Cặp phạm trù tất nhiên – ngẫu nhiên
Nội dung cặp phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên
Các mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các bộ phận trong chúng xuất hiện không giống nhau. Có mối liên hệ do bản chất của sự vật, hiện tượng quy định, từ đó sinh ra phạm trù tất nhiên. Có mối liên hệ do sự gặp nhau của những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài quyết định, vì vậy chúng có thể xuất hiện mà cũng có thể không xuất hiện, từ đó sinh ra phạm trù ngẫu nhiên. Do đó, khi phản ánh hiện thực khách quan, con người nhận thức được tính không đơn nghĩa, không ngang giá trị của các mối liên hệ khác nhau vốn có ở sự vật, hiện tượng nên phân loại chúng thành nhóm các mối liên hệ nhất định phải xảy ra như thế (tất nhiên) và nhóm các mối liến hệ có thể xảy ra, có thể không xảy ra, xảy ra thế này hay xảy ra thế khác (ngẫu nhiên).
+ Tất nhiên là phạm trù chỉ mối liên hệ bản chất, do nguyên nhân cơ bản bên trong sự vật, hiện tượng quy định và trong điều kiện nhất định phải xảy ra đúng như thế chứ không thể khác.
Bạn đang xem: Cặp phạm trù tất nhiên – ngẫu nhiên
+ Ngẫu nhiên là phạm trù chỉ mối liên hệ không bản chất, do nguyên nhân, hoàn cảnh bên ngoài quy định nên có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện; có thể xuất hiện thế này hoặc có thể xuất hiện thế khác.
Xem thêm : Tài khoản CapCut Pro miễn phí 2023, Share Free liên tục
– Tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan trong sự thống nhất hữu cơ thể hiện ở chỗ, tất nhiên bao giờ cũng vạch đường đi cho mình thông qua vô số ngẫu nhiên, còn ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện của tất nhiên, bổ sung cho tất nhiên.
– Tất nhiên và ngẫu nhiên đều có vai trò nhất định trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng; nhưng tất nhiên đóng vai trò chi phối sự phát triển, còn ngẫu nhiên có thể làm cho sự phát triển ấy diễn ra nhanh hay chậm.
– Tuy mỗi sự vật, hiện tượng đều có tất nhiên và ngẫu nhiên, nhưng trong quá trình vận động và phát triển, thông qua mối liên hệ này thì đó là ngẫu nhiên, còn thông qua những mối liên hệ khác thì đó là tất nhiên và trong những điều kiện nhất định, chúng chuyển hóa lẫn nhau. Ph.Ăngghen viết, “Cái mà người ta quả quyết cho là tất yếu lại hoàn toàn do những ngẫu nhiên thuần tuý cấu thành, và cái được coi là ngẫu nhiên, lại là hình thức, dưới đó ẩn nấp cái tất yếu”, do vậy ranh giới giữa tất nhiên và ngẫu nhiên chỉ có tính tương đối, từ đó cần tránh quan niệm cứng nhắc về tất nhiên, ngẫu nhiên khi nghiên cứu sự vật, hiện tượng.
– Tất nhiên có mối liên hệ với cái chung, nhưng cái chung không phải lúc nào cũng là tất nhiên, bởi cái chung có thể thể hiện vừa trong hình thức của tất nhiên vừa trong hình thức của ngẫu nhiên.
Ý nghĩa phương pháp luận.
Xem thêm : Nguồn gốc và Kết cấu Giai cấp
Thứ nhất, tất nhiên nhất định phải xảy ra đúng như thế nên trong hoạt động thực tiễn cần dựa vào tất nhiên chứ không thể dựa vào ngẫu nhiên và như vậy, nhiệm vụ của khoa học là tìm cho được mối liên hệ tất nhiên của hiện thực khách quan.
Thứ hai, tất nhiên không tồn tại dưới dạng thuần tuý nên trong hoạt động nhận thức chỉ có thể chỉ ra được tất nhiên bằng cách nghiên cứu những ngẫu nhiên mà tất nhiên phải đi qua.
Thứ ba, ngẫu nhiên có ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển, thậm chí còn có thể làm cho tiến trình phát triển của sự vật, hiện tượng đột ngột biến đổi; do vậy, không nên bỏ qua ngẫu nhiên mà phải có những phương án dự phòng trường hợp các sự cố ngẫu nhiên xuất hiện bất ngờ.
Thứ tư, ranh giới giữa tất nhiên với ngẫu nhiên chỉ là tương đối nên sau khi nhận thức được các điều kiện có thể tạo ra sự chuyển hóa trên, có thể tao ra điều kiện thuận lợi để “biến” ngẫu nhiên phù hợp với thực tiễn thành tất nhiên và tất nhiên không phù hợp thực tiễn thành ngẫu nhiên.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức