Chủ nghĩa tư bản Anh giữa thế kỷ XIX
Nội Dung
I – Sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản Anh trong những năm 50-60 của thế kỷ XIX.
1. Sự phát triển kinh tế trong những năm 50-60 của thế kỷ XIX
Đến những năm 50-60 của thế kỷ XIX, nền công nghiệp Anh phát triển tới mức độ phồn thịnh, đứng hàng đầu trên thế giới. Các ngành công nghiệp đều tăng tiến với một tốc độ cực kỳ nhanh chóng.
Trong hai mươi năm (1850-1870) lượng than khai thác tăng lên ba lần (từ 34 triệu lên 110 triệu tấn), sản xuất gang tăng hơn 4 lần (từ 1,4 triệu lên 6 triệu tấn), chế tạo bông tăng tới 21-23 lần.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa tư bản Anh giữa thế kỷ XIX
Nước Anh trở thành công xưởng của thế giới: năm 1850 sản xuất một nửa sản lượng gang, hơn một nửa than đá, gần một nửa hàng chế tạo bằng bông của thế giới.
Nguyên nhân quan trọng làm cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ là cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh đã hoàn thành sớm trong khi các nước khác chỉ mới bắt đầu hoặc đã tiến hành nhưng còn kém xa. Do đó, nước Anh chiếm địa vị độc quyền trong công nghiệp nặng, có một thị trường tiêu thụ máy móc hàng hóa rộng lớn và thu được nhiều lãi.
Sự tăng tiến nhanh chóng của ngành đường sắt và bước chuyển biến căn bản trong phương tiện vận chuyển đường biển có ảnh hưởng lớn tới sản xuất công nghiệp. Nước Anh đã cung cấp tàu biển cho hầu hết các nước khác, sử dụng rộng rãi tàu chạy bằng hơi nước. Do đó, nó đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng ngành luyện kim và cơ khí, tăng cường chuyên chở hàng hóa Anh đi bán khắp nơi và đẩy mạnh việc lưu thông tư bản. Trong 25 năm (1845-1870) nước Anh xuất cảng máy móc tăng gấp 10 lần.
Sự kiện có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế ở Anh còn là việc phát hiện ra mỏ vàng ở Caliphoócnia Bắc Mỹ (1847) và ở Ôxtrâylia (1851). Phần lớn số vàng khai thác đều rơi vào túi các nhà kinh doanh và ngân hàng Anh, vì khi đó chỉ có nước Anh mới có thể đặt ra vấn đề đổi vàng và có thể chuyên chở nhanh chóng hàng hóa sang để đổi hàng lấy vàng cho hàng chục vạn người đang ùn ùn kéo về Calỉphoócnia và Ôxtrâylia. Hàng hóa xuất khẩu từ Anh sang Ôxtrâylia trong mười năm (1852-1861) tăng lên gấp 60 lần so với mười năm trước đó.
Yêu cầu phát triển nhanh chóng về công nghiệp đòi hỏi quy mô của các xí nghiệp phải thay đổi. Những nhà máy sử dụng hàng nghìn công nhân không còn là hiện tượng hiếm hoi và có những xí nghiệp đông tới hàng vạn người. Nhiều thành phố, bến tầu, cửa biển trở nên sầm uất. 60% dân số Anh sống tập trung trong các thành thị.
Nhưng ngay trong những ngày phồn vinh nhất của chủ nghĩa tư bản, nước Anh cũng phải trải qua hai cuộc khủng hoảng lớn năm 1857 và năm 1866, gây nên nhiều tổn thất.
Xem thêm : Triết học – hạt nhân lý luận của thế giới quan
Nền nông nghiệp nước Anh cũng không ngừng phát triển, nhất là từ sau khi thủ tiêu đạo luật về xóa bỏ thuế nhập lúa mì. Trong khoảng 20 năm từ 1850-1870, nông nghiệp Anh bước vào thời kỳ phồn vinh chưa từng có. Tư bản đầu tư vào nông nghiệp lên tới 1/3 và có khuynh hướng tăng cường ngành chăn nuôi. Khẩu hiệu của các phacmơ khi đó là “gia súc đi đôi với lúa mì”.
Trong thời gian này, ngành thương nghiệp của nước Anh cũng rất phát triển. Cùng với việc thủ tiêu luật lúa mì, năm 1846, chính sách tự do buôn bán được tiến hành mạnh mẽ qua việc xóa bỏ phần lớn các thứ thuế xuất nhập khẩu làm cho giá nguyên liệu và lúa mì hạ xuống, hàng hóa sản xuất ra đều hạ giá thành. Năm 1849 đạo luật hàng hải được hủy bỏ sau gần hai thế kỷ tồn tại. Do đó tàu bè được tự do đi lại buôn bán giữa Anh và các thuộc địa của Anh với các nước khác. Những chính sách đó có lợi cho giai cấp tư sản Anh vì hàng Anh vừa rẻ, vừa tốt, có thể dễ dàng xâm nhập thị trường các nước khác và cản trở nền công nghiệp dân tộc các nước đó. Trong những năm 40-60 của thế kỷ XIX, chính phủ Anh tiếp tục giảm thuế đối với những hàng xuất nhập khẩu và ký kết những hiệp nghị hạ thuế quan với các nước khác, đưa tổng sản lượng xuất nhập khẩu năm 1850-1870 tăng gấp đôi so với trước. Như vậy, chính sách “tự do buôn bán” hầu như chỉ đem lại lợi nhuận một chiều cho giai cấp tư sản Anh vì hàng hóa của các nước khác không thể nào cạnh tranh nổi với hàng Anh.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Anh trong những năm 50-60 của thế kỷ XIX đã đưa nước Anh bước vào thời đại phồn vinh, không những đóng vai trò của một “công xưởng thế giới” mà còn giữ địa vị “bá quyền trên mặt biển”.
2. Chính sách xâm lược thuộc địa
Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa đòi hỏi nguyên liệu và thị trường. Vấn đề thuộc địa trở nên vô cùng cấp thiết. Năm 1856, nước Anh tiến hành cuộc chiến tranh Thuốc phiện lần thứ hai để xâm lược Trung Quốc, buộc triều đình Mãn Thanh phải bồi thường và mở thêm cửa biển buôn bán. Cùng năm đó, quân Anh bắt đầu xâm lược Ba Tư, ép chính quyền địa phương thừa nhận độc quyền của bọn nhà buôn Anh được tự do đi lại trong vịnh Ba Tư. Năm 1863, tầu chiến Anh cùng với các nước khác (Pháp, Hà Lan, Mỹ) bắn phá Kagôsima buộc Nhật phải bồi thường chiến phí và mở rộng cửa biển cho hàng hóa nước ngoài tràn vào. Năm 1867, Anh can thiệp quân sự vào Abixini, cướp phá thủ đô và đòi cho tàu Anh được tự do ra vào nước này. Cũng trong thời gian những năm 30-60, nước Anh đã xâm chiếm Niu Dilân, chiếm toàn bộ miền Tây Miến Điện, tấn công các bộ lạc ở Nam Phi, đàn áp cuộc khởi nghĩa của nô lệ chống chủ đồn điền ở Jamaica (1865), tràn vào Êtiôpia (1868).
Thuộc địa lớn và quan trọng nhất của Anh là Ấn Độ. Đến giữa thế kỷ XIX, nước Anh đã hoàn thành căn bản cuộc chiến tranh xâm lược ở Ấn Độ, sáp nhập những vương quốc nhỏ có tính chất địa phương vào lãnh địa chung dưới quyền thống trị của Anh. Nữ hoàng Vichtoria tự xưng là Nữ vương của Ấn Độ.
Cùng với việc mở rộng thuộc địa, số người di cư từ Anh sang Canada, Ôxtrâylia, Niu Dilân và Nam Phi ngày càng đông. Đặc biệt là Ôxtrâylia sau khi phát hiện ra mỏ vàng, số người tăng trong khoảng năm 1851-1861 từ 438 nghìn lên 1.145 nghìn người.
Alien là thuộc địa sớm nhất và gần gũi nhất của nước Anh. Ruộng đất đều nằm trong tay bọn quý tộc địa chủ Anh, còn người dân Alien làm tá điền sống trong cảnh cực khổ, đói khát.
Cuộc đấu tranh nổi tiếng của nhân dân Ailen trong thời kỳ này là phong trào Phênăng, lấy theo tên một vị anh hùng giải phóng thế kỷ XVIII là Phênnơ Mac Cun. Đó là một tổ chức bí mật, mang tên chính thức là “Hội đoàn kết những người cách mạng Ailen” bao gồm cả công nhân, cố nông dưới sự lãnh đạo của trung và tiểu tư sản. Họ chủ trương thành lập nước cộng hòa Ailen, nhưng dùng biện pháp khủng bố bí mật chứ không dựa vào quần chúng. Chính vì vậy, trong cuộc khởi nghĩa năm 1867, họ bị thất bại nhanh chóng.
II – Phong trào công nhân Anh trong những năm 50-60 của thế kỷ XIX
1. Đời sống giai cấp công nhân Anh
Sự phồn vinh của chủ nghĩa tư bản không đem lại sự cải thiện căn bản cho giai cấp công nhân Anh. Trái lại đời sống của họ ngày càng khổ cực, nặng nề.
Xem thêm : Nguyên tắc toàn diện (Quan điểm toàn diện)
Trong khi đó, bọn chủ tư bản vẫn không ngừng tăng cường bóc lột. Điều kiện lao động không được đảm bảo, tai nạn luôn luôn xảy ra. Từ năm 1851 đến 1870, 1437 vụ nổ ở các mỏ than đã làm chết và bị thương gần 5000 công nhân.
Tình trạng công nhân nông nghiệp lại càng hết sức nặng nề, bị bóc lột cùng cực. Đời sống của họ còn thua kém cả những người tù. Lao động phụ nữ và trẻ em được sử dụng rộng rãi với tiền công hết sức rẻ mạt. Năm 1875, số trẻ em làm việc trong các xưởng dệt tăng gấp ba lần so với năm 1847.
Những con số đó thể hiện rõ rệt đời sống thấp kém của công nhân Anh, vẽ lên bức tranh tương phản giữa sự hưng thịnh của nền kinh tế, sự giầu có của giai cấp tư sản và tình trạng khổ cực của đông đảo công nhân. Đằng sau sự phồn vinh bề ngoài của chủ nghĩa tư bản chính là cuộc đời lam lũ, bần cùng của người dân lao động. Cho nên, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, đối kháng giai cấp ngày càng lớn lên và dẫn tới những cuộc xung đột gay gắt.
2. Nghiệp đoàn và sự xuất hiện tầng lớp công nhân quý tộc
Điều nổi bật trong những năm 50 là sự phát triển của phong trào nghiệp đoàn. Bên cạnh những tổ chức cũ, nhiều nghiệp đoàn mới xuất hiện và có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn công nhân đấu tranh chống giới chủ, lãnh đạo những cuộc bãi công và tăng cường đoàn kết trong công nhân. Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi đặc điểm chính của phong trào công nhân Anh trong thời kỳ này là sự đình trệ, và phong trào Hiến chương có tính chất cách mạng được thay thế bằng chủ nghĩa nghiệp đoàn có tính chất cải lương. Chính sách của các thủ lĩnh nghiệp đoàn bắt đầu thay đổi. Họ hạn chế những cuộc đấu tranh của công nhân chống giới chủ trong phạm vi nhỏ hẹp, dưới hình thức những cuộc bãi công thuần túy kinh tế với mục đích đòi hỏi cải thiện đời sống của một bộ phận công nhân nào đó. Tầng lớp công nhân quý tộc gồm những người có trình độ chuyên môn giỏi, lương cao, là cơ sở xã hội ủng hộ đường lối đó. Họ đi vào con đường bè phái, thành lập nghiệp đoàn riêng, tách rời khỏi quần chúng cơ bản để duy trì và bảo vệ những đặc quyền của họ. Những tổ chức đó gây nhiều tác hại cho phong trào đấu tranh giữa chủ và thợ, đưa những cuộc bãi công vào con đường thỏa hiệp, ngăn cản sự thống nhất và làm giảm sức mạnh của giai cấp công nhân. Số người tham gia những nghiệp đoàn trên còn rất ít, trong những năm 60 chỉ có chừng 10% số công nhân công nghiệp. Tuy vậy so với những nước châu Âu thì số lượng công nhân tham gia tổ chức ở Anh vẫn đông hơn cả.
3. Phong trào đấu tranh đòi cải cách nghị viện
Năm 1857, ở Anh cũng như các nước khác, đã xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng làm cho đời sống của công nhân trở nên hết sức nặng nề, 12% đoàn viên nghiệp đoàn thất nghiệp, số công nhân ngoài tổ chức không có công ăn việc làm còn đông gấp bội. Ở Mantretxtơ, hơn một nửa số công nhân bị mất việc. Bọn chủ lợi dụng điều đó để hạ giá thuê nhân công và giảm bớt điều kiện lao động. Các cuộc đấu tranh của công nhân diễn ra ở khắp nơi.
Sự kiện quan trọng trong những năm này là cuộc đấu tranh chống chính sách đối ngoại của chính phủ. Trong thời kỳ nội chiến Mỹ (18611865), giai cấp công nhân Anh đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ do Lincôn đứng đầu, kiên quyết chống chính sách của chính phủ Anh can thiệp và giúp đỡ chủ nô, chủ đồn điền miền Nam nước Mỹ. Giai cấp công nhân Anh cũng nhiệt liệt hoan nghênh cuộc khởi nghĩa năm 1863 ở Ba Lan, cuộc đấu tranh thống nhất của nhân dân Ý. Sự tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị đã có tác dụng nâng cao tính giác ngộ của công nhân, tăng cường ảnh hưởng của những phần tử tiên tiến trong những hoạt động quốc tế của công nhân. Giai cấp công nhân Anh đã có những cống hiến lớn lao cho sự thành lập Quốc tế thứ nhất và Quốc tế cũng góp phần quan trọng vào việc giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản cho công nhân Anh.
Cuộc đấu tranh sôi nổi và quan trọng của công nhân trong những năm 60 của thế kỷ XIX tập trung vào yêu cầu cải cách chế độ tuyển cử. Trung tâm của cuộc đấu tranh là Mantretxtơ. Cơ sở quần chúng của phong trào đòi cải cách chế độ tuyển cử là các nghiệp đoàn, phần lớn bao gồm công nhân có kỹ thuật lành nghề. Tổ chức này khác hẳn thời kỳ Hiến chương vì nó thu nhận rất ít công nhân không lành nghề, quyền lãnh đạo trong tay lãnh tụ các nghiệp đoàn.
Cuộc đấu tranh của công nhân làm rung động chính quyền và nghị viện, Chính phủ phái Tự do bị sụp đổ. Đảng Bảo thủ lên cầm quyền buộc phải đưa ra trước nghị viện đạo luật cải cách tuyển cử năm 1867. Theo đó quyền đại biểu của 46 “thị trấn hoang tàn” còn tồn tại sau đạo luật năm 1832, nay bị bãi bỏ và chuyển sang các thành phố công nghiệp, ở thành phố, những người thuê nhà được bỏ phiếu nếu tiền thuê hàng năm không dưới 10 bảng Anh và đã sống ở nơi bỏ phiếu từ một năm trở lên. Ở nông thôn những người thuê đất phải trả thuế đất hàng năm trên 12 bảng Anh hoặc những chủ đất có lợi tức 5 bảng Anh mới được đi bầu. Như vậy do điều kiện tuyển cử hạ thấp, số cử tri tăng lên từ 1 triệu lên 2 triệu rưỡi trong số 16 triệu dân. Nhưng thực ra quyền tuyển cử chỉ mở rộng cho tầng lớp tiểu tư sản và một số ít công nhân lớp trên, có đời sống khá giả. Còn phần lớn công nhân và nông dân vẫn không hề được tham gia bầu cử. Cuộc cải cách nghị viện lần thứ hai này, về thực tế cũng vẫn không mang lại quyền lợi cho quần chúng nhân dân lao động.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức