Di động xã hội là gì? Các hình thức di động XH

0

Di động xã hội là gì? Có những hình thức di động xã hội nào? Đâu là yếu tố ảnh hưởng.

Khái niệm

Di động xã hội là sự di chuyển, dịch chuyển vị trí xã hội của cá nhân từ vị  trí này đến vị trí xã hội khác. Là tính linh hoạt của các cá nhân và nhóm xã hội trong kết cấu của các tầng xã hội.

Di động xã hội là khái niệm chỉ sự di chuyển của giai cấp này, nhóm xã hội này, tầng lớp này lên một giai cấp hay tầng lớp khác, thậm chí là rơi xuống tầng lớp dưới, giai cấp hay địa vị thấp hơn.

Nội hàm của di động xã hội: Là sự vận động của cá nhân hay một nhóm người từ vị thế xã hội này sang vị thế xã hội khác; là sự di chuyển của một con người, một tập thể, từ một địa vị, tầng lớp xã hội hay một giai cấp sang một địa vị, tầng lớp, giai cấp khác.

Như vậy, di động xã hội bao gồm:

  • Di động về địa lý: là sự thay đổi của cá thể giữa các đơn vị trong hệ thống không gian.
  • Di động trong công việc: cả các đơn vị của một ngành hay mỗi đơn vị riêng lẻ đều có thể xem như là một hệ thống mà giữa chúng cũng như trong phạm vi của chúng, các cá thể chuyển đến được.
  • Di động xã hội: là sự thay đổi của một hay nhiều cá thể giữa các đơn vị của một hệ thống tầng lớp xã hội.

Hình thức di động xã hội

Hình thức di động theo thế hệ

Với hình thức này, có thể phân biệt di động xã hội theo hai khía cạnh khác nhau:

    • Di động liên các thế hệ: thế hệ con cái có địa vị cao hơn hoặc thấp hơn so với địa vị của cha mẹ;
    • Di động nội thế hệ: là một người thay đổi vị trí nghề nghiệp, nơi ở trong cuộc đời làm việc của mình, có thể cao hơn hoặc kém hơn so với người cùng thế hệ.

Hình thức di động xã hội ngang – dọc

Di động xã hội được xác định như là sự vận động của các cá nhân hay một nhóm xã hội từ vị trí, địa vị xã hội này sang vị trí, địa vị xã hội khác. Bởi vậy, khi nghiên cứu di động xã hội, các nhà lý luận còn chú ý đến hình thức:

  • Di động theo chiều ngang: chỉ sự vận động cá nhân giữa các nhóm xã hội, giai cấp xã hội đến một vị trí ngang bằng về mặt xã hội.
  • Di động theo chiều dọc: chỉ sự vận động của các cá nhân giữa các nhóm xã hội, giai cấp xã hội đến vị trí, địa vị xã hội có giá trị cao hơn hoặc thấp hơn.

Hình thức di động theo địa vị xã hội

Di động xã hội còn chủ yếu quan tâm tới địa vị đạt được – giành được, chứ không phải là địa vị gán cho – có sẵn; và phân biệt hai loại di động sau:

  • Di động được sự bảo trợ: đạt được địa vị cao bởi nguyên nhân hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố khác không trực tiếp liên quan đến khả năng hoặc nỗ lực, cố gắng của bản thân;
  • Di động do tranh tài: đạt được địa vị cao trên cơ sở của nỗ lực và tài năng bản thân.

Ngoài các hình thức di động trên, có thể đưa ra hai loại sau:

  • Di động cơ cấu: là sự di động xã hội với tư cách là kết quả của sự thay đổi trong quá trình phân phối các địa vị trong xã hội.
  • Di động trao đổi: trong di động này một số người thăng tiến thay vào vị trí của một số người khác di động xuống, kết quả tạo nên sự cân bằng cơ cấu xã hội.

Các hình thức di động xã hội kết hợp với nhau, tác động lẫn nhau tạo nên sự biến động của cấu trúc xã hội để cuối cùng thiết lập sự cân bằng của toàn bộ hệ thống xã hội.

Những yếu tố ảnh hưởng đến di động xã hội

  • Hoàn cảnh kinh tế nói chung và hoàn cảnh kinh tế đặc thù của mỗi địa phương.
  • Những yếu tố môi sinh: lịch sử văn hoá, địa lý nhân văn, không khí chính trị xã hội, phong tục tập quán, dòng họ, nếp sống, tôn giáo…
  • Những yếu tố cá nhân: giai cấp, học vấn, nghề nghiệp, lứa tuổi, hình thức bề ngoài, hôn nhân…

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.