Bản chất và vai trò của tài chính doanh nghiệp
Nội Dung
1. Bản chất của tài chính doanh nghiệp
Theo luật doanh nghiệp Việt Nam năm 2000, năm 2005 thì doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Dựa vào phương thức tạo thu nhập, doanh nghiệp được chia làm hai loại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ còn gọi là doanh nghiệp phi tài chính là các doanh nghiệp lấy việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ làm hoạt động chính. Còn lại là các tổ chức tài chính trung gian như bảo hiểm, ngân hàng, công ty tài chính còn gọi là doanh nghiệp tài chính là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh về tiền tệ. Ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào tài chính các doanh sản xuất dịch vụ.
Bạn đang xem: Bản chất và vai trò của tài chính doanh nghiệp
Các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp nào đều sử dụng công cụ tài chính để đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Xét về mặt trực quan bên ngoài, tài chính doanh nghiệp được coi là các quỹ tiền tệ. Khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp phải tạo lập một quỹ tiền tệ (nguồn vốn). Sự tạo lập quỹ tiền tệ là kết quả của sự vận động các nguồn tài chính trong quá trình phân phối tổng sản phẩm quốc dân.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, quỹ tiền tệ của các doanh nghiệp được sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ cần thiết phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Tài chính doanh nghiệp là các quỹ bằng tiền của doanh nghiệp. Hình thái vật chất của các quỹ này hoặc là tiền hoặc là nhà cửa, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hoặc các loại chứng khoán có giá.
Quỹ tiến tệ của các doanh nghiệp được tạo lập từ nhiều nguồn tài chính khác nhau và vận động không ngừng để thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp.
Xét trên góc độ của nền kinh tế thị trường thì sự vận động của vốn tiền tệ không chỉ bỏ hẹp, đóng khung trong một chu kỳ sản xuất nào đó của mỗi doanh nghiệp mà sự vận động trực tiếp hay gián tiếp của nó có liên quan đến tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội. Chúng ta có thể khái quát sự vận động vốn tiền tệ của doanh nghiệp qua các sơ đồ sau:
Đối với doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ:
T-H…SX…H’-T’ (1)
Đối với doanh nghiệp thương mại: T – H – T’ (2)
Xem thêm : Nghiên cứu là gì?
Trong sơ đồ (1) sự vận động của vốn tiền tệ trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất: (T–H) vốn tiền tệ của doanh nghiệp được sử dụng để mua tư liệu sản xuất và sức lao động, tức doanh nghiệp dùng tiền để mua sắm nguyên vật liệu cho sản xuất, trả lương công nhân vốn chuyển từ hình thái tiền tệ sang hình thái nguyên vật liệu và tiền lương.
Giai đoạn thứ hai, (H … SX … H’). Ở giai đoạn này tư liệu sản xuất và sức lao động là hai yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất xã hội kết hợp với nhau để sản xuất sản phẩm mới, các sản phẩm trong giai đoạn sản xuất tồn tại trên dây chuyển công nghệ dưới dạng sản phẩm dở dang, bán thành phẩm, cuối cùng là sản phẩm hoàn thành nhập kho (H’).
Giai đoạn thứ ba, (H’ – T’): Thành phẩm trong kho của doanh nghiệp được xuất bản, tức hàng hóa được chuyển thành tiền hoặc chuyển thành khoản nợ phải thu của khách hàng để sau một thời gian nhất định mới chuyển thành tiền. Vốn tiền tệ của doanh nghiệp được thu hồi lại, phần lớn số tiền đó tiếp tục dùng để mua sắm nguyên vật liệu, công cụ lao động, trả lương công nhân có ý nghĩa là một chu kỳ kinh doanh mới bắt đầu.
Sự vận động vốn tiền tệ T – H – SX – H’ – T’ là sự vận động có tính chất tuần hoàn, quá trình đó tiếp tục và lập lại không ngừng. Sự vận động của vốn tiền tệ chi tiến hành bình thường khi các giai đoạn của nó diễn ra liên tục, một sự ách tắc hay gián đoạn nào cũng đều ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp. Những khó khăn trong việc cung cấp các yếu tố đầu vào như năng lượng, nguyên liệu cho sản xuất, các sự cố về kỹ thuật, các cuộc đình công của công nhân, các khó khăn về tiêu thụ sản phẩm đều làm cho các giai đoạn của quá trình sản xuất bị cản trở, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự vận động của vốn tiền tệ trong quá trình sản xuất kinh doanh đã làm nảy sinh các quan hệ kinh tế dưới hình thái giá trị, các quan hệ kinh tế đó bao gồm:
– Quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước: quan hệ này phát sinh trong quá trình doanh nghiệp phân phối các nguồn tài chính do doanh nghiệp tạo ra chuyển vào ngân sách Nhà nước thông qua các Luật thuế mà mọi doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thực hiện. Về phía Nhà nước, cung cấp vốn cho doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư vốn vào các công ty cổ phần, góp vốn liên doanh khi thấy cần thiết. để thực hiện chính sách quản lý vĩ mô của mình.
– Quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau: bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều vừa là người mua các yếu tố cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa là người bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đồng thời vừa là người cung, vừa là người cầu các nguồn lực tài chính.
Trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh doanh được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật, sự tự do lựa chọn nguồn cung ứng vốn, tự do lựa chọn người bán, người mua hàng hóa, dịch vụ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình về mọi mặt, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực, cơ chế thị trường tự phát dẫn tới cơ cấu kinh tế bất hợp lý, khủng hoảng, thất nghiệp… Do đó, trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với thị trường cần phải có sự điều tiết quản lý của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và các công cụ quản lý kinh tế, tài chính.
– Quan hệ kinh tế trong nội bộ các doanh nghiệp: là giữa doanh nghiệp với người lao động trong doanh nghiệp về các khoản thanh toán tiền lương, thưởng, nhận và thanh toán tạm ứng…
Như vậy, xét về bản chất tài chính doanh nghiệp là hệ thống những quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp nhằm phục vụ việc sản xuất kinh doanh, thương mại và cung ứng dịch vụ.
2. Vai trò của tài chính doanh nghiệp
Xem thêm : Gốm men màu tam sắc
Tài chính doanh nghiệp là khâu cơ sở của hệ thống tài chính, hoạt động của tài chính doanh nghiệp luôn gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra thu nhập quốc dân, tăng tích lũy cho nền kinh tế và tập trung vốn cho Nhà nước.
Trong nền kinh tế thị trường vai trò của tài chính doanh nghiệp ngày càng được để cao, nó có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tài chính doanh nghiệp có vai trò chủ yếu sau:
2.1. Tổ chức huy động – sử dụng vốn có hiệu quả
Các doanh nghiệp là đơn vị kinh tế cơ sở, trực tiếp sử dụng mọi tư liệu sản xuất kết hợp với sức lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là nơi phát sinh các quan hệ kinh tế thông qua hoạt động mua bán, vay mượn, phân phối và là nơi trực tiếp thi hành mọi chính sách, chế độ, thể lệ kinh tế, tài chính của Nhà nước.
Hiện nay, để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, cần giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước và mở rộng quyền chủ động của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh cũng như về tài chính. Các doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, quản lý, sử dụng vốn, doanh thu, chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với việc tăng cường trách nhiệm của người lãnh đạo về điều hành kinh doanh.
Trong nền kinh tế thị trường, tài chính Nhà nước không còn là một kênh cấp phát và bao cấp toàn bộ nhu cầu về vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ quy định đối với các loại hình doanh nghiệp, ngoài các khoản vốn ngân sách Nhà nước cấp, vốn có nguồn gốc từ ngân sách (đối với doanh nghiệp Nhà nước), vốn tự có (đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh), vốn do doanh nghiệp tự tích lũy, doanh nghiệp còn được huy động vốn dưới các hình thức như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay vốn, nhận góp vốn liên kết – có quyền tạo vốn độc lập theo những quy định của pháp luật.
Việc huy động vốn vừa phải đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh vừa phải lựa chọn hình thức huy động hợp lý, để đảm bảo chi phí huy động vốn thấp nhất. Do đó, cần xác định như cầu vốn hợp lý cho hoạt động của doanh nghiệp để định hướng sự huy động vốn, hạ thấp chi phí nhằm tăng lợi nhuận.
Cùng với việc tạo lập nguồn vốn, doanh nghiệp còn phải biết tổ chức phân phối sao cho hợp lý, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đồng thời phải bảo toàn và luôn phát triển vốn dựa trên cơ sở giảm hao phí vật chất, sử dụng tối ưu công suất máy móc thiết bị hiện có, thu hút lao động vào làm việc với năng suất cao, tăng tích lũy, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước.
2.2. Đòn bẩy kích thích và điều tiết hoạt động kinh doanh
Tài chính doanh nghiệp có tác dụng kích thích hay kìm hãm hoạt động của nền kinh tế tùy thuộc vào sự vận dụng chức năng phân phối của người quản lý vào việc giải quyết lợi ích kinh tế đối với các chủ thể. Nếu việc phân phối các quỹ tiền tệ phù hợp với quy luật sẽ tạo ra những động lực kinh tế tác động tới tăng năng suất lao động, kích thích tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng vòng quay của vốn, thực hiện tái sản xuất mở rộng, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Vai trò kích thích, điều tiết của tài chính doanh nghiệp thể hiện rõ nhất ở việc tạo ra sức mua hợp lý, thu hút vốn đầu tư, lao động. vật tư, dịch vụ và thông qua việc xác định giá mua, bán hợp lý của hàng hóa, dịch vụ, cổ phiếu sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2.3. Công cụ kiểm tra các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Thực hiện chức năng giám đốc tài chính, nhà quản lý các doanh nghiệp sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát bằng đồng tiền các hoạt động của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tiêu về khả năng sinh lời, các định mức kinh tế tài chính, các chỉ tiêu về khả năng thanh toán để từ đó đưa ra các giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp.
(Nguồn tài liệu: TS. Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức