Chủ nghĩa siêu thực
Một trào lưu nghệ thuật vào những năm hai mươi nhưng được báo trước từ trong chiến tranh thế giới lần thứ I, qua lời tuyên bố Tinh thần mới của Apollinaire: “Tinh thần mới không phải và không thể là một thứ mỹ học trước đây. Nó thù địch với bệnh công thức và bệnh thời thượng. Nó không muốn mình trở thành một trường phái, mà là một trong những trào lưu lớn nhất của văn học. Nó đấu tranh cho việc phục hồi tinh thần sáng tạo, cho sự hiểu biết rành mạch thời đại của nó và cho sự mở ra những tầm nhìn mới về vũ trụ bên trong và bên ngoài, những tầm nhìn này không thua kém một chút nào so với tầm nhìn của tất cả các nhà bác học khám phá ra hằng ngày”. Thuật ngữ “siêu thực” là do chính Apollinaire phát hiện ra và bản thân ông với những sáng tác của mình, cùng với họa sĩ người Italia G.D. Chirico (1888 – 1978) được các nhà siêu thực tôn vinh là bậc tiền bối. Nhưng đề ra tuyên ngôn, được coi là “giáo hoàng của chủ nghĩa siêu thực” là Breton với Bản tuyên ngôn thứ nhất của chủ nghĩa siêu thực (1924), Bản tuyên ngôn thứ hai của chủ nghĩa siêu thực (1930), Bản tuyên ngôn thứ ba của chủ nghĩa siêu thực (1954)…
Chủ nghĩa siêu thực ban đầu là tiếng nói bất mãn đối với trật tự tư sản của tầng lớp thanh niên tiểu tư sản trí thức, trong số họ có người sau này đi theo trào lưu cách mạng như Aragon, Eluard. Nhưng thực chất sự chống đối này không phải nhằm hướng tới một xã hội công bằng văn minh, mà để đi tìm một hiện thực cao hơn hiện thực, tức là siêu thực, với tinh thần nổi loạn vô chính phủ, không cần đâu là đẹp, đâu là xấu, đâu là thiện, đâu là ác.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa siêu thực
Cơ sở triết học của chủ nghĩa siêu thực là sự hòa trộn giữa lý thuyết “xung đột vô thức” của phân tâm học Freud và lý thuyết trực giác phi lý tính của H. Bergson và B. Croce (1866 – 1952). Họ chia thế giới làm hai bộ phận. Thế giới hiện thực, theo Breton là thế giới có thể nhìn thấy được hoặc sờ mó được như con ngựa, mặt ngoài của nhà hát, đường chân trời. Còn một thế giới siêu thực chỉ có thể cảm thấy trong giấc mơ, trong tiềm thức, lúc đãng trí, lúc thần kinh suy nhược, lúc nổi loạn… Và, đây mới chính là đối tượng của nghệ thuật, chỉ có qua cái mà người nghệ sĩ cảm thấy được đó, anh ta mới có thể khám phá được điều sâu kín mà thiêng liêng, bí ẩn mà chính xác trong cuộc sống con người. Trong Bản tuyên ngôn thứ ba của chủ nghĩa siêu thực, Breton cho rằng phương thức nghệ thuật là “tính tự động tâm linh thuần túy, qua đó người ta nhằm biểu hiện hoặc bằng lời nói, hoặc bằng chữ viết, hoặc bằng bất cứ phương tiện nào khác của sự vận động thực sự của tư tưởng (…) của tư duy mà không có bất cứ sự kiềm chế nào của lý trí, đứng ngoài mọi thiên biến thẩm mỹ hay đạo lý”.
Chủ nghĩa siêu thực chủ trương giải phóng cái tôi của con người thoát khỏi sự trói buộc của chủ nghĩa duy vật với hệ thống logic, lý trí, đạo đức, mỹ học truyền thống – những thứ mà họ coi là sản phẩm quái gở của văn minh tư sản, chỉ có tác dụng kiềm hãm khả năng sáng tạo của con người. Theo họ, chân lý đích thực của thực tại nằm ở khu vực vô thức, nghệ thuật cần khám phá, đưa vào tác phẩm. Theo P. Réverdy (1889 – 1960) hình tượng nảy sinh “từ việc sáp lại với nhau những thực tại cách xa nhau”. Về đặc điểm thi pháp, trong tác phẩm của họ thường sử dụng nhưng thủ pháp phi lôgic hóa, tạo nghịch lý, bất ngờ kết hợp với những cái vốn không kết hợp được… Họ gạt bỏ mọi qui tắc ngữ pháp và thi pháp, mọi nguyên tắc lôgic tư duy, giành lấy tự do tuyệt đối cho cảm hứng tha hồ mà tuôn trào theo “tự động tâm linh”. Tác phẩm thường được tổ chức thành những dòng liên tưởng tiềm thức, rời rạc, gán cảnh, không thể khắc họa được một bức tranh thực tại toàn vẹn vốn như nó có.
Về thể loại, các nhà siêu thực khai thác triệt để loại thể thơ trữ tình, coi mô hình sáng tạo là “viết tự động”, tức là viết một cách tốc ký những từ, những câu, những hình ảnh chợt xuất hiện trong đầu. Khác với trào lưu hiện đại chủ nghĩa khác, thường bắt đầu từ hội họa, sân khấu rồi mới lan dần sang văn học, chủ nghĩa siêu thực bắt đầu từ những nhà văn, nhà thơ, trong đó có người đoạn tuyệt với chủ nghĩa đa đa để đến với chủ nghĩa siêu thực như L. Aragon, A. Breton, P. Eluard, T. Tzara đến các tác giả tiêu biểu như F. Soupault (1897 – 1990), R. Desnos (1900 – 1945)… sau đó trở nên phổ biến hơn đối với hội họa, với thành công của nhiều tác giả nổi tiếng như S. Dali (1904 – 1989), J. Miro (1893 – 1983), I. Arpe (1887 – 1966, có làm thơ nhưng thành công chủ yếu là ở hội họa), M. Ernst (1891 – 1976), A. Mason (1896 – 1987)… Thậm chí, chủ nghĩa siêu thực còn thâm nhập vào điện ảnh, trong nghệ thuật bài trí, nhiếp ảnh nghệ thuật, nhất là trong “kịch phi lý” của các tác giả S. Beckett (Ailen 1906 – 1989), E. Ionesco (Pháp,1912 – 1944).
Xem thêm : Hướng dẫn viết Đề cương nghiên cứu khoa học và Báo cáo nghiên cứu
Nhìn lại các trào lưu văn học ở nước ta giai đoạn 1930 – 1945, trong đó có phong trào thơ mới (1932 – 1945), nhà phê bình văn học tài danh Đỗ Lai Thúy cho rằng Hàn Mặc Tử là người đã “bước được một chân sang cõi siêu thực”, không phải ở Gái quê (1936) mà là Thơ điên trở về sau. Không phải ngẫu nhiên mà Thơ điên còn có tên là Đau thương, bởi vì “không rên xiết là thứ vô nghĩa lý” (Muôn năm sầu thảm), “mỗi lời thơ đều dính não cân ta” (Rướm máu) đã tạo ra sự ma mị, một hiện thực cao hơn thực tại đời sống:
Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa
Hồn mất xác hồn sẽ cười nghiêng ngả
Và kêu rên thảm thiết khắp bao la…
Xem thêm : Tam giáo đồng nguyên và ảnh hưởng đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc
Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng
Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương
Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng
Hồn đi rồi không nhập xác thê lương
(Hồn lìa khỏi xác)
Chủ nghĩa siêu thực chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn với tư cách là một khuynh hướng, một phong trào. Từ đầu những năm 30 khi một số nhà sáng lập như Aragon, Eluard chuyển sang lập trường cách mạng, thì trên thực tế chủ nghĩa siêu thực đã trượt dài trên con đường tàn lụi.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức