình nhóm thuộc nhóm can thiệp như nhóm hỗ trợ, nhóm giáo dục, nhóm phát triển, nhóm trị liệu, nhóm xã hội hoá.

Nhóm hỗ trợ là loại hình nhóm bao gồm các hoạt động nhóm tạo ra môi trường nhằm giúp các thành viên chia sẻ, trao đổi kiến thức, kỹ năng ứng phó với những vấn đề họ đang gặp phải ví dụ như nhóm cho những người đang có HIV, nhóm trẻ lang thang.

Nhóm giáo dục là nhóm hướng nâng cao nhận thức, kỹ năng xã hội giúp cho các thành viên được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó cũng như phòng ngừa các vấn đề xã hội như nhóm cho cha mẹ, cho trẻ vị thành niên…

Nhóm phát triển là nhóm hướng tới tạo ra môi trường để các thành viên nhóm học hỏi chia sẻ nhằm phát triển khả năng cá nhân, khả năng giao tiếp xã hội, phát triển năng lực của cá nhân, hoàn thiện bản thân ví dụ như nhóm những người khuyết tật, nhóm trẻ em, nhóm cha mẹ trẻ…

Nhóm trị liệu là loại hình nhóm hướng tới can thiệp trợ giúp thành viên trong nhóm can thiệp, phục hồi chức năng xã hội đã bị suy giảm trong hoàn cảnh có vấn đề ví dụ như nhóm cho trẻ em bị khủng hoảng sau khi bị xâm hại, nhóm cho những phụ nữ bị bạo hành, hay những người có hành vi bạo hành, nhóm những người nghiện ma tuý…

Nhóm xã hội hoá là nhóm bao gồm những hoạt động giúp cho các thành viên trong nhóm tăng cường khả năng hoà nhập xã hội. Nó bao gồm những hoạt động giúp cho cá nhân học hỏi kỹ năng xã hội, kỹ năng quản lý bản thân cũng như quản lý xã hội, những hoạt động vui chơi giải trí nhằm giải toả những trạng thái căng thẳng, giúp con người biết cách tạo sự cân bằng trong cuộc sống.

Nhóm nhiệm vụ được sử dụng để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, tìm ra giải pháp cho vấn đề, lấy ý kiến và đưa ra quyết định.

Trong công tác xã hội nhóm, nhân viên xã hội đóng vai trò như người điều phối. Nghĩa là, hoạt động của nhân viên xã hội không nhằm vào hoạt động của từng người cụ thể mà tác động đến sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm thông qua vai trò điều phối các hoạt động của nhóm. Trong phương pháp này, công cụ chủ yếu của nhân viên xã hội không còn là sự tương tác trực tiếp giữa nhân viên xã hội với từng con người cụ thể mà là sự tác động của nhân viên xã hội đến sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm thông qua tiến trình làm việc với cả nhóm. Với sự điều phối của nhân viên xã hội và sự tương tác của các thành viên trong nhóm là nhân tố giúp các thành viên trong nhóm thay đổi, tăng cường sự liên kết và phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân và tiềm năng nhóm. Trong thực tế, tác động của nhóm nhỏ thông qua các hoạt động nhóm đối với cá nhân là rất mạnh mẽ. Cho nên, phương pháp công tác xã hội nhóm ngày càng được sử dụng rộng rãi khi vấn đề của cá nhân nan giải mà việc áp dụng phương pháp công tác xã hội cá nhân ít hiệu quả.

Công tác xã hội nhóm có ý nghĩa quan trọng và tác dụng rất lớn trong hoạt động trợ giúp cá nhân gia đình hay nhóm đối tượng cần can thiệp. Nó không chỉ có ý nghĩa là phương pháp bổ sung cho các phương pháp khác trong can thiệp của công tác xã hội mà còn là phương thức giúp cho các cá nhân xây dựng và hoàn thiện nhân cách, tăng cường khả năng thích nghi xã hội, tương tác nhóm và năng lực ứng phó với các vấn đề xã hội một cách hiệu quả.

3.  Làm việc với cộng đồng

Phương thức này trong ngành công tác xã hội dựa trên giả thiết rằng nhân viên có thể tạo sự thay đổi trên phương diện tập thể, như trong một cộng đồng, một tổ chức hoặc một cơ quan. Người ta phân loại phương thức can thiệp cộng đồng tùy thuộc theo vai trò và các hoạt động của nhân viên xã hội như sau.

Phát triển cộng đồng: Là một phương thức phát triển, dựa trên giả thiết rằng nhân viên xã hội có thể hoạt động trong một địa phương hoặc cộng đồng để giúp họ phát triển tiềm năng sẵn có của họ. Trong quá trình này, nhân viên đóng vai trò xúc tác để giúp cộng đồng nhận định mục tiêu, tiềm năng và các nguồn hỗ trợ để đạt mục tiêu. Nhân viên xã hội giúp cộng đồng tạo ra các cơ hội và điều kiện để đạt mục tiêu đó. Nhân viên có thể là một người trong tập thể cộng đồng hoặc là một người ngoài.

Trong quá trình, cộng đồng cần tự hoàn thành những hoạt động như:

  • Nhận định các nhu cầu cụ thể và các điều kiện cần thay đổi
  • Nhận định mục tiêu để thay đổi
  • Nhận định các nguồn tiềm năng trong cộng đồng và các nguồn hỗ trợ ngoài cộng đồng để đạt mục tiêu
  • Triển khai các nguồn tiềm năng và nhận định người cầm lái trong cộng đồng
  • Biện hộ khi cần thiết, và tìm đến những nguồn hỗ trợ
  • Thực hiện các hoạt động thay đổi
  • Đánh giá quá trình phát triển và quyết định những hoạt động sau đó
  • Duy trì sự tự chủ và tiếp tục triển khai các nguồn tiềm năng trong cộng đồng để tiếp tục phát triển cộng đồng.

Xây dựng kế hoạch xã hội: Là một phương thức phát triển cộng đồng qua quá trình thiết kế hợp lý và với sự hỗ trợ của chuyên gia. Nhân viên làm việc với cộng đồng để giúp họ lập kế hoạch phát triển. Nhân viên thường là người ngoài, có nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Nhân viên tham gia trực tiếp trong quá trình và đôi khi là lãnh đạo. Quá trình thiết kế gồm có những bước như sau:

  • Nhận định những nhu cầu cụ thể của cộng đồng, nhất là trong công tác phát triển
  • Đặt mục tiêu với cộng đồng
  • Nhận định những nguồn tiềm năng trong và ngoài cộng đồng
  • Tìm những nguồn tiềm năng
  • Đánh giá quá trình và lập kế hoạch kế tiếp
  • Lập kế hoạch theo dõi tiến triển.

Hành động xã hội: Là một phương thức phát triển cộng đồng qua các hoạt động có dạng biện hộ và một số hoạt động ngoài phạm vi cộng đồng. Nhân viên tham gia vào tất cả các hoạt động và đôi khi đại diện trong những hoạt động biện hộ. Nhân viên có thể là người trong hoặc ngoài cộng đồng. Việc chính yếu của nhân viên ở đây là giúp cộng đồng tìm đến những nguồn hỗ trợ bên ngoài, nhất là với các tổ chức và cơ quan để đạt được mục tiêu của cộng đồng. Nhân viên thường tham gia nhiều trong quá trình thực hiện mục tiêu của cộng đồng.

4.  Quản trị ngành công tác xã hội

Quản trị công tác xã hội là một tiến trình hành động liên tục của nhân viên xã hội trong việc sử dụng các kiến thức, kỹ năng quản trị để chuyển đổi các chính sách xã hội thành các dịch vụ xã hội sao cho các chính sách xã hội đó có ý nghĩa và hiệu quả, tạo nên sự phù hợp của chính sách xã hội với nhu cầu thực tiễn của người dân trong cộng đồng. Nó bao gồm hoạt động của những người lãnh đạo tổ chức và tất cả những nhân viên trong tổ chức để hoàn thành mục đích chung của tổ chức.

Quản trị công tác xã hội phân theo nhiều cấp độ: Quản trị công tác xã hội ở cấp độ cá nhân và quản trị xã hội ở cấp độ tổ chức.

Ở cấp độ cá nhân, mỗi nhân viên công tác xã hội xét tới các khía cạnh mang tính thực hành, tác nghiệp của người nhân viên xã hội về quản lý ca, điều phối các nguồn lực trong quá trình giúp đỡ trường hợp cụ thể. Trong công tác quản trị, nhân viên xã hội cần có kỹ năng ghi chép phúc trình, quản lý lưu trữ hồ sơ theo đúng nguyên tắc nghề nghiệp. Bên cạnh đó người nhân viên xã hội cũng cần biết tự bảo vệ bản thân, biết cách xử lý những căng thẳng thần kinh do tính chất công việc luôn bị áp lực của nghề nghiệp gây ra, có như vậy mới đảm bảo trạng thái thần kinh ổn định nhằm trợ giúp đối tượng một cách khách quan và không bị chi phối bởi những áp lực khác.

Quản trị công tác xã hội ở cấp độ tổ chức xét tới việc thực hiện chức năng quản trị của nhà quản trị ở vị trí người lãnh đạo, quản lý tổ chức. Vai trò của nhà quản trị ở cấp độ tổ chức thực hiện chức năng quản trị nghiêng về các khía cạnh liên quan đến vận hành hoạt động của tổ chức, bao gồm việc hoạch định các chính sách và các khía cạnh liên quan đến cấu trúc của tổ chức, công tác quản trị nhân lực, kiểm soát xung đột, kiểm huấn, tìm kiếm nguồn lực (nhân lực, tài chính) cũng như điều phối nguồn lực (nhân lực, tài chính) trong tổ chức sao cho sử dụng các nguồn lực đó có hiệu quả trong tổ chức do mình quản lý.

5.  Nghiên cứu trong công tác xã hội

Nghiên cứu trong công tác xã hội được sử dụng bởi bản thân các nhân viên xã hội, các nhà làm chính sách, người cung cấp dịch vụ. Lý do là các nghiên cứu này xoay quanh việc thử nghiệm và khẳng định các chính sách và mô hình can thiệp xã hội là cần thiết cho đối tượng. Trên thực tế, một mô hình can thiệp chưa hẳn đã tốt hơn cho đối tượng so với trước khi họ được nhận sự hỗ trợ. Ví dụ: liệu việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng có thể làm thay đổi theo chiều hướng tích cực cuộc sống của những người sống chung với HIV/AIDS hay không? Những người thực hiện chương trình hỗ trợ chỉ có câu trả lời khách quan thông qua khảo sát/ nghiên cứu. Nếu chủ quan phiến diện trong việc đánh giá các mô hình hỗ trợ, có thể sẽ làm phương hại đến đối tượng, thay vì giúp cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Nghiên cứu trong công tác xã hội thường hướng về các vấn đề: Vấn đề về mặt tâm lý xã hội; Các can thiệp trong việc phòng ngừa; Các can thiệp trong việc chữa trị; Các vấn đề về cộng đồng, tổ chức, chính sách và quản lý.

Ví dụ:

  • Đánh giá các phương pháp can thiệp và phòng ngừa về vấn đề sức khỏe tinh thần, bảo trợ cho trẻ em, người già, người nghiện ma túy, nghiện rượu, phát triển cộng đồng, nhà ở…
  • Tìm ra các điểm mạnh, nhu cầu và mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình với các nguồn lực khác
  • Đưa ra các minh chứng để nâng cao tính hiệu quả của các dịch vụ xã hội và các chính sách công.

(Lytuong.net – Tài liệu tham khảo: Nhập môn công tác xã hội, UNICEF, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, 2016)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.