Tư tưởng triết học của Đơnxcốt

0

Đơnxcốt (Dunscot, 1265-1308) – giáo sư trường đại học Ốcpho (Oxford) là một trong những nhà triết học kinh viện người Anh theo đường lối duy danh lớn nhất thế kỷ XIII. Quan điểm triết học của ông chủ yếu bàn về Thượng đế, lòng tin lý trí, nhận thức…Theo Đơnxcốt, triết học khác thần học, bởi vì, đối tượng nghiên cứu của triết học là tồn tại (thế giới vật chất, giới tự nhiên), còn đối tượng nghiên cứu của thần học là Thượng đế. Ông coi lòng tin có vai trò quan trọng hơn lý trí trong việc nhận thức; bởi vì lý trí chỉ có khả năng nhận thức được cái gì mang bản chất vật chất chứ không có khả năng nhận thức cái mang bản chất phi vật chất, như Thượng đế chẳng hạn.

Theo Đơnxcốt, Thượng đế một tồn tại bất tận, là hình thức thuần túy phi vật chất, là cái nguyên nhân cuối cùng. Song, con người không thể nhận thức được bản chất của Thượng đế, vì Ngài có tính tự do tuyệt đối, có khả năng nằm ngoài giới hạn hiểu biết của con người. Ngoài Thượng đế ra, tất cả các thực thể còn lại, kể cả tinh thần và thiên thần, đều là vật chất hoặc bao gồm cả hình thức và vật chất.

Dựa trên lập trường duy danh, Đơnxcốt cho rằng, cái chung không chỉ là sản phẩm của lý trí mà nó còn tồn tại trong bản thân sự vật với tính cách là bản chất của chúng; cái chung tồn tại sau sự vật với tính cách là những khái niệm được lý trí con người trừu tượng hóa từ bản thân của sự vật đó tạo nên.

Đơnxcốt đề cập tới vai trò của tinh thần, lý trí ý chí trong nhận thức. Theo ông, tinh thần là hình thức của thân thể con người, gắn với thân thể con người đang sống và do Thượng đế ban cho ngay từ khi người ta mới sinh ra. Lý trí của con người được hình thành từ hoạt động của tinh thần và từ bản thân đối tượng nhận thức; nhưng cái thống trị mọi hoạt động của con người không phải là lý trí mà là ý chí. Ý chí cao hơn lý trí; ở Thượng đế thì ý chí trở thành tự do.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.