Chủ nghĩa trọng thương
Chủ nghĩa trọng thương là hình thái đầu tiên của hệ tư tưởng tư sản trong lĩnh vực kinh tế chính trị, xuất hiện từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, trong giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến và thời kỳ tích lũy nguyên thủy tư bản chủ nghĩa. Đó là thời kỳ chủ nghĩa duy vật đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm, kinh tế hàng hoá và khoa học tự nhiên phát triển mạnh (cơ học, thiên văn học, địa lý…). Đặc biệt là những phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI tìm ra châu Mỹ, đường biển qua châu Phi, từ châu Âu sang ấn Độ… đã tạo điều kiện cho ngoại thương phát triển. Chính vì vậy, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa trọng thương với những đại biểu điển hình ở Anh như Uyliam Staphot (1554- 1612), Tômat Mun (1571-1641); ở Pháp là Môngcrêchiên (1575-1629), Cônbe (1618-1683) đã đánh giá cao vai trò của thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương, coi thương nghiệp là nguồn gốc giàu có của quốc gia.
Đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa trọng thương là lĩnh vực lưu thông; lấy tiền làm nội dung căn bản của của cải, là biểu hiện sự giàu có của một quốc gia; dựa vào quyền lực nhà nước để phát triển kinh tế; nguồn gốc của lợi nhuận là từ thương nghiệp do mua rẻ bán đắt… nhằm tích lũy tiền tệ, đẩy nhanh sự ra đời của chủ nghĩa tư bản.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa trọng thương
Chủ nghĩa trọng thương chưa biết đến quy luật kinh tế, phương pháp nghiên cứu là sự khái quát có tính chất kinh nghiệm những hiện tượng bề ngoài của đời sống kinh tế – xã hội, họ mới chỉ đứng trên lĩnh vực lưu thông, trao đổi để xem xét những biện pháp tích lũy tư bản. Vì vậy, khi sự phát triển cao hơn của chủ nghĩa tư bản đã dần dần làm cho những luận điểm của chủ nghĩa trọng thương trở nên lỗi thời, phải nhường chỗ cho học thuyết kinh tế mới, tiến bộ hơn.
Nội Dung
1. Hoàn cảnh xuất hiện của Chủ nghĩa Trọng thương
Chủ nghĩa Trọng thương ra đời và phát triển vào những năm thế kỷ XV, XVI, XVII, ở Anh và ở Pháp, gắn liền với thời kỳ mà chế độ phong kiến châu Âu tan rã và CNTB mới hình thành. Lúc nầy, phân công lao động xã hội phát triển mạnh mẽ tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa các vùng, các miền lãnh thổ và các quốc gia, biểu hiện rõ nét nhất là sản xuất hàng hoá. Nếu như trước đây sản xuất hàng hoá dựa trên chế nô nô lệ và nông nô thì lúc nầy đã rải rác xuất hiện những công trường thủ công tư bản ven bờ Địa Trung Hải. Nó thể hiện rõ hơn tính ưu việt của nền kinh tế phường, hội. Sự phát triển của sản xuất hàng hoá đòi hỏi phải có thị trường trao đổi vững chắc, rộng lớn hơn.
Cùng với những phát kiến mới về địa lý và phát triển hàng hải đã thúc đẩy việc giao thương quốc tế rộng mở. Mở đầu bằng việc tìm ra con đường biển từ Tây Âu sang Ấn Độ, Christophe Columbus tìm ra Châu Mỹ (chủ yếu Mexico và Pêru) đã làm cho mậu dịch quốc tế phát triển mạnh mẽ mở ra cho các nước Tâu Âu khả năng mới để làm giàu. Tiếp đến là những cuộc chiến tranh cướp bóc thuộc địa, bán nô lệ và chiến tranh thương mại v.v…đã dẫn đến thương nghiệp thế giới phát triển nhanh chóng.
Thương nghiệp từ chỗ chỉ đóng vai trò môi giới giữa những người sản xuất nhỏ, sự phát triển mới của sản xuất đã tạo ra ưu thế cho thương nghiệp, thương nghiệp chi phối cả công nghiệp và nông nghiệp. Người ta thu được những món lợi lớn do cướp bóc và thương mại. Vì vậy họ cho rằng của cải sinh ra từ thương mại nên hình thành tư tưởng Trọng thương. Từ đó thế lực của tầng lớp thương nhân cũng được tăng cường và ngày càng trở thành bá chủ xã hội.
Các đại biểu của trường phái Trọng thương: ở Pháp có Antoine Moncrétien (15751622), Collbert (1619- 1683) v.v…Ở Anh có William Stafford (1554-1642), Thomas Mun (1571 – 1641). Ở Tây Ban Nha có Un-ta-nixơ, Un Loa v.v….
2. Đặc điểm và nội dung chủ yếu của Chủ nghĩa Trọng thương
Chủ nghĩa Trọng thương là một cương lĩnh, đường lối kinh tế của giai cấp tư sản trong thời kỳ “ “tích lũy nguyên thủy TBCN”. Nội dung chủ yếu của nó gồm những vấn đề sau:
Một là, họ coi tiền tệ (vàng và bạc) là biểu hiện của tài sản và sự giàu có của một quốc gia. Một quốc gia càng có nhiều tiền (vàng) thì càng giàu có, còn hàng hoá chỉ là phương tiện để làm tăng them khối lượng tiền tệ mà thôi.
Hai là, khối lượng tiền tệ chỉ có thể được gia tăng bằng con đường ngoại thương. Trong ngoại thương thì phải thực hiện chính sách xuất nhiều mà nhập ít và lợi nhuận thương nghiệp là kết quả của sự trao đổi không ngang giá (mua rẻ, bán đắt, lừa lọc v.v..)
Xem thêm : Các yếu tố chi phối đến pháp luật về thuê đất
Ba là, Các nhà Trọng thương rất coi trọng vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế, thương nhân cần dựa vào nhà nước và nhà nước phối hợp bảo vệ thương nhân.
3. Các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa Trọng thương:
Chủ nghĩa Trọng thương đã trải qua 2 thời kỳ phát triển sau đây:
Giai đoạn I: (thế kỷ XV-XVII): với nội dùng căn bản là coi tiền tệ (vàng) là nội dùng căn bản của của cải, của hoạt động kinh tế. Thời kỳ nầy chủ nghĩa Trọng thương đưa ra quan điểm cương lĩnh kinh tế gọi là học thuyết tiền tệ. Trung tâm của học thuyết nầy là bảng cân đối tiền tệ. Bảng cân đối nầy theo hướng thu phải lớn hơn chi, phải đem tiền về càng nhiều càng tốt. Khối lượng tiền tệ chỉ có thể được gia tăng bằng con đường ngoại thương, phải giử lại tiền tệ trong nước, không để tiền chảy ra nước ngoài và bằng mọi cách phải thu hút tiền vào trong nước. Nhà nước phải can thiệp vào hoạt động kinh tế, trước hết là điều tiết lưu thông tiền tệ, cấm xuất khẩu tiền tệ, phải tích trữ tiền tệ, hạn chế nhập khẩu hàng hoá nước ngoài, lập những hàng rào thuế quan, giảm lợi tức cho vay, giám sát các thương nhân nước ngoài.
Do vậy, thời kỳ nầy là thời kỳ “tích lũy tiền tệ” của CNTB, khuynh hướng chung là dùng biện pháp hành chính, tức sự can thiệp nhà nước để giải quyết các vấn đề kinh tế.
Giai đoạn II: (thế kỷ XVI – XVII) còn gọi là chủ nghĩa Trọng thương thương mại, mở rộng buôn bán hàng hoá để làm giàu cho quốc gia. Do sự phát triển của sản xuất hàng hoá trong nước và thế giới, học thuyết tiền tệ không còn đáp ứng được nữa và đã thay thế bằng học thuyết trọng thương thương mại. Theo Các Mác đó là chủ nghĩa Trọng thương thực thụ. Nếu học thuyết tiền tệ chỉ chú trọng có lưu thông tiền tệ thì học thuyết Trọng thương chú trọng cả việc lưu thông hàng hoá, việc tăng thêm tiền tệ trong nước không chỉ dừng lại ở lưu thông tiền tệ.
Học thuyết Trọng thương đưa ra các biện pháp nhằm phát triển nội thương không hạn chế, mở rộng xuất khẩu, tán thành nhập khẩu với quy mô lớn, khuyến khích công nghiệp chế tạo sản phẩm nhập khẩu. Nguyên tắc nổi tiếng của giai đoạn nầy là bán nhiều, mua ít, có như vậy tiền sẽ tự động chảy vào trong nước mà không cần sự can thiệp của nhà nước, mặc dù họ vẫn thừa nhận nhà nước là một công cụ đắc lực để làm tăng của cải.
Như vậy, học thuyết Trọng thương giai đoạn nầy đã đoạn tuyệt với những tư tưởng cổ truyền được sinh ra trên cơ sở tự nhiên, nó không coi thương nhân và những người cho vay là những người làm ăn bẩn thỉu, ngược lại nó ca ngơi người làm nghề đó. Chủ nghĩa Trọng thương đã đặt ra những vấn đề thặng dư và đứng trên lĩnh vực lưu thông để giải quyết vấn đề đó.
4. Các sắc thái của phong trào Trọng thương
Chủ nghĩa Trọng thương không chỉ xuất hiện ở một nước mà trào lưu tư tưởng kinh tế lớn phát triển ở nhiều nước. Nổi bậc hơn hết là chủ nghĩa Trọng thương ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha v.v…Song do hoàn cảnh khác nhau nên chủ nghĩa Trọng thương ở những nước khác nhau có những sắc thái khác nhau.
a. Chủ nghĩa Trọng thương ở Anh
Ở Anh, chủ nghĩa Trọng thương đạt tới trình độ chín muồi nhất, nó trải qua 2 giai đoạn rõ rệt: học thuyết tiền tệ và chủ nghĩa Trọng thương. Nếu chủ nghĩa Trọng thương ở Pháp còn mang tính chất hạn chế tiểu tư sản, thì ở Anh nó mang tính triệt để do trình độ phát triển CNTB ở Anh chín muồi hơn ở Pháp.
Đại biểu cho giai đoạn thứ I của chủ nghĩa Trọng thương ở Anh là William Stafford (1554-1612). Quan điểm Trọng thương của ông thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “Trình bày tóm tắt những lời kêu ca của đồng bào chúng ta” (1581). Trong đó các hiệp sĩ, thợ thủ công, Fermier, tu sĩ tranh luận với nhau nói lên nhu cầu của mình, họ đại biểu cho tầng lớp xã hội Anh lúc bấy giờ. Ông cho nguyên nhân của nạn đắt đỏ ở Anh là do chính phủ quá lệ thuộc vào nước ngoài, bán nguyên liệu với giá rẻ và mua với giá đắt làm cho tiền chảy ra nuớc ngoài, quần chúng nhân dân nghèo đi. Vì vậy phải giử tiền lại nước Anh, cấm nhập khẩu hàng hoá xa xỉ và một số hàng hoá khác, cấm xuất khẩu tiền tệ và buột thương nhân nước ngoài phải chi tiêu toàn bộ trên nước Anh v.v…Rõ ràng giai đoạn nầy, những nhà Trọng thương chỉ chú ý vấn đề giử khối lượng tiền tệ không bị hao hụt bằng cách dùng những biện pháp hành chính, nhà nước trực tiếp can thiệp vào lưu thông tiền tệ.
Xem thêm : Sự hình thành tỉ suất lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất
Đến giai đoạn II, sang thế kỷ XVII, công nghiệp Anh đã lớn mạnh, thương nghiệp phát triển, CNTB hoàn toàn thiết lập. Đại biểu cho giai đoạn nầy là Thomas Mun (15711641). Ông là một thương nhân, giám đốc công ty Đông Ấn. Tác phẩm nổi tiếng của ông là: “Bàn về buôn bán giữa Anh và Đông Ấn” (1622). Trong đó ông phê phán gay gắt học thuyết tiền tệ, đồng thời phát triển lý luận về bảng “ Cân đối thương mại”, rằng thương mại là hòn đá thử vàng đối với sự phồn thịnh một quốc gia, không có phương pháp nào khác để kiếm tiền trừ thương mại, nếu xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu thì quỹ tiền tệ sẽ tăng lên. Năm 1630, ông viết tác phẩm: “Sự giàu có của nước Anh và mậu dịch đối ngoại”. Tác phẩm nầy được Các Mác gọi là “Kinh thánh của chủ nghĩa Trọng thương”, trong đó ông coi ngoại thương là công cụ bình thường và tốt nhất để nước nhà trở nên giàu có và tích lũy tiền tệ. Ông đưa ra 2 công thức: H1- T – H2, trong đó H1 > H2; T1 – H – T2, với T2 > T1, đó cũng là phương pháp thu tiền về nước Anh. Ông cho rằng tỉ giá hối đoái phụ thuộc vào Bảng cân đối thương mại.
b. Chủ nghĩa Trọng thương ở Pháp:
CNTB thời kỳ nầy đã phát triển mạnh ở Pháp, vượt xa nhiều nước. Điều đó làm cho chủ nghĩa Trọng thương cũng khá chín muồi so với những nước khác sau Anh. Chủ nghĩa Trọng thương ở Pháp không phải trải qua 2 giai đoạn phát triển rõ rệt, nhưng nó đóng vai trò phát triển nhanh chóng sự phát triển nền kinh tế Pháp lúc bấy giờ. Các tác giả tiêu biểu là: Antoine Moncrétien (1575-1622), Collbert (1619-1683), Jean Bodin v.v…
Các nhà kinh tế Pháp cũng cho rằng, một quốc gia giàu có là một quốc gia có nhiều tiền và khối lượng tiền tệ chỉ có thể được gia tăng bằng con đường ngoại thương. A Moncrétien cho rằng: : “Nội thương là chiếc ống dẫn dầu, ngoại thương là chiếc máy bơm, thương nhân là người nối liền các ngành nghề trong xã hội”…Do vậy phải định hướng sản xuất theo hướng xuất khẩu, lập hàng rào thuế quan bảo hộ mậu dịch, nâng đỡ việc xuất khẩu hàng hoá. Đối với thương nhân thì Collbert cho rằng có thể dành cho họ những quyền ưu tiên đặc biệt như: khỏi đi lính, theo tôn giáo nào cũng được v.v..
c. Chủ nghĩa Trọng thương ở Tây Ban Nha:
Chủ nghĩa Trọng thương Tây Ban nha còn gọi là chủ nghĩa Trọng thương tiền tệ. Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên chuyên về hàng hải, nền kinh tế phát triển được là nhờ những phát kiến hàng hải, chinh phục miền đất mới…
Các nhà Trọng thương Tây Ban Nha được cũng chủ trương tích lũy nhiều tiền (vàng) để làm giàu cho đất nước. Nhà nước nên cấm mang ra khỏi đất nước các loại quý kim dưới bất kỳ hình thức nào, hạn chế việc nhập khẩu hàng hoá, bớt xén số lượng quý kim trong mỗi đơn vị tiền tệ. Họ tưởng làm như vậy sẽ thu hút được nhiều tiền (vàng) từ nước ngoài, tăng thêm khối lượng tiền tệ trong nước và quốc gia Tây Ban Nha sẽ trở nên giàu có, giá cả hàng hoá sẽ thấp và đời sống nhân dân sẽ sung túc. Nhưng kết quả trái ngược với mong đợi của họ: giá cả tăng vọt, đời sống ngày càng cơ cực, nông nghiệp bị bỏ phế, công nghiệp bị biến dạng, còn thương mại lại bị chi phối toàn bộ từ bên ngoài. Một số khác tuy cùng quan điểm trọng thương, nhưng chủ trương mở mang nông nghiệp, phát triển công nghiệp mới thu hút được tiền vào trong nước….
Tóm lại, trong điều kiện lịch sử của thế kỷ XV, XVI, XVII, quan niệm của chủ nghĩa Trọng thương là một bước tiến lớn trong lịch sử, so với những chính sách thời Trung cổ. Điều nầy thể hiện ở chỗ:
– Chủ nghĩa Trọng thương lần đầu tiên trong lịch sử đã cố gắng nhận thức và giải thích các hiện tượng kinh tế về mặt lý luận dựa trên những thành tựu tri thức nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc nghiên cứu và nhận thức kinh tế trên cơ sở khoa học, đoạn tuyệt hẳn với những tư tưởng kinh tế thời Trung cổ giải thích hiện tượng kinh tế bằng tôn giáo. Chẳng hạn, họ cố gắng giải thích về CNTB, tìm nguồn gốc của lợi nhuận đầu tiên là lợi nhuận thương nghiệp trên cơ sở mua rẻ, bán đắt, kết quả trao đổi không ngang giá …
– Về thực tiễn: chủ nghĩa Trọng thương đã tạo ra được sự phát triển trong kinh tế, nhấn mạnh vấn đề cần phát triển, giao lưu, mở mang công nghiệp, phát triển thương nghiệp, phê phán mạnh mẽ nền kinh tế tự túc, tự cấp thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển
Tuy nhiên, bên cạnh những cống hiến trên, chủ nghĩa Trọng thương cũng còn nhiều hạn chế. Điều nầy thể hiện ở những thành tựu lý luận còn ít ỏi, cách nêu ra và giải quyết vấn đề còn đơn giản, chỉ mô tả bên ngoài, chưa tìm ra được quy luật phản ánh bản chất bên trong của những hiện tượng kinh tế, tầm nhìn của họ còn phiến diện, chỉ nghiên cứu lưu thông, không nghiên cứu sản xuất .
Tóm lại, như Các Mác nói:“ chủ nghĩa Trọng thương là học thuyết đầu tiên nghiên cứu về CNTB, nhưng CNTB lại đang ở trong giai đoạn đầu mới phát triển”. Do đó thiếu sót là điều không thể tránh khỏi.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp