Chủ nghĩa hiện sinh (existentialisme) trong văn học
Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện đầu tiên với tư cách là một khuynh hướng triết học hình thành ở Nga trước Đại chiến I, với các tác giả L.I. Sextov (1874 – 1938), N. A. Berdyaer (1876 – 1948), ở Đức sau Đại chiến I, với M. Heidegger (1889 – 1976), K. Jaspers (1883 – 1964), M. Buber (1878 – 1965), chuyển dần thành trào lưu mỹ học, văn học ở Pháp trong thời kỳ Đại chiến II (1939 – 1945) với J.P. Sartre (1905 – 1980), Mesleau – Ponty (1908 – 1961), A. Camus (1913 – 1960), S.D. Beauvoir (1908 – 1986), sau đó phổ biến ở nhiều nước Âu, Mỹ và cả Nhật Bản.
Chủ nghĩa hiện sinh (existentialisme) có nguồn gốc từ chữ Latinh “existentia” có nghĩa là sinh tồn. Nếu theo nghĩa rộng với các dấu hiệu về tâm trạng, tinh thần (cảm nhận cực kỳ căng thẳng về sự khủng hoảng của thế kỷ XX, nó là cái đang xói mòn các giá trị và ý nghĩa tinh thần và biểu hiện siêu hình về sự “mất mát ý nghĩa” qua việc nêu lên tính bi đát muôn thủa của “thân phận con người”, những cố gắng vô vọng nhằm khắc phục) thì chủ nghĩa hiện sinh là một dòng đa tạp bao gồm nhiều hiện tượng triết học, mỹ học, văn hóa, văn học có dấu hiệu chung là chủ nghĩa nhân bản bi đát, tác động sâu sắc đối với thế giới hiện đại với những tổn thương bệnh hoạn, có nguồn gốc chung từ tư tưởng của B. Pascal (1623 – 1662), S. Kierkegard (1813 – 1899), F. Nietzsche (1844 – 1900), F. Kapka (1883 – 1924), F.M. Dostoievski (1821 – 1881). Nhưng cội nguồn rõ nhất là lý thuyết bi quan về “tội lỗi của con người trong thời đại mất Chúa” của Kierkego, triết gia người Đan Mạch vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa hiện sinh (existentialisme) trong văn học
Xem thêm : Nghệ thuật Nguyên thủy
Với chủ nghĩa hiện sinh, triết học khác với khoa học, mà là một hình thái nhận thức gần gũi với sáng tác nghệ thuật. Họ cho rằng, nhận thức duy lý bất cập đối với hiện sinh con người, nhưng con người lại được khám phá bằng những trải nghiệm trực tiếp, có thể miêu tả nó giống như cách miêu tả của nghệ thuật. Do vây, các nhà hiện sinh ít trình bày quan điểm của mình trực tiếp bằng luận văn, luận điểm khoa học, mà phần lớn là bằng các hình thức nghệ thuật (F.P. Sartre, A. Camus, S.D. Beauvoir) hoặc thông qua việc phân tích, lý giải, bình phẩm tác phẩm nghệ thuật (M. Heidegger, N.A. Berdyaev, L.I Sextov, G.Marcel, A. Malreaux).
Chống lại lý thuyết của Hegels về logic, về tính hệ thống một cách duy lý, các nhà hiện sinh cho rằng triết học chỉ “miêu tả” cuộc sống con người như nó đang tồn tại (hiện sinh). Con người của họ là con người hiện sinh độc đáo, con người cá nhân, duy nhất, con người nội tâm huyền bí. Đặt cá nhân trong mối quan hệ với thế giới, với những người khác và với Chúa trời. Giọng điệu chung là sự bi quan, bi đát, là sản phẩm của một thứ triết học nảy sinh vào thời kì có những chấn động xã hội dữ dội. Chủ nghĩa hiện sinh triết học cũng chia làm hai nhóm: nhóm vô thần cho rằng “thượng đế đã chết”, sự tồn tại của con người là vô nghĩa. Con người trở thành nơi chứa đựng cái phi tồn tại tự do của con người đối lập với mọi thứ, tìm ra chỗ dựa bất cứ đâu, kể cả thiên nhiên, thượng đế, vì tự do đồng nhất với bất cứ mọi thứ tùy tiện, võ đoán, bất thường của cá nhân. Con người chỉ biết dựa vào bên trong, do vậy nó tuyệt vọng trong cuộc rượt đuổi những ảo ảnh, mà sáng tạo nghệ thuật là một trong những ảo ảnh ấy. Nhóm hữu thần chống lại những bi quan phổ quát, họ cho rằng chính nghệ thuật là cái sáng tạo ra nội dung nhân loại cho thế giới, nó là loại “mã hóa siêu hình” đưa con người đến với cõi siêu việt, đến với thương đế. Husserd cho rằng không có cái gì “bên dưới” hiện tượng cả. Bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng không chứa đựng cái gì bên trong nó cả, mà nó chính là nó. Hiện tượng có trước bản chất, nên triết học chỉ miêu tả hiện tượng thôi không cần lí giải, khái quát gì cả. Heidegger còn cho rằng thế giới là huyền bí, chỉ có ý thức cá nhân mới tồn tại đích thực: “Sự sinh tồn là sự tồn tại. Mà sự tồn tại mãi mãi chính là cái tôi… Không có một sự tùy tiện nào về việc sử dụng thuật ngữ khi chúng tôi lí giải về sự tồn tại. Sự tồn tại chính là bản thân chúng tôi. Chúng tôi xem thường những danh từ như cuộc sống, con người…” Ông còn cho rằng “cái tôi” đích thực bị tập thể, nhân quần, xã hội bao vây lấn chiếm đã biến thành “cái người ta”. Cho nên con người chẳng qua chỉ là bóng ma hư vô trong cuộc sống! Nó tồn tại để chết đi, nó là một hữu thể đang chết đi. Cho nên cái chết không trừ bất kì ai, “con người vừa sinh ra là dư tuổi già để chết”. Một quan niệm hư vô không có điểm tựa trong thực tế đời sống, xuất phát từ cách nhìn bi quan về đời sống. Nếu các nhà hiện sinh có cơ sở ý thức về sự tồn tại, có ý nghĩa duy vật thì cũng có thể tiệm cận đến tư tưởng “Sống nghĩa là chết” của Engels. Không có sự sống vĩnh cữu mà sống là đang trên đường đi đến cái chết và chỉ có cái chết mới vĩnh cữu. Các nhà hiện sinh không thể tiếp cận được tư tưởng duy vật, bởi xuất phất điểm tư tưởng của họ là triết lí cá nhân cực đoan, hư vô chủ nghĩa.
Tiêu biểu cho nhóm hữu thần như K. Jaspers (1883-1969), G.Marcel (1889-1973). Nhưng trong văn học, đông đảo và rõ rệt hơn là những người theo quan niệm vô thần. Họ không chỉ là những triết gia nổi tiếng mà còn là những nhà văn lớn, trong đó có những người đạt giải thưởng Nobel văn học như J.P.Sartre, A. Camus, hoặc S.D.Beauvoir. Xuất phát từ quan niệm “sự có trước tồn tại so với vật chất” Sartre kêu gọi con người quay về với chủ thể để “dựa vào cái mình để mãi mãi nâng mình lên”, để “tự do sáng tạo ra mình” bằng mỗi một hành động của mình, tự do mang đến cho sự sinh tồn của mình một ý nghĩa và để trở thành “cái mà trước đây mình không phải như thế”. Camus lại tiến sâu hơn vào thế giới hư vô, khi cho rằng “con người đã bị bỏ rơi trước vũ trụ hung bạo”, và cuộc đời chỉ là một sự vô nghĩa lí “sự vô nghĩa sinh ra từ sự đối chiếu giữa lời kêu gọi của con người và sự im lặng của cuộc đời”. Camus đã đưa ý thức phi lí trở thành yếu tố có ý nghĩa cốt lõi ở cấp độ triết học: “Sự phi lí gắn bó con người và thế giới lại một cách chặt chẽ đến nỗi chỉ có lòng căm thù mới có thể liên hiệp được những con người lại với nhau. Đó là tất cả những điều tôi có thể phân biệt được trong thế giới này”. Quan niệm như vậy, theo ông, nghệ thuật có nhiệm vụ khước từ và chấp nhận cuộc đời. Khước từ bởi vì cuộc đời quá phi lí, nhưng để chống lại sự phi lí đó, nghệ thuật cũng cần phải dùng sự phi lí của chính mình, nghĩa là mặc nhiên chấp nhận sự phi lí. Tiêu biểu cho quan niệm này là tiểu thuyết Người xa lạ của Camus, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học hiện sinh: Murxol là một viên chức nghèo sống thờ ơ lạnh nhạt với mọi người, cuộc đời lạnh lẽo trôi đi một cách vô nghĩa. Nghe tin mẹ chết, anh ta đến trại an dưỡng đưa tang, nhưng không buồn nhìn mặt mẹ lần cuối, không túc trực bên linh cữu, hút thuốc và uống cà phê một cách thản nhiên, còn tỏ ra ngạc nhiên khi thấy bạn bè của mẹ cứ sụt sùi. Trở về xem chiếu bóng, tắm biển vui đùa với người yêu. Người yêu muốn anh làm lễ cưới nhưng với anh cưới hay không cưới có gì quan trọng, có gì khác nhau đâu? Trưa hè đi trên bãi biển gặp lại người thanh niên Ả Rập có lần ẩu đả đâm trọng thương bạn mình, anh giơ súng bắn chết không phải để trả thù mà vì chói nắng cảm thấy choáng váng thế thôi. Bị bắt ra tòa vẫn dững dưng đối với quan tòa và luật sư. Nghe tuyên án tử hình vẫn thản nhiên vì cuộc đời, sống cũng chẳng có nghĩa lí gì. Nghĩa là, đối với “con người xa lạ” tình mẫu tử, tình yêu, cái chết, nổi đau khổ hay vui sướng của mọi người và của chính mình, tất cả không có nghĩa lí gì. Người nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh nhiều nhất ở nước ta là giáo sư Đỗ Đức Hiểu, tất nhiên không phải tất cả những vấn đề ông đưa ra trong Phê phán chủ nghĩa hiện sinh (1980) đều có sức thuyết phục, nhưng đánh giá của ông về Camus là chính xác: “Cùng với Sartre, Camus là “người thầy tư tưởng” của mấy thế hệ thanh niên Pháp sau Đại chiến II, nhà lí luận và nhà văn của chủ nghĩa hiện sinh- triết học của sự phi lí của những lớp người mất lòng tin, sau sự tàn phá có tính hủy diệt của chủ nghĩa phát xít”.
Xem thêm : Đắp mặt nạ cà phê làm đẹp da
Tâm trạng hiện sinh chủ nghĩa phổ biến khá dài rộng cả về thời gian lịch sử lẫn không gian địa lí: bên cạnh văn học Pháp với những “đại thụ” kể trên còn có cả J. Anouilh (1910- 1987), A. Malraux (1901-1976), lan rộng đến văn học Mỹ với N. Mailer (sinh 1923), J.A.Baldwin (1924-1987), văn học Tây Ban Nha với M.D. Unamuno (1864-1936), văn học Anh với W. Golding (1911-1943), văn học Nhật với Abe Kobo (1924- 1993)… Đặc điểm của thi pháp hiện sinh chủ nghĩa là tính xác thực của đời sống không hoàn toàn đồng nhất với chủ nghĩa hiện thực, chuyển thành sự “mã hóa” những gì không hiểu được thành những huyền tích tượng trưng, đi kèm những chi tiết hiện thực nhưng trong chỉnh thể lại mang tính huyền hoặc, vay mượn từ thần thoại, truyền thuyết cổ (Ruồi của Sartre) hoặc hư cấu mới (Dịch hạch của Camus, Chúa ruồi của Golding, Người đàn bà trên cát của Abe Kobo). Quan niệm về sinh tồn cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh là sự sợ hãi, bị bỏ rơi, dằn vặt lương tâm, con người luôn bị tha hóa trong thế giới thù địch nó, nên khi chuyển thành cuộc sống đã được ý thức trong tác phẩm cũng là trạng thái bất an, lo âu, chán chường, hoảng loạn. Theo Malreaux nhãn quan bi đát của thế kỉ XX có ngọn nguồn từ sự vơi nhạt của Ki tô giáo, “chúa đã chết” trong các tâm hồn, thay vào đó là sự khẳng định nền văn minh phi tôn giáo đầu tiên trên trái đất. Bị trống không bao vây từ mọi phía, cái “phi tồn tại” của cá nhân ở thời đại này buộc phải “hành động” mà không hi vọng thành công (Huyền thoại Sisyphe của Camus).
Ở giai đoạn đầu các tác phẩm của Sartre (Buồn nôn) và Camus (Người xa lạ) phản ánh những suy tư cay đắng về tình trạng lưu đày của con người trong vũ trụ, về sự trống rỗng của cuộc sống (gia đình, xã hội) dẫn đến tình trạng bát nháo, hỗn độn của những tuyên ngôn về tự do không giới hạn, nó gần gũi với tư tưởng hư vô của Nietzsche. Dần dần, do áp lực của quan niệm về lịch sử, chủ nghĩa hiện sinh buộc phải tự giới hạn, định ra tiêu chuẩn lựa chọn vì mục tiêu nhân bản (Chết không mai táng, Những nẻo đường của tự do của Sartre, Thư gửi một bạn người Đức, Dịch hạch của Camus, Máu người dưng của Beauvoir). Tự do từ đó gắn liền với trách nhiệm quyền lợi của người khác được thừa nhận trong tự do của cá nhân. Hoạt động sáng tạo trước kia là sự nổi loạn siêu hình thuần túy, nay gắn kết với dòng chảy của lịch sử, có nội dung công dân và nhân đạo (tiểu luận Văn học là gì? công bố năm 1947 của Sartre và Diễn văn ở Thụy Điển năm1957 của Camus).
Cuối cùng thì chủ nghĩa hiện sinh cũng đi vào chung kết bởi những bất hòa không thể giải quyết được. Họ dựa vào lịch sử và hoạt động cải biến lịch sử nhưng bản thân lịch sử lại vô cùng phi lí (Quỷ và đức Chúa trời của Sartre, Người chính trực của Camus) dẫn đến những tranh cãi, bút chiến về triết học và văn học (xung quanh Người nổi loạn của Camus), về mục đích và phương tiện để đạt được mục đích, về đạo đức và cách mạng (Các quan của Beauvoir) đã nhanh chóng trở nên căng thẳng về tư tưởng chính trị, phân hóa chủ nghĩa hiện sinh về những nhóm đối đầu nhau cuối những năm 50 của thế kỉ XX, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa hiện sinh với sự xuất hiện của nhiều trào lưu văn học mới như kịch phi lí, tiểu thuyết mới, thay thế cho chủ nghĩa hiện sinh nhưng vẫn kế thừa, hấp thụ nhiều yếu tố của hiện sinh.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức